Tự hào và niềm vinh dự cho Phật giáo Việt Nam

Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc - Vesak 2008 là một sự kiện “nóng” của những người con Phật. Trang Phật giáo - Tuổi trẻ tiếp tục ghi nhận những ý kiến tâm huyết về ngày Đại lễ này...

-ĐĐ.THÍCH HẠNH TÍN (Tu viện Vĩnh Đức, Q.2, TP.HCM): Từ khi Lễ Phật đản trở thành ngày lễ mang tính quốc tế đã đánh dấu một bước ngoặt mới đối với Phật giáo Việt Nam và thế giới. Điều đó chứng tỏ đạo Phật được thế giới coi trọng như một tôn giáo luôn mang đến thông điệp hòa bình cho nhân loại. Còn với nước ta, được đăng cai tổ chức đại lễ này cho thấy Phật giáo của Việt Nam có một vị trí quan trọng trong đời sống Phật giáo quốc tế. Đồng thời cũng là dịp để cho thế giới biết Việt Nam là đất nước hòa bình, luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng.

Qua đại lễ này tôi nghĩ nhiều Phật tử và người dân sẽ hiểu hơn về ngày Phật đản cũng như đạo Phật và những giá trị thực tiễn trong đời sống mà đạo Phật mang lại. Hiện tại, tôi thấy các chùa đã có sự hưởng ứng tích cực các hoạt động do Thành hội tổ chức. Và cách thức tổ chức những hoạt động văn nghệ, thi viết về đạo Phật và những thay đổi tích cực là những sáng kiến hay thu hút nhiều người. Song song, cần đẩy mạnh hơn nữa việc đưa các thông tin về ngày lễ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là báo Giác Ngộ, Văn Hóa Phật Giáo. Đồng thời, nếu được thì nên có những quy định bắt buộc bên cạnh những khuyến cáo đối với các tự, viện trong khâu tổ chức và hưởng ứng ngày lễ lớn của Phật giáo.

- Phật tử HUỲNH LONG NGỌC DIỆP (PD: Hoa Minh) : Tôi là người có tinh thần dân tộc rất cao nên khi hay tin ngày Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Việt Nam tôi cho đó là vinh dự cho Phật giáo và đất nước mình. Con người luôn hướng tới một xã hội tiến bộ và Phật giáo có thể mang đến cho nhân loại điều đó. Thông qua giáo lý của Đức Phật với ba yếu tố: Tâm - Đức – Tài sẽ giúp con người hoàn thiện chính mình và từ đó họ sẽ là nhân tố làm nên một xã hội tiến bộ.

Việc công nhận Lễ Phật đản trên bình diện quốc tế tuy có hơi muộn một chút nhưng đó là điều đáng mừng. Và càng mừng hơn khi Việt Nam trở thành nước đăng cai tổ chức Đại lễ trong thời khắc hội nhập mạnh mẽ này. Đó là cơ hội để nhiều người biết đến đạo Phật và là dịp quảng bá hình ảnh Phật giáo và đất nước đến với bạn bè thế giới. Tôi cho rằng nhân dịp tổ chức Đại lễ chúng ta nên quảng bá nét riêng của Phật giáo Việt Nam trong nhiều thế kỷ qua, đó cũng là nói về lịch sử Việt Nam vì đạo Phật luôn đồng hành với dân tộc trên từng chặng đường giữ nước và dựng nước!

- Phật tử - Diễn viên TRÍ QUANG: Bản thân tôi cũng là một Phật tử nên tôi thường xem tin tức, thông tin về Phật giáo qua báo đài, trên mạng và cũng biết về Đại lễ Phật đản. Đây đúng là sự kiện rất quan trọng, là cơ hội để truyền bá thông điệp hòa bình, từ bi, tiến bộ và hòa hợp của Đức Phật. Tôi nghĩ, thành công của hoạt động này sẽ có tác dụng tích cực đến sự đoàn kết hữu nghị và phát triển đất nước. Đồng thời Đại lễ được tổ chức tại Việt Nam sẽ là nhân duyên đặc biệt để người Phật tử trưởng dưỡng đạo tâm, học hỏi nhiều điều hay về Phật pháp.
Từ xưa đến nay, nhiều nơi trên thế giới và ngay tại Việt Nam đã minh chứng rất rõ rằng: Đạo Phật đưa nhân loại đến hòa bình, giúp mọi người có đời sống an lạc, tỉnh thức. Vì vậy việc tổ chức một Đại lễ lớn tại nước ta sẽ là dịp để đưa thông điệp ấy vào đời sống con người. Để tổ chức Đại lễ này thành công, chúng ta phải chuẩn bị thật kỹ những khâu tổ chức, tuyên truyền… Và tôi cho rằng mọi người đều có thể góp một phần công sức của mình để làm cho ngày lễ này được long trọng, trang nghiêm bằng nhiều cách: tham gia trực tiếp, gián tiếp, cổ động…


Cùng với sự đổi mới và hội nhập của đất nước, Phật giáo Việt Nam đã từng bước chuyển mình, vươn lên để khẳng định vị trí trong lòng dân tộc, đóng góp vào công cuộc phát triển các giá trị tâm linh, đạo đức và văn hóa truyền thống. Xã hội Việt Nam hiện nay đang chứng kiến nhiều vấn đề nan giải như: đạo đức xuống cấp, văn hóa bị ngoại lai, trong đó có không ít văn hóa đọc đang xâm nhập vào đời sống xã hội, vấn nạn tham nhũng… Chính vì vậy những yếu chỉ của đạo Phật trong đời sống hàng ngày để giáo dưỡng con người là đường hướng mang tính giải pháp cho những vấn đề đó. Việc tự giác, giác tha, thực hành bồ tát đạo để làm lợi cho nhân sinh, đưa đạo Phật vào cuộc đời là việc làm mang tính cấp thiết. Và đây, dịp này (nhân Đại lễ Vesak 2008 – NV) sẽ là dịp để chúng ta ứng dụng điều đó!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Giác linh đài cố Hòa thượng Thích Thiện Toàn tại chùa Thanh Hà

Đà Nẵng: Lễ tưởng niệm Tiểu tường cố Hòa thượng Thích Thiện Toàn

GNO - Sáng nay 30-4 (22-3-Giáp Thìn), môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tổ chức Lễ tưởng niệm Tiểu tường cố Hòa thượng Thích Thiện Toàn tại chùa Thanh Hà (Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng), nguyên Ủy viên Hội đồng Trị sự, nguyên Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng, trụ trì chùa Thanh Hà và chùa Pháp Lâm.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Kiềm chế các căn

GNO - Kiềm chế các căn có nghĩa là đảm bảo rằng chúng hòa hợp với các đối tượng của chúng.

Thông tin hàng ngày