Vai trò của Phật giáo ở thế kỷ XXI

Thiền Phật giáo đang giúp đỡ rất nhiều người vượt qua khổ đau và khám phá được sự yên bình trong tâm của chính mình
Thiền Phật giáo đang giúp đỡ rất nhiều người vượt qua khổ đau và khám phá được sự yên bình trong tâm của chính mình
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong một chia sẻ gần đây, Anam Thubten Rinpoche - người sáng lập Quỹ Dharmata - cho biết về tình trạng cũng như vai trò của Phật giáo đối với xã hội phương Tây ngày nay.

Gần đây, tôi có chia sẻ về một chủ đề mang tên “Vai trò của Phật giáo trong thế kỷ XXI” ở Luân Đôn, một trong những nơi khai sinh ra sự hiện đại của thế giới mà chúng ta đang tận hưởng. Ngày nay, Luân Đôn vẫn là một thành phố hoa lệ, một trung tâm kinh tế và văn hóa, nhưng cũng có nhiều thành phố khác trên thế giới giàu mạnh tương tự, nếu không nói là hơn thế nữa. Bản thân Vương quốc Anh là một quốc gia tương đối nhỏ trên một hòn đảo với số dân khiêm tốn, nên thật khó để tưởng tượng được rằng ngày xưa, đất nước này đã xây dựng đế chế lớn nhất và từng khởi xướng cuộc cách mạng công nghiệp, sau đó là khai sinh ra thế giới khoa học và công nghệ hiện đại mà chúng ta đang tận hưởng ngày nay.

Anam Thubten Rinpoche

Anam Thubten Rinpoche

Chủ đề này rất thú vị để suy ngẫm, nhưng đó lại là điều mà hầu hết các Phật tử luôn phớt lờ hoặc thậm chí chưa từng nghĩ đến trong cuộc sống hàng ngày của họ, cho dù họ có đang cảm thấy hạnh phúc và tràn đầy hỷ lạc trong khi thực hành tôn giáo. Tuy nhiên, vấn đề này thật sự rất cần thiết để đem ra thảo luận trong kỷ nguyên mới này, khi mà các tổ chức tôn giáo trên thế giới đang dần sụp đổ, không chỉ do một mà từ nhiều yếu tố khác nhau.

Ở thế giới phương Tây, “none” - dùng để chỉ những người không theo tôn giáo nào - gần đây lại là nhóm dân số phát triển nhanh nhất. Những cơ sở tập trung của những người không theo tôn giáo đang thu hút vô số tín đồ mà không cần những người thuyết giáo hay việc gõ cửa bằng những tờ rơi. Điều này một phần là do nhiều người không tin vào các học thuyết tôn giáo chính thống, hoặc bởi vì họ tự xác định mình là người có “tâm linh nhưng không theo tôn giáo”.

Cũng có thể bởi vì bên cạnh họ còn có rất nhiều công việc phải làm và các hoạt động hấp dẫn trong cuộc sống hiện đại: nấu ăn, đi chơi, xem TV và nhiều hơn thế nữa. Trừ khi có một số sự kiện trọng đại đủ sức đảo ngược xu hướng này, bằng không thì phương Tây sẽ ngày càng trở nên phi tôn giáo hơn. Nó cũng sẽ không còn là thành trì của Do Thái hay Cơ Đốc giáo nữa.

Còn Phật giáo thì sao? Thật khó để dự đoán về tương lai của Phật giáo. Tuy nhiên, nếu chúng ta điều chỉnh lại câu hỏi rằng: “Vai trò của Phật giáo trong thế kỷ XXI là gì?” để chúng ta có thể dễ dàng tìm ra câu trả lời một cách thấu đáo hơn. Phật giáo là một truyền thống độc đáo, và có thể xem đây là một tôn giáo, nhưng đồng thời, khái niệm này cũng không thực sự phù hợp với định nghĩa hạn hẹp về tôn giáo mà các nhà tư tưởng phương Tây nhắc đến. Phật giáo thực ra lớn hơn cả khái niệm về tôn giáo, bởi khái niệm ấy vốn bắt nguồn từ đức tin về một đấng Thượng đế đã tạo ra toàn bộ vũ trụ. Ngược lại, một định đề như vậy đã bị Phật giáo bác bỏ hết lần này đến lần khác để đảm bảo rằng Phật giáo không bị hiểu sai là thuyết hữu thần.

Có nhiều lý do xác nhận sự liên hệ của Phật giáo đối với nhân loại trong thế kỷ này, một trong số đó là Phật giáo không chủ trương thuyết hữu thần, mà thay vào đó là sự hiểu biết về bản chất thực tại của các pháp. Vì vậy, những người không thể ép buộc bản thân tin vào Thượng đế có thể tìm thấy cho mình một nơi để gửi gắm tâm linh và một con đường khác siêu việt hơn. Có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên hầu hết Phật tử phương Tây đến với Phật giáo bởi vì họ mong muốn tìm ra con đường tâm linh mang lại ý nghĩa thực sự cho cuộc sống, nhưng họ không thể chấp nhận một giáo lý hữu thần.

Vài năm trước, một người bạn của tôi làm việc tại Google ở Mountain View, California, đã nói với tôi rằng công ty lập ra nhiều nhóm với những mục đích khác nhau. Trong số các nhóm tôn giáo, câu lạc bộ Phật giáo khá đông và những cuộc tụ họp của nhóm này có cả sự tham gia của những người có gốc gác đa dạng, một số người theo văn hóa Phật giáo nhưng cũng có một số người khác không xác định mình là Phật tử. Trong khi nhiều nhân viên của Google là những người có tư tưởng cấp tiến tiêu biểu cho thế kỷ XXI, họ có trình độ học vấn cao và được hưởng nhiều lợi ích mà mọi người trong quá khứ thậm chí không thể chạm tới được, nhưng họ vẫn tham gia câu lạc bộ để học hỏi về giáo lý của Phật giáo và trò chuyện với những người có chung quan điểm với mình. Đây có thể là một ví dụ nhỏ về cách mà những giáo lý của Phật giáo mang đến nhiều lợi ích cho chúng ta, bất kể hệ thống tín ngưỡng và tôn giáo của chúng ta là gì.

Đức Phật có một tuệ quán sâu sắc về tình trạng hiện tại của nhân loại. Ngài hiểu rằng tâm trí bên trong của con người không chỉ là nơi ẩn náu của những mầm mống khổ đau mà còn là nơi chứa đầy những nhân tố đưa đến giác ngộ và giải thoát. Ngài cũng đã chỉ dạy toàn bộ giáo lý và phương pháp tu tập để chuyển hóa gốc rễ của khổ đau. Vì vậy, theo nghĩa đó, Đức Phật là một bậc thầy của tâm lý học giác ngộ, Ngài đã hiểu được hoạt động của tâm trí của con người và biết cách giải thoát chúng ta ra khỏi những cạm bẫy của nó. Thiền tuệ là một trong những phương pháp chính mà Ngài đã giảng dạy.

Ngày nay, thiền Phật giáo đang giúp đỡ rất nhiều người vượt qua khổ đau và khám phá được sự yên bình trong tâm của chính mình. Phương pháp chánh niệm cũng bắt nguồn từ truyền thống Phật giáo. Cho đến nay, chúng ta thật ngạc nhiên khi biết rằng chánh niệm đã trở nên phổ biến như thế nào, nó được mọi người từ các tầng lớp xã hội khác nhau đón nhận và được nhiều tổ chức áp dụng nhằm cải thiện và phát triển sức khỏe tinh thần.

Hiện nay, Phật giáo vẫn còn đang phát triển mạnh ở phương Đông. Sớm hay muộn, khi các xã hội châu Á dần trở nên hiện đại hơn, nhiều xã hội sẽ có xu hướng bị thế tục hóa một cách tự nhiên. Vì vậy, để Phật giáo phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới này, chúng ta phải đảm bảo rằng Phật giáo có thể đáp ứng được những nhu cầu tinh thần của nhân loại trong thời hiện đại - những người đang liên tục thay đổi quan điểm và lối sống của mình.

Nhiệm vụ này nằm trên vai của Tăng đoàn và những nhà lãnh đạo Phật giáo, nếu họ có cách tiếp cận đúng đắn, Phật giáo sẽ kéo dài tuổi thọ và tiếp tục mang đến lợi ích cho nhân loại, giúp cộng đồng tìm thấy sự bình an và hạnh phúc nội tâm. Trí tuệ vượt thời gian, vượt mọi rào cản địa lý và văn hóa của Phật giáo, nếu có thể được truyền bá và giảng dạy một cách đúng đắn, sẽ khiến cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Đó cũng là lý do tại sao nhiều trí thức nhận định rằng Phật giáo là tôn giáo duy nhất có thể đi cùng với tư duy hiện đại, mà cụ thể là khoa học.

Phật giáo ở phương Tây đang phát triển theo một cách rất đặc biệt. Tôi đã phát hiện ra rằng nhiều người phương Tây thực hành Phật giáo không chỉ hiểu đúng các giáo lý Phật giáo mà còn đặt cả sự chân thành để thay đổi bản thân thông qua việc thực hành Pháp.

Các vị giảng dạy Pháp thường gặp nhiều thách thức trong khi giảng dạy Phật giáo ở phương Tây, nơi mà Phật giáo không có nguồn gốc lịch sử. Hầu hết các Phật tử châu Á lớn lên trong nền văn hóa thấm nhuần âm hưởng của Phật giáo. Nhưng dù sao đi nữa, đây không phải là một tin xấu. Bởi điều đó chứng minh rằng Phật giáo là một dòng chảy sống động với sức mạnh giải thoát và giác ngộ thay vì chỉ là một truyền thống cổ hủ, bó buộc và mất đi sự sống. Đối với tôi, việc nhiều cá nhân có kiến thức xã hội và đầu óc logic ở phương Tây theo đạo Phật là bằng chứng cho thấy rằng truyền thống này đang đóng vai trò quan trọng trong thời đại chúng ta, ngay cả đối với một người sống trong xã hội hiện đại và phi tôn giáo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Võ Dũng

Tỳ-kheo-ni Tô-ma

NSGN - Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tô-ma2  ngụ tại tinh xá của chúng Tỳ-kheo-ni, ở trong ngự viên, thuộc nước Xá-vệ.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1272 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Chữa bệnh và giải nghiệp

GNO - Bạn bè tôi cho rằng song hành với việc trị liệu theo y học thì cần nỗ lực chuyển nghiệp bằng cách sám hối thật nhiều và tạo phước thật lớn để hồi hướng mới có thể giải nghiệp và mong khỏi bệnh. Tôi không biết quan niệm này có đúng với Chánh pháp?

Thông tin hàng ngày