Về chùa tu học mùa an cư

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1207 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1207 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sau những tháng ngày miệt mài với công việc, học hành, nhiều bạn trẻ đã sắp xếp những bộn bề, xin về chùa công quả và tu học cùng chư Tăng trong mùa An cư kiết hạ Phật lịch 2567.

Tìm ý nghĩa của hạnh phúc

Hơn 2 tuần công quả, sinh hoạt tu học, cùng khép mình trong thời khóa an cư ở tu viện Khánh An (TP.HCM), bạn Phạm Nguyên Khôi (25 tuổi, H.Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) đã có những chia sẻ về niềm vui khi tìm được hạnh phúc thật sự của chính mình.

Cũng như các bạn trẻ khác, Nguyên Khôi có nhiều gánh nặng mưu sinh. Mỗi ngày, công việc của bạn quay cuồng, chạy đua với thời gian và áp lực nên mệt mỏi từ thân đến tâm. “Tôi thấy cần phải nuôi dưỡng lại tâm hồn mình nên đã sắp xếp công việc và xin về chùa làm công quả trong mùa an cư”, Nguyên Khôi cho biết.

Những ngày đầu, việc làm quen với thời khóa có một chút khó khăn, nhưng chỉ sau mấy ngày, Khôi đã tìm được sự thoải mái, an lạc trong các thời tụng kinh, ngồi thiền, chấp tác với những năng lượng tích cực và sự nuôi dưỡng. Những buổi pháp thoại, pháp đàm của chư Tăng giúp Khôi được mở rộng thêm kiến thức về Phật giáo và đạo đức. Sự hòa hợp trong thời gian sống chung của các bạn công quả, cùng nương nhờ ân đức của chư Tăng an cư, là những điều đã giúp Khôi nhận diện rõ hơn về bản thân, về niềm hạnh phúc thật sự và buông bỏ những tạp niệm.

“Mùa an cư mỗi năm tôi mong sẽ có thêm nhiều bạn trẻ đến cùng tu học, để các bạn khôi phục lại những năng lượng đã mất, hoặc khôi phục lại tinh thần của mình để tiếp tục cho con đường học hành và cuộc sống sau này. Tôi mong bản thân mình càng ngày càng sống chánh niệm, sống đúng như lời Phật dạy để giúp được cho mình và cho nhiều người hơn”, Nguyên Khôi chia sẻ.

Tìm lại đứa trẻ hồn nhiên bên trong mình

Bạn Phạm Huỳnh Thư (23 tuổi, Bình Định) có nhân duyên đến với khóa tu trong mùa an cư tại tu viện Khánh An vì đang muốn tìm một nơi giúp bản thân giải tỏa những khó khăn trong cuộc sống, có những tổn thương bên trong không vượt qua được và tìm một nơi để quay về với chính mình.

Thời khóa an cư kiết hạ ở tu viện mỗi ngày bắt đầu từ 3 giờ 45 phút và kết thúc một ngày lúc 22 giờ, với các thời ngồi thiền, chấp tác, nghe thuyết pháp, tụng kinh, thọ trai, sám hối, cúng thí, pháp đàm, kinh hành,… hơi nhiều so với năng lượng và sức khỏe, nên có một số thời khóa Thư xin phép không tham gia.

Thư kể ngày trước hay đổ lỗi cho mọi người vì nghĩ rằng họ làm mình đau khổ, đã gây ra cho mình những tổn thương. Đến khi tìm hiểu và học Phật pháp, Thư dần dần chấp nhận và mở được trái tim mình. “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất của tôi bây giờ đó là phải cố gắng rất nhiều để giúp đỡ cho bản thân mình. Kết nối với những người có năng lượng tích cực cho tôi cảm giác quay về lúc vô tư hồn nhiên nhất, không lo nghĩ một thứ gì cả, để được chữa lành và ngày nào đó sẽ bước đi bằng chính đôi chân của mình”, Phạm Huỳnh Thư chia sẻ.

Những ngày tu học, hòa giữa môi trường có thiên nhiên, với sự nuôi dưỡng từ tập thể tu học, mỗi lần năng lượng trong người cạn kiệt thì Thư hay tìm một góc nào đó ngồi xuống, phần nào đó đã xoa dịu những sự mệt nhọc tổn thương trong lòng.

“Tôi rất cảm động hôm pháp đàm ngày đầu tiên quay lại Khánh An, có thầy và các bạn trẻ đều hết lòng lắng nghe và tôi được mở lòng chia sẻ những khó khăn của bản thân. Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi nhận được những lời chia sẻ yêu thương, được hưởng năng lượng bình an từ các thầy, được đại chúng đã quan tâm và yêu thương, giúp tôi tháo gỡ nhiều nút thắt trong lòng”, Thư nói.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày