Vu lan về, mẹ có cô đơn?

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Cứ mãi loay hoay với giãn cách, với dịch bệnh Covid-19 mà tôi quên bẵng đi mùa Vu lan báo hiếu đã về...

Vu lan cũng là dịp giỗ ba. Mỗi năm, tôi đều về quê. Nhưng năm nay, Sài Gòn - thành phố đang giãn cách, chẳng thể về thăm mẹ và thắp một nén hương cho ba.

Mở điện thoại, lịch sử hiển thị cuộc gọi cho mẹ cách đây sớm nhất cũng cả tuần trước. Chỉ vỏn vẹn 5-7 phút với những câu nói vu vơ về dịch bệnh, về thời tiết, ăn uống… Sao mà mình vô tâm đến vậy?!

Chuông điện thoại reo, đầu dây bên kia vẫn là giọng nói quen thuộc, thân thương ấy. Nhưng sao hôm nay lại thấy là lạ làm sao! Thế là chuyển hẳn sang gọi video để được nhìn thấy mẹ.

Nhà chẳng có ai, mẹ loay hoay làm món bánh đúc. "Sao mẹ không mua, vừa tiện, vừa tiết kiệm thời gian, chứ lớn tuổi rồi, ngồi lâu làm gì cho đau lưng?", tôi hỏi. Mẹ cười hiền: "Hồi trước ba mày thích, giờ mẹ muốn chính tay làm". Tôi ghẹo: "Làm để nhớ ba chứ gì?". Bà đằng hắng: "Cái thằng ba trợn này".

Nhìn cảnh mẹ lủi thủi một mình, khóe mắt tôi chợt cay cay. Hồi còn ba, mỗi lần ngồi làm món này, hai người đều tranh thủ gọi điện cho con cái trò chuyện đủ thứ trên trời dưới đất. Nào là kế hoạch cho thằng út đi học đại học xa, cưới vợ cho thằng cả để tương lai có cháu ẵm bồng. Cha mẹ nào cũng muốn con mình thành đạt nên bao nhiêu của cải, vốn liếng trong nhà, dốc hẳn đầu tư cho con.

Rồi ba mất. Con cái nhiều mà đứa nào cũng làm ăn xa. Kẻ Bắc, người Nam, mỗi năm gặp nhau có mấy bận. Biết làm sao, cuộc sống mưu sinh mà, nào là ràng buộc đồng công mối nợ, hoặc trở ngăn vì vợ vì con...

Vu lan về, mẹ có cô đơn?

Vu lan về, mẹ có cô đơn?

Tuy vậy, ai cũng cố giữ cái nếp về thăm mẹ vào ngày giỗ ba để cùng nhau làm bánh, tụng kinh cầu siêu cho ông. Thói quen đó, mấy anh em vẫn giữ mãi đến tận bây giờ. Người đi cũng đã đi rồi nhưng lại là sợi dây vô hình kết nối những người sống với nhau. Chỉ 2 năm nay, dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn mà thôi. Buồn đấy, nhưng biết làm sao giờ, ai cũng vậy chứ đâu riêng gì mình.

Nhớ những ngày đầu giãn cách, nghe tin mấy đứa con không thể ra đường mua thức ăn. Mẹ đau lưng nhưng chạy vạy đủ cách, giữa trưa nắng bức người, lọc cọc đạp xe chở mấy thùng hàng gửi vô. Dăm ba cân gạo, mấy củ khoai, vài bó rau muống, củ hành, trái bí, hũ muối sả… Những món quà quê dân dã nhưng lại gói trọn cái tình mẹ thiết tha.

Vậy mà mẹ cũng chưa đủ an tâm, “Nếu không ổn, bây cứ về đây, tao lo”, mẹ bảo. Nói vậy thôi, chứ mẹ biết, cả xã hội đang chống dịch, ai ở đâu ở yên đó mới an toàn cho bản thân và mọi người. Người nào cũng ích kỷ cho mình thì khi nào mới vượt qua đại dịch?!

Tôi biết, mẹ nhớ con, nhớ cháu da diết. Có mỗi thằng cháu nội đích tôn, từ khi sinh ra vào mùa dịch năm ngoái đến giờ, mẹ chỉ được bồng trên tay đúng 2 tháng. Mỗi lần điện vào, lúc nào cũng gọi tên nó đầu tiên.

Qua màn hình điện thoại, tôi thấy tóc mẹ đã bạc đi nhiều. Tôi giật mình hoảng hốt. Mẹ già rồi... Từ một người phụ nữ mạnh mẽ, quật cường lo cho cả đàn con, giờ đây cũng còm cõi theo dòng chảy thời gian.

Tuổi già, mẹ vẫn rất siêng đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, tu bát quan trai, làm từ thiện. Hầu như tuần nào cũng đi, cứ nghe chùa có việc là đến làm công quả. Ai cần giúp đỡ thì sẵn lòng ngay, chẳng so đo, tính toán điều gì.

Con cái thấy mẹ cứ hết việc nọ đến việc kia, xót ruột, nhưng nói mãi, mẹ chỉ cười trừ. Mẹ bảo: "Tuổi già nương tựa vào Phật, làm chút việc lành tạo phước, hồi hướng cho tụi bây. Chứ tao già rồi, ba bây cũng mất, ở nhà buồn lắm". Một đời mẹ đã lo cho con cái, đến già rồi con cháu vẫn canh cánh trong lòng. Bất giác, tôi thấy mình hổ thẹn khi đã ba mươi tuổi rồi vẫn còn lao đao, công chẳng thành, danh chẳng toại, hiếu cũng chẳng xong. Mẹ ơi, con biết lấy gì báo đáp công ơn?!

Ngoài kia, chiều dần buông, nhìn mẹ vào ra quạnh quẽ, cô đơn nơi quê nhà, tôi thấy lòng mình se thắt.

Ai người chia sớt nỗi buồn,

Mẹ tôi gánh mãi hoàng hôn một mình.

Hẹn với lòng qua dịch rồi nhất định sẽ về thăm mẹ, để cùng mẹ ngồi niệm Phật, đi chùa, làm từ thiện. Để được ăn những món mẹ nấu, phụ mẹ quét lá, nhổ cỏ, nhặt rau quanh vườn hay đóng lại cái ghế đã xiêu vẹo... và con sẽ ngồi cạnh mẹ vào mỗi buổi hoàng hôn.

Bài viết về Cảm xúc mùa Vu lan của bạn xin gửi về email onlinegiacngo@gmail.com, toasoan@giacngo.vn, sẽ được chọn đăng trên Giác Ngộ Online và báo in Giác Ngộ (Chủ đề xin ghi: Cảm xúc mùa Vu lan).

Tòa soạn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày