10 sự kiện nổi bật của GHPGVN trong nhiệm kỳ VIII (2017-2022)

10 sự kiện nổi bật qua sự bình chọn của báo Giác Ngộ, cho giai đoạn 5 năm của nhiệm kỳ VIII (2017-2022)
10 sự kiện nổi bật qua sự bình chọn của báo Giác Ngộ, cho giai đoạn 5 năm của nhiệm kỳ VIII (2017-2022)
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chưa bao giờ đất nước ta rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hơn 2 năm qua, khi phải đối diện với các tình huống chưa từng có của đại dịch kéo dài nhất trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên, trong khó khăn, đất nước ta lại một lần nữa làm sáng lên các giá trị đạo đức truyền thống.

GHPGVN cũng đã có những thành tựu, dấu ấn lớn chưa từng có trong lịch sử hơn 40 năm hình thành và phát triển. Sau đây là 10 sự kiện nổi bật qua sự bình chọn của báo Giác Ngộ, cho giai đoạn 5 năm của nhiệm kỳ VIII (2017-2022), trong ý nghĩa làm tiền đề cho sự hội nhập và phát triển vững chãi tiếp theo ở nhiệm kỳ 2022-2027 của Giáo hội.

Xem video

1. Thành lập Hội đồng Giám luật, ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Chứng minh GHPGVN

Ngày 8-7-2020, tuân thừa giáo huấn của Đức Đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) - Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ (1917-2021), Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật, ấn ký Thông tri số 02/TTr-HĐCM thành lập Hội đồng Giám luật thuộc Hội đồng Chứng minh. Hội đồng Giám luật có 7 thành viên do Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng làm Chủ tịch. Ngoài ra còn có một Thư ký giúp việc cho Hội đồng này.

Phiên họp bất thường của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN - Ảnh: Bảo Toàn
Phiên họp bất thường của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN - Ảnh: Bảo Toàn

Ngày 17-1-2021, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển của GHPGVN, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh đã họp phiên đầu tiên để thảo luận và thông qua hai quy chế: Quy chế hoạt động của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh gồm 3 chương, 15 điều và Quy chế hoạt động của Hội đồng Giám luật với 3 chương, 14 điều.

Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh tổ chức hội nghị bất thường ngày 14-8-2022. Dựa trên kết quả hội nghị, Đức Quyền Pháp chủ Thích Trí Quảng ban hành Nghị quyết số 20/NQ-HĐCM với nội dung: Hướng dẫn tiêu chuẩn suy tôn chư tôn Hòa thượng vào Hội đồng Chứng minh nhiệm kỳ 2022-2027, giám sát việc tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh thành nhiệm kỳ 2022-2027 tại các địa phương còn gặp khó khăn về nhân sự.

2. Đại lão Hòa thượng Đệ tam Pháp chủ viên tịch, suy tôn Quyền Pháp chủ GHPGVN

Sự viên tịch của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đệ tam Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN là một mất mát rất to lớn đối với Giáo hội và Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong cũng như ngoài nước.

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ được suy tôn lên ngôi vị Pháp chủ ở tuổi 90 tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI năm 2007 diễn ra tại thủ đô Hà Nội.

Do niên cao lạp trưởng, Đức Đệ tam Pháp chủ đã thu thần viên tịch vào lúc 3 giờ 22 phút ngày 16-9-Tân Sửu (21-10-2021) tại tổ đình Viên Minh (chùa Ráng, xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội); đại thọ 105 tuổi, 85 Hạ lạp.

Lễ cung thỉnh kim quan Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN nhập bảo tháp tại tổ đình Viên Minh - Ảnh: Bảo Trinh
Lễ cung thỉnh kim quan Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN nhập bảo tháp tại tổ đình Viên Minh - Ảnh: Bảo Trinh

Tang lễ của vị lãnh đạo tối cao GHPGVN được tổ chức đặc biệt theo nghi thức cao nhất của Giáo hội trong tinh thần phụng hành di huấn của ngài; Do hoàn cảnh đại dịch Covid-19 lúc bấy giờ vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, do đó, GHPGVN quyết định tổ chức lễ truy điệu tưởng niệm và lễ nhập bảo tháp Đức Pháp chủ tại tổ đình Viên Minh theo hình thức trực tuyến tới trụ sở GHPGVN các cấp, tới các chùa, cơ sở tự viện cả nước trong cùng thời gian.

Di sản vô giá mà ngài để lại cho GHPGVN và Tăng Ni, Phật tử là tấm gương về đời sống phạm hạnh nghiêm mật trọn 100 năm xuất gia tu hành, đặc biệt là việc thành lập Hội đồng Giám luật và sự hoạt động đích thực của Hội đồng Chứng minh.

Ngày 1-12-2021, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh họp phiên đặc biệt, đồng thanh suy cử Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đảm nhiệm ngôi vị Quyền Pháp chủ. Hội nghị kỳ 6 - khóa VIII (31-12-2021) Giáo hội đã nhất tâm suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi vị Quyền Pháp chủ GHPGVN.

3. Thành lập các trung tâm điều hành điện tử, kết nối giữa Trụ sở Trung ương GHPGVN (Hà Nội) và Văn phòng Ban Thường trực Hội đồng Trị sự phía Nam (TP.HCM)

Ngày 12-1-2020, Trung ương GHPGVN tổ chức lễ khánh thành Trung tâm Điều hành điện tử Văn phòng Trung ương GHPGVN tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Gần một năm sau, ngày 16-1-2021, Văn phòng hành chánh điện tử Trung ương Giáo hội phía Nam (thiền viện Quảng Đức, TP.HCM) được đưa vào hoạt động, chính thức kết nối giữa Văn phòng I và Văn phòng II của Trung ương GHPGVN.

Chư tôn đức Hội đồng Trị sự ấn nút khởi động, chính thức đưa Văn phòng hành chánh điện tử Văn phòng I (thiền viện Quảng Đức, TP.HCM) đi vào hoạt động, kết nối với Trung tâm điều hành điện tử tại Trụ sở Trung ương GHPGVN (chùa Quán Sứ, Hà Nội) - Ảnh: Đăng Huy
Chư tôn đức Hội đồng Trị sự ấn nút khởi động, chính thức đưa Văn phòng hành chánh điện tử Văn phòng I (thiền viện Quảng Đức, TP.HCM) đi vào hoạt động, kết nối với Trung tâm điều hành điện tử tại Trụ sở Trung ương GHPGVN (chùa Quán Sứ, Hà Nội) - Ảnh: Đăng Huy

Việc thành lập và đưa các trung tâm điều hành điện tử vào hoạt động là một bước ngoặt lớn của GHPGVN, phù hợp với bối cảnh hiện nay, nâng cao hiệu quả công tác điều hành Phật sự của Giáo hội lên một tầm cao mới, đáp ứng được xu hướng tất yếu chuyển đổi kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động Phật sự, như thời gian qua Chính phủ đã chủ trương và thực hiện.

Các trung tâm điều hành điện tử này đã phát huy hiệu quả ngay trong giai đoạn nhiều tỉnh, thành phố tại nước ta thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch Covid-19, làm cho các hoạt động quan trọng của Trung ương Giáo hội vẫn được liên tục, nhiều hội nghị không bị đình trệ hay gián đoạn vì được tổ chức trực tuyến, do đó các chỉ đạo từ Trung ương đến các địa phương bảo đảm sự thông suốt và điều chỉnh kịp thời theo bối cảnh xã hội.

Tiếp đó, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh Bình Dương, Thái Nguyên… cũng đã khánh thành Văn phòng điều hành điện tử, kết nối với Trung ương GHPGVN, kết nối và mở rộng môi trường số trong hành chánh của Giáo hội một cách nhanh chóng và tiện ích.

4. Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN

Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN có chủ đề “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và phát triển cùng đất nước”. Do tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường trong cộng đồng, Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN tổ chức vào đúng ngày thành lập GHPGVN 7-11-2021 bằng hình thức trực tuyến, qua hệ thống đường truyền thuộc MTTQVN, từ Trụ sở Trung ương (số 46 phố Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) kết nối với điểm cầu TP.HCM (thiền viện Quảng Đức, Q.3, TP.HCM) và 61 điểm cầu các tỉnh thành trên toàn quốc.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc VN do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng tại Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN - Ảnh: Bảo Trinh
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc VN do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng tại Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN - Ảnh: Bảo Trinh

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp tham dự tại điểm cầu Trụ sở Trung ương GHPGVN, trao Huân chương Độc lập hạng nhất đến GHPGVN và các Huân chương hạng nhì, hạng ba cho các tập thể và cá nhân đạt được nhiều thành tích trong hoạt động Phật sự trong chặng đường 40 năm qua.

Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN tại điểm cầu truyền hình trực tuyến chùa Quán Sứ, Hà Nội - Ảnh: Bảo Trinh
Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN tại điểm cầu truyền hình trực tuyến chùa Quán Sứ, Hà Nội - Ảnh: Bảo Trinh

Dịp này, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu quan trọng, khẳng định: “Lịch sử Việt Nam luôn ghi nhận những đóng góp to lớn của đạo Phật đối với dân tộc. Hơn hai nghìn năm hiện diện trên đất nước Việt Nam, qua những thăng trầm cùng lịch sử, Phật giáo đã sớm hòa nhập vào đời sống xã hội, hòa đồng với cuộc sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân và trở thành một tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam”.

5. Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ ba tại Việt Nam

Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc do GHPGVN đăng cai tổ chức tại Việt Nam lần thứ ba vào tháng 5-2019 tại Tam Chúc - Hà Nam với sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, có sự tham dự của Thủ tướng Việt Nam, Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Nepal, Phó Tổng thống Ấn Độ, Chủ tịch Thượng viện Bhutan, Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc và các quan chức của các nước; lãnh đạo các tổ chức Giáo hội, hệ phái, truyền thống Phật giáo trên thế giới.

Phó Tổng thống Ấn Độ H.E. Mr.Venkaiah Naidu là diễn giả chính của chủ đề Đại lễ: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.

Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2019 do GHPGVN đăng cai tổ chức tại Hà Nam thu hút nhiều nguyên thủ quốc gia tham dự nhất trong lịch sử của sự kiện quốc tế này tổ chức ở Thái Lan, Myanmar và Sri Lanka trước đó - Ảnh: UNDV
Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2019 do GHPGVN đăng cai tổ chức tại Hà Nam thu hút nhiều nguyên thủ quốc gia tham dự nhất trong lịch sử của sự kiện quốc tế này tổ chức ở Thái Lan, Myanmar và Sri Lanka trước đó - Ảnh: UNDV

Đây là sự kiện lớn nhất trong lịch sử Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, từng được tổ chức tại Thái Lan cũng như Sri Lanka, Myanmar trước đó. Qua sự thành công của Đại lễ lần này cùng với 2 lần trước tại Hà Nội (2008) và Ninh Bình (2014), GHPGVN đã khẳng định vai trò, vị thế của mình trong đời sống tôn giáo tại Việt Nam cũng như sự chủ động, năng lực hội nhập quốc tế của Giáo hội.

Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam do GHPGVN đăng cai tổ chức - Ảnh: Bảo Toàn
Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam do GHPGVN đăng cai tổ chức - Ảnh: Bảo Toàn

Sự thành công đó còn góp phần khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực của Liên Hiệp Quốc, đồng thời giới thiệu một cách hiệu quả hình ảnh tốt đẹp của đất nước và con người Việt Nam với thế giới qua truyền thống tôn giáo và văn hóa giàu bản sắc và đầy nhân văn.

6. Tăng Ni trẻ tình nguyện dấn thân phục vụ tuyến đầu chống dịch Covid-19

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Quyền Pháp chủ và Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, hàng trăm Tăng Ni, Phật tử trẻ ở TP.HCM, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Long An và các tỉnh, thành phố khác đã đăng ký dấn thân phục vụ chăm sóc các bệnh nhân nhiễm SARS CoV-2, hỗ trợ đội ngũ y tế ở các trung tâm điều trị và bệnh viện dã chiến trong giai đoạn đại dịch Covd-19 bùng phát dữ dội, khi đại dịch đang là nỗi ám ảnh cho toàn xã hội, đặc biệt là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Hàng trăm Tăng Ni, Phật tử trẻ đã dấn thân vào tuyến đầu chống dịch, chăm sóc F0 ở các bệnh viện điều trị Covid-19 - Ảnh: Nguyễn Á
Hàng trăm Tăng Ni, Phật tử trẻ đã dấn thân vào tuyến đầu chống dịch, chăm sóc F0 ở các bệnh viện điều trị Covid-19 - Ảnh: Nguyễn Á

Hàng trăm Tăng Ni, các Phật tử trẻ đã đăng ký dấn thân phục vụ tại các nơi đáng sợ này với vai trò vừa là nhân viên hỗ trợ các y bác sĩ, tạp vụ, tư vấn tâm lý cho bệnh nhân, điều dưỡng… cho đến lo hậu sự, cầu nguyện cho người không may qua đời đang chờ thiêu vì các trung tâm hỏa táng quá tải.

Nói về sự dấn thân phụng sự này, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong bài phát biểu ở Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập GHPGVN (7-11-2021): “Những hành động cao đẹp, đầy tình nhân ái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các Tăng Ni, Phật tử thực sự đã làm lay động hàng triệu trái tim đồng bào cả nước, góp phần tích cực cùng các cấp, các ngành và toàn dân phòng chống dịch bệnh”.

7. Đại lễ kỳ siêu, phụng lập bia tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19 (tại Việt Nam Quốc Tự)

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ lúc đại dịch bùng phát cho tới nay, thế giới đã có hơn 6,57 triệu người tử vong, trong đó Việt Nam có hơn 43 ngàn người qua đời vì Covid-19, riêng tại TP.HCM có hơn 20 ngàn người tử vong trong đại dịch toàn cầu này.

Trước nỗi đau thương và ám ảnh về sự mất mát đó, Trung ương GHPGVN đã ban hành các thông bạch đề nghị các cấp Giáo hội trực thuộc tổ chức Đại lễ tưởng niệm, kỳ siêu cho cán bộ và chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử vong vì Covid-19 nhằm xoa dịu nỗi đau của người còn kẻ mất.

Đức Quyền Pháp chủ và chư vị giáo phẩm sái tịnh an vị bia thờ đồng bào tử vong vì Covid-19 do GHPGVN TP.HCM phụng lập - Ảnh: Yên Hà
Đức Quyền Pháp chủ và chư vị giáo phẩm sái tịnh an vị bia thờ đồng bào tử vong vì Covid-19 do GHPGVN TP.HCM phụng lập - Ảnh: Yên Hà

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM cùng với các tỉnh, thành phố khác, cũng như các Ban Trị sự Phật giáo TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện trên địa bàn; các ban chuyên môn trực thuộc đã tổ chức liên tục các buổi lễ cầu nguyện theo nghi thức tôn giáo truyền thống; đặc biệt, tại TP.HCM có hai lần tổ chức vào tháng 11-2021 khi dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, và Đại lễ tưởng niệm, kỳ siêu cho cán bộ và chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử vong vì Covid-19 trong ngày giỗ đầu khi dịch đã được kiểm soát vào mùa Vu lan (8-2022), với sự tham dự của Đức Quyền Pháp chủ, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Chủ tịch UBND TP.HCM và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và TP.HCM.

Đại lễ được tổ chức trang nghiêm chưa từng có, chiêu hồn các hương linh từ các quận, huyện, nơi hỏa táng và các bệnh viện có người tử vong vì Covid-19 ở các quận, huyện về Việt Nam Quốc Tự - trung tâm hành chánh, văn hóa và tâm linh của Phật giáo TP.HCM.

Đại lễ tưởng niệm, kỳ siêu cán bộ và chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử vong vì Covid-19 do GHPGVN TP.HCM tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Anh Quốc
Đại lễ tưởng niệm, kỳ siêu cán bộ và chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử vong vì Covid-19 do GHPGVN TP.HCM tổ chức tại Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Anh Quốc

Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM đã phụng lập bia tưởng niệm đồng bào tử vong trong đại dịch Covid-19 tại Việt Nam Quốc Tự, làm nơi phụng thờ đồng bào không may tử vong trong hoàn cảnh đơn độc, đồng thời thành lập quỹ hỗ trợ nhằm góp phần chăm sóc con em mồ côi vì đại dịch.

8. Công tác từ thiện xã hội hơn 7.000 tỷ đồng

Từ thiện xã hội là một trong những Phật sự trọng tâm của GHPGVN, với các chương trình hoạt động phong phú như nuôi dưỡng trẻ mồ côi, chăm sóc người già neo đơn, hỗ trợ người tàn tật… Thống kê cho tới tháng 10-2022, Giáo hội có 165 Tuệ Tĩnh đường, 700 phòng chẩn trị y học dân tộc, 10 cơ sở khám đa khoa khám, điều trị, phát thuốc miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, các cấp Giáo hội luôn có mặt đúng lúc, kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai và các tai nạn khác, tham gia tích cực các phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng có công với đất nước; phát quà từ thiện ở các vùng khó khăn, xây cầu, làm đường, tặng xe lăn, trao học bổng khuyến học, ủng hộ các chương trình vì biển đảo, hiến máu nhân đạo…

Chư vị giáo phẩm lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự cứu trợ đồng bào ở các tỉnh Tây Bắc - Ảnh: Hoàng Độ
Chư vị giáo phẩm lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự cứu trợ đồng bào ở các tỉnh Tây Bắc - Ảnh: Hoàng Độ

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, Giáo hội và Tăng Ni, Phật tử đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi chung tay phòng, chống dịch bằng nhiều cách như góp nguồn lực cho quỹ phòng, chống dịch Covid-19, quỹ vắc-xin, mua tặng trang thiết bị y tế, bình ô-xy, phòng áp lực âm, máy thở, máy X-quang, xe cứu thương, thuốc điều trị Covid, ATM gạo miễn phí, siêu thị 0 đồng, tổ chức bếp cơm chăm sóc bữa ăn cho lực lượng tuyến đầu, giúp người yếu thế vượt qua khó khăn…; đó là chưa kể tới việc nhiều chùa trở thành các trung tâm làm nơi cách ly tập trung, nơi trú thiên tai cũng như các chương trình hỗ trợ nhân đạo quốc tế như cúng dường cho chư Tăng tại Lào, Campuchia; hỗ trợ người dân ở các nước này cũng như Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka…

Mặc dù thống kê chưa đầy đủ, nhưng trong 5 năm của nhiệm kỳ VIII (2017-2022), công tác từ thiện, góp phần an sinh xã hội mà GHPGVN đã thực hiện vượt 7.000 tỷ đồng.

9. Khánh thành thêm 3 ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa

Từ ngày 23-6 đến ngày 5-7-2022, đoàn công tác số 10 do GHPGVN phối hợp với Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Quân chủng Hải quân, đại diện lãnh đạo chính quyền, ban ngành và Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An,… đã có chuyến ra thăm, làm việc và động viên quân, dân trên huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).

Dịp này, đoàn đã tổ chức dâng hương, thăm viếng 6 ngôi chùa trên quần đảo và trang nghiêm tổ chức lễ khánh thành 3 ngôi chùa vừa hoàn thành việc khôi phục, xây dựng tại các đảo Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông và Đá Tây A.

Một trong 3 ngôi chùa mới trên các đảo ở huyện đảo Trường Sa đã được phục hồi, khánh thành năm 2022 - Ảnh: Bái Đính
Một trong 3 ngôi chùa mới trên các đảo ở huyện đảo Trường Sa đã được phục hồi, khánh thành năm 2022 - Ảnh: Bái Đính

Để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của quân và dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, được sự đồng ý của các cấp, ngành chức năng, cách đây gần 20 năm Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường phát tâm đầu tư tu bổ, khôi phục các ngôi chùa trên các đảo Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca và Phan Vinh tại huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. GHPGVN đã bổ nhiệm chư tôn đức Tăng làm trụ trì cho tất cả các ngôi chùa trên theo nhiệm kỳ, giao Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa trách nhiệm trực tiếp.

Như vậy, cho tới nay, trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa có 9 ngôi chùa, là những cột mốc tâm linh vững chãi, sừng sững hiên ngang nơi biển khơi, cùng với các ngôi chùa ở các vùng biên giới ở đất liền góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

10. Báo Giác Ngộ tiếp tục hoạt động sau quy hoạch báo chí của Thủ tướng Chính phủ; Tái hoạt động Kênh truyền hình An Viên

Báo Giác Ngộ thành lập cuối năm 1975, ra số đầu tiên vào ngày 1-1-1976. Trải qua hơn 47 năm, Báo đã từng bước phát triển, từ bán nguyệt san đến nay đã có tổ hợp báo chí gồm 2 ấn phẩm (tuần báo và nguyệt san), Giác Ngộ online, Giác Ngộ TV và Ban Từ thiện xã hội Báo Giác Ngộ.

Là tiếng nói của Phật giáo yêu nước sau ngày thống nhất, Báo Giác Ngộ đã gắn bó với quá trình vận động, thành lập và phát triển của GHPGVN, như lời Đức Đệ tam Pháp chủ GHPGVN trong Thư chúc mừng Báo nhân dịp sinh nhật lần thứ 45: “Báo Giác Ngộ là kênh hữu hiệu phản ánh các tin tức Phật sự, đóng góp của Phật giáo vào sự nghiệp thống nhất nước nhà, truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, Báo Giác Ngộ đã có công lao to lớn trong công cuộc vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam”.

Khai trương phiên bản mới Giác Ngộ online của Báo Giác Ngộ - Ảnh: GN
Khai trương phiên bản mới Giác Ngộ online của Báo Giác Ngộ - Ảnh: GN

Báo Giác Ngộ phản ánh thông tin Phật sự toàn quốc, là kênh thông tin truyền thống của GHPGVN, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn giữ lại trong Chiến lược quy hoạch báo chí Việt Nam đến năm 2025.

An Viên là kênh Văn hóa Phương Đông - BTV9 được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép lần đầu cho Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương năm 2011. Ngay từ khi ra đời, GHPGVN đã luôn đồng hành cùng Công ty cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên, là đơn vị ký kết hợp đồng với Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương liên kết sản xuất Kênh truyền hình An Viên.

Lễ ký kết hợp tác phát triển Truyền hình An Viên - Ảnh: Y.H
Lễ ký kết hợp tác phát triển Truyền hình An Viên - Ảnh: Y.H

Ngày 31-12-2019, GHPGVN tiếp nhận các quyền, nghĩa vụ của Công ty cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên hợp tác với Đài Phát thanh và Tuyền hình Bình Dương tiếp tục phát triển nội dung, làm phong phú Kênh truyền hình An Viên với diện mạo mới: An Viên TV-B Channel. Từ tháng 8-2020, Kênh truyền hình An Viên TV-B Channel phát sóng chính thức trên đa nền tảng analog, kỹ thuật số, internet và các phương tiện truyền dẫn OTT của: BTV, VTVcab, Viettel, VNPT, FPT Telocom, SCTV, AVG, VTV Digital, HTV, VieON…

Đây là kênh truyền hình chính thức của GHPGVN lan tỏa các thông điệp, hoạt động tốt đẹp tới các vùng miền xa xôi của Tổ quốc, đáp ứng nhu cầu của mọi thành phần lứa tuổi và vùng miền khác nhau, đến với cộng đồng bà con người Việt đang sinh sống, học tập và lao động trên khắp thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Võ Dũng

Tỳ-kheo-ni Tô-ma

NSGN - Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Tô-ma2  ngụ tại tinh xá của chúng Tỳ-kheo-ni, ở trong ngự viên, thuộc nước Xá-vệ.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1272 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Chữa bệnh và giải nghiệp

GNO - Bạn bè tôi cho rằng song hành với việc trị liệu theo y học thì cần nỗ lực chuyển nghiệp bằng cách sám hối thật nhiều và tạo phước thật lớn để hồi hướng mới có thể giải nghiệp và mong khỏi bệnh. Tôi không biết quan niệm này có đúng với Chánh pháp?

Thông tin hàng ngày