An cư - Nếp sống tâm linh

Ảnh: Làng Mai
Ảnh: Làng Mai
0:00 / 0:00
0:00
GNO - An cư là chúng Tăng ở yên tại một trú xứ trong một thời gian để cùng tu học theo giới luật đã thọ và theo giáo pháp của trú xứ mình (vài nơi có cả các vị cư sĩ cùng tham dự).

Chúng Tăng hướng dẫn nhau tu học và hướng dẫn cho cư sĩ cùng tu học. Cư sĩ phần lớn chỉ theo tu học ban ngày, ban đêm họ trở về nhà. Ngoại trừ một số cư sĩ xin phép ở lại chùa và được chúng Tăng đồng hoan hỷ chấp thuận.

Chúng Tăng học theo lớp, hoặc học chung và đồng thời cũng học hỏi lẫn nhau. Có những nơi cung thỉnh các vị giáo thọ ở trú xứ khác đến dạy cho đại chúng cùng học. Chúng Tăng cùng trú xứ ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí1 điều độ theo thời khóa được các vị giáo thọ vạch ra và đã được hội đồng Tỳ-kheo chấp thuận.

Tác giả - Hòa thượng Thích Giác Viên với Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh: Làng Mai

Tác giả - Hòa thượng Thích Giác Viên với Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Ảnh: Làng Mai

Dù hình thức nào đi nữa, thì điểm căn bản của pháp an cư là mọi người làm sao cho thân tâm được yên ổn và lắng dịu các phiền não. Dừng lại những rối loạn, dao động của các phiền não như tham, sân, si và làm phát sinh, nuôi dưỡng an lạc hạnh phúc cho tự thân. Ý thức rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì tự thân mỗi người đều có đầy đủ những điều kiện để tu học trong hạnh phúc, an vui mỗi giây, mỗi phút. Nếu vị nào có khó khăn gì thì liền bày tỏ cho các bạn đồng tu để mong được giúp đỡ, tự thân được chuyển hóa, làm cho khó khăn biến thành an lạc, vui tươi mà không nên im lặng vì có thể sẽ làm mất truyền thông giữa mình với đại chúng.

Về vật chất thì có các vị cư sĩ giúp đỡ, và có nơi cư sĩ còn phát tâm nấu ăn, dọn dẹp để cho chúng Tăng có điều kiện tu tập, tham dự các thời công phu được nhiều hơn. Nhờ vậy, mỗi ngày chúng Tăng đều có cơ hội để thay đổi, chuyển hóa những trở ngại khổ đau và cả những niềm vui phàm tục. Qua thời gian an cư, chúng Tăng trở nên hạnh phúc an vui hơn so với thời gian trước an cư, nhờ những thay đổi và chuyển hóa ấy.

Có chùa, chúng Tăng chỉ có một hay vài vị, thì chỉ tập trung vào một trú xứ đã được Giáo hội quy định trong một ngày để cùng sinh hoạt, tu tập. Còn lúc ở trú xứ của mình thì sự tu học do mình lo liệu. Hoặc có vị gửi chùa cho các vị cư sĩ chăm sóc, để có thể đến chùa khác an cư, mong được lợi ích, tiến bộ an lạc hạnh phúc hơn.

Làm sao để được ở yên như thế? Có nhiều cách, tùy theo pháp môn mà mình đã tiếp nhận. Muốn thực tập dễ dàng, có hiệu quả thì các vị tu sĩ cần ở chung với nhau trong một trú xứ và nên cùng nhau tu học theo một pháp môn mà trú xứ đó lâu nay đã thực tập. Ở chung và tu cùng một pháp môn thì các vị sẽ dễ dàng học hỏi lẫn nhau, dễ nâng đỡ, chia sẻ cho nhau những lúc khó khăn đồng thời cũng dễ dàng chia sẻ cho các vị cư sĩ cùng tu học.

Pháp môn tu phải đúng Chánh pháp. Pháp chánh là pháp Tứ diệu đế mà Đức Phật đã nói cho năm anh em ngài Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển. Tứ đế có nội dung tương quan, tương tức (trong Đế này có đủ ba Đế kia). Cần thực tập Tứ đế với nội dung tương tức thì mới thực tập đúng theo đạo lý Duyên khởi mà Đức Phật đã chứng ngộ. Thấy rõ một Đế là thành tựu ba Đế kia.

Chánh niệm là năng lượng nhận diện đơn thuần những gì đang xảy ra - Ảnh: Làng Mai

Chánh niệm là năng lượng nhận diện đơn thuần những gì đang xảy ra - Ảnh: Làng Mai

Cho nên Đức Phật dạy cho năm anh em ngài Kiều Trần Như là cần tránh hai cực đoan: khổ hạnh ép xác và hưởng thụ dục lạc, để hành trì Chánh pháp là Đạo đế một cách dễ dàng. Đạo đế là Bát chánh đạo (chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Là nội dung của Giới Định Tuệ hay Niệm Định Tuệ). Chánh niệm: Niệm là nhớ, là thực tập hết lòng về hơi thở2. Đây là cách tu căn bản do chính Đức Phật dạy không bị thêm bớt hay sai lệch.

Mùa an cư năm nay, Đức Quyền pháp chủ GHPGVN đã chứng minh, tham dự lễ Nhập hạ tại chùa Thanh Tâm (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cùng với 1.200 Tăng Ni sinh, sinh viên các khóa của Học viện PGVN tại TP.HCM. Ngài đã cho pháp thoại trước Hội đồng Điều hành, giảng viên và Tăng Ni đang nội trú tu học an cư.

Trong bài pháp thoại này, ngài nhắc lại ý nghĩa của sự kiện Đức Phật chế định an cư cho người xuất gia. Ngài đã sách tấn Tăng Ni, đặc biệt là Tăng Ni trẻ cần nỗ lực thực hành thiền Tứ niệm xứ để trau dồi năng lực nội tâm, vững vàng trong chánh niệm. Như vậy mới có khả năng thấy, biết đúng như thật các trạng thái của tâm cũng như hoàn cảnh. Nhờ đó mà người tu mới có thể thăng tiến trên con đường tâm linh và hành đạo một cách đúng đắn, viên mãn. Dịp này, ngài cũng hướng dẫn các Phật tử cư sĩ phát tâm ngoại hộ cho việc đào tạo Tăng Ni của Giáo hội3.

An cư, nội dung căn bản là thực tập Giới Định Tuệ, Tam vô lậu học tương tức. Giới là niệm. Niệm là giới. Trong năng lượng chánh niệm có năng lượng của chánh định và tuệ giác.

Chánh niệm là thực tập hơi thở vào và hơi thở ra sao cho có an lạc hạnh phúc. Thở vào, ta biết rõ đây là hơi thở vào từ đầu cho đến cuối. Thở ra, ta biết rõ đây là hơi thở ra từ đầu cho đến cuối, rõ ràng không nhầm lẫn giữa hơi thở vào và hơi thở ra. Thở được như vậy thì hạt giống chánh niệm từ chiều sâu tâm thức (tàng thức) liền phát khởi, biểu hiện lên trên thức thứ sáu là ý thức. Trên ý thức, hạt giống chánh niệm chuyển thành cái cây chánh niệm (như hạt đậu mọc thành cây đậu).

Chính cây chánh niệm mới giúp ta sống minh mẫn qua các hoạt động của thân, khẩu và ý. Đó là nội dung ba nghiệp thanh tịnh, giá trị quý báu của con người. Ba nghiệp có thanh tịnh thì mới giúp cho ta và hoàn cảnh quanh ta có an lạc hạnh phúc, giúp ta chuyển hóa được phiền não, chế tác được an lạc và ý thức được rằng ta luôn luôn có đủ điều kiện để có thể sống trong hạnh phúc. Những điều kiện ấy luôn có sẵn trong ta và chung quanh ta. Nhờ vậy ta có thể an trú một cách hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây mà không cần phải tìm cầu ở bất cứ một nơi nào hay bất cứ một thời điểm nào khác nữa.

Chữ niệm (念) phía trên là chữ kim 今 có nghĩa là hiện tại, bây giờ và ở đây; phía dưới là chữ tâm心, là cái tâm. Như vậy niệm có nghĩa là cái tâm có mặt trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Tâm có mặt trong hiện tại là ta có hạnh phúc an vui. Hạnh phúc an vui là sự sống. Lúc nào tâm ta rong ruổi là ta chìm nổi trong biển khổ sông mê, sự sống vắng mặt (sự sống tuy rằng vẫn có đó, nhưng ta không nhận biết được thì có cũng như không). Ngay khi nhận diện được tình trạng đó, ta nên đem tâm trở về với thân, trở về với hiện tại để phục hồi sự sống. Thở chánh niệm có công năng giúp ta đem tâm trở về với thân. Đây là pháp môn mà Đức Phật luôn tha thiết nhắc ta thực tập mỗi ngày. (“...Người nào biết an trú đêm ngày trong chánh niệm, thì Mâu-ni gọi là người biết sống một mình”. Kinh Người biết sống một mình).

Chánh niệm là năng lượng nhận diện đơn thuần những gì đang xảy ra. Nhận diện được thì ta đang có thật và đối tượng cũng đang có thật. Ta thấy ta và cái kia tương quan mật thiết, chưa bao giờ từng tách khỏi nhau. Các tâm hành từ, bi, hỷ và xả biểu hiện. Từ, bi, hỷ, xả có mặt thì ta có được tự do trước bao nhiêu trói buộc. Nhờ thế, người thân của ta dù xa hay gần cũng trở nên tự do. Đây là cách xây dựng một cộng đồng văn minh, hòa bình và yên ổn. Đó là nếp sống ở yên cả thân, tâm và cảnh. Các vị xuất gia, tại gia đến chùa tu tập với nhau. Tập thở, tập ăn, tập đi, tập làm việc để xây dựng nếp sống tâm linh tự do ấy.

An cư hay ở yên là nếp sống tâm linh mà Đức Phật và Tăng đoàn đã sống, đã chỉ dạy và đã tiếp nối trao truyền từ hơn 2.600 năm trước, cho đến nay những lời dạy đó vẫn còn nguyên giá trị. Đất nước Việt Nam là một nơi có diễm phúc được thừa hưởng, duy trì và phát triển nếp sống ở yên ấy qua các thời kỳ, đặc biệt là trong các triều đại nhà Lý, nhà Trần. Nhờ ân tổ tiên huyết thống và tâm linh, chúng ta cố gắng duy trì nếp sống ấy “cho nước non này mãi còn cẩm tú”4.

Chùa Từ Đức 28-5-2022

Thích Giác Viên/Báo Giác Ngộ

--------------------------------------------------------

1 Bài viết Nếp sống nhà chùa trình bày một cách chi tiết, cụ thể về những sinh hoạt trong chùa. (http://langmaithailan.org/nep-song-nha-chua/bai-viet/15541)

2 Kinh Quán niệm hơi thở và kinh Tứ niệm xứ đều dạy về niệm hơi thở. Kinh Tứ niệm xứ mở rộng phạm vi chánh niệm qua bốn lĩnh vực, gọi là tứ niệm (thân, thọ, tâm và pháp).

3 Bản tin Phật sự 20h ngày 19/05/2022, (https://www.youtube.com/watch?v=9PxJil2gbr8)

4 Trích từ bài thơ Ruột đau chín khúc của Thầy Làng Mai.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày