Bên ngoài chiếc hộp Thiền

Ảnh: Trycicle
Ảnh: Trycicle
0:00 / 0:00
0:00
GN - Thời khắc chuyển mùa, khi những chiếc lá bắt đầu ngả vàng, con người tự dưng cũng muốn dừng lại vài nhịp. Giữa bộn bề công việc, tôi vẫn cố gắng sắp xếp để tham dự một khóa học cho thân tâm.

Là một khóa học vài ngày cuối tuần, lâu lâu mới tổ chức ở vùng ngoại ô, hẻo lánh, được dẫn dắt bởi một huấn luyện viên yoga kiêm bộ môn reiki của Nhật Bản. Tuy cô ấy là một người hướng dẫn còn non trẻ, nhưng có nụ cười tươi tắn và giọng nói vang như chuông ngân, và đặc biệt cô rất thích được chia sẻ về tinh thần phương Đông với những người đang sống ở Mỹ. Chính vì vậy, tuy lớp học chưa tới 10 người nhưng cô giáo vẫn rất hứng khởi.

Lớp học có yoga, reiki, thiền. Có lẽ người hướng dẫn chỉ có lòng đam mê nhưng còn thiếu nhiều kinh nghiệm nên chương trình còn vài thiếu sót. Nhưng không một ai ở đây quan tâm đến điều đó. Hình như họ cần một chỗ khác lạ cho bản thân, xa rời những con người quen thuộc, những công việc lối mòn, những mối quan hệ quá nhẵn mặt, chỉ để được ở một nơi mà không ai biết thì tốt hơn.

Trong lớp học, tôi hay chú ý đến Maddy, vì đó là một cô gái nhỏ nhắn có gương mặt u buồn, rụt rè và nhiều bất an bàng bạc. Cô rất thích tham thiền, lúc nào cũng chăm chú với môn này. Cô nói rằng mình rất chuyên tâm thực hành thiền trong suốt một năm qua. Cô tìm đến thiền vì tin rằng thiền có thể giúp cô giải quyết được những đau đớn.

Có lần tôi hỏi: “Bạn có thực sự thấy thiền giúp ích cho mình trong thời gian qua không?”. Do dự mãi, Maddy mới thú nhận là chưa. Cô vẫn cảm thấy chấn thương của mình còn đó, thậm chí nhiều khi ngồi thiền nó còn trỗi lên mạnh mẽ. Nhưng cô tin rằng, với sự kiên trì, cô sẽ dần dần loại bỏ được khổ đau ra khỏi tâm trí. Tôi hỏi, cô đã bao giờ kể nỗi muộn phiền của mình cho ai nghe chưa? Cô nói chưa. Vì nó quá lớn, và cô không muốn làm phiền ai, cô cũng sợ rằng không ai có thể giúp mình, đã vậy còn mang năng lượng xấu đến người khác.

Trong khóa học, mọi người không có thời gian nhiều để làm quen hay nói chuyện sâu với nhau. Vài phút trong giờ tea break chỉ đủ để chào dăm ba câu rồi thôi. Có lẽ người ta đã nói quá nhiều trong công việc, nên giờ đây lặng lẽ chiêm nghiệm là điều cần thiết. Có những buổi chiều, cầm ly trà nóng trên tay, tôi ngồi nhìn ra không gian bên ngoài lớp học, tôi thấy mình như lạc vào một thế giới nào đó không có thật. Thỉnh thoảng tôi lại có cái cảm giác mơ hồ như vậy khi ngồi thiền xa xứ. Tôi vẫn bị tâm phân biệt chi phối đôi khi.

Tôi nhìn sang Maddy, cô ấy vẫn nhắm mắt, có vẻ như mong tìm một vị bác sĩ tâm linh mơ hồ nào đó có thể trị liệu cho vết thương của mình. Gương mặt đó thôi thúc tôi muốn đưa ra cho cô một lời khuyên, dù rằng tôi không tin lắm vào việc một người châu Á với kiểu tư duy đậm màu phương Đông như mình có thể nói lọt tai một người phương Tây.

Tôi chờ cô mở mắt, pha cho cô một tách trà, và bắt chuyện: “Maddy, dùng trà đi. Cô ngồi thiền thấy sao rồi? Có ổn hơn không?”. Cô ấy chỉ cười. Tôi nói vu vơ: “Tiết trời mùa thu thật dễ chịu, dù ở vùng này mùa thu cảnh vật rất là chán, nhỉ?”. Cô gật đầu: “Ừ, công nhận vùng này chẳng thấy mùa thu như những nơi khác, không thấy lá vàng lá đỏ gì hết”. Tôi nói tiếp: “Nhưng miễn là mình cảm thấy nó là mùa thu, thì mình sẽ tìm thấy lá vàng ở mọi góc nhỏ. Sáng này khi rời khỏi nhà, tôi thấy trên ban-công nhà tôi có mấy chiếc lá vàng rụng xuống, trông cũng đẹp”. Maddy nhìn tôi: “Ừm, cô nói đúng”.

Tôi nhân cơ hội, lò dò mở lời: “Cô đã bao giờ thử đến gặp bác sĩ tâm lý trị liệu và kể cho họ nghe về việc của mình chưa?”. Maddy lắc đầu: “Chưa…”. Tôi nhấn mạnh: “Tại sao không thử một lần để cho bản thân một cơ hội mới?”. Maddy nói: “Cô tin vào việc trò chuyện có thể giúp trị liệu? Tôi thấy đó là một trò vô bổ”.

Tôi cười: “Ừ, có thể đó là một trò vô bổ, nhưng biết đâu, đôi khi những thứ vô bổ lại có thể có ích. Không phải lúc nào cũng làm những điều nghiêm túc”. Maddy gật đầu: “Cô có lý…”. Tôi hỏi tiếp: “Cô nghiên cứu về thiền, vậy cô có nghiên cứu một chút nào về đạo Phật và những nhân vật liên quan, cụ thể như Bồ-tát Quán Thế âm Avalokitesvara?”. Maddy gật đầu: “Có, tôi có biết, có đọc trong quá trình tìm hiểu về thiền và Phật giáo”. Tôi nói tiếp: “Cô có biết nhiệm vụ và là hạnh nguyện chính của Bồ-tát này là gì không? Đó là lắng nghe”.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi đến đó thì chấm dứt. Mỗi người đều quay lại với thực tại lớp học. Sau khóa học, mỗi người đều đi theo những hướng khác nhau, như chưa từng quen biết. Có vẻ như không ai trong nhóm có nhu cầu trao đổi thông tin liên lạc cho nhau.

Khoảng một tuần sau, tôi bất ngờ nhận cuộc gọi của Maddy: “Cảm ơn cô vì đã đưa cho tôi chiếc chìa khóa. Tôi đã đi gặp bác sĩ tâm lý được vài hôm. Tôi thấy tốt hơn rất nhiều. Thật kỳ lạ. Lẽ ra tôi phải làm điều này từ sớm, thay vì cứ khư khư ôm lấy việc ngồi thiền”.

Tôi thấy rất vui: “Thật hạnh phúc khi biết cô khá hơn. Tôi nhớ là chúng ta không trao đổi số điện thoại. Làm sao cô biết số của tôi?”. Giọng Maddy có vẻ mạnh mẽ hơn trước: “Tôi xin từ người hướng dẫn. Tôi xin lỗi vì sự liên lạc đường đột này. Tôi không làm phiền cô chứ?”. Tôi gạt đi: “Không, không phiền, trái lại tôi thấy vui vì đã giúp được cô phần nào”.

Maddy cười lớn: “Có lẽ tôi đã ở bên trong chiếc hộp thiền quá lâu nhưng tâm lực thì lại không đủ mạnh để ở trong đó một cách vững chãi. Có lẽ tôi đã làm sai cách và cần phải thay đổi. Khi bước ra khỏi đó, được nói lên những vết thương của mình, tôi thấy mình được chữa lành rất nhiều. Vị bác sĩ tâm lý đang chữa trị cho tôi rất là giỏi, lắng nghe tôi rất sâu sắc. Tôi thấy tâm hồn mình được xoa dịu mỗi khi trò chuyện. Có ngày tôi nói ào ào như thác đổ”.

Maddy cười lớn qua điện thoại, rồi cô tiếp tục: “Điều quan trọng là, giờ đây, khi tôi ngồi thiền, tôi thấy có sự khác biệt lớn. Tôi ngồi nhẹ nhàng hơn, hơi thở thong thả hơn, không mong đợi thiền sẽ mang lại điều gì cho tôi, thành ra, tôi thấy tâm trí thả lỏng và tự do hơn. Không còn vướng mắc”. Tôi tính hỏi là Maddy đã từng gặp phải chấn thương, nhưng rồi lại thôi. Điều đó không quan trọng nữa. Quá khứ thì đã qua. Hiện tại cô ấy đã tốt hơn. Vậy là đủ.

Tạm biệt nhau qua điện thoại, tôi chúc Maddy tinh tấn mỗi ngày trong thực hành tâm linh. Tôi hiểu rằng cô ấy chưa phải là một Phật tử, nhưng cô ấy đang dần mở một cánh cửa. Tôi hạnh phúc vì biết mình có gieo một hạt giống nhỏ xíu ở đó.

Vì Bồ-tát Quán Thế Âm giữa đời thực này rất nhiều, có thể lắng nghe, bắt được tần số của bạn và giúp bạn vơi đi nội tâm còn tù đọng. Nên, trò chuyện đi, thủ thỉ tâm tình đi thay vì ôm giữ khư khư nỗi muộn phiền. Thiền không phải là giải pháp nếu tâm trí chưa sẵn sàng hướng đến sự trống rỗng các định kiến mà bạn đã tích lũy theo thời gian.

Ký ở Texas, Hoa Kỳ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày