Diễn đàn có chủ đề “Bridging Traditions, Embracing Modernity: A Dialogue on the Buddha’s Teaching in Today’s World” (Kết nối các truyền thống, tiếp nhận tính hiện đại: Đối thoại về những lời dạy của Đức Phật trong thế giới ngày nay) được tổ chức bởi Văn phòng Đức Dalai Lama và Liên đoàn Phật giáo Quốc tế (IBC).
Diễn đàn đã kéo dài trong vòng 3 ngày và có khoảng 2.500 học giả Phật giáo từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tập trung thảo luận xoay quanh những vấn đề về các truyền thống Phật giáo, các hình thức phức tạp của Luật tạng, cổ ngữ Pāli và Sanskrit trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Ngoài ra, sự phát triển của Phật giáo ở thế kỷ XXI và giáo dục Phật giáo cũng sẽ được chú trọng tại diễn đàn lần này.
Phát biểu tại sự kiện, Đức Dalai Lama chia sẻ: “Mọi người nên phát khởi tâm Bồ-đề và để lòng từ bi thấm nhuần vào tâm mình, bất kể là bạn đang thực hành theo truyền thống Pāli hay Sanskrit. Chúng ta phải thực hành các công hạnh với sự dẫn dắt của Bồ-đề tâm cho chính mình mà cũng là cho hòa bình thế giới. Bản thân tôi đã tu tập như vậy và tôi thấy điều này rất lợi lạc”. Ngoài ra, ngài còn nhấn mạnh đến vai trò của giới, định và tuệ trong hành trình tu tập giác ngộ cho bản thân và mang lại hòa bình cho thế giới.
Đây là sự kiện Phật giáo quốc tế đầu tiên với hình thức rất quy mô được tổ chức tại Bồ Đề Đạo Tràng. Ông Abhijit Halder, Tổng Giám đốc của IBC, cho biết: “Tôi nghĩ không có nơi nào thích hợp để tổ chức sự kiện này hơn là Bồ Đề Đạo Tràng. Bởi vì đây là mảnh đất của sự giác ngộ tối thượng… Nhân loại đang phải chứng kiến những sự phẫn nộ từ Mẹ thiên nhiên; trong những năm gần đây, dịch bệnh, lũ lụt, hạn hán, động đất… liên tiếp xảy ra.
Chúng ta đều biết đến những cuộc xung đột của Ukraine và Nga, Gaza, Israel và Palestine; mỗi ngày, chúng ta chứng kiến hàng trăm phụ nữ và trẻ em vô tội bị thương vong. Và dường như đây là nơi những nguyên tắc cốt lõi của Phật giáo như từ bi và trí tuệ bị phớt lờ. Đó cũng chính là lý do tại sao chúng ta, những người Phật tử, cần phải vận dụng tâm trí của mình để gửi một thông điệp đến những người lãnh đạo trên toàn thế giới về những giá trị của lòng từ bi và trí tuệ”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Arunachal Pradesh, Pema Khandu, một trong những người được mời tham dự diễn đàn, cho biết ông cảm thấy vinh dự khi được các nhà tổ chức Diễn đàn Tăng đoàn Quốc tế mời tham dự cuộc gặp gỡ mang tính lịch sử của các học giả Phật giáo từ khắp nơi trên thế giới. Ông cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tạo ra một tiếng nói chung để chống lại những kẻ thù như bạo lực, vô minh, bất công và phân biệt trong xã hội. Ông cho rằng sự kiện này là một cơ hội tuyệt vời để mọi người cùng nhau tìm ra những chính sách mới cho mỗi cá nhân và cho toàn cầu.
Sự kiện này cũng là dịp quy tụ của các hành giả theo truyền thống Theravada của các nước Đông Nam Á và Nam Á như Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Bangladesh và Indonesia, cũng như những người theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền như Tây Tạng, Bhutan, Nepal, Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mông Cổ và các nơi khác trên thế giới. Với hình thức như vậy, đây là một hoạt động nhằm thúc đẩy sự thấu hiểu lẫn nhau giữa các thành viên Tăng đoàn đến từ nhiều truyền thống khác nhau trên toàn thế giới và nhấn mạnh giá trị của Phật giáo trong mọi miền văn hóa khác nhau.
Diễn đàn Tăng đoàn Quốc tế là một trong những sự kiện quan trọng trong hành trình giảng dạy, chia sẻ và xuất hiện trước công chúng trên khắp Ấn Độ của Đức Dalai Lama, nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng. Ngài đã rời nơi cư trú của mình, từ Dharamsala đến Sikkim, đến Tây Bengal và đến Bồ Đề Đạo Tràng vào ngày 15-12.
Trước đó, ngài đã bày tỏ mong ước của mình rằng: “Trong những ngày này, tôi cố gắng giúp cho mọi người đều nhận thức được rằng tất cả tám tỷ người trên hành tinh này đều được nuôi dưỡng bởi người mẹ. Về mặt này, tất cả chúng ta đều giống nhau. Hãy luôn nhớ điều này để tạo ra nền tảng xây dựng hòa bình thế giới. Hãy nghĩ rằng người khác cũng giống như bạn, đó chính là bước tiến quan trọng của hòa bình. Tuy chúng ta đến từ những nền văn hóa khác nhau, lối sống, ý thức hệ cũng khác nhau, nhưng trong bối cảnh đồng nhất của nhân loại như hiện nay, với tư cách là con người thì tất cả chúng ta đều giống nhau”.
Sau sự kiện diễn đàn kéo dài ba ngày, Đức Dalai Lama đã tổ chức một buổi cầu nguyện tại tháp Đại Giác và có thời pháp thoại cho tất cả các thành viên của Tăng đoàn cùng với đông đảo cộng đồng Phật tử quốc tế.
Trước đó, vào tháng 12, khoảng 5.000 Tăng Ni từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Ấn Độ, đã vân tập tại Bồ Đề Đạo Tràng để tham dự chương trình Trùng tụng Tam tạng Quốc tế lần thứ 18, từ ngày 2 đến ngày 12-12.