Du hành nhiều bị Phật quở

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Một trong những đặc điểm của đời sống xuất gia là du hành. Không thường ở một nơi cố định, Tỳ-kheo có thể tùy duyên vân du giáo hóa. Đức Phật cũng tán thán hạnh du hành, không khuyến khích các Tỳ-kheo sống quá lâu tại một nơi. Tuy vậy, nếu Tỳ-kheo du hành trường kỳ lại bị Ngài quở trách.

Kiểu tu hành mà cứ đi mải miết, ngày đi đêm nghỉ rồi lại đi thì không phải là điều hay. Pháp thoại dưới đây, Đức Phật chỉ rõ những khó khăn và trở ngại cho các Tỳ-kheo du hành trường kỳ.

“Một thời, Đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Người du hành trường kỳ có năm sự khó. Sao gọi là năm? Ở đây, người thường du hành không tụng giáo pháp; giáo pháp đã tụng thì bị quên mất; không được định ý; tam-muội đã được lại thoái thất; nghe pháp nhưng không thể hành trì. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là người du hành nhiều có năm việc khó này.

- Các Tỳ-kheo nên biết, người không du hành nhiều có năm công đức. Sao gọi là năm? Pháp chưa từng đắc sẽ đắc, pháp đã đắc rồi lại không quên mất, nghe nhiều mà ghi nhớ được, có thể đắc định ý, đã đắc tam-muội rồi không bị mất. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là người không du hành nhiều có năm công đức này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, không nên du hành nhiều.

- Các Tỳ-kheo, cần phải học điều như vậy.

Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, chương Năm pháp, phẩm 33-Năm vua, kinh số 7)

Đức Phật đã chỉ ra có đến năm trở ngại cho người du hành trường kỳ. Trước hết, người tu mà đi liên tục thì không trùng tụng giáo pháp. Trùng tụng giáo pháp để ghi nhớ, khắc sâu vào tâm khảm những lời dạy của Đức Phật. Giáo pháp là cơ sở, làm chỗ y cứ để thực hành và bấy giờ cần có hội chúng mới thường được nghe và trùng tụng. Khi du hành trường kỳ, không ở gần Đức Phật (hay các bậc Trưởng lão) thì không đủ duyên để nghe pháp và đọc tụng lại những điều đã nghe.

Trở ngại tiếp theo là những giáo pháp đã được nghe và trùng tụng thì dễ bị lãng quên. Thời Thế Tôn học pháp chủ yếu bằng cách lắng nghe rồi cùng nhau đọc lại. Trừ những vị có trí nhớ cực tốt (như Tôn giả A-nan), còn lại hầu hết đều không thể nhớ trọn vẹn, vì thế phải nương theo đại chúng trùng tụng mỗi ngày để ghi nhớ lời Phật, nắm vững pháp môn hành trì. Tỳ-kheo đi liên tục thì không hội đủ duyên lành để học tập và ghi nhớ giáo pháp.

Kế đến, đi quá nhiều thì khó đắc định. Thiền định được thực hành trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi, nhưng ngồi thiền dễ nhiếp tâm và thành tựu định hơn. Mặt khác, đi nhiều thì gặp và biết nhiều thứ trên đường, trong đó có không ít thứ có hại cho định. Cho nên, Tỳ-kheo thường đi khất thực trong xóm làng vào buổi sáng, buổi chiều và tối thì nghe pháp hoặc an trú trong thiền định. Đi quá nhiều thì khó đắc định là vì vậy.

Nếu Tỳ-kheo đã có định (tam-muội) như cận hành, an chỉ hay từ Sơ thiền cho đến Tứ thiền. Đi lại quá nhiều, đối duyên xúc cảnh đầy biến động phức tạp có thể làm cho năng lực định của Tỳ-kheo bị suy giảm. Trong khi định cần được nuôi dưỡng, vun bồi liên tục. Sự tịnh chỉ của thân tâm sẽ vững chắc hơn trong môi trường thanh tịnh. Do vậy, định đã đạt được bị suy giảm là trở ngại quan trọng cho Tỳ-kheo khi du hành trường kỳ.

Trở ngại cuối cùng là không thể hành trì giáo pháp nếu du hành trường kỳ. Thành ra, du hành vừa phải nhằm khất thực và thay đổi chỗ ở, tránh dính mắc vào một nơi thì được Thế Tôn ca ngợi. Còn du hành liên tục từ sáng đến chiều, đi quá nhiều sẽ chướng ngại tu tập, bị Thế Tôn quở trách.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày