Hành trình vẽ nên bức tranh xuân trên vùng cao Tây Bắc

Thượng tọa Thích Thanh Phong trao quà đến người dân tỉnh Thái Bình
Thượng tọa Thích Thanh Phong trao quà đến người dân tỉnh Thái Bình
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Những chuyến xe thiện nguyện không chỉ mang đến hơi ấm cho đồng bào nơi vùng cao Tây Bắc trong ngày rét lạnh cuối năm, mà còn thắp lên ngọn lửa hy vọng về một tương lai tươi mới cho người dân nơi đây.

Không khí lạnh tràn về miền Bắc vào những ngày cuối tháng Chạp, có nơi nhiệt độ xuống đến 0 độ C, băng đọng trên những đỉnh núi, sương mù trắng xóa phủ khắp những con đường dẫn lên các bản làng vùng cao. Thời tiết bất lợi là thế nhưng đoàn xe của chương trình “Tết yêu thương - Xuân Giáp Thìn 2024” do Thượng tọa Thích Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Kinh tế-Tài chính T.Ư, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Từ thiện xã hội Phật giáo TP.HCM tổ chức vẫn lên đường, tiếp tục sứ mệnh yêu thương trong suốt hơn 16 năm qua.

Niềm vui của sự cho đi
Niềm vui của sự cho đi

Ít ai biết rằng, chương trình năm nay từng định bỏ dở vì gần ngày đi mà vẫn chưa đủ kinh phí để tổ chức. Thượng tọa Thích Thanh Phong cho biết nhờ sự động viên của Đức Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN và cũng chính ngài là người đầu tiên ủng hộ cho chương trình, điều đó đã tạo nên nguồn năng lượng để chương trình này có thể tiếp tục thực hiện. Và đây cũng là lần đầu tiên Thượng tọa đăng tải trên Zalo cá nhân để kêu gọi sự chung tay hỗ trợ của Tăng Ni, Phật tử, các doanh nhân, doanh nghiệp. Thế là chuyến đi được khởi động lại, chuyến xe chở đầy yêu thương lăn bánh mang niềm vui đến với bà con.

Than hồng ngày đông

Dù thời tiết giá lạnh nhưng từ sáng sớm đã nghe tiếng nói cười rộn rã xen lẫn tiếng í ới gọi nhau của bà con dân bản về Nhà văn hóa bản Phà Lè, xã Chiềng Yên, H.Vân Hồ, tỉnh Sơn La để nhận quà. Những khuôn mặt hốc hác, thân hình nhỏ thó xơ rơ vì lạnh vẫn lặng lẽ xếp hàng đứng đợi, không ồn ào, chen lấn, đôi mắt ánh lên niềm vui và sự mong chờ món quà của người dưới miền xuôi.

Con đường vào bản Phà Lè
Con đường vào bản Phà Lè

Anh Bàn Hưng, người Dao, 46 tuổi, ở bản Phà Lè, sau khi buộc chắc chắn phần quà trên chiếc xe máy cà tàng của mình, vừa châm điếu thuốc cho ấm người vừa phấn khởi nói “mấy ngày nay trời rét nên không lên nương được, chẳng làm gì ra tiền. Hôm nay nhận được quà mang về chắc vợ và con mừng lắm, bữa ăn hôm nay sẽ ngon hơn mọi ngày”.

Thật vậy, với những người Mông, Dao, Tày, Nùng, Thái… thuộc hộ nghèo trên vùng cao Tây Bắc, chủ yếu sống bằng nghề làm nương thì năng suất của ngô, lúa phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Khoản tiền nhỏ nhận được giúp các bà mẹ có thể mua thêm cân thịt để gói bánh hay sắm thêm hộp sữa, những bộ áo quần mới cho những đứa trẻ trong nhà khi Tết về. Những bao gạo, thùng mì hay cái chăn ấm giống như than hồng sưởi ấm ngày đông, giảm đi những nỗi lo lắng của người dân nơi đây khi không thể lên nương trong đợt rét lạnh này.

Sau khi nhận quà, vợ chồng ông bà Nùng Thị Sùng và Nguyễn Văn Mìn nắm tay nhau bước vội trên con dốc dẫn lên nương
Sau khi nhận quà, vợ chồng ông bà Nùng Thị Sùng và Nguyễn Văn Mìn nắm tay nhau bước vội trên con dốc dẫn lên nương

Giữa không khí rộn ràng tràn ngập tiếng cười của bà con, vợ chồng ông bà Nùng Thị Sùng và Nguyễn Văn Mìn lặng lẽ xếp thùng mì, bao gạo vừa nhận được vào gùi, nắm tay nhau bước vội trên con dốc dẫn lên nương. Khi được hỏi sao không về nhà vì đã sắp đến buổi trưa, ông đáp “phần quà này đủ để hai vợ chồng ăn Tết, nhưng mình vẫn phải lên nương chăm sóc rẫy ngô. Nghèo mà, phải cố gắng không thì sang năm không có cái ăn. Người ta giúp mình lúc khó khăn thì quý lắm nhưng bản thân cũng phải lo đi làm, không thể dựa mãi vào người khác được”.

Câu trả lời của ông thật sự khiến tôi ngỡ ngàng. Dù cả 2 đã trên 75 tuổi, con cháu ở xa nhưng vẫn không ngừng lao động kiếm sống. Nhìn bóng lưng của hai ông bà, tôi không khỏi cảm thán bởi tinh thần quật cường của những người dân vùng cao nơi đây. Phải chăng nhờ vậy mà họ có thể bám trụ lại nơi vùng cao biên giới địa đầu của Tổ quốc. Giữa sự khắc nghiệt về mọi mặt trong đời sống hàng ngày, họ vẫn lạc quan đứng vững, trở thành phên giậu chắc chắn nơi miền biên giới.

Vẽ nên bức tranh xuân tươi sáng

Chúng tôi lại tiếp tục hành trình của mình trên những con đường đèo ngoằn ngoèo, hiểm trở, đầy sương mù giá lạnh của các tỉnh Tây Bắc. Chưa đến Tết nhưng hoa đào đã nở hồng bên những sườn núi, khiến khung cảnh thiên nhiên đẹp như một bức tranh. Đẹp là thế, thơ mộng là thế nhưng dưới bức tranh đầy sắc màu đó là những nỗi lo của người dân xứ này. Trời rét nên người dân không thể lên nương, những hạt giống đã gieo xuống khó nảy mầm dưới cái lạnh như vậy. Hoa nở thì đẹp đó nhưng cái người dân nơi đây cần chính là những mầm xanh của ngô, lúa, những loại rau xanh có thể giúp họ có được lương thực để duy trì cuộc sống.

Một em học sinh vui vẻ nhận quà từ Thượng tọa Thích Đức Thiện
Một em học sinh vui vẻ nhận quà từ Thượng tọa Thích Đức Thiện

Điểm tiếp theo đoàn dừng chân là xã Na Ư, nơi mà tỷ lệ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn thuộc dạng cao nhất trên địa bàn H.Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Chào đón chúng tôi là những nụ cười ngây thơ, bàn tay hình búp sen cùng với câu niệm Phật thật to, dõng dạc của các em học sinh trường Tiểu học và THCS xã Na Ư.

Đằng sau sự đáng yêu đó là những câu chuyện buồn, những hoàn cảnh rất đặc biệt mà ít ai ngờ đến. Mà qua lời chia sẻ của ông Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Sơn, “toàn trường có trên 40% các em học sinh có bố mẹ hoặc người thân đang chấp hành án phạt tù hoặc sinh sống nơi khác!”.

Không chỉ các em học sinh tại xã Na Ư, gần 50 em nhỏ túm tụm lại để sưởi ấm cho nhau trong sương mù dày đặc trên đỉnh đèo Pha Đin để lại ấn tượng không thể nào quên đối với các thành viên trong đoàn. Có nhiều em chỉ mới 1, 2 tuổi được bọc kín bởi chiếc chăn mỏng manh, má ửng hồng với đôi mắt ngỡ ngàng, giấu ánh nhìn mọi thứ từ sau lưng mẹ. Hay có em học sinh không có áo ấm để mặc, nước mũi chảy lòng thòng dưới cái lạnh 5 - 6 độ, đứng chờ đến phiên mình nhận quà.

Em theo mẹ đi nhận quà
Em theo mẹ đi nhận quà

Hình ảnh đó đã thật sự khiến bà Ho Yuehyun, doanh nhân người Đài Loan rơm rớm nước mắt. Nhìn các em nhỏ tay chân lem luốc, co ro vì lạnh không khỏi làm bà nhớ về tuổi thơ cơ cực của mình. Sự đồng cảm khiến bà phát tâm chăm lo đời sống cho các em nhỏ cho đến khi trưởng thành. “Tôi chưa thực sự hiểu hết các điều kiện nơi đây nên cũng chưa có kế hoạch lâu dài gì để giúp đỡ mọi người. Tuy nhiên, điều tôi có thể làm được trước mắt là bảo trợ mọi thứ cho 5 em nhỏ đến khi chúng đủ 18 tuổi, với điều kiện mỗi năm các em đều phải có thành tích tốt trong học tập”, bà Ho Yuehyun nói.

Đó cũng là thông điệp chính mà chương trình “Tết yêu thương” mang lại kể từ khi thành lập cho đến nay. Không chỉ giúp đỡ các phần quà Tết mà còn tạo điều kiện để các nhà hảo tâm, doanh nhân tận mắt thấy, trải nghiệm hoàn cảnh sống của người dân nơi đây, cũng như giới thiệu tình hình kinh tế, văn hóa của từng địa phương đến họ. Với hy vọng họ có kế hoạch đầu tư lâu dài, mang đến công ăn việc làm, giúp đỡ cải thiện đời sống của bà con một cách hiệu quả nhất.

Người dân đứng chờ nhận quà dưới trời sương mù giá rét tại đỉnh đèo Pha Đin
Người dân đứng chờ nhận quà dưới trời sương mù giá rét tại đỉnh đèo Pha Đin

“Tôi cũng đã báo cáo đến Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự về việc Giáo hội chúng ta nên chú trọng đầu tư xây dựng thêm các trường học nội trú giúp các em học sinh có điều kiện được học tập. Tạo thêm các quỹ học bổng để đẩy mạnh phát triển việc đào tạo các em sau này trở thành người tài, phục vụ cho đất nước”, Thượng tọa Thích Thanh Phong cho biết thêm.

Hy vọng những dự định, kế hoạch đó sẽ sớm được thực hiện trong nay mai, mang lại hy vọng về một tương lai tươi sáng cho người dân nơi đây. Để bức tranh về thiên nhiên, con người Tây Bắc luôn tươi mới, đầy đủ sắc màu và tràn đầy sức sống chứ không chỉ là những cành đào lẻ loi giữa sương mù và giá rét.

***

Rời các tỉnh Tây Bắc, đoàn tiếp tục đến các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam... Nhiều người thường có ý nghĩ rằng các tỉnh miền xuôi cơ sở hạ tầng phát triển tốt, nhà cửa kiên cố thì người dân sẽ có cuộc sống thoải mái hơn, cơ hội nhận được các phần quà sẽ nhiều hơn. Tuy vậy, đằng sau những con đường rộng mở, ngôi nhà to lớn vẫn còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật nặng, người già neo đơn cần được giúp đỡ. Làm sao để những mảnh đời bất hạnh đó không bị bỏ rơi là điều mà chương trình này luôn cố gắng thực hiện.

"Tết yêu thương" tại chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh)
"Tết yêu thương" tại chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh)

Chuyến hành trình kéo dài 7 ngày của đoàn cuối cùng dừng lại tại Thái Bình với hơn 7.500 phần quà được trao đến tận tay người dân nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc. Tuy vậy, chương trình “Tết yêu thương - Xuân Giáp Thìn 2024” vẫn tiếp tục sứ mệnh trao các phần quà đến bà con tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Khánh Hòa, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình nhằm giúp người dân kịp đón Tết Giáp Thìn 2024 ấm áp, hạnh phúc.

"Thực hiện lời kêu gọi và chỉ đạo của Đức Pháp chủ - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng và Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự về việc chăm lo đời sống cho người dân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Giáp Thìn sắp đến, Ban Kinh tế - Tài chính T.Ư GHPGVN đã tổ chức chương trình 'Tết yêu thương - Xuân Giáp Thìn 2024' trao tặng gần 15.000 phần quà, mỗi phần quà trị giá 1 triệu đồng đến người dân trên khắp đất nước.

Trong đó, hành trình trao tặng quà Tết cho bà con nhân dân các tỉnh Tây Bắc như: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và một số tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và các địa phương khác, từ ngày 21 đến 27-1-2024, tặng hàng ngàn phần quà đến đồng bào khó khăn với tổng trị giá 14,5 tỷ đồng.

Thay mặt Ban Kinh tế - Tài chính T.Ư, Ban Từ thiện xã hội Phật giáo TP.HCM, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Nhóm thiện nguyện Chia sẻ - Sharing của bà Mai Thị Hạnh, phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thượng tọa Thích Tuệ Hải, Phó Trưởng ban Kinh tế - Tài chính T.Ư GHPGVN, trụ trì chùa Long Hương (Đồng Nai) và Tăng Ni, Phật tử, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đồng hành và ủng hộ để chương trình "Tết yêu thương" được diễn ra thành công tốt đẹp. Kính nguyện cầu Tam bảo thùy từ gia hộ cho quý vị và gia đình đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 bình an và hạnh phúc", Thượng tọa Thích Thanh Phong bày tỏ khi chuyến đi trao quà trước thềm Tết Giáp Thìn - 2024 kết thúc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Thiện Thông thăm hỏi, động viên bà con có hoàn cảnh khó khăn TP.Trà Vinh

Chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu) trao quà tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre

GNO - Sáng 23-11, đoàn từ thiện chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Thượng tọa Thích Thiện Thông, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Liên Trì làm trưởng đoàn đã đến trao quà đến trẻ em và người già neo đơn tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre.
Chùa Thầy (Hà Nội)

Mái chùa che chở hồn dân tộc

NSGN - Bài thơ Nhớ chùa là một tác phẩm bất hủ của thơ ca Phật giáo Việt Nam. Bài thơ này đi vào lòng người mến đạo một cách dịu dàng và nồng ấm như câu ca dao của mẹ, tự nhiên và nhẹ nhàng như hơi thở, bình yên và trong sáng như một mảnh trăng chiều...

Thông tin hàng ngày