Hiểu đúng về người huỳnh môn, vô căn và bất năng nam

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sau khi mục Tư vấn báo Giác Ngộ số 1197 đăng bài "Bất năng nam - một trong các điều già nạn dành cho cho các giới tử thọ Đại giới" của Tỳ-kheo Thích Quảng Nghiêm, tòa soạn đã nhận được phản hồi từ độc giả.

Trong tinh thần góp ý và sẻ chia để nhận thức đúng Giáo pháp, tòa soạn xin đăng toàn văn bài trao đổi này.

***

Giới luật Phật giáo, ngoài ý nghĩa phải phù hợp với những nguyên tắc đạo đức của từng xã hội, phù hợp pháp luật của mỗi quốc gia, trú xứ mà Tỳ-kheo hành đạo, còn bao hàm ý nghĩa điều phục thân tâm và đối trị nghiệp cảm của từng cá nhân. Trong ý nghĩa này, cả hai truyền thống Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền đều quy định các trường hợp không được xuất gia và thọ Đại giới làm Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni. Trong các quy định không được cho thọ Đại giới, cả nam và nữ đều có hai trường hợp liên quan đến giới tính, đó là người huỳnh môn và người nhị hình.

1- Người nhị hình

Nhị hình (Phạn: ubhayavyañjanaka, Pali: ubhato-vyañjanaka) là người có cả cơ quan sinh dục nam và nữ, ngày nay gọi là người lưỡng tính, người lưỡng căn, người song tính. Những người này có liên hệ tình cảm với cả nam lẫn nữ; và có hai trường hợp: lưỡng tính giả và lưỡng tính thật. Lưỡng tính giả, rất phổ biến, là người có xu hướng tình dục yêu thích cả nam lẫn nữ nhưng vẫn có cơ quan sinh dục (nam hoặc nữ) hoàn chỉnh. Lưỡng tính thật, rất hiếm gặp, là người có cả cơ quan sinh dục chính lẫn cơ quan sinh dục phụ (có cả buồng trứng và tinh hoàn).

Những người lưỡng tính không được cho thọ Đại giới, tức không được tu lên bậc trên. Luật tạng Pali, Đại phẩm (chương Trọng yếu), ghi: “Vào lúc bấy giờ, có người lưỡng căn nọ đã được xuất gia ở nơi các Tỳ-kheo. Người ấy hành động (như người nam) rồi bảo (người nam khác) hành động (với mình). Các vị đã trình sự việc ấy lên Đức Thế Tôn. - “Này các Tỳ-kheo, người lưỡng căn chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất”1.

Luật Tứ phần, quyển 35, ghi: “Có một Tỳ-kheo biến thành nam nữ hai hình. Các Tỳ-kheo nghĩ: Nên diệt tẩn chăng? Đức Phật dạy: Nên diệt tẩn”. “Có một Tỳ-kheo-ni biến làm nam nữ hai hình. Các Tỳ-kheo-ni nghĩ: Nên tẩn xuất chăng? Đức Phật dạy: Nên tẩn xuất”2.

2- Người huỳnh môn

Khác với người nhị hình có những đặc điểm giới tính dễ nhận dạng như đã nêu, người huỳnh môn có đặc điểm giới tính riêng. Nên nhớ, các bộ luật như Di-sa-tắc bộ hòa hê ngũ phần3, Yết-ma4, Tăng yết-ma5, Ni yết-ma6, Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ bách nhất yết-ma7 đều ghi nhận người huỳnh môn bao gồm cả nam và nữ. Vậy huỳnh môn chính xác là người có giới tính như thế nào?

Luật Tứ phần kể rằng: Bấy giờ, có kẻ huỳnh môn đến trong Tăng già-lam thưa với các Tỳ-kheo: “Tôi muốn xuất gia thọ giới Cụ túc.” Các Tỳ-kheo liền cho xuất gia thọ giới Cụ túc. Thọ giới Cụ túc rồi, vị ấy nói với các Tỳ-kheo: “Hãy cùng tôi làm việc như vậy, như vậy”. Các Tỳ-kheo nói: “Ngươi đi đi! Ngươi diệt đi! Ai cần ngươi?”. Vị kia lại đến nơi người giữ vườn và Sa-di nói: “Hãy cùng tôi làm việc như vậy, như vậy”.

Người giữ vườn và Sa-di nói: “Ngươi đi đi! Ngươi diệt đi! Ai cần ngươi?”. Kẻ huỳnh môn kia ra ngoài chùa cùng người chăn bò chăn dê làm việc dâm dục. Các cư sĩ thấy vậy cơ hiềm nói: “Sa-môn Thích tử đều là huỳnh môn, trong đó có đàn ông làm việc dâm dục với nhau”. Các Tỳ-kheo đem việc này bạch Phật. Phật dạy: “Huỳnh môn ở trong pháp của Ta không có điều trưởng ích, không được cho xuất gia thọ giới Cụ túc. Nếu đã xuất gia thọ giới Cụ túc thì phải diệt tẩn8”.

Rõ ràng, nhân vật trong câu chuyện duyên khởi dẫn đến việc Đức Phật chế giới cấm người huỳnh môn thọ giới Cụ túc có những biểu hiện của người đồng tính chứ không phải “người có nam căn không hoàn thiện như người nam bình thường, họ bị dị tật bẩm sinh, khiếm khuyết do hoàn cảnh, bị biến đổi theo cảm xúc và thời tiết nhân duyên” (Thích Quảng Nghiêm, Bất năng nam…)!

3- Người vô căn

Luật tạng Pali, Đại phẩm (chương Trọng yếu), cũng ghi nhận: Vào lúc bấy giờ, có người vô căn nọ đã được xuất gia ở nơi các Tỳ-kheo. Người ấy đi đến gặp các vị Tỳ-kheo trẻ rồi nói như vầy: - “Này các Đại đức, hãy đi đến. Hãy làm điều nhơ nhớp với tôi”. Các vị Tỳ-kheo đuổi đi. - “Này kẻ vô căn, tiêu mất đi! Này kẻ vô căn, biến mất đi! Ai mà cần đến ngươi?”. Bị các Tỳ-kheo xua đuổi, người ấy đi đến gặp các Sa-di to con lớn xác rồi nói như vầy: - “Này các Đại đức, hãy đi đến. Hãy làm điều nhơ nhớp với tôi”. Các vị Sa-di đuổi đi: - “Này kẻ vô căn, tiêu mất đi! Này kẻ vô căn, biến mất đi! Ai mà cần đến ngươi?”.

Người ấy khi bị các vị Sa-di xua đuổi lại đi đến gặp những người chăn voi, những người giữ ngựa rồi nói như vầy: - “Này các đạo hữu, hãy đi đến. Hãy làm điều nhơ nhớp với tôi”. Những người chăn voi, những người giữ ngựa đã làm điều nhơ nhớp. Những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng: - “Những Sa-môn Thích tử này là những kẻ vô căn. Những người nào trong bọn họ không phải là kẻ vô căn thì những người ấy làm điều nhơ nhớp với những kẻ vô căn. Như vậy, chính tất cả những người này không Phạm hạnh”.

Các Tỳ-kheo đã nghe được những người chăn voi, những người giữ ngựa phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị Tỳ-kheo ấy đã trình sự việc ấy lên Đức Thế Tôn. - “Này các Tỳ-kheo, kẻ vô căn chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất9”.

Như vậy, người huỳnh môn, hay người vô căn, mà qua những câu chuyện duyên khởi dẫn đến việc Đức Phật chế giới cấm nêu trên, rõ ràng có những biểu hiện của người đồng tính! Bởi người đồng tính có xu hướng “tình cảm hoặc tình dục giữa những người cùng giới tính với nhau trong một hoàn cảnh tạm thời hoặc lâu dài. Đây là một mô hình lâu dài thể hiện sự hấp dẫn về cảm xúc, tình yêu và tình dục đối với những người có cùng giới tính”.

4- Bất năng nam và đồng tính nam (gay)

Câu chuyện duyên khởi sau đây cho chúng ta hiểu ‘bất năng nam’ chính là người đồng tính nam hay bao gồm cả người đồng tính nam.

Luật Ma-ha-tăng-kỳ ghi rằng, khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, bấy giờ, các Tỳ-kheo ban đêm đang ngủ trong phòng thì có kẻ đến rờ mó từ gót chân lên đến bắp vế, đến bụng, rồi lần tới chỗ kín. Tỳ-kheo định chụp bắt, thì anh ta liền chạy thoát. Rồi anh ta lại đến những nơi khác như hội trường, phòng sưởi, nơi nào cũng làm như thế. Sáng hôm sau, các Tỳ-kheo tập trung một chỗ bàn tán nhau: "Này các Trưởng lão, đêm qua trong khi ngủ thì có người đến rờ mó khắp người rồi lần tới chỗ kín, tôi định bắt lấy thì anh ta chạy thoát".

Lại có Tỳ-kheo khác nói: "Tôi cũng gặp trường hợp như thế". Cho đến nhiều người cũng gặp như thế. Rồi một Tỳ-kheo suy nghĩ: "Ðêm nay ta phải rình để bắt hắn". Ðoạn, Tỳ-kheo này đến tối, liền ngủ sớm, rồi thức dậy rình. Trong khi các Tỳ-kheo đang ngủ thì hắn ta lại đến sờ mó như trước. Tỳ-kheo liền chộp cổ được, bèn kêu lớn lên: "Các Trưởng lão, hãy đem đèn lại đây".

Khi đã đem đèn tới, liền hỏi y: - Ngươi là ai? - Tôi là con gái của vua. - Thế nào là con gái? - Tôi thuộc lưỡng tính, phi nam, phi nữ. - Vì lý do gì mà ngươi xuất gia? - Tôi nghe nói Sa-môn không có vợ, tôi muốn đến làm vợ.

Các Tỳ-kheo bèn đem sự kiện ấy đến bạch với Thế Tôn. Phật nói:

- Ðó là kẻ bất năng nam10.

Những biểu hiện của “kẻ bất năng nam” trên đây rõ ràng là tính cách của người đồng tính nam.

Như vậy, thuật ngữ huỳnh môn, vô căn hay bất năng nam chắc chắn không phải chỉ là “người có nam căn không hoàn thiện như người nam bình thường, họ bị dị tật bẩm sinh, khiếm khuyết do hoàn cảnh, bị biến đổi theo cảm xúc và thời tiết nhân duyên” như tác giả Thích Quảng Nghiêm nhận định! Họ phải bao gồm cả người đồng tính.

Thật vậy, Luật Ma-ha-tăng-kỳ nêu ra sáu loại “bất năng nam” là: Bẩm sinh đã không thể làm đàn ông; bị phá hỏng; bị thiến; có người xúc chạm thì cương cứng; thấy người khác quan hệ thì cương cứng; và nửa tháng có thể làm đàn ông, nửa tháng không có khả năng. Trong sáu loại này, hai loại bị phá hỏng, bị thiến được xem như nhau và ai cũng hiểu, còn bốn loại kia thật sự là người có giới tính như thế nào và làm sao đoan chắc không bao hàm người đồng tính?

Tương tự, Luật Tứ phần, Luật Thập tụng nêu năm loại huỳnh môn là: huỳnh môn do bẩm sinh (sinh), huỳnh môn do thiến (kiền), huỳnh môn do ghen tị (đố), huỳnh môn do đổi (biến), và huỳnh môn nửa tháng (bán nguyệt), bản chất cũng như Luật Ma-ha-tăng-kỳ.

Về từ nguyên, huỳnh môn, vô căn hay bất năng nam đều được dùng để dịch từ paṇḍaka (Pāḷi: paṇdaka). Paṇḍaka, nghĩa đen là không có tinh hoàn, nhưng khi đặt nó trong bốn loại giới tính mà bộ Phân tích giới bổn nêu ra gồm: giới tính nam (purisa), giới tính nữ (itthi), liên giới tính (ubhatovyañjanaka) và paṇḍaka, thì paṇḍaka lại mang nghĩa đồng tính.

Thật vậy, theo Bộ chú giải Vinaya Mahāvagga, paṇḍaka có năm loại:

1. Asitta-paṇḍaka: người muốn thỏa mãn tình dục bằng cách nút nam căn và tinh khí của người đàn ông khác.

2. Ussuyya-paṇḍaka: người làm thỏa mãn tình dục của mình bằng cách trộm nhìn đôi nam nữ làm tình và cảm thọ khoái lạc trong sự ganh tỵ với họ.

3. Opakkamika-paṇḍaka: người bị thiến như các vị hoạn quan.

4. Pakkha-paṇḍaka: người dấy khởi tình dục trong nửa tháng trăng tối và tạm lắng tình dục trong nửa tháng trăng sáng.

5. Napumsaka-paṇḍaka: người sinh ra không có những đặc tánh về tình dục (đó là người sinh không có mười yếu tố về giới tính, có thể gọi là người phi nam phi nữ).

Trong năm loại trên, tiến sĩ Leonard Zwilling, Giáo sư danh dự tại Đại học Wisconsin-Madison, sau khi nghiên cứu cách giải thích của Phật Âm (Buddhaghosa) trong Samantapāsādikā, của Vô Trước (Asaṅga) trong Abhidharmasamuccaya và của Thế Hữu (Yaśomitra) trong luận giải của ông về Abhidharmakośa11 đã đi đến kết luận:

- Loại thứ nhất, tiếng Phạn là āsaktaprādurbhāvī-paṇḍaka, Hán dịch là biến bất nam, biến huỳnh môn, bão sinh huỳnh môn, tinh bất năng nam, xúc bão huỳnh môn, có nghĩa là người đồng tính.

- Loại thứ hai, tiếng Phạn là īrṣyā-paṇḍaka, Hán dịch đố bất năng nam, đố huỳnh môn, có nghĩa là người thích rình mò chuyện tình ái của người khác.

- Loại thứ ba, tiếng Phạn là āpat-paṇḍaka, Hán dịch là bệnh bất năng nam, kiền huỳnh môn, kiền bất nam, hình tiễn huỳnh môn, tức là người bị thiến, bị phá hỏng, hoạn quan. Những người này có xu hướng tìm sự cực khoái bằng những thủ thuật đặc biệt.

- Loại thứ tư, tiếng Phạn là pakṣa-paṇḍaka, Hán dịch là bán nguyệt bất năng nam, bán bất nam, bán nguyệt huỳnh môn, là những người nửa tháng có khả năng, nửa tháng bất lực chuyện chăn gối.

- Loại thứ năm, tiếng Phạn là jāti-paṇḍaka hay prakṛtipaṇḍaka, Hán dịch là sinh bất năng nam, sinh huỳnh môn, tức là người bất lực, liệt dương.

Từ những câu chuyện duyên khởi và những giải thích của các nhà luận giải giới luật nêu trên chúng ta có thể kết luận rằng, người đồng tính nam bao gồm đối tượng huỳnh môn (hay vô căn, bất năng nam) mà giới luật đề cập.

***

Giới luật Phật chế với 10 mục đích, gọi là ‘thập cú nghĩa’. Trong 10 mục đích này, mục đích quan trọng nhất là tạo sự hòa thuận giữa Tăng chúng và đem lại sự an lạc cho Tăng chúng, nhằm đưa đến thanh tịnh và hòa hợp. Một đoàn thể có sự thanh tịnh mà không hòa hợp, hay hòa hợp mà không thanh tịnh đều không được gọi là Tăng, lại càng không phải là Tăng bảo trong ý nghĩa ruộng phước điền của trời người. Vì vậy, Đức Phật không cho người đồng tính xuất gia và thọ giới, mà đã xuất gia, thọ giới Cụ túc rồi cần phải tẩn xuất, chính là để cho Tăng đoàn hòa hợp và thanh tịnh vậy!

---------------------------

1 Đại phẩm, tập 1, trang 221.

2 Đại chính tạng, T22, n0. 1428, p. 813b21.

3 Đại chính tạng, T22, n0. 1421, p.187c21.

4 Đại chính tạng, T22, n0. 1433, p.1061a19.

5 Đại chính tạng, T40, n0. 1809, p.516a10.

6 Đại chính tạng, T40, n0. 1810, p.542c17.

7 Đại chính tạng, T24, n0. 1453, p. 0461c13.

8 Đại chính tạng, T22, n0. 1428, p. 812b23.

9 Đại phẩm, tập 1, trang 213.

10 Luật Ma-ha-tăng-kỳ, HT. Thích Phước Sơn dịch, trang 832.

11 Xem Homosexuality as Seen in Indian Buddhist Texts in Buddhism, Sexuality, and Gender, ed. José Cabezón (New York: State University of New York Press, 1992) của Tiến sĩ Leonard Zwilling.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày