Lại nói thêm về việc cúng nhương tinh cầu an giải hạn

Có những hình thức nghi lễ không có kinh sách nào trong đạo Phật nói đến, nhưng không có nghĩa nó không có trong Phật giáo (đặc thù của mỗi dân tộc, vùng miền), đặc biệt trong Phật giáo dân gian - Ảnh: Thế Phong/BGN
Có những hình thức nghi lễ không có kinh sách nào trong đạo Phật nói đến, nhưng không có nghĩa nó không có trong Phật giáo (đặc thù của mỗi dân tộc, vùng miền), đặc biệt trong Phật giáo dân gian - Ảnh: Thế Phong/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Văn hoá là sự sáng tạo thích hợp với nhu cầu, cho nên bản thân nó là sức sống không cần bảo tồn. Cái phải tìm cách “bảo tồn” là cái đang phai nhạt, đang mất dần không gian sinh hoạt, thậm chí bị quên lãng…

Đạo Phật, kể từ khi phân nhánh Nam - Bắc truyền, đã mang trong mình những mâu thuẫn có tính lịch sử.

Những thừa nhận và cả ngộ nhận về nhau cho đến nay vẫn mang hai sắc thái rõ rệt, bên nghiêng về xuất thế, bên nghiêng về nhập thế, bên tự lực bên tha lực, bên mục đích và bên phương tiện… Cũng có khi trộn lẫn giữa các xu hướng trên.

Sự phong phú đa dạng của Phật giáo đã trở thành những nét đặc thù khi du nhập vào mỗi nền văn hoá.

Đương nhiên khi du nhập vào các nền văn hoá đa dạng (đa tín ngưỡng, đa thần), Phật giáo không còn như chính nó. Việc tiếp biến và hoà nhập tất yếu đẩy nó xa dần các tư tưởng ban đầu, vì vậy mới có tư tưởng quyền biến khai mở phương tiện, nếu không nó sẽ gặp những cản trở quyết liệt khi du nhập, đặc biệt ở các quốc gia theo tín ngưỡng đa thần.

Chính sự giao thoa Tam giáo (Phật - Đạo - Nho) và xem nó xuất phát chung một nguồn này mà các quốc gia Đông Á không có chiến tranh tôn giáo theo kiểu một mất một còn, như đã xảy ra ở một số nơi.

Và cũng do đặc điểm này mà có xu hướng lý giải, chồng lấn các phong cách văn hoá và thực hành tín ngưỡng lên nhau, khi đậm khi nhạt.

Trong điện Phật mà thờ cả Đế Thiên, Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân… thì đương nhiên cách thực hành tín ngưỡng phải khác với các truyền thống khác. Từ đây sẽ hiểu ra vì sao có các nghi lễ pha trộn với phong cách đạo giáo. Từ các hình thức phù chú, ấn quyết, trừ tà, trị trùng cho đến cúng nhương tinh cầu an giải hạn…

Thậm chí đa phần chùa phía Bắc đều có phủ hay đền thờ Mẫu, một số nơi các vị sư còn hầu cả đồng.

Sự pha trộn nhiều thế kỷ trôi qua, cho đến nay cách thờ tự cầu cúng cũng ít nhiều khác Phật giáo miền Nam.

Nói thế không có nghĩa không cúng sao hạn thì người miền Nam không mong cầu gì ở thần thánh. Điển hình, chùa Bà núi Sam, chùa Bà Tây Ninh, chùa Bà Thiên Hậu… đa phần người ta tìm đến đó để cầu tài, cầu lộc, xin vía làm ăn. Ngay cả hiện tượng mộ Cô Sáu, Cha Diệp cũng là nơi có không ít người tìm đến để cầu tài lộc.

Chính vì điều “pha trộn” trên mà các nước Đông Á, dù người theo đạo Phật rất đông và có nhiều triều đại xem đạo Phật là quốc đạo nhưng vẫn không xuất hiện nền “văn minh Phật giáo”. Khác hoàn toàn ở phương Tây đó là nền “văn minh Thiên Chúa giáo”.

Chính xu hướng hợp nhất, nhất thần, độc thần tạo ra nền văn minh. Nhưng xu hướng kết hợp, tiếp biến dẫn tới sự phong phú đa dạng về văn hoá.

Văn hoá là sự sáng tạo thích hợp với nhu cầu, cho nên bản thân nó là sức sống không cần bảo tồn. Cái phải tìm cách “bảo tồn” là cái đang phai nhạt, đang mất dần không gian sinh hoạt, thậm chí bị quên lãng…

Về đa dạng sắc thái văn hóa, cúng vào mùa, cúng trừ tà đuổi ma của người dân tộc thiểu số cũng không khác cúng mùa (vào hạ, sang xuân) trừ tai giải hạn của người Việt.

Có những hình thức nghi lễ không có kinh sách nào trong đạo Phật nói đến, nhưng không có nghĩa nó không có trong Phật giáo (đặc thù của mỗi dân tộc, vùng miền), đặc biệt trong Phật giáo dân gian.

Tại sao ta chấp nhận nghi thức cúng cầu siêu 49 ngày, cúng khai trương, động thổ, cúng đảo bệnh, cúng bán khoán, cúng phá ngục, nhưng một số lại phủ nhận nghi thức cúng nhương tinh cầu an giải hạn?

Vấn đề là làm sao người ta không thương mại hoá nó để trục lợi, chứ không phải quy cho nó từ “mê tín” là giải quyết hết mọi sự trong văn hoá Phật giáo.

Thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra khi thế giới này chỉ có một nền văn minh và một màu sắc văn hoá?

Trong quá khứ, nếu Phật giáo chỉ có một thừa (Nguyên thủy) và các quốc gia xem đó là mục tiêu phát triển, nó có thể tạo ra nền văn minh Phật giáo. Nhưng trong xu hướng nhất thần giáo (từ phương Tây tràn sang), thì nó sẽ có nguy cơ bị nuốt chửng bởi bạo lực tôn giáo, hay chiến tranh tôn giáo.

Trong khi sự pha trộn tới mức không nhận ra của Phật giáo Đại thừa đã mang lại cho các nước Đông Á một sự dung hội đặc thù giữa các tôn giáo, và chiến tranh tôn giáo đã không xảy ra, dù thời điểm này thời điểm kia nó thúc ước lẫn nhau.

Tinh thần của dân chủ là gì, nếu không phải duy trì sự đa dạng về chủng tộc, giới tính, tôn giáo, tín ngưỡng về nhân cách, sở thích, triết lý và cả những mưu cầu trần tục, mà ai đó trong chúng ta luôn tìm cách viện dẫn ra.

Nhưng cũng vì sự đa dạng này mà mâu thuẫn không bao giờ dứt, như những chỉ trích lẫn nhau chưa dứt của Phật giáo Nam - Bắc truyền. Căn cốt là điều anh làm, tôi thấy chướng mắt và ngược lại.

Cũng đúng thôi, một bên tìm tuyệt đích của giải thoát cá nhân, một bên thì nói “Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết biết”.

Rồi đây thời đại sẽ đổi thay, có những hình thức thực hành tín ngưỡng cũ mất đi, bị đào thải và cũng có những cái mới du nhập vào, âu cũng là lẽ thường.

Xin lỗi phải tiếp tục nói ra điều này, khi chứng kiến huynh đệ, Phật tử tranh cãi thậm chí xúc phạm nhau xoay quanh việc cúng nhương tinh cầu an giải hạn. Cá nhân người viết ủng hộ việc chuyển sang tụng kinh Dược Sư. Và người viết chỉ lên án những ngôi chùa đã lợi dụng việc cúng sao trục lợi bằng cách niêm giá một cách thô thiển.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày