Lần đầu nhập hạ

Hành giả an cư tại chùa Bồ Đề Lan Nhã
Hành giả an cư tại chùa Bồ Đề Lan Nhã
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Khi lần đầu tiên trong đời được thầy tổ cho rời chùa, để đến hạ trường chùa Bồ Đề Lan Nhã (Q.6, TP.HCM) nhập hạ tu học, quý Sư cô trẻ là hành giả an cư tại đây đã có nhiều cảm xúc đặc biệt. 

Tuổi hạ đầu tiên với nhiều hạnh phúc

Rời chùa Phổ Quang, Huế để đến tịnh nghiệp đạo tràng Bồ Đề Lan Nhã nhập hạ, Sư cô Thuần Niệm chia sẻ: “Bản thân con, từ miền Trung xa xôi vào vùng đất Sài Gòn thì làm sao tránh khỏi những lo lắng. Nhưng ngày đầu tiên bước vào hạ trường an cư kiết hạ, con thật may mắn và đầy phước đức được gặp Thầy - Ni sư Thích nữ Như Hiền, trụ trì chùa Bồ Đề Lan Nhã”.

Nhắc đến ấn tượng về nơi hạ trường này, Sư cô kể: “Mỗi buổi sáng, trước giờ đại chúng tiểu thực, Thầy luôn gửi đến đại chúng những lời chúc tốt đẹp, những điều hay, những lời chúc an lành, ‘chúc đại chúng một ngày tu tập thật an lạc’. Chúng con cảm nhận được tình thương của Thầy đối với trò, như người mẹ với những đứa con. Thầy không phân biệt đệ tử của mình hay không phải đệ tử, Thầy luôn dạy chúng con mỗi buổi sáng: Các con tu tập là phải có an lạc”.

Ni sư Như Hiền học giới luật của hành giả
Ni sư Như Hiền học giới luật của hành giả

Theo lời Sư cô Thuần Niệm, vì mong muốn đại chúng luôn được an lạc, Ni sư Thích nữ Như Hiền luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất. Đại chúng hơn 60 vị hành giả an cư, nhưng có vị ưa thích gió mát, thích ứng được điều hòa, có vị lại không thích ứng được điều hòa, có vị không chịu được mùi khói nhang, Ni sư đã tùy duyên để mỗi hành giả an cư luôn được an lạc.

“Chúng con nhớ câu nói của Thầy: ‘Chúng ta tôn kính Phật nên thắp nhang cúng dường Phật, nhưng khiến chúng sanh không chịu được mùi khói vì đau mũi viêm xoang, thì lần sau chúng ta không thắp nhang nữa, chỉ cúng dường nụ trầm, miễn sao quý vị được an lạc là được’. Thầy vừa dứt lời dạy xong, trong tâm tư chúng con xúc động và cảm thấy thật là may mắn, phước đức cho chúng con đã gặp được Thầy”, Sư cô Thuần Niệm xúc động cho biết.

Cũng là một trong những hành giả lần đầu tiên an cư ở hạ trường, Sư cô Bảo Hương rời tịnh thất Hoa Nghiêm (H.Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) để đến tịnh nghiệp đạo tràng Bồ Đề Lan Nhã nhập hạ. “Ấn tượng đầu tiên khi được nhìn thấy hình bóng của Thầy trụ trì vào mỗi buổi sáng nơi thiền đường với nụ cười thân thương. Thầy luôn tu cùng đại chúng, mỗi ngày đều chia sẻ cùng đại chúng về cuộc đời và công hạnh của những bậc Ni tiền bối, để chúng con có thêm động lực trong sự tu học và chấp tác của mình”, Sư cô Bảo Hương cho biết.

Sư cô Bảo Hương thiệt thà kể, lần nhập hạ đầu tiên này chắc chắn không thể nào quên, bởi, “đây là lần đầu tiên được trải qua một thời kinh Pháp hoa, tụng xuyên suốt trọn bộ vào mỗi Chủ nhật hàng tuần, lúc đầu chưa quen nên mình thấy khá đau chân, nhưng dần sau đó hòa mình vào những lời kinh tiếng kệ, thì rất hoan hỷ”.

Ở hạ trường này, bất kỳ hành giả an cư nào cũng cảm nhận được Ni sư trụ trì chú trọng về việc tu tập và khuyến tấn đại chúng tinh tấn tu học, cho nên hành giả nào cũng bảo: “Được an cư trong mùa hạ đầu tiên là phước báu lớn nhất”.

Hành giả an cư cùng nhà chùa chuẩn bị quà chia sẻ phiên chợ 0 đồng
Hành giả an cư cùng nhà chùa chuẩn bị quà chia sẻ phiên chợ 0 đồng

Sư cô Chúc Hậu, đến từ Khánh Hòa chia sẻ, “khi được giới thiệu vào an cư kiết hạ tại chùa Bồ Đề Lan Nhã, một vài vị đã bảo với con rằng, sao không an cư nơi hạ trường khác mà lại chọn Bồ Đề Lan Nhã, thời khóa ở đó nhiều lắm, gắt gao lắm”. Khi nhập hạ rồi thì Sư cô Chúc Hậu cảm thấy may mắn khi ngày ngày được tiếp xúc, được Ni sư trụ trì truyền năng lượng tích cực, tính tấn.

“Việc của Thầy nếu giải quyết trong một ngày chắc phải đến tận đêm khuya mới xong, nhưng Thầy chưa bao giờ bỏ tu cùng đại chúng. Trong tình trạng sức khỏe không ổn, Thầy vẫn ngồi lại để tham gia hết thời khóa, không bỏ giữa chừng. Có những hôm vì Phật sự quá nhiều Thầy lại không kịp dùng cơm thì lại đến giờ hành trì, Thầy phải dùng vội một chút để kịp tham gia thời khóa. Đó chính là bài pháp sống động nhất để đánh động vào tâm trí của con, nhắc nhở con chớ có lười biếng buông lung”, Sư cô Chúc Hậu cảm kích.

Hạ viên mãn từ tình yêu thương

Trong dòng nhật ký viết lại tại hạ trường, Sư cô Tuệ Giác, chùa Bảo Đàm (Q.Tân Phú) trải lòng: “Chúng con cảm nhận như mình là đệ tử chứ không phải hành giả an cư. Thầy đi công tác Phật sự ở xa, nhưng lúc nào cũng lo cho đại chúng, từng món quà, từng miếng bánh, trái cây. Đặc biệt, khi hai chị em chúng con có lịch nhập học tại Ấn Độ, Thầy nhờ người lo cho chúng con visa, vé máy bay, chuẩn bị lương khô, mua thêm hành lý để chúng con có đầy đủ khi sang đất khách”.

Tình thương của Ni sư Như Hiền được Sư cô Tuệ Giác xem đó là hành trang để tu, để hoàn thành chương trình học ở Ấn Độ, để không phụ tấm chân tình của Ni sư trụ trì chùa Bồ Đề Lan Nhã đã tận tình chăm sóc.

Phân ban Ni giới T.Ư, TP.HCM thăm, sách tấn hành giả tại hạ trường chùa Bồ Đề Lan Nhã
Phân ban Ni giới T.Ư, TP.HCM thăm, sách tấn hành giả tại hạ trường chùa Bồ Đề Lan Nhã

Như câu nói, niềm an vui luôn hiện diện ở nơi có tình yêu thương, khi nhắc đến những ngày đầu tiên ở hạ trường, Sư cô Quang Minh Nhân, tịnh thất Đại Hạnh (Q.9) chỉgói gọn trong bốn chữ: “Vô cùng biết ơn”. Đó là những lỗi sai, vụn vặt nhưng Sư cô đã được Ni sư Như Hiền quan sát và ân cần nhắc nhở, chỉnh sửa kịp thời: “Theo sau những lời sách tấn, giáo huấn là những nụ cười hoan hỷ, tôn nghiêm làm con cảm nhận được tấm lòng thương yêu bao la, không bút mực nào có thể tả xiết”.

Cũng chính vì tình thương ấy mà mùa hạ đầu tiên của các Sư cô mỗi người học, hành và tu sửa được nhiều hơn cho bản thân. Điều sau cùng, bộc bạch của các Sư cô trẻ có lẽ cũng là điều Ni sư trụ trì, Hóa chủ hạ trường Bồ Đề Lan Nhã mong đợi: “Sau này về trú xứ chúng con sẽ cố gắng y giáo phụng hành những lời dạy của quý Ni trưởng, Ni sư trong ba tháng hạ an cư tại tịnh nghiệp đạo tràng chùa Bồ Đề Lan Nhã. Ba tháng tuy ngắn ngủi nhưng những lời dạy ấy giúp chúng con suốt cả hành trình tu nhân học Phật”, Sư cô Bảo Trân, đến từ tịnh thất Hoa Nghiêm, tỉnh Đồng Nai tâm niệm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày