Nhật ký an cư: "Niềm an vui vẫn luôn có thật"

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1207 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1207 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Những vạt nắng chiều về, đồng đồ điểm 14 giờ 45 phút, lúc này tiếng chuông báo chúng được thỉnh lên ngân vang khắp khuôn viên tu viện, chư Tăng, Phật tử đều dừng lại các việc đang làm và hít thở, không gian lắng đọng giữa những thênh thang cửa thiền trong tiết trời êm dịu đầu mùa an cư.

“Nghe chuông phiền não tan mây khói. Ý lặng, tâm an, miệng mỉm cười. Hơi thở nương chuông về chánh niệm. Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi”. Chuông ngưng, các hoạt động trở lại, tại vườn Phật, các bạn trẻ mỗi người mỗi việc để chuẩn bị cho thời khóa pháp đàm, có bạn đang sắp xếp tọa cụ, có bạn đang chuẩn bị nước, có bạn đang chuẩn bị chuông, bạn thì xem lại bài học... tất cả được thực hiện nhẹ nhàng và chánh niệm.

Buổi sáng, đại chúng được học bài về chủ đề “Năm chữ H” – học, hiểu, hành, hiệu, hoàn. Vậy nên pháp đàm đại chúng sẽ ôn lại và chia sẻ chủ đề này. Gần một tiếng rưỡi đồng hồ, dưới tán cây bóng mát, trên thềm cỏ xanh, những thắc mắc được lắng nghe, giải đáp, bao nhiêu tâm tư được trải lòng là bấy nhiêu giọt ngọc rơi xuống cho sự cảm thông và cái ôm xoa dịu nỗi khổ. Đó cũng chính là lúc yêu thương trở lại.

Có lẽ, trước áp lực của cuộc sống, người trẻ đã trải qua những bất an và cảm thấy mông lung với hướng đi của mình. Đã có lúc họ phải bám víu vào vật chất hay lấy những thành tựu đơn chiếc, khoái cảm cạn cợt để tự trấn an nhưng rồi chỉ làm cho họ càng thêm bất an hơn bao giờ hết. Và rồi, những phương pháp thực tập của một đạo Phật nhập thế, dung dị và thiết thực đã trở thành một điểm tựa tinh thần, một phương châm sống hướng đến cho người trẻ với những giá trị thánh thiện sáng ngời được tiếp nhận và áp dụng.

Mùa an cư Phật lịch 2567 tại tu viện Khánh An (TP.HCM) năm nay không chỉ dành riêng cho chư Tăng mà có tới 15 các bạn trẻ về tập sự xuất gia và các bạn xin về tu tập 3 tháng an cư.

Vào mỗi cuối tuần, bầu không khí tu viện rộn rã hơn khi đông Phật tử và những người trẻ yêu mến đạo Phật trở về tu học và sinh hoạt thời khóa an cư, nhưng khi tiếng chuông báo chúng vang lên, không ai nói với ai điều gì, ai nấy cũng im lặng tự giác tham dự thời khóa cùng đại chúng.

Mỗi thời khóa ở tu viện đều là một thời ngồi thiền, tùy vào các buổi khác nhau mà thời gian ngồi thiền kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ. Ngồi thiền cơ bản trước tiên là để an thân và lắng tâm, đưa thân tâm trở về nhất như, có mặt trong giây phút hiện tại không để những tiếc nuối quá khứ, ước vọng tương lai ràng buộc.

Những lần đầu thực tập, thế nào cũng có những buổi ngồi thiền “đầy bất ổn” trở thành chủ đề trò chuyện sôi nổi của huynh đệ. Những thế ngồi độc lạ, những cái gật đầu không người hỏi, những cảm nhận thú vị,… tất cả được chia sẻ với tâm thế cởi mở và nâng đỡ nhau trong những buổi pháp đàm.

Các bạn trẻ không còn những buổi sáng ngủ nướng, xa rời thiết bị điện tử, hòa vào các thời khóa tụng kinh, sám hối, nghe pháp thoại, dự pháp đàm, ăn cơm chánh niệm, chấp tác, giờ thể thao… luôn được thực tập trong tâm niệm nuôi dưỡng và trị liệu. Các bạn đã thực sự sống sâu sắc và tiếp xúc được với những mầu nhiệm trong và xung quanh mình. Sự trân quý, lòng biết ơn và tâm tĩnh lặng đã không còn là một ý niệm trừu tượng mà đang thực sự biểu hiện trong từng lời nói, hành động và ý nghĩ của mỗi người.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày