Mang ánh sáng Phật pháp vào nhà tù

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1168 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1168 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nhiều năm liền, Daniel Troyak đã thực hiện công việc tuyên úy Phật giáo chuyên nghiệp tại Trung tâm Cải huấn Long Bay, một cơ sở giáo dục gần Sydney có số lượng tù nhân lên đến hơn một nghìn người.

Thông qua những liệu pháp tinh thần, hướng dẫn thiền định và rèn luyện tâm trí dựa trên những nguyên tắc đạo đức và những lời Phật dạy, anh đã giúp được rất nhiều người vượt qua những bế tắc về mặt tâm lý. Vào năm 2020, anh đã trở thành tuyên úy Phật giáo đầu tiên làm việc toàn thời gian trong nhà tù ở Australia.

Cha mẹ của Dan di cư từ Croatia đến Australia vào những năm 1980. Anh lớn lên và luôn trăn trở về mọi thứ xung quanh mình: “Tôi luôn muốn tìm kiếm và khám phá một thứ gì đó đặc biệt hơn là những gì ở xung quanh mình”. Sau khi ra trường, anh trở thành tiếp viên hàng không quốc tế và làm việc cho hãng Qantas Airways trong hơn 20 năm. Chính điều này đã giúp anh có cơ hội tiếp cận với những phương pháp thực hành tâm linh ở các nước trên thế giới.

Ở độ tuổi 20, anh đã bắt đầu hành thiền dưới sự chỉ dẫn của một vị đạo sư Ấn Độ. Anh cho biết: “Đây thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời, và có thể cải thiện cuộc sống tôi vào thời điểm đó”, nhưng anh vẫn chưa tìm thấy những gì mà anh thực sự mong muốn. Mọi thứ đã thay đổi vào khoảng 7 năm trước, khi anh đi cùng một người bạn đến Nhật Bản.

Cô bạn của anh có kế hoạch tham dự một khóa tu 3 ngày tại Tokyo do vị sư Tây Tạng Dzongsar Khyentse Rinpoche hướng dẫn. Tuy vậy, Dan không có ý định tham gia với cô ấy. “Ngay khi nghe cô ấy nhắc về “Phật giáo”, tôi ngay lập tức đáp lại “Ồ, không được. Mình không thích các tổ chức, một tôn giáo có tổ chức không thích hợp với mình”, anh kể lại. Vì vậy, trong khi cô ấy đến khóa thiền, Dan đã đi uống cà-phê mặc dù không thích nó cho lắm.

Nhưng sau đó, anh nhận ra chiếc gối thiền của người bạn vẫn còn đang trong ba lô của mình. Biết cô ấy rất cần nó, do đó, anh đã quay trở lại ngôi chùa để đưa nó cho cô, và được điều phối viên khuyến khích nên nghe giảng dạy giáo lý trong khoảng thời gian ngắn ngủi này. “Tôi nép mình vào phía sau cửa chùa để có thể nhanh chóng thoát ra ngoài. Nhưng ngay khi ngài Rinpoche đến và bắt đầu thuyết giảng về Bồ-đề tâm, tôi phát hiện ra chính là nó. Tôi đã tìm ra nó rồi, và thế là tôi đã ở lại cho đến hết 3 ngày”, anh kể.

Sau đó, Dan Troyak quay trở lại Australia để tiếp tục tiến hành một số nghiên cứu và thực sự anh đã cảm thấy yêu thích giáo pháp hơn bao giờ hết. Hiện nay, anh là một hành giả Kim Cang thừa dưới sự chỉ dẫn của Avikrita Vajra Rinpoche tại Seattle. Cùng với lòng khao khát học hỏi giáo pháp và sự hỗ trợ của thầy mình, không lâu sau, anh đã trở thành tuyên úy. Anh theo học chương trình CPE của Australia (giáo dục thường xuyên chuyên nghiệp) dưới sự bảo trợ của Hội đồng Phật giáo New South Wales, và được Trường Cao đẳng Giáo dục Mục vụ Lâm sàng khu vực công nhận và chứng nhận.

Ở Australia, một tuyên úy nhà tù theo Phật giáo và luôn hướng đến việc truyền đạt những tư tưởng về thiền định và các giáo lý Phật giáo cho các tù nhân là một hiện tượng hết sức mới mẻ. Bài phỏng vấn trực tiếp dưới đây sẽ làm rõ hơn về công việc của vị tuyên úy Phật giáo Dan Troyak này.

* Trong môi trường làm việc của bạn, trong khi hầu hết những vị tuyên úy khác đều theo đạo Thiên Chúa, thì làm thế nào để các bạn có thể giữ được sự hòa hợp với nhau?

Trong trung tâm cải huấn, tôi cảm thấy vô cùng may mắn. Vì chúng tôi là một nhóm tuyên úy rất tuyệt vời bao gồm những người luôn ủng hộ tuyệt đối cho công việc và đức tin của nhau. Vâng, hầu hết là những người theo đạo Thiên Chúa và một người lãnh đạo theo Hồi giáo; đôi khi chúng tôi cũng có những cuộc trò chuyện và trao đổi tuyệt vời về con đường tâm linh của nhau. Vấn đề trao đổi ở đây không phải là liệu con đường tâm linh của người này có đúng đắn hơn con đường của người khác hay không, mà là sự quan tâm của chúng tôi dành cho nhau.

* Khi nói rằng bạn là tuyên úy Phật giáo toàn thời gian đầu tiên ở Australia, thì bạn muốn ám chỉ cho tất cả các lĩnh vực hay chỉ trong phạm vi nhà tù?

Trong các trung tâm cải huấn. Có rất ít công việc toàn thời gian trong lĩnh vực tuyên úy ở Australia. Các bệnh viện, trường đại học và các cơ sở giáo dục khác đều có thể có tuyên úy, nhưng tôi tin rằng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần trong các nhà tù thì phần đông là do những người theo Cơ Đốc giáo thực hiện.

* Với tư cách là tuyên úy toàn thời gian, một ngày hoặc một tuần của bạn diễn ra như thế nào?

Do đại dịch Covid-19, rất nhiều công việc hiện tại của tôi được thực hiện dưới hình thức tư vấn và hướng dẫn từng người một. Nếu ai đó quan tâm đến Phật giáo hoặc chánh niệm, hoặc bản thân tôi nhận thấy họ đang phải vật lộn với các vấn đề về tinh thần hoặc cảm xúc, thì tôi sẽ mời họ đến phòng cầu nguyện riêng biệt để tham gia một buổi thiền tập, một thời pháp thoại hay bất cứ hoạt động nào liên quan để giúp họ có thể sáng tỏ vấn đề của mình và vượt qua nó. Có khi đó chỉ là những lời khuyên thiết thực dành riêng cho họ.

Ngoài ra, tôi còn tổ chức các lớp thiền tập và học hỏi giáo pháp cho các nhân viên, cũng như hỗ trợ cá nhân cho những ai có nhu cầu. Nhiều nhân viên quản giáo theo đạo Hindu và đạo Sikh cũng tìm đến tôi và trò chuyện về đức tin, tôn giáo, thiền định, chánh niệm hay con đường của Phật giáo,…

Tôi làm việc trong các bộ phận khác nhau của trung tâm, bao gồm chăm sóc giảm đau và trong bệnh viện. Bên ngoài khu phức hợp của chúng tôi, một phần của bệnh viện địa phương dành cho các tù nhân và chúng tôi đến đó khi cần. Với những tù nhân mắc bệnh nan y, tôi hoàn toàn không thích kể về điều này, nhưng họ có thể qua đời ở trong tù mà không có bất kì một người thân nào bên cạnh. Gia đình và bạn bè của họ không thể ở bên họ. Thật khủng khiếp khi để ai đó một mình trong không gian chỉ có chính họ dù chỉ trong chốc lát, chứ đừng nói đến khi họ biết cái chết sắp cận kề. Trong những trường hợp như vậy, công việc và sự hỗ trợ của chúng tôi rất quan trọng đối với cận tử nghiệp của họ, bất kể họ theo tôn giáo hay không.

* Bạn có thể kể một vài điều về thiền tập trong nhà tù không?

Thiền là một liệu pháp cực kỳ hữu hiệu trong nhà tù. Thiền tập của Phật giáo có chút khác so với phương pháp chánh niệm lâm sàng được giới thiệu bởi các nhà tâm lý học. Tại Australia, theo con số được thống kê, 76% trong tổng số các tù nhân mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Cũng có thể họ bị trước khi vào tù, nhưng nhiều người lại phát sinh khủng hoảng tâm lý khi họ ở đó.

Các phương pháp thực hành cụ thể có thể giúp trị liệu những vấn đề nhất định, chẳng hạn như thiền tập trung vào việc ổn định cảm xúc, hoặc có thể giúp đối phó với trạng thái lo âu. Với những tù nhân có vấn đề về sức khỏe tinh thần, khó tập trung và không thể ngồi yên, tôi có thể hướng dẫn họ phương pháp trì tụng thần chú. Tôi luôn tạo ra những nội dung và phương pháp thực hành cụ thể khác nhau cho từng đối tượng. Vì vậy, luôn có những quyển sổ tay, tạp chí hay những cuốn sách nhỏ chứa đựng những câu thần chú, các giáo lý hay phương pháp hành thiền mà họ có thể mang theo bên mình để tự nhắc nhở về những gì đã học.

Ngoài thiền tọa, tôi còn hướng dẫn các tù nhân cách thiền tập khi đang di chuyển. Khoảng sân của nhà tù là nơi vô cùng căng thẳng đối với hầu hết mọi người; bởi vì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trong môi trường ngoài trời đó và các tù nhân thường phải cảnh giác cao độ. Tâm trí họ phải hoạt động đến mức mệt mỏi, trạng thái này rất nhanh sẽ làm ảnh hưởng đến tuyến thượng thận.

Ngày này qua ngày khác, trong nhiều tháng nhiều năm, chính tình trạng này biến họ thành một mớ hỗn độn cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, thay vì trốn tránh thực tại và để cho tâm trí lang thang, thiền dạy họ cách có mặt trong sân, đứng dựa vào tường, thở và mở mắt để quan sát mọi thứ đang diễn ra xung quanh trong khoảnh khắc hiện tại. Nếu có bất cứ điều gì xảy ra, tâm họ cũng đang có mặt ở đó và họ có thể thoát khỏi các rắc rối. Có thể nói rằng thiền tập rất thiết thực trong bối cảnh nhà tù.

* Về phương diện cá nhân, bạn có phương pháp thực tập nào khiến bạn luôn sẵn sàng làm công việc này trong suốt cả ngày hay không?

Tôi thức dậy vào buổi sáng và khơi dậy tâm Bồ-đề trong tâm trí tôi. Khi làm việc với tâm Bồ-đề, tôi sẽ bỏ lại tất cả những vấn đề của riêng mình ở cổng nhà tù, cố gắng gác lại mọi thứ trong cuộc sống cá nhân của mình và bước vào trung tâm cải huấn để tu dưỡng tâm Bồ-đề. Tôi luôn ở đó để chăm sóc, yêu thương, tôn trọng, và là chỗ dựa vững chãi cho bất kỳ ai.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Thờ Phật Dược Sư

GNO - Tôi thấy trong kinh Dược Sư, Đức Phật dạy: “Nếu có người nào cúng dường cầu phước, thì trước phải tạo bảy pho tượng của Phật Dược Sư để trên tòa cao...”. Vậy gia đình tôi thờ một tượng có được không? Công đức tu tập có như thờ bảy tượng Phật Dược Sư không?

Thông tin hàng ngày