Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường: "Ngôi chùa là nơi giữ gìn văn hóa người Việt trên đất khách”

Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường - Ảnh: NVCC
Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường - Ảnh: NVCC
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường từ rất lâu đã gắn liền với những tấm ảnh chụp ngôi chùa Việt Nam từ Bắc chí Nam, được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam trao tặng danh hiệu “Người chụp ảnh và lưu trữ ảnh các ngôi chùa nhiều nhất Việt Nam”.

Sau khi sang định cư tại Mỹ, những tưởng ông đã tạm gác lại công việc của mình, thế nhưng đôi chân ấy vẫn tiếp tục rong ruổi để ghi lại hình ảnh của những ngôi chùa Việt đã được những người xa xứ tạo dựng bên kia bờ đại dương. Những ngày cuối năm, nhân chuyến trở về quê hương, nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường đã dành cuộc trò chuyện cùng Giác Ngộ về những công việc và dự định của mình. Dù đã bước sang tuổi 70, ông vẫn đầy hào hứng, sôi nổi và nhiệt huyết trong câu chuyện “chụp ảnh chùa” của mình với rất nhiều dự định còn ấp ủ:

- Khi tôi rời Việt Nam sang Mỹ, những tưởng công việc chụp ảnh tư liệu chùa Việt Nam đã gián đoạn. Thế nhưng, như một mối nhân duyên, sang đến xứ người, tôi tình cờ gặp được ông Từ Hiếu Côn, Giám đốc Nhà xuất bản Hương Quê, nhà xuất bản của người Việt lớn nhất hải ngoại.

Ban đầu, khi thấy ở trong nước, tôi đã thực hiện được rất nhiều sách ảnh tư liệu về các ngôi chùa Việt Nam, ông cũng nảy ra ý định thực hiện một cuốn sách về chùa Việt trên đất Mỹ. Nói là làm, ông gửi lời đề nghị đến 500 ngôi chùa Việt trên đất Mỹ để cung cấp hình ảnh nhằm thực hiện ý định của mình. Thế nhưng, 2 tháng sau, chỉ có ít chùa phản hồi với những tấm ảnh chụp với chất lượng không như ý.

Những tưởng đã thất bại thì tình cờ trong một buổi họp mặt cựu sinh viên Đại học Vạn Hạnh tại hải ngoại, tôi và ông có dịp gặp nhau. Ông đã ngỏ lời đề nghị cộng tác với tôi tiếp tục thực hiện công việc nói trên. Cũng nhờ đó, chúng tôi mới có được 2 cuốn sách ảnh chùa Việt Nam tại hải ngoại rất bề thế với khoảng 800 trang mỗi cuốn, được in bằng 4 ngôn ngữ Việt-Hoa-Anh-Nhật, xuất bản cuốn 1 vào năm 2014 và cuốn 2 vào năm 2017.

Trong quá trình làm bộ sách chùa Việt Nam tại hải ngoại, một điều rất thuận lợi đó là ông giám đốc nhà xuất bản Hương Quê đã hỗ trợ tôi một cách tận tình trong việc ăn ở, đi lại. Sau khi tôi làm xong và chuyển phần hình ảnh và bài viết, ông tiếp tục tiến hành các công việc còn lại như dịch thuật, in ấn,… Công tâm mà nói, nếu không có ông Từ Hiếu Côn, tôi sẽ không thực hiện được bộ sách chùa Việt Nam tại hải ngoại. Tôi và ông còn ấp ủ rất nhiều dự định nữa, nhưng rất tiếc mọi thứ đành gác lại khi ông bị bệnh qua đời cuối năm 2020, hưởng thọ 70 tuổi.

* Đã có thêm những nhân duyên đặc biệt nào nảy sinh trong quá trình đi và chụp ảnh chùa Việt tại hải ngoại không, thưa ông?

- Trong quá trình đi chụp ảnh để thực hiện bộ sách chùa Việt Nam tại hải ngoại, tôi có cơ hội mở rộng mối quan hệ với các chùa ở hải ngoại. Từ đó tôi có dịp tiếp xúc nhiều hơn với các sinh hoạt Phật giáo tại hải ngoại. Trải qua 15 năm, từ 2007 cho đến nay, tôi đã đi đến trên 500 ngôi chùa ở hải ngoại, không chỉ khắp 30 tiểu bang trên đất Mỹ mà còn đến các ngôi chùa Việt tại Úc châu, Nga, Pháp, Canada, Ấn Độ, Nepal, Thái Lan...

Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường

Nhiếp ảnh gia Võ Văn Tường

* Trong lần trở về Việt Nam lần này, ông có thêm những dự định nào trong công việc chụp ảnh tư liệu chùa của mình không, thưa ông?

Tôi đang cùng Hòa thượng Bửu Chánh thực hiện bộ sách ảnh về chùa Nam tông của người Việt. Hiện tại, tập 1 đã thực hiện xong, đang tiến hành in ấn và theo kế hoạch sẽ phát hành vào dịp Tết năm nay. Đồng thời, việc thực hiện tiếp tập 2 cũng được tiến hành song song.

Bên cạnh đó, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổ sư Minh Đăng Quang, tôi cùng anh Nguyễn Trung Toàn sẽ phụ giúp Hòa thượng Thích Giác Toàn thực hiện một công trình về các tịnh xá của Hệ phái Khất sĩ tại Việt Nam và một số tịnh xá lớn trên thế giới. Gần đây, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng trao đổi với tôi và dự định sẽ thực hiện một cuốn sách ảnh về kiến trúc và kỷ lục về di sản văn hóa chùa Việt Nam toàn cầu. Hy vọng sức khỏe của tôi sẽ đảm bảo để hoàn thành được các dự định của mình.

* Trở lại với câu chuyện chùa Việt tại hải ngoại. Trong quá trình đi và chụp ảnh như thế, ông có những nhìn nhận như thế nào khi tiếp cận với các sinh hoạt Phật giáo của đồng bào ta ở nước ngoài?

- Trong một dịp được gặp gần đây, Hòa thượng Pháp chủ có hỏi tôi về điều này. Mặc dù chỉ có hơn ba mươi phút trò chuyện, tôi vẫn nhận thấy sự quan tâm đặc biệt của ngài đối với sinh hoạt Phật giáo tại hải ngoại.

Gần đây, những khóa tu được người Việt ở hải ngoại tổ chức rất nhiều và đều đặn, không chỉ bởi các chùa mà còn do các nhóm Phật tử đứng ra thực hiện. Có khóa tu 50, 70 người nhưng cũng có những khóa tu với số lượng hàng trăm, hàng ngàn người. Không gian tổ chức khóa tu không chỉ giới hạn trong chùa, mà còn có thể thuê các trường học, những hội trường lớn. Nguyên do là vì với một số lượng người tham dự khóa tu quá lớn, sắp xếp chỗ đậu ô-tô của những người đến tham dự với số lượng vài trăm chiếc là cả một vấn đề. Các khóa tu cũng rất đa dạng về hình thức, pháp môn tu học: Thiền tông, Tịnh độ, Khất sĩ,…

Riêng ở Mỹ, Phật tử thường đi nhiều chùa. Ngoài những dịp có lịch thuyết giảng hay, còn hầu hết người ta sẽ đi chùa vào những dịp lễ lớn: Phật đản, Vu lan hay Tết Nguyên đán,… Tuy nhiên, với lịch trình làm việc sít sao ở bản xứ, các dịp lễ cũng được sắp xếp thời gian linh động hơn; đa phần rơi vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật để Phật tử, tín đồ có thể thuận tiện trong việc tham dự.

* Theo ông, điểm khác biệt lớn nhất giữa ngôi chùa Việt Nam ở trong nước và ở hải ngoại là gì?

- Ở hải ngoại có rất ít chùa lớn, đa phần tập trung ở những vùng có đông người Việt, còn lại bởi hiện tình ở xứ người, đa số các chùa được tạo lập dưới hình thức “cải gia vi tự”. Tuy nhiên, chùa nào cũng có những sinh hoạt hết sức sôi nổi. Trong thực tế, khi viết sách giới thiệu về chùa ở Việt Nam, chúng tôi thường chú trọng đến những đặc sắc về kiến trúc, cảnh quan, tượng vũ, pháp khí,… nhưng ở hải ngoại, chùa chiền lại không có những yếu tố đó. Vì vậy, nếu có đặc điểm nổi bật gắn với chùa Việt ở hải ngoại thì đó chính là sinh hoạt của cộng đồng Phật tử nói riêng và đồng hương nói chung.

Một điều tôi nhận thấy rất rõ, con em của những gia đình người Việt được đưa đến chùa từ nhỏ, tham gia các sinh hoạt Gia đình Phật tử, gần gũi với cộng đồng thường có sự khác biệt trong ứng xử, giao tiếp. Các cháu được tiếp xúc với đạo đức Phật giáo ngay từ nhỏ, thông qua việc được sinh hoạt, nghe thuyết giảng, đọc và xem những sách vở, phim ảnh mang yếu tố Phật giáo ở trong chùa. Cho đến khi lớn, dù là kỹ sư, bác sĩ hay đã làm việc bận rộn, các cháu vẫn dành thời gian trở về chùa, hướng dẫn trở lại cho các em nhỏ hơn.

Ngôi chùa Việt ở hải ngoại không đơn thuần chỉ là một địa điểm tâm linh mà còn là nơi gìn giữ sinh hoạt văn hóa, ngôn ngữ cho cộng đồng người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ sinh ra trên xứ người không quên nguồn cội của ông cha.

* Xin chân thành cảm ơn ông đã chia sẻ, chúc ông thật nhiều sức khỏe để tiếp tục theo đuổi những dự định của mình!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Thiện Thông thăm hỏi, động viên bà con có hoàn cảnh khó khăn TP.Trà Vinh

Chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu) trao quà tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre

GNO - Sáng 23-11, đoàn từ thiện chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Thượng tọa Thích Thiện Thông, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Liên Trì làm trưởng đoàn đã đến trao quà đến trẻ em và người già neo đơn tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre.
Chùa Thầy (Hà Nội)

Mái chùa che chở hồn dân tộc

NSGN - Bài thơ Nhớ chùa là một tác phẩm bất hủ của thơ ca Phật giáo Việt Nam. Bài thơ này đi vào lòng người mến đạo một cách dịu dàng và nồng ấm như câu ca dao của mẹ, tự nhiên và nhẹ nhàng như hơi thở, bình yên và trong sáng như một mảnh trăng chiều...

Thông tin hàng ngày