Nhờ thuốc và nhờ phước

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Hồi nhỏ ở quê, thường nghe bố kể các câu chuyện xưa. Bố có một kho tàng toàn những chuyện hay ho kỳ lạ, thỉnh thoảng có dịp đem ra kể cho các con hoặc người thân trong họ nghe chơi.

Những câu chuyện về làm thuốc cứu người, về những thú vị trong chữ nghĩa... được bố tâm đắc nhất. Câu chuyện sau đây mang cả nội dung chữa bệnh cứu người và chữ nghĩa.

Đang trong đợt căng thẳng giãn cách chống dịch Covid-19, lục lại tàng thư thấy đề tài chữa bệnh cứu người dường như chưa bao giờ thoát khỏi dòng thời sự của nhân gian...

Xưa có ông thầy thuốc, có cửa hàng thuốc ở vùng quê, làm thuốc giúp dân cư trong vùng chừng một vài thôn xóm thôi. Nhưng rồi dạo kia người vợ ông bị bệnh, mà ông cắt thuốc mấy lần vẫn không khỏi. Người vợ cứ bệnh rề rề mãi, ông chồng bứt rứt khó chịu, nghĩ mình làm thuốc mà không chữa được cho vợ, thiệt là khó nói.

Thế rồi một hôm có ông bán thuốc dạo gánh một gánh thuốc qua nhà. Hồi xưa thường có những người không làm thuốc nhưng có kiến thức về dược liệu, họ đi hái, đào, phơi sao, chế biến sơ bộ rồi gánh đi bán. Thông thường là các món thông dụng, người dân có thể mua về tự uống hoặc các tiệm thuốc mua bổ sung vào phần dược liệu của cửa hàng. Ông bán thuốc dạo ghé lại tiệm thuốc ông kia, mua bán xong thì người bán dạo thấy có vẻ ông chủ nhà không vui, bèn hỏi: Hình như ông có gì bứt rứt trong bụng chăng, tui thấy ông có vẻ không vui? Ông chủ nhà đáp, ừ, nói thiệt là vợ tui đang bị bệnh mà tui chữa không được, nghĩ mình làm thuốc mà chữa cho vợ không khỏi, thiệt là khó chịu trong người.

Ông bán thuốc dạo để gánh thuốc đó ngồi uống nước, lát sau nói, hay là ông cho phép tui xem mạch cho bà nhà thử. Tui thì kiến thức không bao nhiêu, nhưng biết đâu tui góp ý được cho ông thì sao. Ông chủ nhà nghĩ bụng: Mình làm thuốc có cửa hàng mà chữa bệnh cho vợ không xong, ông này bán thuốc dạo không biết trình độ tới đâu… Nhưng mà thôi kệ, người ta đề nghị thì mình đồng ý cho xem mạch cũng có mất gì đâu.

Ông bán thuốc dạo vào xem mạch cho vợ ông chủ tiệm thuốc, xem xong trịnh trọng lấy tờ giấy ghi lời chẩn bệnh, ghi xong đưa cho ông chủ nhà, ông chủ đọc thấy dòng chữ như sau (chữ Hán, sau đây là phiên âm): Tâm can tì phế hiền, như hiền tạng thị đại hư dã; Ông chủ nhà nghĩ bụng: Ông này bán thuốc dạo là đúng rồi, vì chữ thận (腎) bị viết lộn thành chữ hiền (賢) mà lộn đến 2 lần trong một câu, người trình độ như vầy thì chữa bệnh thế nào.

Nghĩ vậy nên ông chủ nhà quay sang hỏi: Bệnh này ông chữa được không? Ông bán thuốc dạo đáp: được. Nhưng rồi ông ta nói thêm: Có điều này, tui nói cho ông biết rằng bệnh bà nhà đây không chỉ bị đau thận không đâu, mà còn bị “mắc đàng dưới” nữa. Theo tui thì ông nên tìm một ông thầy pháp cùng đến lập đàn cúng cấp, phần tui làm thuốc, thầy pháp cầu đảo, thì bà nhà chắc khỏi.

Ông chủ nhà nghĩ bụng: Cái ông bán thuốc dạo này chữ nghĩa lem nhem, lại còn vẽ ra chuyện cầu đảo cúng cấp, không biết có ý gì không nữa. Nhưng rồi nghĩ bụng: Ông ta kêu mình tìm thầy pháp, chứ đâu phải ông ta tìm. Nên có lẽ nghe theo lời xem sao. Nghĩ rồi ông chủ nhà sai người đi sang làng bên mời một ông thầy pháp.

Đến nhà, hai ông thầy hội ý, một bên làm thuốc, sắc thuốc, một bên lập bàn thờ cầu cúng. Khi ông thầy pháp lập bàn thờ xong, ông chủ nhà lên xem, thấy bài vị trên bàn thờ viết câu thế này (cũng chữ Hán): Cung chư cửu long thần nữ chi vị. Lại một phen thất vọng. Vì ông thầy pháp này cũng có một chỗ viết nhầm chữ thỉnh (請) thành chữ chư (諸). Ông chủ nhà tiếp tục băn khoăn, một ông bán thuốc đã dốt chữ, lại thêm một ông thầy cúng cũng dốt chữ, không biết rồi có nên cơ sự gì không. Nhưng mà thôi, đã phóng lao thì cũng theo xem thế nào.

Vậy mà hai bên vừa thuốc vừa cúng, nội trong một tuần bảy ngày thì bà vợ ông thầy thuốc đã khỏe trở lại. Tiếp tục đến ngày thứ mười thì bà lành bệnh hẳn. Ông chủ nhà mừng rỡ, theo lệ người xưa ông làm bữa cơm đàng hoàng để tạ hai ông thầy trước khi chia tay. Trong bữa cơm ấy, ông chủ nhà đọc cho hai ông thầy nghe câu đối: Phúc đáo tâm linh, bất luận hư hiền hư thận; Hữu cầu tất ứng, hà tu cung thỉnh cung chư. Ý nói phúc đức mà còn, thì dù có chẩn bệnh ghi lộn chữ thận thành chữ hiền gì gì cũng vẫn chữa khỏi; nếu tâm thành cầu mà được ứng, thì bài vị ghi nhầm cung thỉnh thành cung chư cũng hiệu nghiệm thôi.

Câu chuyện này hồi đó bố mình kể, ý nghĩa sâu xa, rằng chuyện chữ nghĩa là quan trọng như vậy đó, nhưng ở đời còn có những cái quan trọng hơn chữ nghĩa nữa kia. Cái đó là tâm thành, là kiến thức chuyên môn, chứ không chỉ bàn chữ nghĩa suông là quan trọng đâu.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày