Như ong đến với hoa

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1185 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1185 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong một ca khúc, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bộc bạch: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi...”. Sống mà như thế thì thương và quý cuộc đời biết bao!

Tấm lòng mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói hẳn là sâu lớn và thanh thoát lắm. Chỉ một tấm lòng thôi là đủ nói lên hết thảy. Mà có để làm gì đâu? Gió sẽ cuốn đi. Tôi không biết mình có hiểu được bao nhiêu tấm lòng mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhắn gửi, nhưng tôi đọc một câukinh Pháp cú (số 49) và thấy Đức Phật dạy học trò mình thế này:

“Như ong đến với hoa,

Không hại sắc và hương,

Che chở hoa lấy nhụy,

Bậc Thánh đi vào làng”.

Bài kệ là lời khuyên của Đức Thế Tôn cho hạnh sống thương quý cuộc đời của các học trò mình. Bậc Thánh (Ariya) ở đây chỉ cho các Tỷ-kheo xuất gia, sống đời sống Phạm hạnh với lý tưởng giải thoát cho tự thân và với tâm nguyện mang an lạc đến cho cuộc đời.

Các Tỷ-kheo sống theo lời dạy từ bi-trí tuệ của Đức Phật, mang tâm nguyện đi vào đời, chia sẻ pháp giác ngộ cho mọi người, giúp cho mọi loài được hạnh phúc an lạc. Các Tỷ-kheo sống đời phạm hạnh với lý tưởng cao cả như thế nên được gọi là bậc Thánh. Nhưng thuật ngữ Ariya cũng được dùng để chỉ cho người con Phật nói chung, cả xuất gia lẫn tại gia, theo nghĩa họ là những người hiểu rõ và thực hành giáo lý từ bi-trí tuệ của Đức Phật, sống với tâm không tham, không sân, không si giữa cuộc đời.

Nói khác đi, bất cứ ai có tấm lòng thương quý cuộc đời, sống với tâm mong cầu điều tốt cho mình cho người, không làm bất cứ điều gì gây tổn hại cho cuộc đời thì được gọi là bậc Thánh hay đệ tử của bậc Thánh. Người Phật tử sau khi phát nguyện quy y Tam bảo và thọ trì năm giới cấm – không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu (và sử dụng các chất gây nghiện, làm mất sự sáng suốt của đầu óc) – thì được gọi là Thánh sanh (Ariyàya jàtiyà jàto), nghĩa là kể từ giây phút đó vị ấy đã thoát thai trong một cuộc đời mới, sanh vào dòng Thánh, dốc tâm làm điều lành, nhất quyết không làm bất cứ điều gì xấu ác có hại cho cuộc đời.

Kẻ giết người không gớm tay Angulimàla sau khi nhận ra lỗi lầm của mình, xin trở về và nương tựa Tam bảo, quyết tâm làm điều lành, không làm ác nữa thì được gọi là Thánh sinh. Đức Phật nhấn mạnh thông điệp “không làm mọi điều ác, thành tựu các hạnh lành” và gọi các học trò mình là Ariya theo nghĩa như thế.

Diễn ý bài kệ ngắn gọn trên, chúng ta hiểu Đức Phật mong muốn các học trò mình sống như vầy: Thể nhập vào cuộc đời (bậc Thánh đi vào làng) bằng tâm thái trân trọng và hộ trì, nỗ lực làm mọi điều tốt lành khiến cho cuộc sống thêm đẹp, cho cuộc đời thêm tươi, tránh làm những gì gây thương tổn cho cuộc đời. Hãy sống nhiệt tình và vô hại, giống như loài ong đến với hoa, chợt đến rồi chợt đi, chỉ nhận lấy chút phấn nhụy hoa để giúp cho muôn loài thảo mộc đơm hoa kết trái mà không làm thương tổn hương sắc của loài hoa. Người con Phật được khuyên sống một nếp sống nhiệt tình và cao quý như vậy giữa cuộc đời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Năm thứ báu khó có được ở đời

Năm thứ báu khó có được ở đời

GNO - Phái đoàn các vị Lệ-xa ở Tỳ-xá-ly khi đi đến Đức Phật đang ngự trong vườn xoài Am-bà-bà-lê được xem như biểu tượng của sự xa hoa, sang trọng, quý phái bậc nhất đương thời. Thậm chí Thế Tôn còn ví họ như “chư Thiên Đao-lợi khi đi dạo công viên, thì uy nghi và sự trang sức cũng không khác đoàn người đó mấy”.
Đức Dalai Lama thứ XIV

Hãy xem mình là khách viễn du

GNO - Khoảng chừng 50 năm nữa thì tôi, Tenzin Gyatso, một tu sĩ Phật giáo, sẽ chỉ còn là ký ức. Thật vậy, chưa chắc rằng người đang đọc những dòng chữ này, sẽ còn có mặt một thế kỷ sau. Thời gian trôi qua bất chấp.

Thông tin hàng ngày