Niệm chết cho tất cả chúng ta

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1149 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1149 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Tiến sĩ Margaret Meloni là cư sĩ tu theo Phật giáo Nguyên thủy. Bà là doanh nhân, và là tác giả của nhiều đầu sách.

Một ngày bình thường nọ, bà bỗng nhận ra rằng có những thách thức quan trọng hơn đang đến với bà. Bà nhận ra rằng những người bà yêu thương sẽ chết. Mẹ chồng bà, đã ngoài 90 tuổi, cha mẹ bà gần 80 tuổi. Bà bắt đầu tự hỏi: “Tôi phải làm sao khi những người tôi yêu thương nhất ra đi?”. Nhờ có tu tập theo Phật giáo, bà đã tìm được câu trả lời cho mình. Giờ bà đã quen với cái chết. Bà muốn giúp tất cả chúng ta chấp nhận cái chết như một phần thiết yếu của cuộc sống.

Trong kinh Tăng chi bộ (6.19, kinh Maraasati, HT.Thích Minh Châu dịch), Đức Phật gọi các đệ tử của mình lại và nói với họ: “Niệm chết, này các Tỳ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử, cứu cánh là bất tử. Này các Tỳ-kheo, các Thầy hãy tu tập niệm chết”.

Sau đó, một số vị Tỳ-kheo lên tiếng và mô tả những cách thực hành chánh niệm khác nhau về cái chết. Người thì niệm rằng mình chỉ sống một ngày một đêm. Kẻ lại quán chỉ sống một ngày. Người khác nữa thì niệm chỉ sống qua một bữa ăn, hay chỉ nuốt xong bốn miếng cơm, hay chỉ kịp nhai một miếng cơm. Một vị khác mô tả mình chánh niệm về cái chết chỉ qua một hơi thở.

Sau khi lắng nghe những câu trả lời này, Đức Phật hướng dẫn tất cả các vị Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo này tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống ngày và đêm, tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy’. Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo này tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng ta sống trọn ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy’. Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo này tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn đồ ăn khất thực, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn. Ta đã làm nhiều như vậy’.

Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo này tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn và nuốt bốn, năm miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy’. Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo này tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn một miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy’.

Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo này tu tập niệm chết như sau: ‘Mong rằng cho đến khi nào sau khi thở vào, ta thở ra hay sau khi thở ra, ta thở vào, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn, ta đã làm nhiều như vậy’. Này các Tỳ-kheo, những Tỳ-kheo ấy được gọi là những vị sống không phóng dật, tu tập rất sắc sảo niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc. Do vậy, này các Tỳ-kheo, các Thầy cần phải tu học như sau:

- Hãy sống không phóng dật! Ta sẽ tu tập một cách sắc sảo niệm chết để đoạn diệt các lậu hoặc.

- Như vậy, này các Tỳ-kheo, các Thầy cần phải học tập” (Sđd).

Toàn bộ cuộc thảo luận này diễn ra giữa Đức Phật và các đệ tử của Ngài. Nhiều giáo lý quan trọng trong kinh điển Pāli diễn ra giữa Đức Phật và các đệ tử. Điều này đã khiến nhiều người hỏi tôi: “Những lời dạy này có liên quan đến cư sĩ không?”. Chắc chắn có những lúc Đức Phật đã giảng dạy đặc biệt cho các đệ tử xuất gia của mình. Tạng Vinaya (Luật) là một ví dụ điển hình. Và có những lời dạy mà Ngài chỉ dành cho cư sĩ. Kinh Sigālovāda (Giáo thọ Thi-ca-la-việt) là một trong những ví dụ phổ biến nhất.

Khi Đức Phật thuyết giảng mà chỉ có sự hiện diện của các đệ tử xuất gia, có phải là cư sĩ không cần phải quan tâm đến những giáo lý này? Nếu những bài học này chỉ dành cho cộng đồng xuất gia, thì tại sao các Tăng sĩ lại đi khắp nơi để chia sẻ giáo lý mà họ đã được nghe từ Đức Phật?

Đức Phật đã dạy về khổ và cách giải thoát khỏi khổ. Tất cả chúng ta sẽ chết. Tất cả chúng ta sẽ được ích lợi từ việc có một cái chết bình an. Được sinh ra trong cõi người là một món quà hiếm có, không được để lãng phí.

Nếu bạn cảm thấy không thể quán rằng mình có thể chết giữa bữa ăn, thì hãy từ từ. Bắt đầu bằng những bước nhỏ. Bạn không cần phải ngay lập tức đi thẳng đến việc quán: “Tôi sẽ chết!”. Mặc dù một số người có thể có khả năng đó.

Nhiều người có thể được lợi ích từ việc thực sự suy ngẫm về sự thật rằng có khổ và nguồn gốc của khổ. Bắt đầu bằng cách quán xét Bốn sự thật cao quý (Tứ diệu đế). Chúng ta khổ, và nguồn gốc của khổ ấy được biết đến: đó là tham ái, tha nhân và hoàn cảnh; thêm nữa là ác cảm với một số điều nhất định, hoặc tha nhân, hoặc hoàn cảnh.

Giờ hãy quán xét về vô thường. Mọi thứ luôn thay đổi. Nên khi chúng ta càng bám vào các tưởng về cách mọi thứ phải như thế nào, cuộc sống của ta càng trở nên khó khăn. Bạn có thể bắt đầu bằng cách quán xét các kế hoạch trong ngày của mình. Đôi khi mọi thứ diễn ra chính xác như bạn tưởng tượng, trong khi những lần khác thì cả ngày là một thảm họa. Nhưng khi kế hoạch của ta sụp đổ, ta được có cơ hội học hỏi về vô thường.

Những kế hoạch không thành tựu là điển hình cho cái chết. Một cái gì đó bạn dựa vào đã biến mất. Một giả định trở nên không hợp lệ, một điều ấp ủ bị phá vỡ, một mối quan hệ kết thúc. Khi bạn bắt đầu thấy kế hoạch của mình đổ vỡ, hãy quán sát cảm xúc - với sự chấp nhận. Khi bạn cảm thấy thoải mái với sự không chắc chắn luôn là một phần trong cuộc sống, bạn có thể bắt đầu những dự án vượt ra ngoài kế hoạch hàng ngày của mình.

Các kế hoạch bạn đã soạn cho tuần, cho tháng và năm của bạn - tất cả được xây dựng trên cái tưởng của sự có thể kiểm soát và ảo tưởng về sự chắc chắn. Tuy nhiên, các kế hoạch này giúp chúng ta điều hướng cuộc sống của mình. Do đó, ta vẫn phải tiếp tục lập kế hoạch, với sự hiểu biết rằng vô thường sẽ có mặt. Một số kế hoạch, hoặc các yếu tố trong kế hoạch của ta, có thể bị gãy đổ. Và khi điều này xảy ra, hãy coi đó là cái chết. Hãy nhắc nhở bản thân rằng đây là một hình thức của cái chết. Và giờ, ta đang sống với cái chết.

Ngay khi có thể, bạn hãy chuyển từ cái chết của sự vật, của tư tưởng sang sự công nhận rằng bạn và những người thân yêu của bạn cũng phải chịu sự vô thường. Hãy luôn tự nhủ: “Một ngày nào đó tôi sẽ chết”, “Hôm nay có thể là ngày cuối cùng của tôi”. Quán tưởng về những điều này khi hành thiền và ghi nhận các cảm xúc của mình. Hãy nhận biết và quán sát các cảm xúc phát sinh. Cố gắng không phán xét, chỉ cần ghi nhận.

Mỗi ngày hãy đọc tụng Năm điều quán tưởng. Khi bạn dành thời gian theo dõi vô thường đến tận cùng qua sự tiến triển tự nhiên từ những kế hoạch bị gãy đổ đến cái chết của bạn, của những người thân yêu, thì dần dần bạn sẽ trở nên tự tại hơn với cái chết.

Margaret Meloni

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày