Phật pháp và sự chuyển hóa kỳ diệu của ngôi sao âm nhạc thế giới Tina Turner

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1211 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1211 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Từ những bước chân chập chững đầu tiên đến trở thành ngôi sao của thế giới giải trí, Nữ hoàng nhạc Rock ‘n’ Roll Tina Turner tin rằng việc thực hành Phật pháp đã giúp cô sống vui, thành công và hạnh phúc.

Dưới đây là những lời chia sẻ của Donald Brackett về quá trình kiên cường của cô và những gì mà cô để lại cho thế hệ sau này.

Tina Turner, có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên cái nhìn đầu tiên về cô ấy. Đó là khi tôi 10 tuổi và được xem bộ phim Mad Max Beyond Thunderdome. Cô sở hữu một giọng nói khàn khàn thu hút nhất mà tôi từng nghe.

Nữ hoàng nhạc Rock ‘n’ Roll Tina Turner không chỉ là một người nổi tiếng trên sân khấu mà còn là một Phật tử lâu năm. Cô bắt đầu thực tập Phật pháp vào những năm 1970 theo truyền thống Soka Gakkai. Cũng giống như các trường phái khác của Phật giáo Nichirenz, Soka Gakkai tập trung vào kinh Pháp hoa, tụng kinh và niệm Phật bằng tiếng Nhật “Nam Myoho Renge Kyo”, lĩnh hội nghĩa lý của kinh điển và thấy được Phật tánh của chính họ.

Việc Turner tụng kinh Pháp hoa được giới thiệu trên tập Beyond, một album kết hợp những lời cầu nguyện của Phật giáo và Cơ Đốc giáo với sự góp mặt của các ca sĩ như Dechen Shak-Dagsay và Regula Curti. Trong đó, Đức Dalai Lama đã ghi chú ở dưới rằng: “Việc tập hợp các phần tương ứng từ truyền thống Phật giáo Tây Tạng sẽ giúp cho người nghe dễ dàng chia sẻ những lời cầu nguyện này, khơi dậy những suy nghĩ về sự tôn trọng và bình an sâu sắc hơn trong cuộc sống của họ”. Tất cả doanh thu từ các đĩa CD này được chuyển đến các quỹ dành riêng cho giáo dục tinh thần hoặc giúp đỡ bà mẹ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 với Living Buddhism, Tuna Turner cho biết: “Khái niệm trong Phật giáo về việc biến chất độc thành liều thuốc đã thực sự hiệu quả. Cuộc sống của tôi đã chứng minh điều đó”.

Cuộc đời của Tina Turner đã dừng lại ở tuổi 83. Cô qua đời trong một ngôi nhà riêng tại Thụy Sĩ vào ngày 24-5-2023 bên cạnh người chồng thứ hai của cô là Erwin Bach. Trong những ngày cuối đời, cô phải vật lộn với căn bệnh ung thư quái ác. Tuy vậy, thời gian ấy lại là cột mốc của những sự kiện quan trọng trong cuộc đời cô, thể hiện rõ nét tư cách của một người ca sĩ, nghệ sĩ cũng như một nhà từ thiện vĩ đại.

Tina Turner là một tấm gương lớn về sự kham nhẫn và chiến đấu đến cùng. Khi tôi biết tin cô ấy qua đời, bất giác tôi lại nghĩ về luân hồi. Bởi sự tiến bộ vượt bậc của cô và những thăng trầm mà cô phải đi qua, từ những bước khởi đầu khiêm tốn với cái tên Anna Mae Bullock đến từ Nutbush, Tennessee của Hoa Kỳ, đến vị nữ thần đứng trên sân khấu âm nhạc toàn cầu mà chúng ta đều biết.

Vào năm 2011, tạp chí Lion’s Roar đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với Tina Turner, trong đó xoáy sâu vào cam kết nghiêm túc của Turner đối với việc thực hành Phật giáo và hiệu quả to lớn của việc này đối với sự cải thiện, chuyển hóa cuộc đời cô với tư cách là một con người bình thường và một người nghệ sĩ.

Mặc dù cuộc trò chuyện đã xác nhận sự thực hành và tu tập của cô bắt đầu một cách tình cờ vào năm 1974, nhưng đối với một số thành viên của công chúng thì đó có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy cô đã nghiêm túc với con đường tâm linh Phật giáo như thế nào. Vào năm 2018, khi đang phải đối mặt với căn bệnh chí tử, cô đã mở lòng và chia sẻ về cách mà cô xác định con đường tâm linh và niềm tin vào Phật pháp.

Cô cho biết những giây phút thực tập đã thực sự hòa quyện và trở thành một phần trong hoạt động nghệ sĩ và sáng tác của cô. Cuốn sách Tumult: The Incredible Life and Music of Tina Turner (Sự thăng trầm: Cuộc đời và âm nhạc đáng kinh ngạc của Tina Turner) đã lột tả và định vị được vai trò của việc thực tập Phật pháp trong quá trình sáng tác và biểu diễn nghệ thuật với nhiều giai đoạn và đầy biến động phức tạp của cô.

Cô giải thích: “Âm nhạc có thể tạo cầu nối giữa ‘bạn’ và ‘tôi’, ‘chúng ta’ và ‘họ’. Tôi tin rằng đã đến lúc thế giới phải vượt qua những chia rẽ như vậy để tiến tới một sự kết nối tâm linh lớn hơn. Tôi chưa bao giờ tách rời việc tu tập của mình với cuộc sống của một ca sĩ nhạc rock. Khi đối mặt với thời điểm khó khăn nhất trong đời, tôi đã tụng Nam Myoho Renge Kyo. Và tụng kinh đã giúp tôi bình an và thay đổi cuộc sống của tôi theo chiều hướng tích cực tốt hơn. Tôi đã sáng tác và biểu diễn rất nhiều tác phẩm với tư cách là một ca sĩ nhạc rock, và tôi luôn khẳng định rất rõ ràng rằng tất cả là nhờ sự tu tập tâm linh của tôi”.

Qua đây, chúng ta thấy rằng âm nhạc của cô không thể thiếu yếu tố tu tập tâm linh, và nếu không có Phật pháp thì cô thậm chí không thể sống nổi qua những thăng trầm và khắc nghiệt của cuộc đời.

Tác phẩm của Tina Turner tôn vinh tất cả những phụ nữ đủ mạnh mẽ để thoát khỏi cảnh bị ngược đãi - người chồng đầu tiên của cô khét tiếng bạo hành nhưng cũng là người đầu tiên giới thiệu cô đến với ngành công nghiệp thu âm - và cả những người bình thường nhất. Trong quá trình tu tập, dĩ nhiên, vẫn hướng đến mục đích tối hậu là giải thoát, nhưng dường như những cuộc gặp gỡ ban đầu của cô với Phật giáo giống như một cơ chế sinh tồn hơn là tìm kiếm sự giác ngộ.

Như chính cô đã nói trong một cuộc phỏng vấn với Oprah Winfrey vào năm 2013, “Di sản của tôi là tôi luôn đi đúng hướng, từ đầu đến cuối, bởi vì tôi tin vào điều gì đó bên trong mình”. Giống như tất cả chúng ta, Turner mang trong mình hạt giống Phật pháp, và trong trường hợp của cô, hạt giống đó rất lớn.

Đôi khi những điều quan trọng nhất xảy đến với các nghệ sĩ sáng tạo là những tai nạn của số phận hoặc định mệnh; tuy nhiên, đối với Turner, một người tin tưởng vững chắc vào nguyên tắc nhân quả, thì không có tai nạn nào xảy ra, kể cả những điều thoạt nghe có vẻ hơi bi thảm. Trong nhiều năm sau này, cô cho rằng thành công liên tiếp và hạnh phúc trong cuộc sống của cô nói chung là nhờ Phật giáo.

Cô chia sẻ, Phật pháp không chỉ thay đổi cuộc sống của cô về mặt cảm xúc mà còn cứu mạng cô theo đúng nghĩa đen. Cô rời Ike, đệ đơn ly hôn vào năm 1976. Vụ ly hôn được hoàn tất hai năm sau đó. Cô chia sẻ rằng việc thực hành thiền định và tụng kinh Phật giáo đã giúp cô ấy sống sót sau sự tàn phá ghê gớm đến từ mối quan hệ ngột ngạt. Cô ấy cũng đã phát triển những kỹ năng kỳ lạ giúp cô ấy kết nối với nhiều người xung quanh của mình ở mức độ sâu sắc từ trái tim. Cô ấy đã sẵn sàng cho những thử thách mới, ngay cả khi một số trong số đó đòi hỏi sự khiêm tốn và kiên nhẫn nhất định.

Sau đó, chính sự vững chãi này đã tồn tại và giúp cô trở thành một ngôi sao xuất sắc và mang lại cho cô danh hiệu “Nữ hoàng nhạc Rock ‘n’ Roll”, bán được hơn 200 triệu bản thu âm và giành được tám giải Grammy từ 25 đề cử, ba giải Hall of Fame, một giải thưởng của Trung tâm Kennedy cho Arts Honor, và Giải thưởng Sách kỷ lục Guinness vì đã bán được nhiều vé cho buổi hòa nhạc trực tiếp hơn bất kỳ nghệ sĩ biểu diễn nào khác trong lịch sử.

Nhưng sâu thẳm bên trong, bằng cách nào đó và bất chấp mọi khó khăn, siêu sao nhạc rock vốn dĩ vẫn luôn là cô gái Baptist khiêm tốn đến từ Nutbush, Tennessee. Ở đâu đó trên đường đi, Anna Mae Bullock dường như đã khám phá ra điều mà nhà viết kịch G.B. Shaw đã từng mô tả: “Cuộc sống không phải là đi tìm chính mình, không phải là đi tìm bất cứ thứ gì cả, mà là tạo ra chính mình”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện về Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày