Sài Gòn từ bi

Tranh ký họa của Lê Sa Long
Tranh ký họa của Lê Sa Long
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tôi rời ngôi tịnh xá ở cao nguyên, xuống TP.HCM tu học cũng gần 10 năm. Với ngần ấy thời gian, Sài Gòn - TP.HCM đã thành quê hương thứ hai, nơi tôi trao gửi những nỗi niềm rất đỗi mến thương… cũng như cách Sài Gòn đã mến thương tôi vậy.

Hơn hai tuần nay, Sài Gòn oằn mình với cơn đại dịch Covid-19. Thành phố giãn cách xã hội, có những lúc đường sá vắng hoe. Nhiều cơ quan, hàng quán đóng cửa. Không ít người lao động phải chuyển sang làm việc tại nhà với tiền lương bị cắt giảm. Riêng những người buôn hàng bán quán, họ “được nghỉ làm” trong nỗi lo thiếu trước hụt sau.

Tâm sự với tôi, một Phật tử, chị Hoàng Thị Dịu, pháp danh Tuệ Minh, Giám đốc Công ty may mặc KOFA (P.Trường Thọ, TP.Thủ Đức) cho biết: “Khi Thủ Đức có ca lây nhiễm thứ hai, trả lương cho công nhân xong, con chủ động cho xưởng nghỉ, để ngừa dịch bệnh lây lan. Con cũng gửi thêm cho anh chị em công nhân một khoản nho nhỏ để họ còn xoay xở trong những ngày nghỉ dịch”.

Một Phật tử khác, chị Tô Thị Mỹ, pháp danh Ngọc Mỹ, chủ cơ sở kinh doanh ăn uống quán Bami ở P.Bình Thọ, TP.Thủ Đức lại chia sẻ: “Hồi trước giãn cách buôn bán đã vắng, giờ thì vắng dữ lắm, Sư ơi! Mấy nay, con chuyển qua bán cho khách mang về, nhưng cũng chỉ đủ kiếm đồng ra đồng vào, thậm chí có ngày lỗ vốn. Vì lượng khách mua về cũng giảm hẳn”.

Quý sư ở tịnh xá Ngọc Chánh cũng chia sẻ gạo, nhu yếu phẩm sang người dân lao động có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội

Quý sư ở tịnh xá Ngọc Chánh cũng chia sẻ gạo, nhu yếu phẩm sang người dân lao động có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội

Có lẽ, chưa bao giờ TP.HCM rơi vào hoàn cảnh khó khăn đến vậy. Thế nhưng, dân nơi này với lối sống đặc trưng của người phương Nam, luôn giàu tình yêu thương đồng bào, trọng tánh hào sảng, nghĩa hiệp nên giữa lúc ngặt nghèo, họ vẫn gìn giữ vẹn nguyên lối sống ấy, thậm chí còn thể hiện đậm nét hơn.

Ở nhiều phường, quận trong thành phố, các quán ăn 0 đồng, quán cơm, bánh mì từ thiện, ATM gạo, quán chay miễn phí nhanh chóng ra đời. Rồi các chùa, nhà thờ, cơ sở tôn giáo, các hội, đoàn, nhóm từ thiện trong thành phố cũng xắn tay trượng nghĩa, hành hiệp, cứu nguy cho những bà con đang trong vùng phong tỏa, những mảnh đời đang gặp khó khăn. Trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, thông tin về các quán ăn, các điểm từ thiện nhanh chóng được người dân thành phố “share” với nhau để nối dài thêm những cánh tay thiện nguyện.

Đến thời điểm hiện tại, có thể nói trong đợt dịch lần này, Sài Gòn “nóng” hơn bao giờ hết với số ca nhiễm cộng đồng liên tục được cập nhật. Đây là đợt dịch lớn và gây ảnh hưởng nặng nề chưa từng có. Trong thời điểm khó khăn không kể hết, một điều rất đáng trân trọng đó là Sài Gòn vẫn đi đầu trong việc ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Báo điện tử VnExpress ngày 6-4 đưa tin TP.HCM là địa phương đã ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19 thông qua Mặt trận Tổ quốc các cấp và Bộ Y tế với số tiền và hiện vật với tổng trị giá 1.578 tỷ đồng (chiếm 45,09% tiền ủng hộ của cả nước).

Ngôi tịnh xá Ngọc Chánh - Nơi tác giả gắn bó đời tu ở quận Bình Thạnh, TP.HCM

Ngôi tịnh xá Ngọc Chánh - Nơi tác giả gắn bó đời tu ở quận Bình Thạnh, TP.HCM

Ngày 8-6, báo chí tiếp tục đưa tin, chuyến bay số hiệu VN 7217 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines đã chở 40 tấn vải thiều từ sân bay Nội Bài vào Tân Sơn Nhất. Sau đó, 60 tấn vải tiếp tục được Vietnam Airlines vận chuyển vào TP.HCM trong cùng ngày, nâng tổng số vải thiều mà người Sài Gòn tiêu thụ tương trợ nông dân Bắc Giang lên đến 100 tấn. Có thể nói, khó có người dân của tỉnh thành nào có được tinh thần tương thân cũng như thể hiện sự sẵn lòng hỗ trợ đồng bào vượt qua khó khăn cụ thể bằng hành động như người dân Sài Gòn.

Tại Bình Thạnh, tịnh xá Trung Tâm, nơi tôi từng có 6 năm lưu trú tu học, đã tổ chức hai lần cứu trợ, mỗi lần 200 phần quà cho đồng bào trong quận và đang lên chương trình cho những đợt từ thiện tiếp theo. Tại tịnh xá Ngọc Chánh, nơi tôi đang lưu trú, sư huynh tôi cũng kịp phát 50 phần quà từ thiện cho bà con khiếm thị trong quận trước ngày giãn cách và dành nhiều phần quà để tiếp tục tặng những hoàn cảnh khó khăn trong những ngày này. Kẻ ở đời vẫn hồ hởi tham gia cứu trợ đồng bào đúng như câu “Kiến ngãi bất vi vô dõng giả. Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng” của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Người trong đạo luôn miệt mài cứu khổ, tế bần theo tinh thần “từ bi” của Đức Phật. Kẻ đời - người đạo, ai ai cũng đang thể hiện, truyền đi những thông điệp ấm áp tình người.

*

Tĩnh lặng giữa mùa dịch Covid-19

Tĩnh lặng giữa mùa dịch Covid-19

Trong cơn đại dịch, TP.HCM vẫn đẹp. Cái đẹp của người Sài Gòn, đẹp ở tấm lòng người cho đã đành, mà còn đẹp ở nhân cách người nhận. Như câu chuyện về người phụ nữ một mình nuôi con học đại học, trong lúc khó khăn vẫn nhất mực từ chối món quà gồm một thùng mì, 5kg gạo và phong bì của sư huynh tôi trao. Tôi nhớ mãi lời cô nói: “Con cảm ơn quý sư. Nhưng con vẫn còn đi làm được. Con làm nghề ve chai, vẫn kiếm được đồng ra đồng vô mỗi ngày. Sư giữ phần quà lại đi, để dành cho những người khó khăn hơn con. Con cũng khó khăn, nhưng con còn tự lo được. Sư dành phần này lại, ưu tiên cho những người nào khó khăn hơn con”. Kiên quyết nhường phần quà lại cho người sau, cô chào huynh đệ tôi và lại đẩy xe đi, bắt đầu một ngày mưu sinh như mọi ngày. Giữ lại phần quà trên tay, mắt dõi theo nhìn cô mà lòng huynh đệ chúng tôi bồi hồi khó tả. Ở thành phố này, con người ta xưa nay vốn quen “lá lành đùm lá rách”, nay lá rách ít cũng rộng vòng tay đùm bọc những lá rách nhiều.

Thực ra, từ lâu rồi, cái đẹp, sự bao dung, tử tế của người Sài Gòn đã được nhiều người biết đến. Hồi còn học ở Học viện Phật giáo, tôi biết Sài Gòn qua đoạn đường từ tịnh xá Trung Tâm (Bình Thạnh) đến Học viện (trên đường Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận). Học xong, thỉnh thoảng tôi mới ra khỏi cổng tịnh xá một lần. Đó là những lần ra quận 2, hay vô trung tâm Sài Gòn mua sách. Cái đẹp của thành phố tôi đã thấy, đã cảm nhận được không ít lần; sáng nay, một lần nữa lại hiện thân trong dáng người nhỏ bé của người phụ nữ đẩy xe ve chai trong con hẻm nhỏ của thành phố này. Nét đẹp đó tuy bị phủ lên màu lam lũ nắng mưa, bị điểm thêm những nét nhọc nhằn của cái nghèo, cái khó nhưng vẫn lung linh bởi nhân cách và sự ấm áp của tình người.

Trong ngôi tịnh xá nằm ở con hẻm nhỏ, tối nay, lời kinh Từ bi do sư huynh tôi tụng, nghe sao thật đẹp. Mong lời kinh này mãi vang vọng, hòa vào nhịp sống, điểm tô thêm cho nét đẹp tình người nơi thành phố thân thương này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình "Bồ-tát trẻ tuổi"

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày