"Thiền quýt" của Thầy Nhất Hạnh

Chuyên gia - Đại sứ văn hóa ẩm thức Huế Hồ Thị Hoàng Anh (áo tím) trong một dịp tại chùa Từ Hiếu - Ảnh: Minh Hòa
Chuyên gia - Đại sứ văn hóa ẩm thức Huế Hồ Thị Hoàng Anh (áo tím) trong một dịp tại chùa Từ Hiếu - Ảnh: Minh Hòa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngày “thoát” được cơn bệnh, cũng là khi tôi nhận được tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa viên tịch tại Huế. Viết xuống những dòng này, thâm tâm tôi muốn bày tỏ sự tri ân Thầy đã cho tôi một phương tiện để nương vào và vượt qua khoảng thời gian khó khăn...

LTS. Nghệ nhân ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh là người quen thuộc đối với những ai yêu thích ẩm thực và văn hóa Huế. Cuối tháng 12-2021, chị nhiễm Covid-19 khá nặng. Sau khi khỏi bệnh, chị đã có những chia sẻ thú vị với Giác Ngộ về quá trình vượt qua biến cố sức khỏe lẫn tâm lý:

Với tôi, đến bây giờ tôi đã kỳ thật vẫn còn ám ảnh về những tháng ngày là F0 của đại dịch do virus Corona gây ra, nỗi ám ảnh về sự sống cô đơn và cái chết không người thân bên cạnh, nhất là giai đoạn đầy sợ hãi vì bị mất cả vị giác và khứu giác. Với người ở trong lĩnh vực ẩm thực, từng kiêu hãnh với sự tinh tế của những giác quan này khi ngồi ở ghế giám khảo nhiều cuộc thi ẩm thực, lúc đó, tôi đã rơi vào khủng hoảng mà chỉ mình tôi…

***

Với Thiền sư Thích Nhất Hạnh lúc tịnh dưỡng tại chùa Từ Hiếu, cố đô Huế - Ảnh: Minh Hòa

Với Thiền sư Thích Nhất Hạnh lúc tịnh dưỡng tại chùa Từ Hiếu, cố đô Huế - Ảnh: Minh Hòa

Tôi vượt qua Covid-19 sau 20 ngày cách ly điều trị. Nói “vượt qua” bởi đó là cả một hành trình của bản thân để chống chọi với những bất ổn không chỉ về mặt sức khỏe mà quan trọng hơn nữa, là về tinh thần. Tôi vốn không phải là một người có tâm lý vững vàng. Hồi còn nhỏ, ở quê, những người lớn hay có thói quen… dọa ma con nít, chính điều đó đã tác động rất nhiều đến tâm lý non nớt của tôi khi ấy.

Lớn lên, tôi trở nên dễ bị tác động bởi những gì bất thường xung quanh, dễ bị giật mình, dễ hoảng hốt bởi những thứ tưởng rất bình thường như rèm cửa tự nhiên lay động , một tiếng động vô cớ vang lên trong đêm,… Chính vì vậy, khi phải ở một mình trong một căn phòng riêng biệt để điều trị Covid-19, mọi thành viên trong gia đình đều rất lo lắng cho tôi.

Nhớ lại cảm giác lúc nhận được kết quả test bị dương tính, PCR với chỉ số CT 15, khá nguy hiểm. Lúc đó, tôi có cảm giác như mình bị văng ra khỏi hành tinh này để rơi vào một khoảng không vô định... Tôi lặng lẽ đi vào phòng riêng, chốt cửa và ngồi xuống, thấy mình như không còn gì liên hệ với thế giới chung quanh, mặc dù nghe rất rõ từng tiếng bước chân đi lại ở bên ngoài, những trao đổi qua điện thoại của chồng với hai con trai... Lòng tôi lúc đó với một cảm giác không thể gọi tên, không buồn, không vui, lòng cứ trơ không cảm xúc! Nhưng những câu hỏi ập tới trong tâm trí rằng tại sao, tại sao???, v.v…, tại sao mình đã bảo hộ cẩn trọng đến như vậy vẫn không thể “thoát” được Covid? Hàng tá câu hỏi như thế cứ dồn tôi vào chân tường, khiến tôi rơi vào chỗ bế tắc.

Tới gần đây, khi được những người bạn kể lại rằng lúc Ôn Giác Quang ở chùa Bảo Lâm Huế hay tin tôi vừa khỏi Covid-19, Ôn chỉ tay lên trời cười và nói: “Đó, thấy chưa!” Hóa ra, đến tận bây giờ, tôi mới thấm thía một cách thực sự rằng bệnh tật là thứ không buông tha bất cứ một ai, dù có cố tìm cách trốn tránh.

"Với người ở trong lĩnh vực ẩm thực, từng kiêu hãnh với sự tinh tế của những giác quan này khi ngồi ở ghế giám khảo nhiều cuộc thi ẩm thực, lúc đó, tôi đã rơi vào khủng hoảng mà chỉ mình tôi…" - Hồ Thị Hoàng Anh

"Với người ở trong lĩnh vực ẩm thực, từng kiêu hãnh với sự tinh tế của những giác quan này khi ngồi ở ghế giám khảo nhiều cuộc thi ẩm thực, lúc đó, tôi đã rơi vào khủng hoảng mà chỉ mình tôi…" - Hồ Thị Hoàng Anh

Nhiễm Covid rồi, sau khi gia đình bàn luận một hồi, cậu con trai lớn của tôi thì muốn đem tôi đến thẳng bệnh viện cho sẵn điều kiện điều trị, trong khi cậu con út thì rất hiểu tính mẹ là… sợ đủ thứ, nên đã thuyết phục chồng tôi để đưa tôi đến ở tại một căn phòng riêng tại nhà mà nơi đó cũng là công ty của cậu con út, cũng là một bác sĩ để tiện bề theo dõi, chăm sóc. Ngày bước chân vào “lãnh cung”, khi nghe tiếng cánh cửa đóng sập lại sau lưng, cảm giác vô định lại trỗi dậy trong lòng. Tôi ngồi nhìn xung quanh căn phòng trống trải. Rồi, tôi tự nhủ dù “hải đảo tự thân” cũng phải cố gắng vượt qua những ngày cam go này .Tôi ý thức được rằng, những ngày ấy sức khỏe chỉ là một phần của vấn đề, quan trọng hơn hết vẫn là tâm lý.

Căn phòng tôi ở khép kín, chỉ có một cửa sổ nhỏ thông ra khu vực giếng trời. Suốt 20 ngày ở trong căn phòng đó, tôi chỉ có một ước ao là mở cánh cửa kính ra để hít thở một chút khí trời, nhưng rồi tôi sực nhớ rằng giếng trời đó thông xuống khu vực làm việc của công ty những nhân viên của công ty. Nếu tôi mở cửa, tôi có khả năng sẽ lây nhiễm cho con cũng như những nhân viên cùng làm việc với con. Tôi nghĩ nếu có vấn đề gì thì nên cố gắng chịu đựng và vượt qua một mình, chứ không thể để liên lụy đến người khác. Mọi liên lạc với bên ngoài chỉ qua điện thoại. Cứ vậy, suốt 20 ngày cánh cửa đó chưa một lần được mở ra, đúng là 20 ngày không thấy mặt người!

Góc "Thiền quýt" trong triển lãm thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại TP.HCM - Ảnh: NVCC

Góc "Thiền quýt" trong triển lãm thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại TP.HCM - Ảnh: NVCC

Một điều may mắn, tôi muốn nhấn mạnh chữ này mà không dám coi đó là một cơ duyên của đời mình,đã giúp tôi giữ vững được tâm lý để đi qua những ngày trọng bệnh, đó chính là những bài thực tập mà tôi tiếp nhận được từ Thiền sư Nhất Hạnh, mà chúng tôi thường gọi là “Thầy Nhất Hạnh”. Ngẫm lại tôi cũng có duyên lành được ít nhiều nhân duyên cùng Thầy. Năm 2005, khi Thầy trở về Việt Nam và về thăm Huế lần đầu, lúc đó, tôi cũng có mặt tại Huế và được Ni sư Như Minh gọi cùng ra sân bay cùng đón Thầy. Được trọn vẹn nghe bài pháp thoại của Thầy ở tu viện Kim Sơn (San Jose, Hoa Kỳ). Cũng từng cùng bạn sang Tu viện Vườn Ươm (Thái Lan) tham dự khoá tu mùa thu. Rồi sau này, khi Thầy trở về Việt Nam an dưỡng, tôi cũng từng được diện kiến Thầy tại chùa Từ Hiếu.

Nhưng không ngờ đáng nhớ nhất vẫn là lần được thưởng ngoạn buổi triển lãm thư pháp của Thiền sư Nhất Hạnh tại TP.HCM. Vốn là người yêu cái đẹp, bước vào không gian triển lãm trang trí đơn giản mà rất mỹ thuật, thanh thoát. Đặc biệt những bức thư pháp với lời Pháp rất ý nghĩa mà Thầy viết trên giấy xuyến chỉ, đã gây ấn tượng mạnh trong tâm trí lòng tôi dâng lên rất nhiều xúc cảm. Đọc những dòng chữ của Thầy “Peace is every step” - An lạc từng bước chân, “Be free where you are” - Ở đâu cũng thong dong, những viên sỏi với pháp ngữ hướng dẫn tập thở hay bài “Thiền quýt”... thật đơn giản và dễ hiểu! Bước chân đi trong không gian triển lãm đó, tôi vẫn mang tâm thái của một người rong chơi, chưa biết gì nhiều về thiền, về thực tập đạo Phật. Tôi chưa bao giờ nghĩ chính những nhân duyên tình cờ đó lại là phương tiện giúp tôi vượt qua biến cố của cuộc đời mình.

Là người thích nấu ăn, vậy mà những ngày trọng bệnh trong phòng kín tôi đã mất hoàn toàn khứu giác và cả vị giác của mình. Đó là điều khủng khiếp nhất của đời tôi! Ngoài việc uống thuốc theo toa bác sĩ, lúc đó, thú thật, tôi mới lọ mọ nhớ lại và thực tập theo dõi hơi thở vào ra.

Tôi chợt nhớ lại bài tập “Thiền quýt” mà Thầy đã dạy trong thiền quán, để biết an trú trong hiện tại và tận hưởng những nhiệm mầu của sự sống. “... Khi chúng ta có mặt với trái quýt thì cũng có nghĩa là chúng ta đang có mặt cho sự sống. Nếu chúng ta có thể thưởng thức trọn vẹn trái quýt từ đầu đến cuối, nghĩa là chúng ta dành thời gian bóc vỏ, ngửi mùi hương của trái quýt, tận hưởng từng múi quýt, thì chúng ta có nhiều cơ hội sống thực sự, để thưởng thức mỗi ngày trong cuộc đời mình như thưởng thức một trái quýt. Mỗi giờ, mỗi phút trong một ngày cũng giống như một múi quýt nếu chúng ta có đủ tỉnh thức, chánh niệm thì chúng ta có thể tân hưởng trọn vẹn hương vị ngọt ngào của từng khoảnh khắc, từng phút giây của mỗi ngày”…

Dù mất khứu giác, tôi vẫn thực tập thiền… quýt, đưa từng múi quýt lên mũi, gắng khơi gợi lại hương vị của quýt ghi dấu trong tiềm thức của mình. Nương vào hơi thở có ý thức, chánh niệm, tôi vượt qua những ngày một mình đối diện với nỗi lo sợ, đơn độc, với bệnh tật.

Tác giả, chuyên gia ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh tại triển lãm thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Tác giả, chuyên gia ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh tại triển lãm thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Ngày “thoát” được cơn bệnh, cũng là khi tôi nhận được tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh vừa viên tịch tại Huế. Viết xuống những dòng này, thâm tâm tôi muốn bày tỏ sự tri ân Thầy đã cho tôi một phương tiện để nương vào và vượt qua khoảng thời gian khó khăn...

Những ngày ấy, đứng trước khung cửa sổ nhỏ, nhìn lên cao, khoảng trời xanh phía bên trên giếng trời thật đẹp. Tôi tận hưởng một chút không gian đẹp đẽ nhỏ nhoi đó, điều mà có lẽ tôi chưa bao giờ thấy quý giá đến như vậy. Tôi khao khát được hít thở chút khí trời, được thấy nắng, thấy gió, được đi lại một cách thoải mái. Có những lúc bị khó thở, tôi cố gắng hít thở thật sâu, thật đều, ngồi yên và cố gắng giữ hơi thở của mình một cách đều đặn nhất. Tôi nương vào những dòng chữ ghi trên bốn viên sỏi trong triển lãm mà tôi còn nhớ: Là “hoa tươi mát”, “núi vững vàng”, “nước lặng chiếu”, “không gian thênh thang”. Nên gian phòng nhỏ mà tôi ở, không còn là “lãnh cung”, vắng đi nhiều bức bối đã từng dằn xé tôi trước đó.

Bình yên và mang ơn cuộc sống

Bình yên và mang ơn cuộc sống

20 ngày trôi qua, tôi bình phục. Ngày bước ra khỏi căn phòng nhỏ, tôi cảm thấy bản thân như “trưởng thành”. Trước đây, trong những cuộc trò chuyện với bạn bè, giao tiếp với những người xung quanh, tôi cũng có lúc buột miệng: “Đời vô thường!” Thế nhưng, chỉ khi đi qua cơn bệnh, tôi mới hiểu thật rõ vô thường là gì, rằng những khoảnh khắc đi qua trong cuộc đời đôi lúc lại thật đáng trân trọng và cần tận hưởng, dẫu chỉ là những điều giản đơn nhất.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày