Trần Nhân Tông với bài thơ: Xuân Cảnh

Không mấy ai có thể sống mãi được với cái náo nhiệt phồn tạp, vì thế rất cần những phút giây tĩnh tại để lắng lòng mình, cảm nhận sâu sắc những buồn - vui, yêu - ghét, từ đó có thể khắc ghi những thăng hoa hoặc trầm uất của tâm trạng. Những lúc ấy thơ trở thành bạn đường tri kỷ với con người. Đơn giản, họ tìm đến thơ hay của ngàn xưa hoặc hôm nay. Cao hơn, họ thể hiện cảm xúc của mình trên trang giấy. Sự sáng tạo nghệ thuật ấy, không phải ai cũng thành công, nhưng có hề gì đâu!

baitho-1.jpg

Hành hương Yên tử

Cảm hứng sáng tạo có thể đến vào những thời điểm khác nhau, tùy vào hoàn cảnh từng người. Nhưng có một hiện tượng thú vị đáng nói: vào thời điểm thiêng liêng trang trọng nhất của một năm - lúc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, lúc tết đến xuân về, lúc cả tạo hóa như bừng tỉnh sắc xuân - người có tâm hồn thơ dễ láng lai thi tứ. Cho nên, nhìn lại lâu đài thơ ngàn năm của dân tộc ta, thấy có riêng một vườn thơ xuân lộng lẫy sắc hương, mà một trong những người đầu tiên đã đóng góp những bài thơ thuộc loại xuất sắc là Trần Nhân Tông (1258-1308). Vị vua anh hùng này đã cùng vua cha Trần Thánh Tông chỉ huy quân dân hai lần đại thắng đạo quân xâm lược Nguyên Mông hung hãn. Chúng ta thường tâm đắc với sức mạnh của chiến tranh nhân dân - bí quyết thắng lợi của một dân tộc nhỏ khi phải đương đầu với thế lực ngoại xâm lớn. Hoàng đế Trần Nhân Tông chính là ông tổ của hình thái chiến tranh kỳ diệu này. Chính Người đã thực hiện một chính sách đại đoàn kết toàn dân, từ hoàng tộc đến thứ dân để tất cả cùng sát cánh bên nhau diệt giặc nước. Chính Người cùng Thái thượng hoàng đã chủ trì hai hội nghị hiếm thấy trong lịch sử: hội nghị các tướng lĩnh ở Bình Than để bàn mưu lược và hội nghị các bô lão trong cả nước ở điện Diên Hồng để xác định quyết tâm chống giặc. Về vị vua "thân dân" đặc biệt này, sử gia Lê Văn Hưu đánh giá rất gọn và rất xác đáng: đó là "vị vua hiền của nhà Trần". Nhà bác học Lê Quý Đôn, trong bộ Toàn Việt thi lục đã trân trọng ghi nhận Trần Nhân Tông "là người nhân từ, hòa nhã, tài trí, đảm lược, uy vọng, quyết đoán, công nghiệp chống giặc Nguyên sáng chói đến đời sau".

Năm 1293, Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Thuyên, làm Thái thượng hoàng, bắt đầu đi sâu thực hành Phật pháp. Người lên núi Yên Tử chuyên tu, sau đó sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Điều cần nhấn mạnh, Trần Nhân Tông cũng là một thi sĩ có chân tài. Trong 25 bài thơ của Người được Phan Phu Tiên chép lại trong Việt âm thi tập (1459) có đến 4 bài thơ xuân. Xin được lạm bình về một trong bốn bài thơ xuân đó - bài Xuân cảnh (có thể hiểu là Cảnh xuân, Cảnh ngày xuân, Cảnh mùa xuân). Nguyên tác như sau:

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì

Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi

Khách lai, bất vấn nhân gian sự

Cộng ỷ lan can khán thúy vi.

Nghĩa của bốn câu đó là:

Sâu trong hoa dương liễu, chim hót chậm rãi

Dưới bóng thềm ngôi nhà chạm vẽ, mây chiều nhẹ bay

Khách đến chơi, không hỏi việc đời

Cùng đứng tựa lan can, ngắm một màu xanh biếc.

Xin đọc bản dịch thơ của giáo sư Nguyễn Huệ Chi:

Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày

Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay

Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế

Cùng tựa lan can nhìn núi mây.

baitho-2.jpg

Chỉ 4 câu 28 chữ rất cô đọng, vị hoàng đế - thiền sư - thi sĩ đã chấm phá bức tranh xuân bằng vài nét có vẻ đơn sơ. Muốn cảm nhận cái tột cùng tinh tế, sâu xa của tứ thơ, người đọc trước hết phải huy động công năng của cả thị giác và thính giác và sau đó buộc phải suy nghĩ rất lung. Cảnh xuân bao la khoáng đạt, nhưng không có cỏ hoa sắc màu rực rỡ, không có hội hè đình đám tấp nập ồn ào. Về âm thanh, chỉ có văng vẳng xa mà gần mấy tiếng chim kêu trong rặng liễu đương trổ hoa. Về hình ảnh, cũng chỉ có bóng mây chiều lẻ loi trôi trên trời cao, tỏa mát cả thềm nhà. Thế còn con người - chủ thể của cảnh xuân? Chủ nhân, được sự đồng thuận của khách, đã gạt đi "nhân gian sự" - vốn phức tạp, phiền toái, bề bộn những "thất tình, lục dục" để đắm mình, cộng hưởng những phút giây thoát tục tuyệt vời, trong cái biếc xanh thăm thẳm của đất trời, rừng núi ngày xuân. Một cảnh sắc xuân thật đơn sơ thanh đạm, nhưng đã để lại trong tâm hồn người đọc một dư vị thanh cao, trong sáng đến kỳ lạ, đưa con người vào cõi miên viễn của thời gian và vùng mênh mông vô cùng vô tận của vũ trụ. Ngờ rằng, trong phút giây kỳ diệu đó, con người có khả năng giác ngộ bằng chính cái tâm tĩnh lặng, bằng sự an nhiên tự tại của mình, để đoạn tuyệt với dục vọng và thể nhập Niết bàn (Nirvana) như triết lý sâu xa của Phật giáo Thiền tông đã xác quyết.

Bài thơ viết về ngày xuân, mùa xuân, cảnh xuân nhưng có thể đọc bất cứ lúc nào. Đọc và nghĩ, để "ngộ" được lối sống, phong cách sống, lẽ sống cao quý của vị thiền sư - thi sĩ cao quý.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày