“Trân trọng sự đến và rời đi trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp”

Khu tâm linh Quan Âm Phật đài Nam Hải nổi tiếng ở TP.Bạc Liêu
Khu tâm linh Quan Âm Phật đài Nam Hải nổi tiếng ở TP.Bạc Liêu
0:00 / 0:00
0:00
GN - Tỉnh Bạc Liêu nằm trên bán đảo Cà Mau thuộc đồng bằng sông Cửu Long, là vùng đất hội tụ văn hóa của 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer. Phật giáo Bạc Liêu cũng mang nét đặc thù với 3 hệ phái: Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ cùng hòa hợp tu học, phát triển.

Nét văn hóa độc đáo, tạo nên vẻ đẹp riêng của Bạc Liêu là các di tích, thắng tích tâm linh. Đặc biệt, tại TP.Bạc Liêu có Khu tâm linh Quan Âm Phật đài Nam Hải do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh quản lý, thu hút đông đảo Phật tử, khách du lịch đến tham quan, chiêm bái.

Ngày 4 và 5-5 sắp tới, Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bạc Liêu lần thứ VI (nhiệm kỳ 2022-2027) sẽ được tổ chức tại trụ sở mới của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh (chùa Long Phước, TP.Bạc Liêu).

Trước thềm đại hội, phóng viên báo Giác Ngộ có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Trí, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu, Trưởng ban Tổ chức Đại hội. Hồi tưởng lại 5 năm trước, khi đến Bạc Liêu để ổn định tình hình Phật sự tại địa phương, Hòa thượng cho biết:

- Nhớ lại ngày được Trung ương Giáo hội công cử đến Phật giáo tỉnh Bạc Liêu với vai trò Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thật sự trong lòng tôi cảm thấy rất nặng nề. Tuy nhiên, đó chỉ là cảm giác ban đầu, trong quá trình thừa hành Phật sự, tôi áp dụng nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, cùng với chư tôn đức trong Ban Trị sự từng bước vượt qua khó khăn, ổn định tình hình Phật giáo tại địa phương.

“Sau khi Hòa thượng Thích Huệ Trí, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế Trung ương được Trung ương Giáo hội công cử giữ vai trò Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu khóa V, mọi hoạt động Phật sự do Hòa thượng chỉ đạo được diễn ra ổn định và thành tựu. Dưới sự chỉ đạo của Hòa thượng, chư tôn đức trong Ban Trị sự gắn kết, hòa hợp trong niềm hoan hỷ cùng cộng tác, giúp đỡ nhau trong vai trò thừa hành Phật sự. Đặc biệt trong khóa V, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành 2 công trình xây dựng quan trọng là trụ sở Ban Trị sự, Trường Trung cấp Phật học tỉnh và trụ sở Ban Trị sự các cấp huyện, thị, thành trực thuộc. Trong quá trình làm việc chung, tôi nhận thấy Hòa thượng là vị lãnh đạo với phẩm chất hài hòa, khiêm tốn, nhẹ nhàng nhưng cương quyết trong công việc, đã tạo nên sức sống mới, nền tảng vững chắc để Phật giáo tỉnh Bạc Liêu có những bước tiến ổn định và sẽ phát triển vững chãi hơn nữa trong tương lai. Bản thân tôi, tất cả Tăng Ni, Phật tử tỉnh Bạc Liêu rất trân trọng sự quý báu đến và rời đi của Hòa thượng trong tinh thần đoàn kết và hòa hợp”, Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên dự khuyết Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu cho biết.

Trải qua thời gian gắn bó, tôi thấy rất vui khi được Trung ương Giáo hội tin tưởng giao trách nhiệm này. Trong khóa V (2017-2022), tôi đã cùng các cộng sự và Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh chung sức chung lòng, sự hỗ trợ của lãnh đạo các cơ quan hữu quan đã đưa Phật giáo tỉnh Bạc Liêu phát triển ổn định trong tinh thần đoàn kết và hòa hợp.

* Với vai trò Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, Hòa thượng có những khó khăn nào trong quản lý, điều hành Phật sự; Hòa thượng nhận định như thế nào về kết quả hoạt động Phật sự của Phật giáo tỉnh trong khóa V?

- Tất nhiên có những khó khăn nhất định nhưng với thời gian gần gũi, gắn bó trong công tác Phật sự cùng chư tôn đức trong Ban Trị sự và Tăng Ni tỉnh nhà, chúng tôi đã thông cảm và chia sẻ cùng nhau. Vì vậy, những khó khăn cũng qua đi và những tồn đọng được giải quyết thấu tình đạt lý.

Trong 5 năm của khóa V, Phật giáo tỉnh đã có những thành tựu đáng kể và đáng khích lệ. Tôi cùng với chư tôn đức trong Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, Tăng Ni trong tỉnh đã thống nhất quản lý Khu tâm linh Quan Âm Phật đài Nam Hải theo quy chế nhiệm kỳ, tức là vị Trưởng ban Trị sự sẽ làm Trưởng ban Quản trị, mọi Phật sự liên quan đến nơi này đều thông qua Ban Thường trực.

Có thể nói, thành tựu Phật sự tiêu biểu của khóa V, đó là việc hoàn thành 2 công trình xây dựng trọng điểm là trụ sở Ban Trị sự và Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bạc Liêu khang trang; cùng với đó là xin được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôn giáo của tổng thể Khu tâm linh Quan Âm Phật đài Nam Hải, và một số hoạt động Phật sự tiêu biểu khác.

* Phật giáo tỉnh Bạc Liêu đã trải qua 5 nhiệm kỳ, theo Hòa thượng, điểm đặc biệt, thế mạnh nào của Phật giáo tỉnh cần được phát huy, có hạn chế nào cần khắc phục nhằm thúc đẩy Phật giáo tỉnh phát triển bền vững hơn nữa trong tương lai?

- Thế mạnh của Phật giáo tỉnh Bạc Liêu là sự đoàn kết, nhất trí của chư tôn đức Tăng Ni các hệ phái. Đó là mấu chốt quan trọng cần được phát huy. Khi có sự đoàn kết, hòa hợp trên nền tảng lấy trí tuệ, đạo đức để hướng dẫn tu học, điều hành Phật sự, thì theo tôi sẽ không còn hạn chế nào cần khắc phục, tất yếu đạt được những thành tựu trong hoạt động Phật sự.

* Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Bạc Liêu lần này khá đặc biệt và quan trọng hơn những lần đại hội trước, với vai trò là Trưởng ban Tổ chức, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội, Hòa thượng nhận định như thế nào về thành phần nhân sự dự kiến đã được hiệp thương để giới thiệu vào Ban Trị sự nhiệm kỳ mới? Sự phân bổ về nhân sự có gì đặc biệt, bạch Hòa thượng?

Hòa thượng Thích Huệ Trí, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu

Hòa thượng Thích Huệ Trí, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế Trung ương, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu

- Từ khi được Trung ương Giáo hội công cử về đảm nhận vai trò Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu, tôi cùng chư tôn đức trong Ban Trị sự tương trợ lẫn nhau làm việc “Tăng sai” có kế hoạch, định hướng rõ ràng để đạt được những thành tựu nhất định. Đại hội lần này mang ý nghĩa đặc biệt hơn, do đó chúng tôi đã có sự chuẩn bị nhân sự dự kiến, được hiệp thương công khai, minh bạch từ hơn 3 tháng trước.

Trong việc chọn nhân sự giới thiệu tại đại hội, chúng tôi tuân thủ theo đúng Thông tư 60/TT-HĐTS của Hội đồng Trị sự ngày 26-3-2021. Đây cũng là trách nhiệm của tôi được quy định rõ trong thông tư này, tại Điều II (quy định chung), mục 6, đó là “có trách nhiệm quy hoạch, bồi dưỡng nhân sự địa phương cho chức danh Trưởng ban Trị sự tỉnh”. Thực hiện được điều này, tôi cảm thấy hài lòng với công việc được Trung ương Giáo hội tin tưởng giao phó.

Với thành phần nhân sự dự kiến giới thiệu tại Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ VI (nhiệm kỳ 2022-2027), không những cá nhân tôi mà Tăng Ni, Phật tử tỉnh Bạc Liêu cũng như đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan đều có sự đồng thuận, thống nhất cao về danh sách, cơ cấu nhân sự dự kiến này. Vì lẽ, Ban Thường trực Ban Trị sự, Tiểu ban Nhân sự Đại hội đã thực hiện đúng quy trình, trên tinh thần tuân thủ Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, Thông tư số 60/TT-HĐTS quy định.

Với cá nhân, tôi thật sự tin tưởng về thành phần nhân sự dự kiến sẽ giới thiệu vào Ban Trị sự nhiệm kỳ mới. Cho nên, tôi rất yên tâm để trở về nhiệm sở và đã được Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận.

* Nhân Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ VI, Hòa thượng có nhắn nhủ, chia sẻ gì đến Tăng Ni Phật giáo Bạc Liêu?

- Sau đại hội, chắc chắn tôi sẽ trở về nhiệm sở. Dịp này, tôi có lời nhắn nhủ đến Tăng Ni, Phật tử tỉnh Bạc Liêu, mọi việc ở quá khứ không truy tìm mà chúng ta chỉ hướng về tương lai bằng tất cả tinh thần Bi - Trí - Dũng. Trước khi trở về nhiệm sở, thông qua báo Giác Ngộ, tôi gởi hai câu thơ tặng đến Tăng Ni, Phật tử: “Đi đâu cũng nhớ Bạc Liêu/ Nơi đây đã có biết bao nhiêu tình”.

Chân thành cảm ơn Hòa thượng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của báo Giác Ngộ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày