- Xin ĐĐ cho biết về nội dung của Hội thảo Phật giáo thế giới lần thứ II tại Đại học Mahachulalongkorn (Thái Lan) từ ngày 8 – 10-1-2010?
- ĐĐ.Thích Nhật Từ: Với chủ đề “Phật giáo: Kiến thức chân lý và chất lượng cuộc sống”, Hội thảo Phật giáo thế giới lần thứ II do Viện Nghiên cứu Phật học thuộc Đại học Mahachulalongkorn tổ chức trong các ngày 8 – 10-1, tại cơ sở mới của Đại học Mahachulalongkorn, Ayutthaya. Đây cũng là lần thứ hai tôi được mời làm người điều phối Hội thảo. Hội thảo lần này có 400 đại biểu từ 21 quốc gia tham dự, tôi làm công tác điều phối diễn đàn đầu tiên của Hội thảo “Nghiên cứu lời Phật dạy” vốn được xem là nền tảng của các diễn đàn tiếp theo là “Nghiên cứu văn bản Phật giáo” và “Phật giáo và các vấn đề cận đại.”
-Ngoài các chủ đề nói trên, nội dung Hội thảo lần này có đề cập đến các vấn đề khác?
- Điểm đặc biệt nhất của chương trình hội thảo lần này là bên cạnh 2 ngày hội thảo các chuyên đề Phật học như vừa nêu, Viện Nghiên cứu Phật học của Thái Lan đã dành trọn ngày 9-1-2010 cho diễn đàn Pàli học. Trong đó, gần 20 bài nghiên cứu Phật học từ các vấn đề văn bản cho đến lịch sử, triết lý và Phật giáo nhập thế v.v… được các học giả tài năng của Phật giáo Sri Lanka, Myanmar và Thái Lan viết bằng tiếng Pàli, thuyết trình và thảo luận bằng tiếng Pàli, một điều chưa từng có tại bất cứ hội thảo Phật giáo nào. Điều này đã gây tạo ý thức bảo tồn thánh ngữ Pàli như sinh ngữ, thay vì chỉ là ngôn ngữ văn bản như từ trước đến nay. Phần lớn các diễn giả thuyết trình bằng tiếng Pàli đều là các nhà sư trẻ trên dưới 30 tuổi, được xem là có tài năng đặc biệt về Pàli. Thông thường, đọc văn bản Pàli đã khó rồi. Viết tham luận càng khó nữa. Thuyết trình và thảo luận bằng tiếng Pàli lại càng khó bội phần. Các nhà sư trẻ này đã thuyết phục được các vị lãnh đạo Phật giáo Thái Lan và cử tọa có mặt bằng những đề tài thuyết trình sâu sắc và hấp dẫn.
- Hội thảo lần này có liên quan với Đại lễ Phật đản LHQ 2010?
- Trực tiếp thì không, gián tiếp thì có. Hội đồng Tăng thống PG Thái Lan thông qua các diễn đàn Phật đản LHQ hàng năm, muốn biến Thái Lan thành trung tâm Phật giáo thế giới, nơi đó, các hoạt động Phật giáo thế giới không chỉ đơn thuần là lễ hội văn hóa, mà còn là nơi các vị Tăng thống, Chủ tịch Giáo hội PG các nước, các nhà nghiên cứu Phật học đến chia sẻ những giải pháp của Phật giáo cho các vấn đề thế giới đang quan tâm.
Về Lễ Phật đản LHQ, dù được tổ chức luân lưu ở nước nào, hàng năm Thái Lan vẫn tổ chức một Đại lễ Phật đản LHQ cho riêng mình tại Bangkok, ngay cả trong năm 2008 khi tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Đây là diễn đàn Phật giáo thế giới quan trọng nhất nhì hiện nay.
Về giáo dục, Đại học Mahachulalongkorn (đơn vị được Hội đồng Tăng thống Thái Lan và Chính phủ Hoàng gia Thái Lan giao nhiệm vụ tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ) đã thành lập Hiệp hội các trường đại học Phật giáo thế giới (cho các trường Nam tông, Bắc tông và Kim Cang thừa, các trường đại học có khoa/ môn Phật học trên toàn thế giới) và Trung tâm Nghiên cứu Phật học Mekong (cho các trường Phật học Nam tông ở Đông Nam Á). Về học thuật, bên cạnh các hội thảo và diễn đàn của Phật đản LHQ, của Hiệp hội các trường Đại học Phật giáo thế giới, Thái Lan còn tổ chức các hội thảo Phật học thế giới.
Các hoạt động nêu trên đều có nguồn gốc từ Đại lễ Phật đản LHQ.
- Là thành viên Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ (ICUNDV) từ năm 2006, xin ĐĐ cho biết tình hình chuẩn bị Phật đản LHQ 2010?
- Đại lễ Phật đản LHQ 2010 là Đại lễ Tam hợp lần thứ bảy sẽ được Đại học Mahachulalongkorn và Tổ chức ITRI, Nhật Bản đồng tổ chức tại hội trường Đại học Mahachulalongkorn, Ayutthaya, Thái Lan, từ ngày 23 – 25-5-2010. Dự kiến sẽ có 3.000 đại biểu Phật giáo tham dự, bao gồm các lãnh đạo Phật giáo thế giới và các nhà nghiên cứu Phật học. Chủ đề của Hội thảo năm nay là “Sự phục hồi thế giới từ tầm nhìn Phật giáo”. Dự kiến có năm diễn đàn chính bao gồm: 1) Sự phục hồi thế giới qua an lạc tâm, 2) Sự phục hồi thế giới qua giáo dục Phật giáo, 3) Sự phục hồi thế giới qua cộng tồn trong hòa hợp, 4) Sự phục hồi thế giới qua sinh thái Phật giáo, và 5) Sự phục hồi thế giới qua Phật giáo nhập thế.
-Xin ĐĐ chia sẻ đôi điều với bạn đọc GN về phần việc cá nhân được phân công trong Đại lễ Phật đản LHQ 2010?
- Ngày 18 – 19-12-2009, hội nghị chuyên đề về “Dự án bộ kinh điển Phật giáo cộng thông” (A Com Buddhist Text Project) tổ chức tại Đại học Mahachulalongkorn, tôi được đề cử biên soạn phần Phật giáo Đại thừa và GS.Somaratne, Sri Lanka biên soạn phần Phật giáo Truyền thống. Dự kiến bản thảo dự án sẽ được trình tại Đại lễ Phật đản LHQ 2010 để vận động sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo Phật giáo thế giới. Khi hoàn tất, Bộ kinh điển Phật giáo này sẽ được dịch ra các ngôn ngữ chính của LHQ và ấn tống rộng rãi, đặc biệt ở các khách sạn, nhằm giới thiệu Phật giáo cho mọi giới. Đề cương dự thảo do chúng tôi biên soạn đã được hội đồng thông qua. Dự kiến bộ kinh điển này dày khoảng 1.000 trang, bao gồm cuộc đời Đức Phật và kho tàng giáo pháp của Ngài. Phần giáo pháp sẽ được trình bày theo dạng chủ đề. Ngoài ra còn có nhiều mục lục khác nhau để dễ khảo cứu. Công việc hiện đang tiến hành tốt.
-Xin cảm ơn Đại Đức.