Vòng đời đã khép - Tưởng niệm Phật tử Tâm Bồ Cao Huy Thuần

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1261 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1261 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tang lễ Giáo sư Cao Huy Thuần được cử hành trong một ngày, 15-7-2024, tại Paris (Pháp), với nghi thức truyền thống Phật giáo, theo lời dặn “tối giản” trước khi trái tim ông ngừng đập vào lúc 23 g 26 ngày 7-7-2024.

Sau đây là lời tưởng niệm của giới trí thức Phật tử, đại diện là Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách, đọc tại tang lễ tối giản và trang nghiêm ấy, trước chư Tăng và thân hữu trí thức, Phật tử, gia quyến. Giác Ngộ trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.

***

Kính thưa chị Liên, kính thưa tang quyến;

Kính thưa quý vị Tăng Ni, kính thưa quan khách tang lễ, các bạn thân mến,

Tôi lấy làm hân hạnh và cám ơn tang quyến được nói vài lời tưởng niệm anh Cao Huy Thuần. Được nói về một huynh trưởng vừa mới ra đi.

Khi có quá nhiều điều cần nói, người ta không biết bắt đầu như thế nào. Tôi cũng bị lâm vào trường hợp đó. Tôi sẽ chọn nói những điều bất chợt tự nhiên hiện lên trong tâm. Có khi tôi sẽ nói về Anh, cũng có khi nói như thưa với Anh. “Thưa với Anh”, vì, là một Phật tử, tôi tin Anh chưa đi hẳn, vẫn còn biết, còn nghe, vẫn còn cảm nhận những gì ta nói.

Hai năm trước đây, Anh cho xuất bản cuốn “Im lặng như lời chia tay”. Sau khi Anh mất, có nhiều người tìm đọc tác phẩm này. Cũng như nhiều độc giả, tôi nghĩ rằng Anh mượn sách này để chia tay với chúng ta. Cũng phải thôi, lúc viết sách này Anh đã qua tuổi 85.

Tựa đề cuốn sách thú vị. Im lặng như lời chia tay. Lấy sự lặng yên để thay lời nói ư? Được như thế không? Tha thiết mà thâm sâu biết bao!

Hôm nay mà nhiều lời trước linh cữu, có lẽ Anh không vui lòng. Thế nhưng chắc Anh lại bỏ qua, như nhiều lần Anh đã bỏ qua. Vả chăng, Anh cũng chưa chia tay, còn vài bước nữa Anh mới đi đoạn đường mới.

Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách phát biểu trong tang lễ của Giáo sư Cao Huy Thuần

Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách phát biểu trong tang lễ của Giáo sư Cao Huy Thuần

Anh Thuần thân kính,

Anh biết chăng, sau khi Anh mất, nhiều Tăng Ni trong nước kể nhau nghe về các thiện nghiệp của Anh và cảm nhận về cư sĩ Cao Huy Thuần. Có người trong số đó liên tưởng đến hình tượng của ngài Duy Ma Cật, vị đại cư sĩ mà kinh sách hay nói đến. Ngày nọ Duy Ma Cật lâm trọng bệnh. Các vị Bồ-tát đến vấn an, hỏi han bệnh tật. Duy Ma Cật đáp: “Tôi bệnh vì chúng sanh bệnh”. Ngài lấy phiền não của chúng sanh làm nỗi khổ của mình.

Lớn lên từ xứ Huế, với ấn tượng sâu xa của lời kinh, của mùi hương trầm, của màu lam khói nhang, vị cư sĩ của chúng ta bắt đầu cuộc hành trình của đời mình. Và đó là một cuộc hành trình dài trong một thế giới đầy khổ đau.

Vị cư sĩ sớm lấy tình trạng chiến tranh của đất nước Việt Nam và loạn lạc xã hội làm mối bận tâm của chính mình. Vòng đời như một sợi dây, bung ra rộng khắp, thu gồm trong đó mọi nhận thức, mọi hành động, mọi liên hệ, mọi công trình, mọi trải nghiệm...mà ta gọi chung là cuộc đời.

Cuộc đời của vị đó hàm chứa rất nhiều mặt khác nhau, có khi hân hoan, có khi khó xử, có khi rối trí. Vừa là Phật tử thấm nhuần một nền giáo lý bao dung, vừa là người Việt Nam trong một lịch sử đầy tranh chấp và phân hóa, vị ấy phải chịu đựng tất cả mọi vấn nạn của một trí thức gắn bó với quê hương. Cũng chính trong bối cảnh tưởng như đầy phiền não đó, người cư sĩ Cao Huy Thuần thể hiện một lòng liêm chính và sự nhất quán của mình trong nhận thức và hành động.

Nói đúng hơn, Anh thực hiện được chánh kiến và Bát chánh đạo trong đời mình. Anh đến với thế gian bằng cách lắng nghe, nói và viết. Anh truyền kiến thức và cảm hứng cho nhiều người, từ nhà tu sĩ đến nhà nghệ sĩ, từ nhà khoa học đến người làm thơ, từ thính giả của giảng đường đại học đến các cháu thiếu nhi tìm đọc sách Anh. Anh giảng pháp cho trăm người hay viết thư cho một kẻ sơ giao hỏi Đạo luôn luôn với sự nghiêm túc tận tụy như nhau. Anh không phải chỉ có tâm Đại thừa, bản thân Anh là một cỗ xe lớn.

“Đó là một tấm gương tinh tấn”, tôi tự nhủ và nhớ đến lời cuối của Phật trước khi nhập diệt. Ngài nói “Các hành là vô thường, hãy tinh tấn”. Kinh sách hay nói đến hai tính chất quý báu người Phật tử cần có: nhiệt tâm và tinh tấn. Phần lớn có nhiệt tâm nhưng không tinh tấn.

Anh Thuần có cả hai.

Phu nhân và các con, thân quyến của Giáo sư Cao Huy Thuần

Phu nhân và các con, thân quyến của Giáo sư Cao Huy Thuần

Vị cư sĩ tinh tấn đó vừa từ giã chúng ta. “Các hành là vô thường”, làm sao khác được. Nhưng, kỳ diệu thay, trên giường bệnh, trước khi ra đi, Anh mong được nghe lại lời kinh và quả thực có tiếng tụng kinh vọng rõ bên tai. Lại một tiếng tụng kinh giọng Huế như trong thời thơ ấu của Anh. Tiếng kinh là chỗ bắt đầu đời anh, nay khi ra đi tiếng kinh tiễn đưa Anh. Cái ban đầu và cái chung cuộc của vòng đời đã gặp nhau. Nói như Rabindranath Tagore, kẻ tầm cầu chân lý đi một vòng thế gian nay ngồi lại trước cửa nhà mình. Vốn là người có một tâm hồn hài hước tinh tế, hẳn Anh đang mỉm cười ý nhị.

Nhưng, khi vòng đời khép lại thì mọi thứ trong đó bỗng dần dần tan rã. Đất nước gió lửa đang trở về với đất nước gió lửa. Toàn thể tâm ý và sự nghiệp dần trở nên như rỗng rang, như phi thực như giấc mộng đêm qua. Nói có cũng được, nói không cũng được. Tác hữu trần sa hữu, Vi không nhất thiết không. Bảo có thì hạt bụi cũng có, bảo không thì cả thế gian cũng không.

Anh Thuần thân kính,

Anh đang có cơ may trải nghiệm trực tiếp tánh giác trong dạng thuần tịnh nhất như Anh từng giảng giải. Sắc thọ tưởng hành thức là các yếu tố thể hiện của tánh giác, nhưng chúng thường che đậy tánh giác, như bình đất che ánh sáng của ngọn đèn nằm bên trong. Ngũ uẩn bây giờ đang tan rã và biến chuyển. Mây tan, núi hiện.

Trong dạng này của tâm thì sự lặng yên là một dạng của tánh giác trống rỗng. Giữ im lặng chính là hạnh tinh tấn. Yên lặng không phải chỉ dứt lời nói bên ngoài mà là tâm yên lặng. Yên lặng là tinh tấn, tinh tấn là yên lặng. Thế nên “Im lặng như lời chia tay” là lời dặn dò cho Anh và cho chúng ta trong thời khắc lâm chung. Tha thiết thay mà cũng thâm sâu thay, thưa anh Cao Huy Thuần. Anh đúng là một học trò của Đức Thích Ca Mâu Ni. “Mâu Ni”, (Sanskrit: Muni; he, who is silent), vốn có nghĩa là vị Thánh yên lặng. “Thích Ca Mâu Ni” có nghĩa vị Thánh yên lặng dòng Thích Ca.

Cầu mong anh sẽ được chư Phật và các vị Thiện tri thức hỗ trợ trên đường đi. Kính bái hương linh Phật tử Tâm Bồ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Công đức lạy Phật

GNO - Lạy Phật, lễ bái các Đức Phật và Bồ-tát là pháp hành phổ biến của hàng Phật tử. Dù xuất gia hay tại gia, kể cả những người có cảm tình với Đức Phật mỗi khi vào chùa tháp đều kính cẩn, chí thành lễ bái.
Tịnh khẩu

Tịnh khẩu

GNO - Tôi được biết, trong các pháp môn tu tập của Phật giáo có đề cập đến tịnh khẩu. Tuy vậy, trong đạo tràng an cư của chúng tôi có một vị lập hạnh không nói hoàn toàn, có điều gì cần thì ra dấu hoặc ghi ra giấy mà thôi. Tôi nghe khá nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Phật giáo quan niệm về vấn đề này thế nào?

Thông tin hàng ngày