Mẹ đang tiếc thương cho bà ngoại. Bà đã rời xa mẹ mấy năm nay. Ngày xưa, lúc ngoại còn sống, mỗi lần bà lên nhà chơi, mẹ vì sợ ba, sợ nội nên muốn mời ngoại ăn gì, mẹ cũng phải giấu.
Tôi nhớ hoài hình ảnh của ngoại già nua, đôi mắt nhìn xa xăm vì xót vì thương cho con gái (là mẹ tôi). Ngoại hiểu cảnh cơ cực của mẹ khi làm dâu, khi không thể sinh cho ba, cho nội một người con trai nối dõi. Những trận đòn, những cú đạp, những lời mắng nhiếc thậm chí là những lời sỉ nhục từ ba, mẹ đều nén đau thương chịu đựng.
Có khi, ngoại lên thăm, nhìn thấy chân tay mẹ bầm tím, đầu bị thương, ngoại ứa nước mắt, không nói nên lời, chỉ lặng lẽ chăm sóc mẹ. Ngoại lấy câu “xuất giá tòng phu” để răn dạy mẹ, ngoại nhận lỗi về mình vì mẹ chỉ sinh một bề sáu đứa con gái mà chẳng có con trai. Ngoại không thể dang rộng vòng tay đón mẹ trở về nhà nên ngoại đành khóc cùng mẹ, đau cùng mẹ.
Mỗi lần mẹ tạt về nhà ngoại vào những dịp giỗ chạp lớn, rồi tất tả đạp xe đi, ngoại lại bùi ngùi dõi theo bóng dáng đứa con gái lớn thân yêu khuất dần sau bụi tre với cái chiếc nón lá xô lệch: "Má đi vô đi, bữa khác, con đưa tụi nhỏ về chơi”.
…
Ngày xưa, thời chúng tôi còn nhỏ, ở dưới quê thì những ngày lễ như 8-3, 20-10 hay lễ Vu lan… đối với chúng tôi cũng là một ngày bình thường như mọi ngày. Sau này, khi chúng tôi lớn lên, vào Sài Gòn đi học và sinh sống, chúng tôi mới bắt đầu tổ chức những ngày lễ này cho mẹ. Một chiếc bánh kem kèm lời chúc “Chúc mừng Ngày của mẹ” hay một bó hoa với câu “Cảm ơn mẹ” nhân ngày Vu lan... khiến mẹ tôi vui lắm. Nhưng rồi, mẹ lại lặng lẽ: “Giá mà bây giờ ngoại bây còn sống”.
Chị em chúng tôi hiểu cảm giác của mẹ. Nếu chị em chúng tôi thương mẹ như thế nào thì mẹ cũng yêu thương bà ngoại y như thế. Nên mẹ hay chạnh lòng, hay nhớ về ngoại và buồn vì cả cuộc đời của ngoại chưa bao giờ được nếm trải sự yêu thương trong những ngày lễ đặc biệt dành cho mẹ. Mẹ thương ngoại cả đời lam lũ nuôi các con khôn lớn rồi cùng đau nỗi đau của các con. Ấy vậy mà ngoại chưa bao giờ nhận được một bó hoa từ các con của mình dù ngoại có hơn chục người con.
“Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”
Lại một mùa Vu lan sắp về, tôi nghe đâu đó nỗi niềm của mẹ. Không Vu lan nào mẹ tôi không rơi nước mắt vì nhớ thương ngoại...
“Cảm xúc Vu lan” hân hạnh được Ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP.HCM đồng hành trong mùa Vu lan - Báo hiếu PL.2566 - DL.2022
Mời Tăng Ni, bạn đọc chia sẻ những nỗi niềm, cảm nghĩ của mình về cha, mẹ, thầy tổ, những nhân duyên khó quên; đó cũng có thể là lời cảm ơn, hay lời xin lỗi mà mình đã muốn nói rất lâu rồi… qua chuyên mục "Cảm xúc Vu lan".
Bài viết xin gửi về tòa soạn theo địa chỉ email onlinegiacngo@gmail.com, toasoan@giacngo.vn. Chủ đề thư điện tử xin đề “Cảm xúc Vu lan”, từ lúc có thông báo này cho đến hết ngày 27-7 Âm lịch (26-8-2022).
Ngoài nhuận bút theo quy định khi bài được chọn đăng trên báo in Giác Ngộ và Giác Ngộ Online, Ban Tổ chức sẽ có 02 phần quà đặc biệt của Ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP.HCM dành cho (1) bài viết có lượt xem nhiều nhất (trên Giác Ngộ Online) và được chia sẻ nhiều nhất trên Fanpage Báo Giác Ngộ; (2) bài viết cảm xúc nhất (do Ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP.HCM bình chọn).