Vụ sách ông Nguyễn Nhân, cần một cách xử lý nghiêm minh

Vụ sách ông Nguyễn Nhân, cần một cách xử lý nghiêm minh
GNO - Những bất cập về chất lượng xuất bản và nhận định của Viện Nghiên cứu Phật học VN cũng như quan điểm của Trung ương GHPGVN đối với loạt sách của tác giả Nguyễn Nhân, đã thể hiện rõ ràng qua Công văn số 457/CV.HĐTS ngày 14-11-2019.

Nội dung đó đã được Giác Ngộ đưa tin. Tuy nhiên đến nay, điều công luận quan tâm nhất chính là động thái của các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước liên hệ đến sự việc này.

Phóng viên báo Giác Ngộ đã liên hệ với lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục Xuất bản, In và Phát hành trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (gọi tắt là Cục Xuất bản) để trao đổi về vấn đề này.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản (Ảnh: Zing)

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản (Ảnh: Zing)

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản - cơ quan có chức năng tham mưu, quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực xuất bản, in (bao gồm cả in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm) và phát hành xuất bản phẩm (sau đây gọi tắt là lĩnh vực xuất bản, in và phát hành) cho biết:

“Trước mắt, Cục Xuất bản cũng đã nắm được tình hình về vấn đề này và đã có những phản hồi về các nhà xuất bản (Nxb) từng cho cấp phép xuất bản loạt sách của ông Nguyễn Nhân, để trước hết là họ tự xem xét lại, xử lý theo các quy định của pháp luật, trong đó có việc cần tham khảo các cơ quan chuyên môn của Nhà nước về nội dung các đầu sách được cho là sai phạm để có nhận định đúng sai một cách chính xác. Chúng tôi cần ý kiến rõ ràng từ các cơ quan chuyên trách, để căn cứ vào đó sẽ có cách xử lý phù hợp”.

Xoay quanh câu chuyện về các cơ quan chuyên trách, với nghi vấn liệu có hay không một đội ngũ đảm bảo chuyên môn và cơ sở Phật học vững chắc, đủ để thẩm định sai phạm của loạt sách lần này? Và, chỉ nhấn mạnh vai trò thẩm định của cơ quan thẩm quyền Nhà nước phải chăng đã là đủ? Ông Nguyên cũng đã có những trao đổi thẳng thắn. Qua đó, ông thừa nhận vai trò không thể thiếu trong việc thẩm định các ấn phẩm Phật giáo, cụ thể ở đây là loạt sách gây tranh cãi của ông Nguyễn Nhân.

Cục trưởng Cục Xuất bản nhận định việc GHPGVN, đại diện là Viện Nghiên cứu Phật học VN, có những văn bản phân tích, đối chứng rõ sai phạm trong loạt sách nêu trên là điều rất cần thiết.

“Trong tình trạng hiện nay, loạt sách còn đang ở mức độ tranh cãi về quan điểm đối với cùng một vấn đề, chúng tôi cần một người có đầy đủ thẩm quyền của Nhà nước để quyết định quan điểm nào là đúng, quan điểm nào là sai để tiến hành xử lý. Việc GHPGVN có những văn bản chỉ rõ sai phạm của loạt sách sẽ là một trong những căn cứ tốt, nhưng chúng tôi cũng cần thêm một số ý kiến từ các cơ quan Nhà nước khác như Ban Tôn giáo Chính phủ. Trong trường hợp cần thiết hơn, chúng tôi cũng sẵn sàng tổ chức Hội đồng thẩm định chuyên môn, triển khai nghiên cứu, phân tích lại, trước khi đi đến xử lý một cuốn sách”, ông Nguyên cho biết.

Trước đó, trong buổi trao đổi với báo Giác Ngộ, ông Nguyễn Công Oánh, nguyên Giám đốc Nxb Tôn Giáo từng khẳng định, nếu GHPGVN có thể có công văn phân tích, chỉ rõ các lỗi sai của loạt sách này, Nxb Tôn Giáo sẽ sẵn sàng đề xuất lên Ban Tôn giáo Chính phủ và Vụ Phật giáo, cả Cục Xuất bản, yêu cầu không cấp phép xuất bản và đình chỉ in. Đây cũng đồng thời là một trong những nội dung được Ban Tôn giáo Chính phủ đề cập tại Công văn 1425/TGCP-PG phúc đáp Hội đồng Trị sự GHPGVN, do ông Bùi Hữu Dược, Vụ trưởng Vụ Phật giáo thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ đã ký, trong đó có nội dung “sẽ có hình thức xử lý đối với những tác phẩm của ông Nguyễn Nhân (Nguyễn Công Nhân)”.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, cho đến nay, dù GHPGVN đã có công văn trình bày rõ nội dung xuyên tạc lịch sử và giáo lý Phật giáo, bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu về Phật giáo cũng như Tăng, Ni, trí thức Phật tử… cũng đã đồng loạt lên tiếng, phản ánh về những bất cập trong nội dung loạt sách về “Huyền ký” và “Thiền tông” của ông Nguyễn Nhân, nhưng Nxb Tôn Giáo và cả Ban Tôn giáo Chính phủ vẫn còn phải “chờ” để xem xét hướng xử lý.

Theo nguồn tin riêng của báo Giác Ngộ, đến nay Ban Tôn giáo Chính phủ vẫn chưa có thêm phản hồi nào về vấn đề này dù đã có một số cuộc họp bàn sau đó. Báo Giác Ngộ cũng đã liên hệ trực tiếp với ông Bùi Hữu Dược, tuy nhiên, ông từ chối trả lời với lý do đang trong tình trạng phải cách ly, sau khi được ngành y tế xác định tham dự buổi họp có bệnh nhân nhiễm virus Covid-19.

Ở một diễn biến khác, theo Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Nguyên cho biết, việc cần có thời gian “khá lâu” để thẩm tra nội dung những ấn phẩm tôn giáo vướng tranh cãi như vậy là vì dựa trên luật, cụ thể là Điều 10 của Luật Xuất bản, những tập sách này không vi phạm một cách rõ ràng những điều được trình bày trong luật, nếu có đã dễ dàng giải quyết vấn đề hơn.

Theo đó, tại Chương I, mục đ, khoản 1, Điều 10 - Luật Xuất bản số 19/2012/QH13, quy định rõ: “Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Như báo Giác Ngộ đã thông tin ở số trước, theo hồ sơ nhận định từ Viện Nghiên cứu Phật học VN thuộc GHPGVN, tổng quan 11 đầu sách của ông Nguyễn Nhân (xuất bản từ năm 2017 với các Nxb Tôn Giáo, Hồng Đức, Văn Hóa-Văn Nghệ) có nội dung xuyên tạc về Đức Phật, giả mạo lịch sử Phật giáo và dân tộc, phỉ báng giáo lý các tông phái Phật giáo đã hình thành qua lịch sử bằng những nội dung vô căn cứ, với những trích dẫn, phản biện chỉ rõ vô cùng chi tiết đính kèm.

Như vậy, trước hết, xét về luật, nếu nhận định của các nhà nghiên cứu Phật học được Viện Nghiên cứu Phật học VN nhận định là đúng, thì rõ ràng loạt sách của ông Nguyễn Nhân đã vi phạm nghiêm trọng theo Điều 10 Luật Xuất bản như ông Nguyên đề cập, khi có nội dung xuyên tạc sự thật lịch sử (Phật giáo - PV), vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức (GHPGVN với các tông phái Phật giáo đã hình thành qua lịch sử - PV). Cần một lần nữa khẳng định, Viện Nghiên cứu Phật học VN có đầy đủ tư cách pháp nhân cũng như chuyên môn để đưa ra những phản biện trên.

Đồng thời, xét tại Chương I - Luật Xuất bản, mục d, khoản 2, Điều 10 cũng quy định rõ: “Nghiêm cấm thực hiện: Phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chưa nộp lưu chiểu”.

Về nguồn gốc của tập “Huyền ký của Đức Phật” đề cập bài ở 2 kỳ trước, trong các phát biểu “soạn giả” Nguyễn Nhân về tính lịch sử văn bản được đặt ra qua các nội dung giải trình triển khai của chính người này, được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội, chính ông Nguyễn Nhân cũng từng trả lời: “Thật ra tin là chính, tôi có niềm tin, nếu các vị tin thì theo, không tin thì có thể theo pháp môn khác”… Ông cũng nhiều lần khẳng định “Huyền ký của Đức Phật” là do ông góp nhặt từ người này, người kia, từ tiếng Hoa có người đọc lại cho ông chép, cho đến bản tiếng Việt từ một người ở bên… hông chợ cho và sau cùng là mẹ ông (được ông gọi là “thiền sư Ni” Đức Thảo - PV) để lại.

Thiết nghĩ, Nxb Tôn Giáo thời điểm đó, dựa vào cứ liệu nào để khẳng định giá trị, phải chăng lịch sử của một tôn giáo như đạo Phật, một trong những tôn giáo lớn của nhân loại với hơn hai ngàn năm trăm năm lịch sử, được viết lại chỉ căn cứ theo… “niềm tin” của một người?

Việc thu hồi và hủy ấn phẩm do các Nxb cấp giấy phép phát hành không phải là vấn đề chưa từng xảy ra. Sáu năm trước, một đầu sách nhan đề “Lịch sử Phật giáo Việt Nam và thế giới” do Nxb Văn Hóa-Thông Tin thuộc Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp phép xuất bản, sau khi báo Giác Ngộ phản ánh vì có nội dung lệch lạc, Cục Xuất bản đã tiếp thu và ra quyết định thu hồi giấy phép, tiêu hủy sau đó, làm dẫn chứng cụ thể.

* Bài kỳ trước: Khi sự xuyên tạc lịch sử tôn giáo được công nhận

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tại buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày