Bài pháp vô ngôn

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Hai vị Thiền sư Vũ Khắc Minh (Đạo Chân) - Vũ Khắc Trường (Đạo Tâm) không để lại dòng nào viết về bản thân, nhưng đã để lại nhục thân bất hoại như là một bài pháp vô ngôn cho hậu thế.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1230 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1230 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Chiều 25-11-2023, tại Hà Nội đã diễn ra chương trình tọa đàm giao lưu cùng tác giả cuốn sách Xá-lợi toàn thân - Bài pháp vô ngôn. Tại tọa đàm, tác giả Trần Đức đã chia sẻ nhân duyên khiến anh vốn không liên quan gì tới nghề viết sách báo, nhưng đã hoàn thành cuốn sách đầu đời Xá-lợi toàn thân - Bài pháp vô ngôn, kể những chuyện xoay quanh nhục thân của hai vị Thiền sư Vũ Khắc Minh - Vũ Khắc Trường tại chùa Đậu (thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, H.Thường Tín, Hà Nội).

“Tôi không học chuyên ngành mỹ thuật, cũng không có chuyên môn về sinh học hay nhân trắc học. Một hôm, sau khi đọc được bài báo của Giáo sư Nguyễn Lân Cường về hai pho tượng nhục thân chùa Đậu, tôi đã có ý muốn và dự định vài hôm nữa sẽ đến chùa Đậu để chiêm bái. Bất ngờ, chỉ 4 hôm sau, người nhà chuyên kinh doanh khí ni-tơ, nhận được cuộc điện thoại từ Giáo sư Nguyễn Lân Cường, đặt mua khí ni-tơ.

Nghe người nhà cho biết có một ông giáo sư rất nổi tiếng, hỏi mua khí ni-tơ, tôi phỏng đoán ngay: Có lẽ để bảo quản nhục thân các vị thiền sư. Lập tức tôi xin số điện thoại của Giáo sư Nguyễn Lân Cường, và gọi ngay cho giáo sư, hỏi luôn: Có phải giáo sư muốn mua khí ni-tơ để bảo quản nhục thân các vị thiền sư chùa Đậu không? Giáo sư có muốn tìm người để tham gia bảo quản các pho tượng nhục thân xá-lợi ở chùa Đậu hay không? Giáo sư rất ngỡ ngàng, hỏi sao bạn biết? Rồi sau đó, giáo sư đồng ý cho tôi được tham gia dự án bảo quản nhục thân hai vị thiền sư”, Trần Đức chia sẻ.

Được tham gia dự án, anh đã tự mình mày mò đọc các sách viết về xá-lợi Phật giáo, các bài báo viết về các vị Thiền sư Vũ Khắc Minh - Vũ Khắc Trường và rất nhiều sách Phật giáo khác để tích lũy kiến thức, hiểu biết về lịch sử Phật giáo và quá trình tu tập, hành đạo của các nhà sư.

“Trong quá trình tham gia dự án bảo quản nhục thân hai vị thiền sư, những cảm xúc, những rung động đã kết nối thật sâu, kết nối rất tự nhiên. Tôi nhận thấy giá trị sâu sắc của các thiền sư, dường như có một sợi chỉ hình thành kết nối, tương giao tương cảm khi tiếp xúc với nhục thân của hai ngài. Để rồi từ đó thôi thúc tôi viết cuốn sách về hai vị thiền sư chùa Đậu. Đây là lần đầu viết sách, quá trình viết rất tự nhiên, nhưng viết rất nhanh, gần như không sửa và cũng không cần phải trau chuốt cho ý tưởng, không dàn xếp bố cục. Cứ nghĩ gì viết nấy, nghĩ đến đâu viết đến đấy”, Trần Đức nói.

Tác giả Trần Đức

Tác giả Trần Đức

* Đọc nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu thấy nổi lên hai thuật ngữ thể hiện hai quan điểm khác nhau về nhục thân các vị thiền sư. Một là, có học giả dùng từ “tượng táng”, vì cho rằng đó chỉ là một hình thức an táng người đã khuất, cũng giống như ướp xác, địa táng, thủy táng… minh chứng cho quan điểm này bằng chi tiết, thân thể các vị thiền sư được phủ bằng sơn ta (để diệt khuẩn) và bọc bằng thạch cao, vải, giấy… Nhưng nhiều nhà nghiên cứu và chư Tăng gọi đó là xá-lợi, với niềm tin rằng nhờ quá trình tu tập các vị thiền sư đã đạt được sự bất hoại của thân xác. Anh nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

- Theo nghi thức chung của Ấn Độ, các nhà sư sau khi nhập diệt sẽ được hỏa táng. Những phần thân thể không bị đốt cháy, được gọi là xá lợi. Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, sau khi thân thể và xương cháy hết, thì con tim còn nguyên vẹn. Ngày nay, trái tim bất diệt của Ngài vẫn còn được lưu giữ.

Chư Tăng sau khi nhập diệt, nếu thân thể trải qua thời gian vẫn không bị tan rã, toàn bộ thân thể vẫn còn lại sau 100 ngày, được lưu giữ đến hàng trăm năm, sẽ được gọi là xá-lợi toàn thân.

Với cách ướp xác ở Ai Cập, người ta phải tẩm các chất bảo quản, đặc biệt phải đưa vào trong Kim tự tháp là môi trường tuyệt vời cho thân xác không bị phân hủy. Nhưng riêng với các vị thiền sư để lại xá-lợi toàn thân ở nước ta thì khác, không thể nói rằng thân xác không bị hủy hoại là do cách thức bảo quản. Mặc dù các tượng nhục thân thiền sư được phủ bằng sơn ta, nhưng tôi tin rằng, sơn ta chỉ được sơn phủ lên về sau này, chứ khi các ngài vừa viên tịch, không có bất cứ biện pháp nào được người ta tác động để làm chậm hay ngừng sự phân hủy của thân xác.

Bởi một con người vừa qua đời, nếu quét sơn lên thì gương mặt và toàn bộ làn da sẽ nhăn nhúm. Phải đợi sau 100 ngày là quá trình cơ thể đủ để chuyển từ trạng thái bình thường sang trạng thái ổn định, tức là gần như chấm dứt quá trình chuyển đổi chất. Tôi tin rằng, người ta chỉ sơn lên thân thể các ngài sau khi các ngài đã viên tịch trên 100 ngày, khi đó thân thể hai vị thiền sư đã trở nên rắn chắc, đã định hình, các thứ sơn không thể làm biến dạng được da và cơ thể.

Bìa sách Xá-lợi toàn thân - Bài pháp vô ngôn, tác giả Trần Đức

Bìa sách Xá-lợi toàn thân - Bài pháp vô ngôn, tác giả Trần Đức

Mặt khác, thông thường khi ướp xác, người ta phải moi bỏ nội tạng, vì nội tạng chứa rất nhiều vi khuẩn gây phân hủy cơ thể. Nhưng các nghiên cứu đã chứng minh, nhục thân các vị thiền sư nước ta vẫn còn nguyên nội tạng. Ví dụ Thiền sư Như Trí, khi mở pho tượng ra, ở phía dưới nhìn thấy ruột vẫn bám vào xương sống. Như vậy, nội tạng vẫn còn và kết lại. Dù có dùng sơn ta hay không sơn, thì thân thể của các nhà sư đó sẽ vẫn nguyên vẹn, vì sơn ta chỉ làm chậm lại quá trình phân hủy, chứ không thể giúp ngăn chặn quá trình phân rã thân xác. Như GS.Nguyễn Lân Cường đã từng nói: “Nếu ai bảo rằng hãy sử dụng sơn ta, hay các biện pháp khác can thiệp để thân xác tôi vẫn nguyên vẹn sau khi chết, thì tôi cũng không thể làm được”.

Tôi tin rằng, các bậc tu hành để lại xá-lợi đều là các bậc Thánh tăng. Vấn đề này vượt qua được sự hiểu biết của khoa học, kiến thức của con người hiện tại. Tuy nhiên, không phải nhà sư nào đắc đạo cũng để lại xá lợi. Đơn cử, như Đại đệ tử của Đức Phật là ngài Ca-diếp cũng không thấy nói để lại xá-lợi. Cho nên, xá-lợi chỉ là một trong những cách hiện tướng, một biểu hiện năng lực của các bậc tu hành. Một vấn đề nữa, khái niệm trường tồn chỉ là tương đối.

Đức Phật đã chỉ rõ một định luật của thế gian “Thành - trụ - hoại - diệt”, không có bất cứ thứ gì thoát khỏi được quy luật này, kể cả vũ trụ. Hiện hai vị thiền sư chùa Đậu đã được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia, sẽ được hưởng cơ chế bảo quản đặc biệt, nhờ vậy sẽ giúp xá-lợi toàn thân của các ngài tồn tại được thời gian lâu hơn, hy vọng có thể bảo tồn được thêm một nghìn năm nữa.

* Xin anh cho biết về hành trạng của hai Thiền sư Vũ Khắc Minh – Vũ Khắc Trường?

- Tôi đã đọc nhiều sách để tìm tư liệu về hai vị thiền sư chùa Đậu, nhưng không thấy sách nào viết về hành trạng các của các ngài. Tôi nhờ kết nối để gặp trưởng họ Vũ ở làng Gia Phúc để tìm hiểu về gia thế, hành trạng của hai vị thiền sư, tìm hiểu các bài cúng hai vị thiền sư và thông qua các lễ hội của chùa Đậu để tìm hiểu thêm.

Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường là hai nhà sư từng trụ trì chùa Đậu vào thế kỷ XVII. Thông thường từ xưa, khi mỗi người xuất gia thường chọn những ngôi chùa ở xa nhà, nhằm tránh để quyến thuộc níu kéo, tác động ảnh hưởng đến việc xuất gia. Thế nhưng hai vị Thiền sư Vũ Khắc Minh - Vũ Khắc Trường lại xuất gia ngay tại ngôi chùa ở trong làng mà mình sinh ra, đây là hiện tượng hy hữu trong Phật giáo.

Hiện nay tại thôn Gia Phúc có hai chi họ Vũ, nhưng không có chi nào mang tên họ Vũ Khắc. Các cụ bô lão ngày nay cũng chỉ biết hai nhà sư là người trong họ, chứ cũng không biết thuộc về chi nào. Trong gia phả của dòng họ, cũng không ghi lại về hai vị thiền sư. Nhiều nhà nghiên cứu đưa thông tin hai vị thiền sư chùa Đậu là chú cháu, nhưng tôi không biết thông tin hai vị là chú cháu với nhau, từ đâu ra. Bản thân các cụ bô lão của dòng họ Vũ cũng không được truyền tụng về thông tin này, chứ đừng nói là trong gia phả có. Có lẽ các nhà nghiên cứu cho rằng hai người là chú cháu, dựa trên sự chênh lệch tuổi tác giữa hai vị thiền sư, Vũ Khắc Minh hơn Vũ Khắc Trường 20 tuổi.

Trong chùa Đậu hiện còn một số tấm bia đá, tôi đã tìm đến các nhà nghiên cứu ở Viện Hán-Nôm, nhờ dịch lại chính xác nội dung. Những thông tin cho biết, Thiền sư Vũ Khắc Minh chi là Sa-di, thời gian tu hành không lâu, gần như không có thông tin gì để lại, cho thấy ngài dường như không có vai vế gì trong Phật giáo thời đó.

Thiền sư Vũ Khắc Trường có vị trí cao trong giới Phật giáo lúc bấy giờ. Tấm bia “Pháp Vũ tự tạo lệ bi” cho biết sư Vũ Khắc Trường từng giữ chức Tăng lục Ty Tăng thống. Bia Tu tạo Pháp Vũ tự bi được dựng năm 1639, nội dung do Thiền sư Vũ Khắc Trường soạn, cho biết lịch sử chùa được sáng lập từ triều Lý và quá trình tu tạo lại chùa.

Các văn bia chùa Đậu hầu hết chỉ ca ngợi cảnh đẹp chùa chiền, chứ không có câu nào giảng dạy về giáo lý nhà Phật. Có lẽ do sống ở thời mạt pháp, nên hai thiền sư chùa Đậu không viết về bản thân, không để lại những lời thể hiện tư tưởng. Nhưng với nhục thân bất hoại của các ngài, tôi tin rằng, các cụ đưa ra giải pháp là để lại toàn thân xá-lợi, như là một bài pháp vô ngôn cho hậu thế.

Đặc biệt, nội dung văn bia cho biết, khi khánh thành tòa nhà tiền đường của chùa Đậu, Quốc sư Đạo Long đến dự lễ cắt băng khánh thành. Văn bia ghi “Tổ sư Đạo Long”, như vậy có thể có hai cách hiểu: Người đời gọi Quốc sư là Tổ sư. Nhưng cũng có thể hiểu theo cách thứ hai, Tổ sư tức là người thầy của giáo phái tông môn của mình. Thiền sư Vũ Khắc Minh có tên chữ là Đạo Chân, Thiền sư Vũ Khắc Trường có tên chữ là Đạo Tâm, cùng với Quốc sư Đạo Long tạo nên một sự kết nối: Long - Chân - Tâm.

Bối cảnh lịch sử thời đó, nhà Mạc đã lên Cao Bằng, niềm tin vào đạo Phật bị giảm. Mặc dù từ các vương tôn nhà Lê đến các chúa Trịnh đều tỏ ra sùng đạo, bỏ tiền ra xây nhiều chùa chiền, nhưng vua chúa đến chùa chủ yếu để lập đàn cầu cúng, chứ ít nói về giáo lý nhà Phật. Trong tình thế đó, chư Tăng đã mong muốn chấn hưng Phật giáo, để mở ra thời kỳ phục hưng Phật giáo Việt Nam vào những năm sau đó.

Điều đáng chú ý, các văn bia chùa Đậu hầu hết chỉ ca ngợi cảnh đẹp chùa chiền, chứ không có câu nào giảng dạy về giáo lý nhà Phật. Có lẽ do sống ở thời mạt pháp, nên hai thiền sư chùa Đậu không viết về bản thân, không để lại những lời thể hiện tư tưởng. Nhưng với nhục thân bất hoại của các ngài, tôi tin rằng, các cụ đưa ra giải pháp là để lại toàn thân xá-lợi, như là một bài pháp vô ngôn cho hậu thế.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày