Cảm xúc mùa Vu lan: Thư gửi ba mẹ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Một đứa khô khan, ít nói trong gia đình như con, khi nhắc đến việc viết thư bày tỏ tình cảm với ba mẹ thì có vẻ như là "chuyện lạ". Nhưng khi hồi tưởng lại nơi gia đình với những yêu thương thì con quyết định viết lá thư này.

Con rời nhà đi tu cũng đã bốn năm rồi. Bốn năm, khoảng thời gian chẳng thấm tháp gì nếu đặt vào thước đo đường đạo mà mỗi hành giả phải kinh qua. Nhưng ngần ấy năm là quãng thời gian dài đủ để luyến tiếc, nhớ nhung khi con phải rời xa vòng tay che chở của ba mẹ.

Đáng ra, sau gần mười mấy năm được nuôi dưỡng, cho ăn học nên người, thì con phải đi làm, cưới vợ, sinh con, chăm sóc, phụng dưỡng ba mẹ lúc về già… như bao người con khác. Ở đời, những việc như vậy được cho là quy chuẩn của một người con có hiếu. Thế mà con đây lại vào chùa rồi.

Mẹ! Lúc con điện thoại báo cho mẹ biết ngày con xuất gia, con biết, mẹ buồn lắm, khi ấy nước mắt mẹ có rơi không? Con tin là có. Không chỉ riêng mẹ đâu, mà người phụ nữ nào có con cũng sẽ như thế.

Khi còn ở nhà, đọc những bài báo kể về người giàu có, nổi tiếng mua siêu xe, biệt thự tặng mẹ của mình, con cũng từng ao ước một ngày nào đó báo chí cũng đăng một bài tương tự như vậy đối với con.

Nhưng giờ đây, khi con ở chùa bốn năm, được nghe kinh, học Phật pháp, con cũng thấm chút ít "tương chao". Qua đó, con mới biết được rằng những thứ thế gian mua bán đổi chác như vậy chỉ làm tăng thêm cái tham đắm, ái nhiễm, để góp nhân cho việc trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi mà thôi. Còn chí nguyện một người xuất gia nhập đạo là trên cầu thành Phật, dưới hóa độ chúng sinh. Nhưng con nghĩ lại nghĩ, để làm được điều đó cần phải có đại hùng, đại lực, đại từ bi mới kham nổi. Mình thì sao đây? Thôi, gia đình có bốn người, con thì ở chùa, ráng độ được ba người còn lại thì coi như không tốn cơm Tam bảo vậy.

Ngày xưa, có bao giờ mẹ bước một bước chân đến chùa đâu. Thế mà giờ đây, động lực nào khiến mẹ đảm nhận một công việc phụ giúp trong Ban Hộ tự ở chùa. Còn về tới nhà thì sao? Tủ lạnh gia đình mình ngày đó thì chỉ thịt với cá, giờ con thấy có nhiều nấm, đậu hủ… Mẹ biết ăn chay từ khi nào vậy?

Còn ba, ngày xưa, vì thích mồi ngon để nhậu, ba đã không ngại sát hại sinh vật. Nhưng kể từ ngày con vào chùa, ba đã giải thể công ty một thành viên do ba làm giám đốc và cũng là nhân viên chăm sóc gần 100 con gà thả vườn. Rồi theo lời con tư vấn, ba đã thỉnh tượng Bồ-tát Quán Thế Âm về an vị, hằng ngày thắp hương cúng dường. Ba kể cứ mỗi lần đứng trước Bồ-tát thì miệng cứ “cứu khổ, cứu nạn”. Đó là điều chưa từng diễn ra lúc con còn ở nhà, ba nhỉ?

Chỉ những việc nghe tuy đơn giản vậy, nhưng với con là niềm động lực lớn lao. Khi con gặp khó khăn trong việc tu tập, hoặc gặp những điều bất như ý khiến con cảm thấy nản lòng, thối tâm, con đều nghĩ đến gia đình mình, những câu hỏi cứ liên tục nhảy lên trong đầu con. “Nếu mình hoàn tục, rồi ba mẹ có đi chùa nữa không?", "Mình về thì mẹ có tiếp tục đi phóng sinh, làm từ thiện ở bệnh viện nữa không?", "Ba có lại đi uống rượu nữa không?” ... Những câu hỏi ấy như sợi dây cương kiềm con lại, trụ ở đây tới thời điểm này.

Trong kinh Nhân quả ba đời, Đức Phật có dạy: “Muốn biết nhân đời trước, xem sự hưởng đời nay. Muốn biết quả đời sau, xem việc làm kiếp này”. Nhìn lại gia đình mình, mặc dù không giàu sang nhưng đủ ăn, đủ mặc, bình an là điều vô cùng phước báu. Con hạnh phúc vì điều đó và mong rằng cả gia đình mình ngày càng vững niềm tin vào Tam bảo, suy nghĩ tích cực, hành động hướng thiện để tự chuyển nghiệp của chính mình.

Cuối thư, con mong ở quê nhà, ba mẹ đều an vui và đừng quên gửi gắm một ý niệm tri ân Tam bảo, thầy Tổ vì đã cho con biết đến đạo Phật, được quay về nương tựa chúng Tăng để tu học thanh tịnh và hòa hợp.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đại đức Thích Đồng Thuận trao bảng ủng hộ xây dựng căn nhà mới

Chùa Minh Giác (TP.Thủ Đức) tài trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại tỉnh Bình Định

GNO - Ngày 19-9, chùa Bình Quang, xã Phước Sơn, H.Tuy Phước (Bình Định) được sự trợ duyên của Hòa thượng Thích Giác Trí, viện chủ chùa Minh Giác (TP.Thủ Đức, TP.HCM) phối hợp với UBMTTQVN xã Phước Sơn tặng căn nhà Đại đoàn kết cho gia đình bà Cao Thị Nho, thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn xã.
Ý nghĩa đời người

Ý nghĩa đời người

GNO - Mục đích của đời người là gì? Đây là câu hỏi rất phổ biến mà người ta thường hay hỏi. Có một số người đã trả lời câu hỏi này theo cách của họ, nhưng vẫn chưa làm thỏa mãn các bậc thức giả.

Thông tin hàng ngày