Đạo hiếu là Đạo Phật

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đạo không chỉ là con đường, là phương pháp mà còn là đỉnh cao, tinh túy, siêu việt, thể nhập tuyệt đối. Thế nên, ngoài bình thường trà có trà đạo, kiếm có kiếm đạo, võ có võ đạo, hiếu có hiếu đạo.

Hàng Phật tử ai cũng thuộc nằm lòng, “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật, đạo hiếu là đạo Phật”. Ngoài những luận giải thông thường, phải chăng tâm hiếu là trong sạch và yêu thương (tâm Phật), hạnh hiếu là phụng sự và buông xả (hạnh Phật), đạo hiếu là trí tuệ và giác ngộ (đạo Phật)?

Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan 2023 - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn

Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan 2023 - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn

Sự báo hiếu thông thường ở đời gồm hiếu dưỡng, hiếu kính, hiếu thuận rất thiết thực, là nền tảng, là điều kiện cần nhưng chưa đủ để tròn câu hiếu đạo. Đức Phật đã nói về công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ bao la như trời biển. “Các ông nghĩ thế nào, này các Tỳ-kheo, cái gì là nhiều hơn, sữa mẹ mà các ông đã uống trong khi các ông lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, hay là nước trong bốn biển? Bạch Thế Tôn, theo như lời Thế Tôn thuyết pháp, chúng con hiểu rằng cái này là nhiều hơn, tức là sữa mẹ mà chúng con đã uống trong khi chúng con lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài chớ không phải nước trong bốn biển” (Kinh Tương ưng bộ).

Với ân đức sinh dưỡng to lớn ấy, nếu báo hiếu thông thường thì chắc chắn không đủ, chưa trọn. “Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ-kheo, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha… có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỳ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỳ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này”.

Vậy làm thế nào để báo hiếu đủ cho mẹ và cha? “Này các Tỳ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỳ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha” (Kinh Tăng chi bộ).

Theo Đức Phật, con cái ngoài hiếu thảo thông thường, cần trợ duyên giúp cha mẹ biết tu hành, tăng phước, chuyển nghiệp để hiện tại và tương lai được an vui mới “làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha”. Đây là hướng đi của hiếu đạo của Phật giáo. Để hiểu lời dạy này, chúng ta cẫn suy ngẫm sâu hơn về nhân duyên cha mẹ và con cái. Thực tế thì chúng ta làm con cái và cha mẹ của nhau chỉ mấy mươi năm của đời hiện tại nhưng chắc chắn nhân duyên này đã có từ nhiều đời quá khứ và sẽ tiếp diễn ở vị lai.

Nếu tìm mọi cách cho cha mẹ được đủ đầy trong hiện tại mà khổ đau ở đời sau thì chưa phải là báo hiếu đúng nghĩa, đôi khi còn báo hại. Con cái làm ăn bằng những phương cách không chính đáng mà phụng dưỡng cha mẹ thì khiến cho họ mắc thêm cộng nghiệp bất thiện. Nhìn bên ngoài là hiếu nhưng thực chất là bất hiếu. Chắc chắn các bậc cha mẹ sẽ không vui khi biết điều này. Những ai biết sâu sắc về nhân quả-nghiệp báo, thấy dài xa về hậu báo đời sau sẽ thay đổi quan niệm báo hiếu mà không đem đến lợi ích đích thực cho cha mẹ.

Mặt khác, hạnh phúc đích thực khi thân khỏe tâm an, vật chất và tinh thần đều sung mãn thì mới thực sự an lạc. Trong đó sống với thiện tâm, cải thiện tinh thần, thăng hoa về tâm linh là điều mong mỏi của cha mẹ, nhất là lúc đã yếu già. Khi mà nhu cầu ăn ở, đi lại, tiêu xài không mấy quan trọng, người già thường nghĩ đến cái chết và đời sau. Bấy giờ phước đức trở nên cần thiết, là hành trang cho cuộc độc hành tái sinh. Hạnh phúc cho những gia đình nào mà cha mẹ biết đi chùa, tu tập, kinh kệ, bố thí, cúng dường. Tuổi trẻ vì mưu sinh mà cha mẹ chỉ vui nhà, về già biết vui chùa là phúc phần, quý hóa. Nhân lành này sẽ trổ quả ngọt để cha mẹ “nay vui, đời sau vui”.

Những ai mà cha mẹ chưa biết vui chùa thì con cái phải tìm cách trợ duyên. Nếu cha mẹ chưa phát khởi lòng tin Tam bảo, chưa biết giữ năm giới, chưa mở lòng bố thí, chưa đoạn trừ mê tín tà kiến, những người con hiếu cần trợ duyên để cha mẹ được quy y, biết giữ giới, siêng bố thí, thành tựu chánh kiến. Giúp cha mẹ hiện tại tâm tư thanh thản, lúc trăm tuổi đầy đủ hành trang phước đức đi vào cõi lành là việc thiết thực, cực kỳ quan trọng. Ai cũng xót xa khi biết cha mẹ tái sinh vào cảnh khổ. Mọi sự cầu cúng cho cha mẹ sau khi chết dù có lợi ích nhưng không bằng chuyển hóa và hướng thiện cho cha mẹ trong hiện tại để “tự mình thắp đuốc lên mà đi”.

Đức Phật, Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên đã hóa độ cha mẹ tu hành, chứng đắc Thánh quả. Không chỉ trong gia đình mà cả dòng tộc đều được ân phước, “Nhất nhơn thành đạo cửu huyền thăng”. Chữ hiếu bấy giờ chính là chữ tu, là đạo. Khi mà con cái, cha mẹ, bà con đều biết tu, sám hối nghiệp ác, siêng làm việc lành, tâm ý trong sạch, đó chính là tịnh độ nhân gian, là cảnh giới Phạm thiên. Khi hiếu được nâng lên tầm mức là đạo, tất cả đều rạng ngời trí tuệ, từ bi, phụng sự, vô chấp. Bấy giờ, hiếu là đáp đền bốn ơn sâu nặng, là phụng sự tha nhân, là tận hiến cho đời.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày