Hạnh phúc phải đến từ bên trong

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mọi người đều muốn được tự do và hạnh phúc, nhưng thực tế lại không như họ mong ước. Sở dĩ như vậy không phải vì họ không có khả năng để đạt được tự do và hạnh phúc mà vì họ đang đi sai hướng nên chẳng thể chạm đến đích cho dù họ có kiên định, nỗ lực đến đâu đi chăng nữa.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1197 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1197 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Tại sao tôi nói rằng họ đang đi sai hướng? Bởi lẽ mọi người trên thế giới xem những cảm giác thoải mái và hài lòng khi mọi thứ diễn ra theo cách của họ là hạnh phúc. Trái lại, những cảm giác tồi tệ khi sự việc xảy đến không đúng như những gì họ mong đợi là bất hạnh. Họ cho rằng muốn gì làm đó là tự do, còn bị bắt làm những thứ không muốn là trói buộc. Đây là những quan điểm của người thường về hạnh phúc và tự do. Tuy nhiên, trong cuộc sống, những giá trị và quy ước như thế không thể trở thành hiện thực cho dù người ta có miệt mài theo đuổi chúng thế nào đi nữa.

Giả sử cho dù mong muốn của bạn được đáp ứng, thì bạn cũng sẽ cảm nhận được niềm vui nhưng rất ngắn ngủi. Nhưng khi những mong cầu của bạn không thể thực hiện được, bạn lại rơi vào trạng thái khổ đau. Vì vô số mong muốn luôn khởi lên trong tâm thức nên bạn phải ngụp lặn liên tục trong cái vòng lẩn quẩn của niềm vui và nỗi buồn nối tiếp nhau.

Đức Phật dạy rằng vòng lặp khổ vui không bao giờ chấm dứt này vừa là mâu thuẫn, vừa là giới hạn tất yếu của đời người. Thực ra, hạnh phúc và khổ đau là hai khía cạnh không thể tách biệt của cuộc sống. Khổ đau của ngày hôm qua có thể trở thành hạnh phúc của hôm nay, nhưng niềm vui của hôm nay cũng có thể là khổ đau của ngày mai.

Bởi vì con người không biết nguyên lý này nên họ chỉ muốn sống trong một thế giới ngập tràn hạnh phúc và không có dấu vết nào của khổ đau. Tuy nhiên, điều này chỉ là ảo tưởng và không thể trở thành hiện thực. Do đó, sau khi qua đời, họ mong muốn được tái sinh trong một thế giới mơ ước như vậy. Và đó cũng là lý do tại sao mọi tôn giáo đều có một thế giới lý tưởng thường được gọi là thiên đàng hay cực lạc.

Thế nhưng hiện nay, mức độ tiêu dùng trong xã hội thậm chí còn cao hơn và nhiều hơn những gì được cho là do thế giới lý tưởng cung cấp; mô hình của thiên đường mà con người từng mơ ước trong quá khứ đã không còn phù hợp nữa. Giờ đây, chúng ta lại có thêm những mong muốn to lớn hơn, vì vậy, chúng ta thường nghĩ điều kiện sống của mình chẳng khá hơn so với cõi địa ngục là bao.

Chúng ta vốn không thể nhìn thấy sự mâu thuẫn này bởi vì bản thân chỉ chăm chăm vào những gì chúng ta muốn đạt được. Và khi không thể có được hạnh phúc, chúng ta lại nghĩ rằng khả năng và nỗ lực của mình chưa đủ, vì vậy, mọi người càng phải cố gắng để đạt được điều họ muốn bằng cách cầu khẩn từ một bên thứ ba có quyền lực hơn. Kết quả là các tôn giáo có sự cầu xin giúp đỡ từ các vị thần toàn năng đã lần lượt ra đời.

Theo những cách giải thích như trên thì các tôn giáo đã tồn tại cách đây 5.000 năm. Những người cùng thời với Đức Phật (cách đây 2.600 năm) cũng đã cố gắng giải quyết những mâu thuẫn của thế giới thông qua tôn giáo. Tuy vậy, những giáo lý của họ chỉ có thể an ủi nhân loại trong khoảng thời gian ngắn ngủi, cũng giống như ma túy chỉ có thể đem đến cảm giác khoái lạc tạm thời, nhưng chúng không thể giải quyết các vấn đề cơ bản của nhân loại một cách thấu đáo và triệt để.

Trung đạo: không theo đuổi cũng không đè nén tham muốn

Đức Phật vĩ đại đã đưa ra phương pháp để giải quyết vấn đề này. Ngài khám phá ra rằng nguyên nhân sâu xa của vòng luân hồi khổ-vui này là tham ái. Khi mong muốn của bạn được đáp ứng, bạn cảm thấy hạnh phúc. Ngược lại, khi những mong muốn của bạn không thực hiện được thì bạn lại khổ đau. Do đó, một khi bạn thoát khỏi mọi ham muốn thì hạnh phúc hay khổ đau cũng đều biến mất và vòng khổ-vui cũng chấm dứt. Nhưng mọi người thậm chí còn không hề nghĩ đến việc thoát khỏi những ham muốn của bản thân. Họ thường lựa chọn một trong hai cách sau để đáp ứng cho ham muốn của chính mình: hoặc đầu hàng hoặc kháng cự.

Ở phương Tây, hai cách này được thể hiện ở chủ nghĩa sử thi và chủ nghĩa khắc kỷ. Và ở Ấn Độ, chúng được hiểu là chủ nghĩa khoái lạc và ép xác khổ hạnh. Tất cả nhưng phương pháp này Đức Phật đều đã trải qua; Ngài đã được hưởng mọi lạc thú trần gian cũng như những cấp độ ép xác tột bực để rồi cuối cùng, Ngài nhận ra rằng cả hai đều không phải là con đường đúng đắn. Vì vậy, Ngài đã khám phá ra phương pháp Trung đạo và đạt được giải thoát, Niết-bàn.

Trung đạo ở đây chỉ cho việc quan sát và nhận ra ham muốn, thay vì theo đuổi hay đè nén nó. Bởi khi bạn đeo đuổi nó thì hậu quả xấu sẽ theo sau và khi kìm nén ham muốn thì bạn sẽ trở nên căng thẳng, thất vọng và sau đó là bùng nổ cảm xúc. Vì vậy, chỉ nên đơn thuần là quan sát và ghi nhận mỗi khi nó sinh khởi và biến mất, chứ không chạy theo cũng không đàn áp. Tự do thực sự là thoát khỏi ham muốn bằng cách nhận ra nó.

Vậy thì ham muốn do đâu mà sinh ra? Gốc rễ của dục vọng là nghiệp. Khi nghiệp của bạn tiếp xúc với hoàn cảnh bên ngoài, một cảm giác phát sinh và dựa trên cảm giác đó, ham muốn phát sinh. Mỗi người đều có những nghiệp lực khác nhau nên họ cũng sẽ nảy sinh những ham muốn không giống nhau.

Một số người rất thích tiền bạc trong khi những người khác lại khao khát thức ăn. Nhưng một số người khác lại không có ham muốn về tiền và thức ăn, họ có thể ăn bất kỳ thứ gì được cúng dường, chẳng hạn như các tu sĩ Phật giáo. Nhưng cũng chính vì điều này cho chúng ta hy vọng, tuy chúng ta dường như không thể thoát khỏi mọi ham muốn nhưng ngay cả người bình thường cũng có thể không bị trói buộc bởi một vài ham muốn. Do đó, chúng ta có thể thấy rằng thoát khỏi dục vọng là điều ai cũng có thể làm được.

Chúng ta thường ảo tưởng rằng bản thân đang sống cuộc sống của chính mình, nhưng thực ra, cuộc sống đó lại là những phản ứng tự động của nghiệp lực mà chúng ta không hề hay biết. Từ việc phản ứng, mong muốn lại nảy sinh trong tâm chúng ta và rồi chúng ta lại hành động theo mong muốn đó. Hay nói cách khác, cuộc sống của chúng ta là sự lặp đi lặp lại không ngừng của nghiệp và tham ái. Mọi người nghĩ rằng họ không hạnh phúc bởi vì những tác nhân từ bên ngoài, nhưng thật ra, đây chỉ là lý do phụ và một phần của khổ đau. Nếu tự thân đã thoát khỏi dục vọng thì chúng ta hiếm khi đau khổ hay cảm thấy phiền não trói buộc.

Giữ giới là bước đầu để thoát khỏi dục vọng và nghiệp chướng

Làm thế nào để chúng ta có thể thoát khỏi những tham ái và nghiệp chướng của bản thân? Hành thiền có thể giúp chúng ta đạt được sự tự do này. Tuy nhiên, không phải muốn ăn gì thì ăn, muốn nằm thì nằm; làm những gì mình muốn là hoàn toàn trái ngược với sự giải thoát mà tôi muốn nhắc đến. Ngoài muốn ăn và ngủ, chúng ta còn có những nghiệp nặng nề khác nữa. Vì vậy, nếu muốn giải thoát mà không thể bứt mình ra khỏi những vấn đề này thì thật là mâu thuẫn.

Ví dụ, giả sử tôi có thói quen hút thuốc. Tôi không nói hút thuốc là bất thiện, nhưng nếu một người không thể bỏ thuốc mà theo đuổi mục tiêu giải thoát và Niết-bàn là điều không thể. Làm sao tôi có thể thoát khỏi những loại nghiệp đã hình thành từ vô lượng kiếp nếu tôi thậm chí không thể bỏ thuốc lá, một thói quen kéo dài chỉ vài năm hoặc vài chục năm? Vì vậy, ai muốn hướng đến giải thoát thì phải giữ giới, học tập và tuân giữ giới luật. Tu tập để đạt đến giác ngộ mà không giữ giới là điều không thể xảy ra.

Vì vậy, tôi khuyên bạn nên tự nguyện tuân theo các quy tắc để kiểm soát ham muốn, thay vì lo lắng về những gì người khác nghĩ về bạn nếu bạn không giữ giới. Nếu bạn làm điều đó một cách tự nguyện, chúng không còn là những sợi dây trói buộc cuộc đời của các bạn nữa mà trở thành hàng rào để bảo vệ sự tự do và hạnh phúc của chính bạn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày