Mặc sen

"Tam thời đồng hiện" của Quang Đức
"Tam thời đồng hiện" của Quang Đức
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mặc Hương đã nở sen và tỏa hương vào đời sống mỹ thuật từ khi nhóm họa sĩ Phật tử này hình thành và triển lãm lần đầu vào mùa sen Phật lịch 2551 khi mới chỉ gồm 10 thành viên.

Đến nay đã 15 năm, một chặng đường để lại nhiều chỉ dấu trong quá trình sáng tác và tâm thức của chính mỗi họa sĩ Mặc Hương.

Trải qua nhiều không gian, từ Viet Art Center và Đại học Mỹ thuật, 42 Yết Kiêu, Hà Nội đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, từ Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế đến Đại lễ Vesak Bái Đính và cả Vietnam Padma - Mandala Singapore nữa, một hành trình lan tỏa siêu tuyệt của sen. Và nay, Sen đầu hạ VIII, tập hợp hơn 40 tác phẩm của 21 họa sĩ Phật tử như một tinh túy mà người nghệ sĩ Phật tử ở thủ đô cúng dường Tam bảo...

"Mật tông" của Trần Lưu Mỹ
"Mật tông" của Trần Lưu Mỹ

Nếu xuyên không về Sen đầu hạ I ta như được dắt về hồ nước cũ, phăng phắc một cánh sen hồng thì Sen đầu hạ VIII hiển lộ một đóa A-lốc, lặng lẽ và mặc nhiên sau cơn biến động của đại dịch Covid-19. Vẫn là Quảng Thái Nguyễn Quang Đức, Long Độ Nguyễn Đức Long, Pháp Lạc Nguyễn Thị Nhàn, Tâm Hiếu Đỗ Minh Tâm, Diệu Phúc Vũ Bích Thủy, Nguyên An Lương Xuân Thanh, Quảng Tâm Nguyễn Duy Hải, Quảng Thiện Nguyễn Đức Quang, Quảng Lưu Đặng Phương Việt từ thuở lập nhóm Mặc Hương, nay có thêm những cánh sen mới lần đầu tham gia là ĐĐ.Thích Từ Quảng, là họa sĩ Trần Thanh Thục, Tịnh Trí Nguyễn Thị Tuệ Thư, Diệu Pháp Nguyễn Minh Nhật…

Mật tông (acrylic) của Phúc Thiện Trần Lưu Mỹ là sự tiếp biến từ Tây Tạng nhưng tịnh tiến về phía Đông, gần gũi hơn với người Việt, bớt rực và lược đi chi tiết hoa văn, giản thể những yếu tố Tạng truyền nhưng không nhạt đi dấu ấn nghệ thuật Mật giáo, và còn cả sự giao thoa với thời đại nữa, bằng Anh ngữ Right now right here chạy dọc rìa tranh.

Bồ-tát Đại Thế Chí của Đặng Phương Việt
Bồ-tát Đại Thế Chí của Đặng Phương Việt

Định hình trong làng tranh Việt của Quảng Lưu Đặng Phương Việt là sự bật trỗi của màu sắc. Nghệ danh của anh là Việt sen. Còn tôi gọi anh bằng Mật sen bởi tranh anh gây ấn tượng và có sức lôi cuốn của mandala và thangka. Giờ đây, trong triển lãm này, tôi thấy sen ấy thuần Việt và trẫm liệt hơn với bức sơn mài thếp vàng Bồ-tát Đại Thế ChíQuan Âm Bát tý của Đông mật mà anh mang đến tham dự. Thuần Việt và trẫm liệt hơn từ chủ đề, bút pháp cho tới chất liệu mà anh sử dụng. Nhưng vẫn là một Việt mật sen lộng lẫy nhiều cảm xúc, vẫn là cách thể hiện độc đáo nhiều mật thức…

Hai bức của Quảng Thái Nguyễn Quang Đức, Tam thời đồng hiệnMột là tất cả, tất cả là một dường như là hai thái cực của chính anh. Một sơn mài và một acrylic, một truyền thống và một đương đại, một phong thái quen thuộc và một triết lý… nhưng đều đậm đà bản thức. Không biết có khi nào thẳm sâu trong tiềm thức anh chợt nhận ra “Không là tất cả, tất cả là không”?

Không không phải là hư vô. Không (Sunyata) 1, 2 (sơn dầu) của Phúc Trí Đặng Đức Thành chính là khoảnh khắc đốn ngộ tính Không bằng màu sắc và ngôn ngữ hội họa. Không có khởi đầu, chẳng có kết thúc của đường nét và hình khối bố cục. Chỉ là sự hiện hữu của màu trên toan đối thoại với tâm tưởng và ưu triết của chính người thưởng tranh. Chỉ là sự gặp nhau, xung đột, trộn hòa của màu trong vũ trụ đa sắc mà khiến ta phải suy tư và cảm thụ…

Long Độ Nguyễn Đức Long với bộ ba đồ họa mang tên Phật ngự là sự giao thoa của kỹ thuật số thời 4.0 với vô thường ngàn năm mandala. Không phải Phật ngự trên đài sen như thông thường ta vẫn nhìn thấy trong các ngôi cổ tự già-lam hay tu viện nơi núi cao mà là tập hợp những hình ảnh Phật tọa từ góc nhìn flycam thành một tòa sen, một mandala sen. Không còn cái công phu của người rắc cát hoặc chắp bút như mandala truyền thống bởi đã có sự hỗ trợ của các nền tảng công nghệ nhưng nếu không có một tâm thức Pháp hoa thì Phật không thể hiện về, ngự trên đóa sen này.

"Phật ngự 2" của Long Độ
"Phật ngự 2" của Long Độ

Mandala vốn xuất khởi từ Mật giáo Tạng truyền với nhiều đặc trưng riêng biệt, cuốn hút, khó ẩn khuất. Các nghệ sĩ Việt đã Việt hóa thành mandala không còn nhiều tỷ mỉ, kỳ khu nữa và đưa vào mandala nhiều sắc thái Việt. Nếu Mandala của Diệu Phúc Vũ Bích Thủy (acrylic on canvas) hiền lặng không đậm đặc thì Mandala mắt (sơn mài) của Quảng Tâm Nguyễn Duy Hải vừa là con mắt vừa là hoa sen. Tâm sen chính là tuệ nhãn, con mắt mở ra những cánh sen từ bi, giữa những cánh hoa lại là con mắt, trí huệ và yêu thương tầng tầng lớp lớp, trùng trùng khởi khởi…

Lửa thiêng 1, 2 (đá trắng và chất liệu tổng hợp) của điêu khắc gia Nguyên An Lương Xuân Thanh mộc mạc, giản đơn nhưng nhiều sức liên tưởng, gợi cho ta nhớ về một thời lửa đạn. Lửa ngũ hành có thiêu đi tất cả nhưng ngọn lửa vật lý ấy không thể thiêu được trái tim Bồ-tát. Bởi trái tim ấy cũng chính là ngọn lửa tam muội. Quầng lửa đã hóa thành vầng mây trắng bay đi, trái tim vẫn còn ở lại, soi chiếu thế gian…

"Không (Sunyata) 2" của Đặng Đức Thành
"Không (Sunyata) 2" của Đặng Đức Thành

Bạch liên hoa (cắt vải) của Trần Thanh Thục thấp thoáng cây cầu, dòng sông, mái chùa quen thuộc ngàn đời. Linh thiêng và hào hoa phảng phất ngôi Mật tự (Diên Hựu) đất Thăng Long và vị cao tăng ngàn xưa. Lumbini - Nơi Đức Phật đản sinh không bóng dáng sen, không có chùa nhưng lại là thiên sen, vạn chùa ngàn năm.

Thế hệ 9X của Mặc Hương có Tịnh Trí Tuệ Thư đem đến Sen đầu hạ VIII thạch bản trên gỗ Đám cướiĐiểm tựa. Thành viên trẻ nhất của nhóm Diệu Pháp Nguyễn Minh Nhật có tác phẩm collagraph Chân dungNhân ngư.

"Bạch liên hoa" của Trần Thanh Thục
"Bạch liên hoa" của Trần Thanh Thục

Đại đức Thích Từ Quảng vẽ trên lụa bộ 3 họa phẩm Chư Tăng 1, 2Ba chú tiểu trong những hoạt động nhật thường dưới mái chùa xứ Huế.

Bằng lòng tưởng nhớ và tri ân công đức các bậc tiền nhân chốn Tổ tùng lâm Hương Tích, nơi khởi nguồn của Mặc Hương, khơi dòng chảy cho Sen đầu hạ, TT.Sơn Nam và PT.Đức Trí đã làm ba pho tượng đồng Đệ Cửu tổ, Đệ Thập tổ, Đệ Thập nhất tổ tới đây ngự tọa, mặc nhiên giữa không gian đại liên hoa…

"Đệ Thập nhất tổ" của TT.Sơn Nam và PT.Đức Trí
"Đệ Thập nhất tổ" của TT.Sơn Nam và PT.Đức Trí

Sen, là một mật ngữ hay hiển ngữ của Phật giáo? Khi hiển sen từng đường nét trong ánh sáng của màu sắc, lúc mật sen chẳng có hình khối ẩn sau bóng tối của mực nhưng tất thảy đều vẳng lên một mùi hương tao khiết. Sen, dù tả thực hay cách điệu hoặc biểu tượng thì hết thảy đều toát lên cái tinh thần hướng thượng, vươn mình về phía sáng. Sen, không sen - tất cả đều ẩn chứa một hùng lực tiềm tàng, đều rung động trước mật thức miên thường…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày