Mang Tết đến với xóm nghèo

GNO - Với nhiều gia đình, để đón được cái Tết tinh tươm, đủ đầy, họ phải bỏ ra số tiền bạc triệu. Thế nhưng có những gia đình nghèo, hoàn cảnh quá khó khăn, con bị bệnh tật hiểm nghèo, những cụ già neo đơn không nơi nương tựa, phải bán vé số mưu sinh ở xóm nghèo xã Nghĩa Thương (H.Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), chỉ cần vài trăm ngàn, họ cũng đã gói ghém, sắm được cái Tết ấm áp cho gia đình...

 Vậy nên, ba năm nay, cứ gần đến ngày Tết, từ TP.HCM, thầy Tâm Nhơn, quản tự chùa Pháp Minh, huyện Bình Chánh đều vận động, để đem Tết về với bà con nghèo ở đây.

“Thấy thầy về là thấy Tết”

Những ngày cuối năm, bên cạnh lên lịch lên chương trình vui xuân đón Tết cho Phật tử, bà con ở chùa Pháp Minh, thầy Tâm Nhơn không quên chia sẻ 500 phần quà ấm áp đầu năm với những người vô gia cư hữu duyên tại địa phương. Tất nhiên thầy Tâm Nhơn cũng dành tình thương hướng về bà con nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Nghĩa Thương, tỉnh Quảng Ngãi, bởi lẽ, nếu như không ai tặng quà, đồng nghĩa với mọi người ở đây sẽ không có Tết vui vầy.

Hinh XH 935.JPG

Thầy Tâm Nhơn đến tận nhà trao quà Tết cho người nghèo - N.Thương

 Ông Lương Văn Linh, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Thương cho chúng tôi biết: “Khi nhận được thông tin thầy Tâm Nhơn về xã tặng 300 phần quà Tết, chúng tôi nói cho bà con biết, và thông báo ưu tiên cho gia đình nào thật sự khó khăn, bà con trông ngóng dữ lắm. Khi đi phát phiếu nhận quà, cầm phiếu trên tay, biết là có tên mình trong danh sách được nhận quà, bà con rất mừng. Bà con mừng vì họ được nhận những món quà rất thiết thực, đó là những nhu yếu phẩm cần thiết cho ngày Tết. Họ trông chờ đến ngày 28 tháng Chạp để được nhận quà”.

Hỏi ra mới biết, Tết đến, nhiều người già nghèo khó ở đây chỉ có ước mơ là có gạo để nấu cơm, ăn no bụng trong những ngày đầu năm, để cả năm không phải đói. Có nhiều gia đình, Tết chỉ ước nhỏ nhoi là có cây bánh tét, gói trà để cúng tổ tiên, vì cả năm bàn thờ ông bà luôn trong tình trạng trống trơ. Trẻ con chỉ mong có quần áo mới, đôi dép tổ ong lành lặn để đi. Thế nên, khi được nhận quà vào những ngày giáp Tết, có người mừng rơi nước mắt.

Thầy Tâm Nhơn nhớ lại, khi nhận quà xong, trong lúc chờ cháu đạp xe đạp đến chở về, một cụ già mở quà ra xem. Khi thấy quà nhiều, bà cụ hốt hoảng nói: “Quà chi mà nhiều thế ông thầy. Đã có gạo rồi, còn có bánh ngọt, mì gói, nước tương, bột nêm, muối, đường, dầu ăn, chăn, xà phòng; đã vậy còn có lì xì một trăm ngàn nữa. Tui có mơ không nghĩ là được vậy ông thầy à, chưa bao giờ thấy được nhiều thứ thế này.

Bấy nhiêu đây là ăn dư năm ngày Tết rồi ông thầy. Năm nay, chỉ có Tết là tui được ăn ngon, ăn no đó ông thầy ơi”, nghe bà cụ nói, thầy Tâm Nhơn và các mạnh thường quân vừa thấy vui, vừa thấy thương, thật thương.

Có những hoàn cảnh khuyết tật, không thể di chuyển đến điểm nhận quà, đích thân thầy Tâm Nhơn phải đến tận nhà tặng tận tay. Khi thấy thầy xách theo quà và bao thư, có người rớt nước mắt vì xúc động. Họ mừng vì được thầy quan tâm, mừng vì Tết nhà có cái để ăn. Thầy không chỉ đem Tết về với gia đình họ, mà hơn hết là cho họ niềm tin, tiếp thêm phần nào động lực để họ bước về phía trước.

Thầy Tâm Nhơn cho biết “Có những gia đình nghèo lắm, nhưng nhận quà người nào cũng cảm ơn bằng tiếng mô Phật. Đôi bàn tay khô ráp, sần sùi của các cụ nắm lấy tay mình, ánh mắt hiền từ của họ nhìn mình ấm áp lắm. Mình cảm nhận hạnh phúc từ trong họ, nên bản thân mình cũng hạnh phúc, trong thời khắc đó”. Thế mới thấy, một phần quà ba trăm ngàn đồng, với nhiều người không đáng là bao, nhưng đem số tiền đó trao tặng bà con nơi đây, có nghĩa là đã đem đến cho họ một cái Tết, gần như trọn vẹn, đủ đầy hạnh phúc, lan tỏa hơi ấm của tình người.

Nhìn hình ảnh thầy Tâm Nhơn đến từng nhà phát quà cho bà con, dù không ngôn từ giải thích nhưng ai cũng có thể hiểu, không phải ngẫu nhiên mà với bà con nghèo nơi đây nói, “thấy thầy Tâm Nhơn về là thấy Tết”. Bởi, hầu như những hộ nghèo được chọn nhận quà, đều là những hộ rất khó khăn, họ chật vật đấu tranh với bệnh tật, cái nghèo bủa vây, vất vả quanh năm nhưng cái ăn, cái mặc vẫn không sao lo đủ.

“Có lần giáp Tết về thăm quê, tôi đến thăm gia đình một cụ già làm nghề bán vé số để nuôi con bệnh tật, nằm một chỗ. Nghe cụ nói, chỉ cần 300 ngàn đồng thôi là mua sắm được Tết cho cả nhà 3 người. Hỏi bà, 300 ngàn đồng bà mua được gì, thì bà liệt kê: 1 cây bún khô chừng 80 ngàn, 50 ngàn đậu hủ, 50 ngàn khô, ăn dư luôn năm ngày Tết. Muối, đường, bột ngọt, nước tương, dầu ăn, nhang đốt bàn Phật, bàn thờ ông bà, tất cả tầm 70 ngàn. 2 cây bánh in, 2 lon nước ngọt khoảng 50 ngàn, nhiêu đó là nhà con có Tết rồi. Không chỉ có bà cụ nói, mà với những hoàn cảnh khó khăn nơi đây, Tết cũng chỉ mong được như vậy. Thế nên, 3 năm nay, gần Tết, tranh thủ về thăm thân phụ là tôi vận động Phật tử, gói ghém, cùng đem cái Tết trọn vẹn đến với bà con”, thầy Tâm Nhơn cho biết.

Chỉ mong nhận đủ quà ăn Tết

Điều đặc biệt ở những người được nhận quà Tết ở đây là, họ chỉ mong có đủ nhu yếu phẩm để ăn Tết, chỉ mong đủ trong khoảng 300 nghìn đồng như thầy Tâm Nhơn đã chia sẻ, có thêm bao lì xì 100 nghìn thì họ vui thêm chút. Ngoài ra, họ không ao ước gì hơn.

Thầy Tâm Nhơn bảo “vì đa số người nhận quà đều là Phật tử, hoặc gia đình theo đạo Phật, nên họ không dám tham. Họ cứ nói có quà ăn Tết là may mắn rồi. Những người nhận quà một là già, bệnh tật không lao động được, hoặc nhà quá khó khăn, dù có chăm chỉ làm việc nhưng do lo nhiều thứ, họ không có dư gì để ăn Tết”. Đó cũng là lý do vì sao, năm nào thầy cũng dành sự sẻ chia cho bà con sống chân chất ở vùng đất thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ này.

Khi câu chuyện về bà con ở xã Nghĩa Thương được thầy Tâm Nhơn truyền tải đến Phật tử gần xa, mỗi năm lại có thêm mạnh thường quân, người góp chút yêu thương để chở Tết về nơi đây. Có Phật tử định cư ở nước ngoài, nghe câu chuyện về cụ già tuổi ngoài 70 còn mưu sinh; hay vợ chồng nghèo làm mọi việc nặng nhọc để có tiền mua thuốc chữa bệnh cho con, đã nhờ thầy làm cầu nối, san sẻ phần nào khó khăn.

Có bạn sinh viên nhín vài trăm tiền mua sắm Tết, có bác thương binh về hưu trích phần quà từ nhà nước tặng, chị công nhân cũng trích một phần lương tháng 13 để chia sẻ, đem Tết về với nhiều nhà hơn. Một bác mạnh thường quân là nông dân đã chia sẻ với chúng tôi rằng: “Nghe thầy Tâm Nhơn kể về bà con ở xã Nghĩa Thương nghèo mà dễ thương, thiệt thà quá. Lúa vừa gặt là tôi bán liền năm giạ, đổi lấy gạo gửi về cho bà con”.

Một bạn sinh viên chở mì đến chùa Pháp Minh hồ hởi cho biết: “Nghe thầy chuyển Tết về với các cụ già neo đơn, tụi em cũng chia sẻ, có điều sinh viên tụi em không có tiền nhiều nên mỗi đứa hùn với nhau từng gói mì. Chúng em cả nhóm gần hai mươi bạn mới được mười thùng mì, đó là tất cả tấm lòng của chúng em, mong các cụ nhận được quà, ăn Tết vui và ấm áp”.

Có lẽ, vì những phần quà xuất phát từ sự tử tế, nghĩa tình, gửi gắm yêu thương trong đó, nên khi chuyển đến bà con, hạnh phúc đã được lan tỏa. Đó là những phần quà sẻ chia, xuất phát từ trái tim, nên dễ chạm vào trái tim của người nhận và làm rung động, kết nối thêm những người xung quanh. Tết cũng từ đó mà thêm ấm áp, xuân về thêm nhiều ý nghĩa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Khóa bồi dưỡng kiến thức Giới luật Phật giáo do Ban Tăng sự T.Ư tổ chức tại Bình Dương

[Video] Khóa bồi dưỡng kiến thức Giới luật Phật giáo do Ban Tăng sự T.Ư tổ chức tại Bình Dương

GNO - Sáng ngày 7-10, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo tỉnh Bình Dương (P.Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một), Ban Tăng sự T.Ư phối hợp Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương tổ chức Khóa bồi dưỡng kiến thức Giới luật Phật giáo năm 2024, gần 400 đại biểu thuộc các Ban Trị sự, Ban Tăng sự GHPGVN các tỉnh thành phía Nam tham dự.
Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân tại TT.Cầu Kè, H.Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh

Trà Vinh: Chùa Vạn Hòa tặng 400 phần quà đến người dân khó khăn

GNO - Chùa Vạn Hòa kết hợp cùng thiền viện Linh Chiếu (H.Long Thành, Đồng Nai) và đoàn từ thiện Thái Tuệ y bác sĩ (TP.HCM) tổ chức chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng 400 phần quà đến bà con có hoàn cảnh khó khăn tại TT.Cầu Kè, H.Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, vào ngày 6-10.

Thông tin hàng ngày