Phật giáo và mô hình phát triển xã hội của Bhutan

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1198 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1198 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ắt hẳn sẽ có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi: nước nào trên thế giới có nhiều người hạnh phúc nhất? Nhiều cái tên của các quốc gia hùng cường và phát triển sẽ xuất hiện ngay trong đầu bạn; thế nhưng bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết được câu trả lời.

Đó chính là Bhutan, một vương quốc tuyệt vời và có thể vượt qua tất cả những nơi khác về chỉ số hạnh phúc quốc gia.

Sở dĩ người viết khẳng định như vậy vì quốc gia này đã được công nhận như thế sau một cuộc khảo sát toàn cầu về Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH), chứ không phải là Tổng sản phẩm quốc gia (GDP) như những quốc gia khác trên thế giới. Thủ đô của quốc gia này là Thimphu, địa điểm này gợi cho chúng ta nhớ đến các cuộc đàm phán hòa bình được tổ chức giữa Chính phủ Sri Lanka và lực lượng ly khai Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) vào năm 1985.

Gần đây, người viết có cơ hội để thực hiện một chuyến đi dài để viếng thăm đất nước Bhutan, nơi nhắc cho chúng ta nhớ đến hòn đảo Uthurukuru được đề cập trong các bản kinh văn Phật giáo. Những trải nghiệm mà người viết có được ở Bhutan đã chứng minh rằng chuyến đi này thực sự là một niềm vinh dự và may mắn đối với bản thân người viết.

Vương quốc Bhutan, với dân số hơn 750.000 người, nằm trên khu vực Himalaya, gần với ngôi nhà chung của thế giới Everest và ở độ cao hơn 7.000 mét so với mực nước biển. Đất nước này có khí hậu lạnh (-18 đến -7 °C) và bầu trời Bhutan luôn phủ đầy mây trắng. Phía dưới là các khu định cư của người dân Bhutan nằm rải rác và cách xa nhau.

Nếu một du khách nước ngoài đến thăm đất nước này thì họ sẽ cảm thấy mình đang thực hiện một chuyến hành hương Phật giáo, bởi những nơi quan trọng của quốc gia đều là chùa chiền và các tu viện Phật giáo. Trên khắp xứ sở này, có nhiều ngôi chùa lớn nhỏ được xây dựng kể từ khi Phật giáo Kim Cương thừa xuất hiện vào thế kỷ XV và hầu hết trong số đó đều nằm trên các đỉnh đồi được bao quanh bởi rừng rậm.

Những sự ly kỳ của các địa danh luôn là điều thu hút sự tò mò từ nhiều người ở các quốc gia khác. Không chỉ có những người Phật tử đến đây để chiêm bái Đức Phật và các bậc đạo sư theo truyền thống của họ, mà cả những người không có tôn giáo cũng muốn đặt chân đến Bhutan để tận hưởng và trải nghiệm sự yên tĩnh, thư thái và không gian tâm linh của các ngôi chùa.

Mặc dù có rất nhiều mặt hàng khác nhau được bày bán tại các cửa hàng gần những địa điểm mà khách du lịch ghé thăm ở Bhutan nhưng không có ai cố bắt ép khách du lịch mua đồ. Họ sẽ chọn bất kỳ thứ gì họ muốn và giá cả cố định nên không có chuyện mặc cả hay trả giá giống như những nơi khác.

Phật giáo Bhutan có hai dòng truyền thừa là Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Đặc biệt, ở đất nước này, việc xuất gia tự nguyện và gieo duyên trong một thời gian ngắn là một điều rất tự nhiên và vô cùng phổ biến. Gia nhập Tăng đoàn dù chỉ là tạm thời cũng được xem là vô cùng cần thiết, vì vậy, trẻ em ở Bhutan được dạy để tự thích nghi với cuộc sống ẩn thất từ năm bảy tuổi.

Khi đến quốc gia hạnh phúc Bhutan, cụm từ “ngạc nhiên nhưng có thật” xuất hiện hàng nghìn lần trong tâm trí. Chẳng hạn, thật kinh ngạc khi không thấy bất kỳ một đống rác nào ở ven đường, cả ở thị trấn hay làng mạc. Không có các bao rác bên vệ đường hay treo trên các cột đèn. Thay vì vậy, các thùng rác được để đúng nơi quy định, nhưng không bao giờ có tình trạng đầy tràn ra bên ngoài.

Tuy nhiên, chính lối sống có đạo đức mà người Bhutan đã vượt xa tất cả những xã hội khác. Chính phủ đã hạn chế thuốc lá, và cho đến năm 2015 đã ban lệnh cấm hoàn toàn đối với người hút cũng như các nhà máy sản xuất. Luật pháp nghiêm ngặt cũng được áp dụng đối với việc tiêu thụ rượu bia. Bhutan không cho phép nhập khẩu rượu, cấm bán rượu ở những khu vực gần đền thờ và chùa chiền, trường học, bệnh viện và các trung tâm văn hóa cộng đồng. Ngoài ra, tất cả các cửa hàng bán rượu đều phải đóng cửa vào mỗi thứ Ba hàng tuần.

Gia súc là kho báu đối với người Bhutan và họ đã tận dụng chúng theo những cách ý nghĩa nhất. Ngoài việc sản xuất sữa, pho mát và bơ, gia súc còn được sử dụng cho mục đích nông nghiệp ở các vùng nông thôn. Theo tinh thần của kinh Brahmana, người Bhutan thể hiện sự quan tâm đúng mức đối với phúc lợi của của gia súc. Việc giết mổ gia súc đã bị cấm trên khắp Bhutan và người ta thường thấy chúng được thả rông ngoài đường phố.

Cũng chính vì thế, những người nghiện ăn thịt phải sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu; tuy nhiên, trong tháng đầu tiên và tháng thứ tư hàng năm, việc ăn thịt bị cấm hoàn toàn, vì hai tháng này được xem là quan trọng về khía cạnh tôn giáo dựa trên lịch âm trong văn hóa của người dân Bhutan. Lòng từ bi đối với động vật như vậy khiến chúng ta nhớ đến một luật tương tự do Vua Sinhala Amandagamini (67-69) đã từng ban hành.

Một điều nữa khiến du khách nước ngoài ngạc nhiên là không hề thấy một túp lều nghèo nàn nào khi đi qua những ngôi làng nhỏ trên đường đi đến các thị trấn như Paro, Punakha, Thronsa và Mongar, nằm cách thủ đô Thimphu hàng trăm cây số. Và không có những người nghèo khổ hay xin ăn trên các vỉa hè, tại các bến xe buýt hay bất kỳ đâu trên đất nước Bhutan.

Mỗi người dân đều có nhà ở kiên cố được xây dựng theo quy hoạch của nhà nước và được thiết kế theo bản vẽ tiêu chuẩn của văn hóa dân tộc. Vì vậy, trong khi tất cả các ngôi nhà trông gần giống như nhau, thậm chí, chúng có thể bị nhầm lẫn với các ngôi chùa vì thiết kế và chạm khắc quá đẹp mắt.

Ba yếu tố quan trọng nhất giúp gắn kết, thống nhất và tạo nên sự hài hòa của người dân Bhutan là Phật giáo, vua và đất nước. Ở Bhutan, hình ảnh của nhà vua và hoàng gia được trưng bày ở nơi nổi bật trong mỗi ngôi nhà, cơ quan chính phủ, khách sạn, ký túc xá hay đền thờ của họ.

Chính phủ Bhutan không quá quan tâm đến việc thu hút khách du lịch nước ngoài. Do đó, khi xin visa, khách du lịch phải tuân thủ một số quy tắc và những luật lệ để ngăn chặn những kẻ gây rối và các nhân vật đáng ngờ bước vào lãnh thổ quốc gia và phá hoại nền văn hóa Bhutan. Trên thực tế, cho đến năm 1974, những người nước ngoài duy nhất được phép đặt chân đến đây là những nhân vật được mời vì những mục đích cụ thể; và những đối tượng khác chỉ được phép đến đây sau năm 1974.

Không có nhóm hay những người khách du lịch nước ngoài nào được phép tự do dạo chơi, và trang phục cũng như hành vi của họ cũng không được vi phạm các chuẩn mực văn hóa của đất nước Bhutan. Do đó, các du khách nên đăng ký với một công ty được chính phủ phê duyệt và đi cùng hướng dẫn viên du lịch được ủy quyền.

Chính phủ Bhutan đã nêu lên cho thế giới một bài học rằng hãy nhìn xa trông rộng bằng cách ưu tiên bảo vệ các tiêu chuẩn đạo đức, cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của xã hội hơn là chạy theo kinh tế và ngoại tệ thông qua du lịch. Khi nghĩ về Bhutan, chúng ta bắt buộc phải đặt lại các câu hỏi về các tiêu chí được phát triển được sử dụng rộng rãi ngày nay.

Các nhà kinh tế, xã hội học, chính trị gia và phần lớn chúng ta thông thường đều cho rằng việc ngày có nhiều nguồn lực vật chất và tăng thu nhập cá nhân là con đường dẫn đến hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta chỉ tập trung vào việc đạt được các mục tiêu kinh tế và theo đuổi một thế giới mơ ước thông qua các lý thuyết dựa trên bình quân thu nhập đầu người và dự trữ ngoại hối. Chúng ta đang tham gia vào một cuộc chạy đua mệt mỏi, và không ngừng hướng đến cái được gọi là tiến bộ, được tượng trưng bằng những tòa nhà cao chọc trời, đường cao tốc, tàu cao tốc, xe cộ sang trọng hay các tòa nhà giống như những cung điện nguy nga,…

Bị mê hoặc bởi những ảo ảnh này, chúng ta trở nên ích kỷ và tàn nhẫn đến mức không chỉ bỏ qua các tiêu chuẩn đạo đức và lối sống nhân văn mà còn phớt lờ cả nghĩa vụ đối với cha mẹ, anh chị em và đồng loại của mình. Những gì đang xảy ra trên thế giới của chúng ta đang dần chứng minh điều này.

Lối sống của người dân Bhutan là một minh chứng sống động rằng chỉ có hạnh phúc như lời của Đức Phật dạy mới chính là giàu có thực sự. Đã đến lúc chúng ta phải nhận ra những giá trị cốt lõi và thiết thực của cuộc sống này, trong đó, tiêu chí của một đất nước hạnh phúc là làm sao để người dân ở đó không bị mắc kẹt vào những ham muốn vô độ, mà thay vào đó, họ được đáp ứng những nhu cầu cơ bản của mình, có cuộc sống thoái mái, khỏe mạnh về cả thể chất lẫn tinh thần, và có thể phát triển tình yêu thương đối với xã hội.

Thực hiện tất cả những điều trên, Bhutan thực sự đã nêu lên một tấm gương lớn cho thế giới này. Không phải hệ tư tưởng chính trị mà chính việc áp dụng triệt để những lời dạy của Đức Phật đã mang lại những giá trị hạnh phúc ở đất nước Bhutan.

Omalpe Sobitha Mahathera

(Phổ Tịnh lược dịch)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày