Duy chỉ có chú bảo vệ giữ chốt khu cách ly một mình với chiếc điện thoại trên tay, như đại diện cho sự sống, có mặt của con người trên khu phố. Với người mang trọng trách trên vai, nỗi nhớ gia đình bấy giờ cũng chỉ có thể gửi gắm qua màn hình điện thoại. Thỉnh thoảng lại có tiếng nói của nhân viên y tế đến kiểm tra khu cách ly, tiếng còi hiệu của xe cứu thương, ánh mắt chú lại dõi theo...
Chiều hôm ấy, trên lầu ba của tổ đình Kim Sơn, tôi phóng tầm mắt qua dãy nhà đối diện, có một người cha đang chơi trốn tìm với đứa con trai nhỏ. Thằng bé thích thú reo cười, mỗi lần bị cha phát hiện nó lại hét lên vừa sợ, vừa sảng khoái. Dịch bệnh không uy hiếp được tâm hồn vô tư của nó, trí lại, với nó, nhờ lệnh giãn cách xã hội, mà cha có dịp "trả nợ" lời hứa chơi đùa cùng nó. Tôi thoáng nghĩ, tại thời điểm này, người có thể không sợ hãi trước sự hoành hành của "Cô Vy" chắc cũng chỉ có hai kiểu: Một là chấp nhận vô thường với trái tim từ bi đi vào tâm dịch. Hai là như đứa trẻ ấy, sống lạc quan, vui vẻ với những điều tích cực dù đang trong khu phong tỏa cách ly hay khu điều trị.
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng, Trung ương Giáo hội Phật giáo VN cũng ra lời kêu gọi tình nguyện viên tham gia tuyến đầu chống dịch. Thời nào cũng vậy, Phật giáo luôn đồng hành cùng với khó khăn của đất nước. Tôi cũng vừa nhận tin, một người bạn đồng tu ở ngôi Già lam xa xôi ngoài Bắc cũng vừa tình nguyện lên đường. Tất cả đều hướng miền Nam thân yêu khiến lòng người trong tâm dịch cũng bồi hồi, xúc động.
Cài hoa hồng đỏ cho bệnh nhân nhân lễ Vu lan: "Con sẽ sớm khỏe để về với mẹ, yên tâm nha!" |
Phố phường bị giăng dây để kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Nhưng nơi tuyến đầu ấy, tình người với nhau không hề có khoảng cách. Những mảnh giấy với những lời động viên, an ủi người bệnh đang nằm đó:
- Yên tâm đi nhé, Phật luôn ở bên con!
- Không sao đâu! Cứ thở đi con, chuyện gì rồi cũng sẽ qua.
là chiếc phao cứu sinh, là hơi ấm của từ bi, là điểm tựa duy nhất của tâm hồn để người bệnh cố gắng vượt qua.
Bạn nói rằng sau những lần sẻ chia như vậy, bạn ngại nhất rủi bệnh nhân tôn giáo bạn, họ cần nghe một câu Kinh thánh, cần gặp một ma-sơ, một linh mục chứ không phải là tu sĩ Phật Giáo.
Tôi hỏi: Vậy nếu như điều đó xảy ra thì Thầy sẽ xử lý thế nào?
Bạn cười, nhẹ nhàng: Thật ra, Chúa cũng được, Phật cũng được, cái người ta cần nhất lúc này là bình an.
Tôi nhớ đến một câu nói: “Đứng trước một trí tuệ vĩ đại tôi cuối đầu nhưng đứng trước một trái tim vĩ đại tôi quỳ gối”. Và tôi thực sự bị khuất phục trước sự hi sinh cao cả không màn nguy hiểm của những tình nguyện viên nói chung và những tình nguyện viên là Tăng, Ni Phật giáo nói riêng nơi tuyến đầu chống dịch.
Nơi ấy, nơi mà những bệnh nhân nặng đang đấu tranh từng phút, từng giờ để được sống, thì những sứ giả Như Lai hiện diện với tâm niệm: Thân cần có vắc-xin để có thể kháng lại vi-rút thì tâm cũng cần có vắc-xin để người bệnh đủ năng lượng đối diện trước nỗi lo sợ về cái chết.
Ai rồi cũng sẽ ra đi không kiểu này thì kiểu khác, Vô thường dù muốn dù không, đó là thực trạng cuộc đời. Thái độ tích cực khi chấp nhận vô thường luôn thường có mặt, sẽ giúp ta bình thản trước tử sanh. Sự tiếp nối diệu kỳ của những người con Phật, của năng lượng bình yên luôn còn mãi với người còn hay kẻ mất...