Trang nghiêm Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Đại Ái Đạo, chư Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam

Ban Tổ chức trao biểu tượng đăng cai Đại lễ tưởng niệm đến đơn vị Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước
Ban Tổ chức trao biểu tượng đăng cai Đại lễ tưởng niệm đến đơn vị Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng nay, 2-10 (7-9-Nhâm Dần), Phân ban Ni giới TP.HCM trang nghiêm cử hành Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, chư Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam, tại Học viện Phật giáo VN - TP.HCM (cơ sở 2, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh).
Chư tôn đức Tăng Ni trong nghi thức chào Quốc kỳ, Đạo kỳ
Chư tôn đức Tăng Ni trong nghi thức chào Quốc kỳ, Đạo kỳ

Từ năm 2020, Phân ban Ni giới TP.HCM được nhận cờ luân lưu đăng cai tổ chức Đại lễ tưởng niệm, tuy nhiên hai năm liên tiếp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Ban Tổ chức Đại lễ đã phải tạm ngưng công tác tổ chức. Đến nay, Phân ban Ni giới TP.HCM chính thức tổ chức Đại lễ tưởng niệm nhằm tri ân ân đức đối với công hạnh cao dày Đức Thánh Tổ Đại Ái Đạo và chư Ni tiền bối hữu công Phật giáo VN đã viên tịch qua các thời kỳ.

Chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự tham dự
Chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự tham dự

Chứng minh, tham dự có sự hiện diện của Hòa thượng Thích Như Tín, Thành viên Hội đồng Chứng minh, Chứng minh Ban Trị sự TP.HCM; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương; Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, cố vấn Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Thượng tọa Thích Phước Nguyên, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Văn phòng II Trung ương; cùng chư tôn đức Hội đồng Trị sự, Ban, Viện Trung ương GHPGVN, Văn phòng II Trung ương Giáo hội; Hòa thượng Thích Huệ Văn, cố vấn Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Hòa thượng Thích Thiện Đức, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Hòa thượng Thích Nhật Hỷ, Phó Trưởng ban kiêm Trưởng ban Hoằng pháp TP.HCM; Thượng tọa Thích Quang Thạnh, Phó Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Phó Viện Trưởng kiêm Tổng Thư ký Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM; Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, Phó ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Thượng tọa Thích Trung Nguyện, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM; Đại đức Thích Trí Đức, Phó Thư ký Ban Trị sự TP.HCM, chư tôn đức Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, lãnh đạo Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện.

Chư tôn đức Tăng tham dự
Chư tôn đức Tăng tham dự

Về phía chư Ni có Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nguyện, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ; Ni trưởng Thích nữ Từ Nhẫn, Trưởng Phân ban Ni giới TP.HCM, Phó Trưởng Thường trực Ban Tổ chức Đại lễ, cùng chư Ni Ban Chứng minh, Ban Cố vấn thuộc Phân ban Ni giới Trung ương, Phân ban Ni giới TP.HCM; đại diện chư Ni thuộc 55 đơn vị Phật giáo tỉnh, thành trong cả nước về tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, cùng chư Ni tiền bối hữu công Phật giáo VN.

Đại diện lãnh đạo các cơ quan TP.HCM có ông Trà Quang Thanh, Vụ trưởng Vụ Công tác Tôn giáo phía Nam - Ban Tôn giáo Chính phủ; bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phòng An ninh - xã hội Cục An ninh nội địa - Bộ Công an; bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM; bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM; ông Nguyễn Văn Lượng, Phó Trưởng ban Tôn giáo TP.HCM, cùng đại diện lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy, các cơ quan TP.HCM, Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQVN huyện Bình Chánh, xã Lê Minh Xuân sở tại.

Ni trưởng Thích nữ Từ Nhẫn phát biểu khai mạc Đại lễ tưởng niệm
Ni trưởng Thích nữ Từ Nhẫn phát biểu khai mạc Đại lễ tưởng niệm

Sau nghi thức chào Quốc kỳ, Đạo kỳ, đội dâng hoa thành kính dâng hoa cúng dường. Phát biểu khai mạc, Ni trưởng Thích nữ Từ Nhẫn, Trưởng Phân ban Ni giới TP.HCM, Phó Trưởng Thường trực Ban Tổ chức Đại lễ tưởng niệm cho biết hơn 2000 năm có mặt trong trang sử Ni đoàn Phật giáo, có thể nói Ni đoàn Việt Nam là một hiện thực sinh động của Ni đoàn nguyên thủy - Ấn Độ. Ni đoàn đã khép mình trong điều kiện văn hóa địa phương, khu vực có nhiều đổi khác nhưng truyền thống tu học của Ni lưu đất Việt chưa bao giờ tách biệt, độc lập khỏi huyết mạch “Ái Đạo gia phong”.

“Tấm gương lớn nhất, tiên phong nhất và ảnh hưởng mạnh nhất, minh chứng cho con đường giác ngộ, giải thoát của hàng Ni lưu không ai hơn Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo. Những nỗ lực đóng góp xây dựng, giữ gìn ngôi nhà Chánh pháp của chư tôn đức Ni tiền bối Việt Nam suốt chiều dài lịch sử dân tộc và đạo pháp đã là nền tảng vững chắc cho mạng mạch Ni lưu được phát triển kiên cố”, Ni trưởng nhấn mạnh.

Ni trưởng Thích Nữ Nhật Khương cung tuyên đôi dòng hành trạng của Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo
Ni trưởng Thích Nữ Nhật Khương cung tuyên đôi dòng hành trạng của Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo

Tại buổi lễ, Ni trưởng Thích Nữ Nhật Khương, Phó Trưởng Phân ban Ni giới Trung ương, Phó Trưởng ban Tổ chức Đại lễ thành kính cung tuyên đôi dòng hành trạng của Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo.

Theo đó, Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di (Mahā Pajāpatī Gotamī) là vị Ni đầu tiên được Đức Phật cho thọ giới, dự vào hàng xuất gia. Đức Thánh Tổ là người dì ruột cũng là kế mẫu, trực tiếp nuôi dưỡng Thái tử Tất-Đạt-Đa từ lúc sinh ra đến trưởng thành, cũng được gọi là Di mẫu của Bồ-tát Goutama. Sau khi Đức Phật thành đạo vào mùa hạ thứ năm, Đức Thế Tôn trở về thăm phụ thân và hoàng tộc, lần đầu tiên nghe Đức Phật thuyết pháp, bà đã chứng sơ quả. Bà từ bỏ vương vị, điện ngọc với mục đích xin Đức Phật xuất gia, theo hạnh giải thoát của Đức Thế Tôn.

Đại diện các cơ quan trung ương, TP.HCM, huyện Bình Chánh tham dự
Đại diện các cơ quan trung ương, TP.HCM, huyện Bình Chánh tham dự

Với quyết tâm cao tột, Người cùng 500 mệnh phụ phu nhân đã được Đức Thế Tôn xóa bỏ “bức tường” bất bình đẳng về giai cấp, giai tầng trong tu tập, chấp nhận cho xuất gia, trở thành vị Ni đầu tiên của Phật giáo, được lãnh đạo Ni đoàn, phát triển lớn mạnh. Chính vì vậy, Người được tôn xưng là Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo.

Lời tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo của đại diện Ban Tổ chức, Ni trưởng Thích nữ Như Thảo, Phó Trưởng Thường trực Phân ban Ni giới TP.HCM, Phó Trưởng ban Tổ chức tri ân ân đức cao dày của Người đã mở đầu trang sử Ni đoàn, đưa thân phận, vị thế nữ nhân vươn lên tầm cao mới, tiếp cận với các giá trị bình đẳng về giai cấp cũng như bình đằng về quả vị giải thoát, giác ngộ.

Ni trưởng Thích nữ Như Thảo dâng lời tưởng niệm tại Đại lễ tưởng niệm
Ni trưởng Thích nữ Như Thảo dâng lời tưởng niệm tại Đại lễ tưởng niệm

Sự tu chứng hiện đời của Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo là tấm gương, là khuôn mẫu lý tưởng cho việc kiện toàn nhân phẩm và trọng trách của một bậc Thầy hướng đạo, một bậc mẫu nghi và cũng là một đệ tử ưu tú trong giáo đoàn của Đức Phật.

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, đại diện Ban Tổ chức bày tỏ lòng tri ân công đức to lớn của chư Ni tiền bối hữu công Phật giáo VN qua các giai đoạn lịch sử, để xây dựng nền móng vững chắc cho Ni giới ngày nay.

“Chúng con xin được thắp nén hương lòng, thắp lửa từ bi và ánh sáng trí tuệ, kính dâng Đức Thánh Tổ và chư Ni tiền bối hữu công Phật giáo VN với tấc dạ chí thành, son sắt. Nguyện cho “đuốc tuệ thuyền từ” của quý Ngài mãi sáng rực, soi đường cho chư Ni mai hậu, để chúng con tiếp tục gánh vác trách nhiệm của một công dân, một tu sĩ và một người đệ tử, con gái của đức Phật; Nguyện Ni lưu hậu bối luôn tiếp nối được nguồn năng lượng đạo hạnh, thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ trong hành trình chuyển mê khai ngộ như quý Ngài đã chuyển vận. Nguyện vun bồi, gìn giữ giềng mối chánh pháp trên tinh thần “Truyền đăng tục diệm”, để Ni đoàn của Đức Thánh Tổ Kiều Đàm mãi trường tồn; Tăng Ni nhị bộ phát triển, hòa hợp trong mái nhà chung trang nghiêm, thanh tịnh GHPGVN”.

Chư Ni từ 55 đơn vị Phật giáo tỉnh thành tham dự
Chư Ni từ 55 đơn vị Phật giáo tỉnh thành tham dự

Được biết, với lòng thành kính, tri ân Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, năm 1956, cố Ni trưởng Thích nữ Như Thanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Ni bộ Bắc tông, cùng chư Ni trưởng tiền bối đã thỉnh ý chư Tăng và thống nhất chọn ngày mùng 8-2 ÂL (ngày Đức Phật xuất gia) hàng năm, để làm ngày tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo. Chư Ni trưởng lúc bấy giờ cũng dựa vào các tư liệu lịch sử để phác thảo hình ảnh và tạc tôn tượng Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, tôn trí tại trụ sở của Ni bộ Bắc tông - chùa Từ Nghiêm (TP.HCM ngày nay). Từ năm 2009, sau khi Phân ban Ni giới Trung ương được thành lập, hàng năm, chư Ni Phân ban Ni giới các tỉnh thành luân phiên đăng cai tổ chức Đại lễ tưởng niệm vào ngày 6-2 ÂL.

Ni sư Thích nữ Như Nguyệt báo cáo hoạt động của Ni giới TP.HCM
Ni sư Thích nữ Như Nguyệt báo cáo hoạt động của Ni giới TP.HCM

Báo cáo hoạt động của Phân ban Ni giới TP.HCM, Ni sư Thích nữ Như Nguyệt, Chánh Thư ký Phân ban đã tóm tắt hoạt động Phật sự của Phân ban Ni giới GHPGVN TP.HCM nhiệm kỳ 2017-2022. Đại biểu xem báo cáo bằng hình ảnh qua video clip do Ban Tổ chức thực hiện.

Theo đó, Phân ban Ni giới TP.HCM trực thuộc Ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM, thành lập vào ngày 23-10-2009 (nhiệm kỳ VII - 2007-2012).

Phật giáo TP.HCM có hơn 13.200 Tăng Ni, với tổng số 1.469 tự viện, trong đó chư Ni toàn thành phố có 3.549 vị, tại 369 ngôi tự viện Ni Bắc tông, 37 tịnh xá Ni, 68 tịnh thất Ni và 4 niệm Phật đường Ni.

Hàng năm, Phân ban chư Ni Phật giáo TP.HCM đều tổ chức khóa An cư kiết hạ theo truyền thống, chư Ni các tự viện toàn Thành phố tham gia các chuyên ngành: hoằng pháp, văn hóa, giáo dục, nghi lễ, từ thiện xã hội (mỗi năm với hàng chục tỷ đồng)… đóng góp cho thành tựu chung của GHPGVN TP.HCM. Nhiều tự viện Ni là cơ sở giáo dưỡng trẻ mồ côi, nuôi dưỡng người già neo đơn duy trì hàng chục năm qua. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, chư Ni đã đồng hành cùng GHPGVN TP.HCM, Giáo hội TP.Thủ Đức, quận, huyện, chính quyền và ban ngành, đoàn thể các cấp thực hiện hoạt động từ thiện, an sinh xã hội với trị giá khoảng 50 tỷ đồng.

Thượng tọa Thích Nhật Từ trao Bằng tuyên dương công đức đến Ni trưởng Thích nữ Như Thảo
Thượng tọa Thích Nhật Từ trao Bằng tuyên dương công đức đến Ni trưởng Thích nữ Như Thảo

Ghi nhận công đức của Phân ban Ni giới TP.HCM, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trao Bằng tuyên dương công đức đến 14 tập thể và 27 cá nhân.

Ban Tổ chức trao học bổng đến 30 vị Tăng Ni sinh thạc sinh đang học tập tại TP.HCM; tặng 50 học bổng cho Tăng Ni sinh Trung cấp Phật học TP.HCM; ủng hộ 4 trường Sơ cấp Phật học thuộc Phật giáo quận 3, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh và quận 8; với tổng trị giá 850 triệu đồng.

Tăng Ni sinh Trung cấp Phật học nhận học bổng
Tăng Ni sinh Trung cấp Phật học nhận học bổng

Trước đó, Ban Tổ chức đã trao 1.000 phần quà đến những gia đình khó khăn trên địa bàn huyện Bình Chánh.

Ông Trà Quang Thanh phát biểu tại buổi lễ

Ông Trà Quang Thanh phát biểu tại buổi lễ

Thay mặt lãnh đạo Trung ương, TP.HCM, ông Trà Quang Thanh, Vụ trưởng Vụ Công tác Tôn giáo phía Nam Ban Tôn giáo Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao sự kế thừa truyền thống, phát huy giá trị tinh hoa của chư vị Ni tiền bối hữu công qua các thời kỳ; các hoạt động Phật sự của Ni giới Trung ương và Phân ban Ni giới TP.HCM đã đóng góp trong công tác từ thiện xã hội, an sinh xã hội, luôn đồng hành trong xây dựng, phát triển đất nước và GHPGVN.

Ban Tổ chức Đại lễ trao cờ luân lưu đến đăng cai tổ chức Đại lễ tưởng niệm vào năm 2023 đến Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước

Ban Tổ chức Đại lễ trao cờ luân lưu đến đăng cai tổ chức Đại lễ tưởng niệm vào năm 2023 đến Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước

Ban Tổ chức công bố quyết định trao cờ luân lưu và biểu tượng đơn vị đăng cai tổ chức Đại lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni đến Ni trưởng Thích nữ Nhật Khương, Phó ban kiêm Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước, đại diện đơn vị Phân ban Ni giới tỉnh Bình Phước đăng cai tổ chức Đại lễ tưởng niệm vào năm 2023. Ni trưởng Thích Nhật Khương đối trước chư tôn đức phát biểu nhận nhiệm vụ của đơn vị đăng cai.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN phát biểu chỉ đạo

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN phát biểu chỉ đạo

Ban đạo từ của Trung ương GHPGVN, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã nêu công hạnh cao cả, quyết tâm cao của Đức Thánh Tổ Kiều Đàm trong việc cần cầu giáo pháp và đắc quả vị trong tu tập.

Hòa thượng đã nêu lại những dấu ấn của Ni lưu trên trình hình thành và phát triển của Ni giới trong lịch sử cũng như hiện đại. Từ khi Ni giới được thành lập, chư Ni đã đóng góp rất lớn trong ổn định tu học, trên các phương diện hoạt động Phật sự, phụng sự cho đạo pháp và dân tộc. Hòa thượng khẳng định Ni giới là thành tố quan trọng trong ngôi nhà chung GHPGVN, giữ gìn giới luật, ổn định trong tu tập, đóng góp nhiều thành tựu hơn nữa nhằm chung tay xây dựng sự kỷ cương, trang nghiêm GHPGVN.

Chư Ni Ban Tổ chức tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Hòa thượng Chủ tịch

Chư Ni Ban Tổ chức tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Hòa thượng Chủ tịch

Dịp này, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN cũng mong lãnh đạo các cơ quan trung ương, TP.HCM quan tâm, hỗ trợ cho chư Ni Phân ban Ni giới Trung ương, TP.HCM và các tỉnh thành trong cả nước được ổn định trong sinh hoạt tu học, thuận lợi trong hoạt động Phật sự trên các lĩnh vực.

Đại diện Ban Tổ chức Đại lễ, Ni trưởng Thích nữ Mỹ Thuận, Phó Trưởng ban Tổ chức đã phát biểu cảm tạ, khép lại Đại lễ tưởng niệm.

Hình ảnh Đại lễ tại TP.HCM:

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.
Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.

Thông tin hàng ngày