Ý nghĩa của lễ Bố-tát, thuyết giới

Mục đích chính của việc hành sự Bố-tát định kỳ nửa tháng là duy trì sinh mệnh tồn tại của Tăng đoàn theo tinh thần hòa hợp và thanh tịnh - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
Mục đích chính của việc hành sự Bố-tát định kỳ nửa tháng là duy trì sinh mệnh tồn tại của Tăng đoàn theo tinh thần hòa hợp và thanh tịnh - Ảnh: Bảo Toàn/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Bố-tát là mạng mạch của Tăng đoàn, nên không có chúng Tỷ-kheo nào được gọi là Tăng mà không thực hành Bố-tát, ngoại trừ những kẻ lạm dụng Tăng để phá hoại Chánh pháp. Chỉ có ngoại đạo, kẻ tà kiến mới làm như vậy. Vì tính chất của Bố-tát là như vậy nên không thể không có Bố-tát trong sự sinh hoạt của Tăng.

Khi Đức Phật trú tại thành Vương Xá, nước Ma-kiệt-đà, tại đây có các nhóm Phạm chí ngoại đạo cùng nhau tập họp về một chỗ để giảng đạo và thọ dụng sự cúng dường của các đệ tử tại gia. Họ sinh hoạt trong những ngày ấy rất thân mật; dân chúng đi đến nghe pháp, có niềm tin và có lòng mến mộ. Vua Tần-bà-sa-la (Bimbisara) của xứ Ma-kiệt-đà thấy các nhóm ngoại đạo sinh hoạt như vậy bèn nghĩ, nếu chúng Tỷ-kheo đệ tử Phật cũng tụ họp như vậy thì phúc lạc cho những người Phật tử tại gia biết bao!

Sau đó, nhà vua ngự đến chỗ Đức Phật đang cư trú, trình bày suy nghĩ của mình: “Bạch Ngài, hiện nay các du sĩ ngoại đạo tụ hội lại và giảng pháp vào các ngày mười bốn, mười lăm và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng. Dân chúng đi đến nghe pháp, họ có lòng tin và mến mộ… hay là các đại đức cũng nên tụ hội vào những ngày như vậy vào mỗi nửa tháng?”. Nhận thấy nhân duyên hội đủ, Đức Phật đã chấp nhận lời đề nghị đó và dạy: “Này các Tỷ-kheo, Ta cho phép tụ hội vào các ngày mười bốn, mười lăm và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng để thực hành lễ Bố-tát”. Từ đó về sau, truyền thống lễ Bố-tát được diễn ra đều đặn trong Tăng chúng đệ tử Phật qua nhiều thế hệ.

Bố-tát là sinh hoạt đặc thù và rất quan trọng của Tăng - Ảnh: Bảo Toàn

Bố-tát là sinh hoạt đặc thù và rất quan trọng của Tăng - Ảnh: Bảo Toàn

Ý nghĩa thuật ngữ Bố-tát

Bố-tát là dịch âm từ tiếng Sanskrit “Posatha”. Từ này là một dạng hỗn chủng của tiếng Sanskrit Phật giáo, mà tiếng Pàli đọc là Uposatha, và tiếng Sanskrit tiêu chuẩn gọi là Upavasatha. Từ Posatha này có nghĩa là nuôi lớn và duy trì. Trung Hoa dịch ý là trưởng tịnh, trưởng dưỡng, tăng trưởng, thiện túc, tịnh trụ, trưởng trụ, cận trụ, cộng trụ, đoạn, xả. Tức ý nói là nuôi lớn sự thanh tịnh hay duy trì các thiện pháp. Nó cũng được dịch là hướng với nhau để nói tội, tức trong mỗi nửa tháng thuyết giới hỏi sự thanh tịnh nhau vậy.

Như thế, Bố-tát là ngày định kỳ thuyết giới, cùng nhắc nhở nhau về giới pháp của hành giả tu hành, nhằm nuôi lớn các thiện pháp, giới thân huệ mạng, khiến chúng trưởng thành trong sự thanh tịnh, hầu duy trì và phát triển sinh mệnh của Tăng đoàn trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh.

Nội dung của lễ Bố-tát

Ban đầu, Đức Phật chỉ cho phép chư vị Tỷ-kheo tụ họp vào các ngày mười bốn, mười lăm và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng, nhưng vẫn chưa quy định nội dung thực hiện nghi lễ này. Do đó, khi chư Tăng tập trung lại với nhau, tất cả chỉ ngồi im lặng. Dân chúng đi đến nghe pháp thấy chư Tăng ngồi im lặng như vậy nên phàn nàn, chê bai rằng: “Tại sao các Sa-môn Thích tử sau khi hội tụ vào ngày mười bốn, mười lăm và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng lại ngồi im lặng giống như các con heo đần độn vậy? Sao các vị đã hội tụ lại mà không chịu thuyết pháp?”.

Các Tỷ-kheo nghe được những lời phàn nàn chỉ trích như vậy liền trình sự việc đó lên Đức Thế Tôn, nhân sự kiện này Đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, ta cho phép giảng pháp sau khi hội tụ lại vào các ngày lễ của mỗi nửa tháng”. Rồi sau đó Đức Phật suy tầm và sanh khởi ý nghĩ rằng Ta nên cho phép các vị Tỷ-kheo đọc tụng giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (Pātimokkha), gồm các điều học đã được quy định cho các Tỷ-kheo, việc ấy sẽ là hành sự Uposatha cho các vị ấy.

Lễ Bố-tát thường được tổ chức vào những ngày định kỳ của mỗi nửa tháng, gọi là ngày Sóc và Vọng (mười bốn, mười lăm và ba mươi, mồng một âm lịch trong mỗi tháng, tùy thuộc vào thời điểm chính xác của mặt trăng mới và đầy đủ của hai tuần trăng). Nhân duyên Phật quy định như vậy là vì, khi Đức Phật cho phép đọc tụng giới bổn, nhiều vị Tỷ-kheo khởi lên ý nghĩ rằng, hay ta nên đọc tụng giới bổn vào mỗi ngày… và ba lần trong nửa tháng. Đức Phật quy định, không nên tụng đọc giới bổn trong mỗi ngày… và ba lần trong nửa tháng, vị nào tụng thì phạm tội Dukkata (Đột-cát-la). “Này các Tỷ-kheo, Ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha một lần vào ngày mười bốn hoặc ngày mười lăm của nửa tháng”.

Để lễ Bố-tát của chư Tăng được trang nghiêm thanh tịnh, nơi diễn ra lễ Bố-tát phải được lau chùi quét dọn sạch sẽ tươm tất, thắp hương đèn và trải các tọa cụ sẵn sàng… Đức Phật cũng cho phép tất cả Tỷ-kheo đều học cách tính toán ngày của nửa tháng. Trong khi thực hiện lễ Bố-tát, chư Tăng nên kiểm Tăng bằng cách gọi tên, hoặc là cho rút thẻ.

Nếu trú xứ nào mà Tăng chúng định kỳ nửa tháng hòa hợp tụ hội để Bố-tát thì Tăng đoàn trú xứ ấy, xem như là hưng thịnh và được coi như có sự hiện diện của Đức Phật - Ảnh: Bảo Toàn

Nếu trú xứ nào mà Tăng chúng định kỳ nửa tháng hòa hợp tụ hội để Bố-tát thì Tăng đoàn trú xứ ấy, xem như là hưng thịnh và được coi như có sự hiện diện của Đức Phật - Ảnh: Bảo Toàn

Tầm quan trọng của lễ Bố-tát

Tầm quan trọng của việc tuân thủ Bố-tát thuyết giới được thể hiện rõ trong Luật tạng Đại phẩm (Mahavagga). Đại đức Mahā Kappina, ở vùng ngoại ô của Vương Xá, sau khi đạt được quả vị A-la-hán, liền cho rằng dù tôi có đi tham dự lễ Bố-tát hay không thì tôi vẫn hoàn toàn thanh tịnh, nên cảm thấy không hứng thú để đi. Lúc đó Đức Phật trú tại tinh xá Trúc Lâm, biết được tâm niệm của Đại đức Mahā Kappina, Ngài liền biến mất khỏi tinh xá và đến trước mặt vị ấy, hỏi: “Nếu các ngươi là những người có phạm hạnh không trọng vọng, không cung kính, không sùng bái, không cúng dường lễ Uposatha thì còn ai sẽ trọng vọng, sẽ cung kính, sẽ sùng bái, sẽ cúng dường lễ Bố-tát nữa. Này người có phạm hạnh, ngươi hãy đi tham dự lễ Bố-tát, chớ có không đi. Ngươi hãy đi tham dự hành sự của hội chúng, chớ có không đi”. “Bạch Ngài, xin vâng”, Đại đức Mahā Kappina đáp lời Đức Thế Tôn. Câu chuyện trên cho thấy tầm quan trọng của việc thực hiện nghi lễ Bố-tát như thế nào. Ngay cả vị A-la-hán cũng không được miễn nghĩa vụ cộng đồng nói chung, và lễ Bố-tát nói riêng.

Việc tuân thủ lễ Bố-tát phải được tổ chức trong sự thống nhất và hòa hợp. Không giống như các nghi lễ bình thường, tuy nhiên, bất kỳ Tỷ-kheo nào trú tại lãnh thổ nhưng không tham gia được vì bệnh duyên hoặc những Phật sự chính đáng khác thì phải gởi dự dục. Và người nhận dự dục phải ra trước Đại Tăng trình lên, như vậy mới đúng pháp.

Bất cứ trú xứ nào mà các Tỷ-kheo không hòa hợp tụ hội định kỳ nửa tháng làm lễ Bố-tát để tụng đọc giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa, thì nơi ấy Tăng đoàn được xem như là bị chia rẽ, chưa có sự hòa hợp. Và nếu trú xứ nào mà Tăng chúng định kỳ nửa tháng hòa hợp tụ hội để Bố-tát thì Tăng đoàn trú xứ ấy, xem như là hưng thịnh và được coi như có sự hiện diện của Đức Phật. Do đó, “Bố-tát là mạng mạch của Tăng đoàn, nên không có chúng Tỷ-kheo nào được gọi là Tăng mà không thực hành Bố-tát, ngoại trừ những kẻ lạm dụng Tăng để phá hoại Chánh pháp. Chỉ có ngoại đạo, kẻ tà kiến mới làm như vậy. Vì tính chất nghiêm trọng của Bố-tát là như vậy nên không thể không có Bố-tát trong sự sinh hoạt của Tăng”.

Mục đích chính của việc hành sự Bố-tát định kỳ nửa tháng là duy trì sinh mệnh tồn tại của Tăng đoàn theo tinh thần hòa hợp và thanh tịnh. Trong kinh Đại-bát Niết-bàn (Trường bộ, số 16), Đức Phật liệt kê 7 điều kiện sẽ giúp ngăn chặn sự suy yếu của Tăng chúng. Trong đó có nêu rằng, nếu “1- Chúng Tỷ-kheo thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau. 2- Chúng Tỷ-kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết” thì Tăng chúng sẽ được hưng thịnh không bị suy giảm.

Việc thực hiện lễ Bố-tát của chư Tăng là đáp ứng cho vấn đề này. Thực hiện nghi lễ Bố-tát thuyết giới hai lần trong một tháng cho chư vị Tỷ-kheo là để đáp ứng sự tín thành của nam nữ cư sĩ Phật tử, đồng thời để quản lý các thành viên trong Tăng đoàn. Mặt khác là để đối phó với bất kỳ các thành viên bướng bỉnh, và tái khẳng định sự tuân thủ giới pháp chung của Tăng theo quy định của giới luật. Nghi lễ Bố-tát thuyết giới được thực hiện nhằm liên kết các thành viên Tăng trong một phạm vi lãnh thổ nhất định.

Vào những ngày trai giới, những ô nhiễm lậu hoặc sẽ được lắng dịu, bị kiểm thúc với sự trợ giúp của việc tuân thủ lễ Bố-tát. Bởi vì, những ô nhiễm và những đam mê cao độ được kiểm soát khi chúng được nhìn thấy - đó là khi bản thân người quán sát lành mạnh, thanh tịnh nhất. Không thể kiềm chế các phiền não khi bản thân vị ấy không thấy biết rõ ràng, mặc dù chúng có thể hoạt động dưới dạng tùy miên (ngủ ngầm). Do đó, lễ Bố-tát vô cùng quan trọng, đây là một phương pháp giáo dục của Đức Phật nhằm củng cố việc hành trì giới luật cho các đệ tử của Ngài.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thượng tọa Thích Thiện Thông thăm hỏi, động viên bà con có hoàn cảnh khó khăn TP.Trà Vinh

Chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu) trao quà tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre

GNO - Sáng 23-11, đoàn từ thiện chùa Liên Trì (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Thượng tọa Thích Thiện Thông, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Liên Trì làm trưởng đoàn đã đến trao quà đến trẻ em và người già neo đơn tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Bến Tre.
Chùa Thầy (Hà Nội)

Mái chùa che chở hồn dân tộc

NSGN - Bài thơ Nhớ chùa là một tác phẩm bất hủ của thơ ca Phật giáo Việt Nam. Bài thơ này đi vào lòng người mến đạo một cách dịu dàng và nồng ấm như câu ca dao của mẹ, tự nhiên và nhẹ nhàng như hơi thở, bình yên và trong sáng như một mảnh trăng chiều...

Thông tin hàng ngày