Bỉ trở thành quốc gia thứ 3 của EU chính thức công nhận Phật giáo

Bỉ đã trở thành quốc gia thứ 3 trong khối Liên minh Châu Âu công nhận Phật giáo là tôn giáo chính thức
Bỉ đã trở thành quốc gia thứ 3 trong khối Liên minh Châu Âu công nhận Phật giáo là tôn giáo chính thức
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong một quyết định nhằm sẵn sàng cho việc tài trợ liên bang và mở các lớp học chuyên dụng, Bỉ đã trở thành quốc gia trong khối Liên minh Châu Âu công nhận Phật giáo là tôn giáo chính thức của đất nước này sau khi chính phủ liên bang thông qua dự thảo luật vào ngày 17-3.

Tin tức này được đưa ra sau 17 năm kể từ khi Liên minh Phật giáo Bỉ lần đầu tiên kiến nghị chính phủ nước này công nhận Phật giáo vào tháng 3-2006. Như vậy, chỉ sau hai quốc gia là Áo và Ý, Bỉ đã trở thành quốc gia thứ ba trong khối EU đưa Phật giáo trở thành một truyền thống tâm linh chính thức được nhà nước công nhận.

Trước đó, vào năm 1983, Phật giáo đã được chính thức công nhận theo luật của Áo. Và vào năm 2007, Liên đoàn Phật giáo Ý (Unione Buddhista Italiana) được thành lập vào năm 1985 đã ký kết một thỏa thuận với Chính phủ Ý, và bản thỏa thuận này đã trở thành luật vào năm 2012.

Việc chính thức công nhận Phật giáo ở một quốc gia theo thể chế lập hiến liên bang như Bỉ thể hiện thế giới quan phi giáo phái, được thực hiện sau khi Hội đồng Bộ trưởng thông qua một dự luật do Bộ trưởng Tư pháp Liên bang Vincent Van Quickenborne soạn thảo. Dự thảo luật đã được thông qua phải được đệ trình lên Hội đồng Nhà nước và tiến hành thảo luận trong Ủy ban tham vấn trước khi được Quốc hội thông qua.

Trong một thông cáo báo chí vào ngày 17-3 vừa qua, Van Quickenborne chia sẻ: “Họ (cộng đồng Phật giáo) rất xứng đáng với sự công nhận này, điều mà bấy lâu nay họ vẫn chờ đợi trong một thời gian dài”.

Trước đó, tuy chưa được công nhận nhưng đã có rất nhiều hoạt động của Phật giáo diễn ra trên quốc gia này. Vào đầu năm 1910, Alexandra David-Néel, một Phật tử, nhà thám hiểm và cũng là tác giả người Pháp gốc Bỉ, đã giới thiệu Hội Maha Bodhi trong Đại hội của những nhà tư tưởng tự do ở Bruxelles.

Theo dữ liệu điều tra dân số vào năm 2019, 0,3% trong 11,6 triệu dân số của Bỉ là Phật tử

Theo dữ liệu điều tra dân số vào năm 2019, 0,3% trong 11,6 triệu dân số của Bỉ là Phật tử

Hơn thế nữa, giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, một nhóm người quan tâm đến Phật giáo đã tổ chức các cuộc họp ở Bruxelles nhằm thảo luận một số vấn đề liên quan đến tôn giáo này. Sau đó, vào những năm 1960, các trung tâm Phật giáo đầu tiên của Bỉ lần lượt được xây dựng. Liên đoàn Phật giáo Bỉ, được thành lập năm 1997, đang đại diện cho hầu hết các tổ chức Phật giáo hoạt động tích cực trong nước và có 35 tổ chức đoàn trực thuộc. Hiện nay, Liên đoàn này cũng được chỉ định là đại diện của cộng đồng Phật giáo tại Bỉ và là người đối thoại chính thức giữa Phật giáo và Chính phủ Bỉ.

Theo dữ liệu điều tra dân số vào năm 2019, 0,3% trong 11,6 triệu dân số của Bỉ là Phật tử, Cơ Đốc giáo (60%), Hồi giáo (5%), Do Thái giáo (0,3%), các tôn giáo khác (4%) và không có tôn giáo rõ ràng (31%).

Van Quickenborne nhấn mạnh rằng: “Phật giáo hiện có khoảng 150.000 tín đồ ở đất nước chúng tôi. Trong những thập kỷ qua, cộng đồng này đã chứng minh rằng họ có thể tự xây dựng tổ chức một cách có trật tự, cả về mặt hành chính và đại diện, đồng thời đóng góp tích cực cho xã hội của chúng ta. Họ thực sự xứng đáng với sự công nhận này”.

Sự công nhận chính thức của liên bang sẽ cho phép Phật giáo được giảng dạy trong các trường học công lập ở Bỉ cũng như giúp cho các cộng đồng Phật giáo nhận được sự tài trợ của liên bang, vì việc tài trợ cho các hoạt động tín ngưỡng, thờ cúng và các triết lý phi giáo phái đã được quy định rất rõ ràng trong Hiến pháp của Bỉ. Cũng chính điều này sẽ cho phép cộng đồng nâng cấp cơ cấu tổ chức của mình, trả lương và lương hưu cho các nhà tư vấn, đại biểu và tuyên úy Phật giáo, đồng thời tài trợ cho một Ban Thư ký Phật giáo của liên bang.

Động thái này sẽ đưa Phật giáo trở thành triết lý sống thứ tám được công nhận chính thức ở Bỉ, sau Công giáo La Mã (năm 1830), Do Thái giáo (1830), Anh giáo (1835), Tin Lành (1876), Hồi giáo (1974), Chính thống giáo (1985) và tự do-chủ nghĩa nhân văn (2002).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày