Đại dịch có phải là một "cuộc chiến"...

Cùng cố lên nào! - Ảnh minh họa: Ngô Trần Hải An
Cùng cố lên nào! - Ảnh minh họa: Ngô Trần Hải An
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Thật sự đó là một cuộc chiến đấu về sức lực, tinh thần không hơn không kém.

Mới đây, cô tôi từ quê gọi vào báo tin, hai đứa con cô học ngành y, một đứa tốt nghiệp đã có việc làm, một đứa vẫn còn chưa ra trường. Mùa dịch, cả hai đều xung phong tình nguyện đi vào tuyến đầu để làm việc dẫu biết khó khăn và hiểm nguy rình rập.

Cô rất lo lắng, nhưng chỉ biết quỳ trước Bồ-tát Quán Thế Âm mà cầu nguyện cho hai đứa con được bình an. “Lo thì lo vậy, nhưng tụi nó có thể đóng góp cho xã hội, có thể chữa bệnh cứu người là phước phần của tụi nó. Cầu cho tụi nó có đủ sức khỏe để làm việc thật tốt”, cô nói.

Nghe đến đây tôi rớt nước mắt. Sao giống với những bà mẹ ngày xưa trông ngóng những đứa con mình ra chiến trận. Dẫu biết nguy hiểm nhưng không thể ngăn chí nguyện, chỉ biết thầm cầu trời khấn Phật cho cuộc chiến không còn để tất cả mọi người trong đó có cả con mình được bình an quay về.

Đại dịch thực sự là một “cuộc chiến”. Ngay lúc này đây, chúng ta phải gạt những lợi ích, mong muốn riêng tư để nghĩ đến an toàn của xã hội, cộng đồng. Những ngày này, tôi thấy rất nhiều tỉnh thành chi viện cho Sài Gòn cả về nhân lực và vật lực. Đôi lúc bắt gặp những hình ảnh, video của những tấm lòng hướng về Sài Gòn, tim tôi bất giác rung lên, nước mắt cứ chực trào ra. Cảm động vô cùng! Đây là lúc chúng ta cần đến sự tương thân tương ái, sự thấu cảm đối với khó khăn, khổ đau của người là cơ hội để lòng từ bi phát khởi một cách mạnh mẽ nhất.

Hơn thế nữa, để chiến thắng đại dịch, chúng ta phải tự đấu tranh với mình để nói "không" trước những thói quen hằng ngày như ăn uống, đi lại, trò chuyện, vui chơi... Điều này thật không dễ dàng! Chúng ta đừng nghĩ chỉ những bác sĩ hay y tá đang ở tuyến đầu chống dịch mới là anh hùng trong "cuộc chiến" chống đại dịch này, mà chúng ta cũng chính là những anh hùng khi có thể tiết chế các nhu cầu, thay đổi thói quen và thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội. Làm được như thế thì không những giữ an toàn cho bản thân, gia đình và người khác mà còn tránh gây áp lực lên hệ thống y tế của chúng ta.

Và trong đại dịch, chúng ta còn phải chiến đấu với những lo âu, căng thẳng và bất an. Mỗi khi nghe tin về các ca bệnh tăng vèo vèo với tốc độ chóng mặt, chúng ta lại rùng mình sợ hãi, thấp thỏm không yên, sợ những điều xấu nhất sẽ đến với mình và những người mình yêu thương.

Nhưng nếu biết chấp nhận những rủi ro mà tột cùng là cái chết thì chúng ta sẽ cảm thấy mọi thứ thật nhẹ nhàng và không đáng lo như chúng ta vẫn tưởng. Nếu quán chiếu vô thường hằng ngày, quán chiếu về bệnh tật và cái chết thì trong giây phút này, chúng ta vẫn có thể bình tĩnh để đón nhận những gì đang xảy đến. Ta sẽ không sợ những thứ mà ta đã quen thuộc từ lâu. Nếu quá hoảng sợ thì thiền là một phương pháp tốt để làm lắng dịu những cảm xúc.

Chúng ta ai cũng là anh hùng trong cuộc chiến chống Covid này. Hãy đồng lòng, chung tay và bình tĩnh để có thể vượt qua mọi khó khăn và chướng ngại.

Nguyện cầu tất cả đều được bình an!

Bài viết về Sài Gòn mùa giãn cách của bạn xin gửi về email onlinegiacngo@gmail.com, toasoan@giacngo.vn, sẽ được chọn đăng trên Giác Ngộ Online và báo in Giác Ngộ (Chủ đề xin ghi: Sài Gòn mùa giãn cách).

Tòa soạn

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày