Giới tử Ni tại giới trường chùa Thanh Tâm tiếp tục học hành nghi và nghe giáo giới

Cung nghinh Ni trưởng Thích nữ Như Thảo giáo giới tại giới trường chùa Thanh Tâm
Cung nghinh Ni trưởng Thích nữ Như Thảo giáo giới tại giới trường chùa Thanh Tâm
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng nay, 20-11, ngày thứ tư của Đại giới đàn Bửu Huệ, Ni trưởng Thích nữ Như Thảo, Phó Trưởng Thường trực Phân ban Ni giới TP.HCM (Ban Kiến đàn cung thỉnh Đệ thất tôn chứng đàn Thức-xoa-ma-na) quang lâm giáo giới cho giới tử tại giới trường chùa Thanh Tâm.
Ni trưởng Thích nữ Như Thảo giáo giới cho giới tử tại giới trường chùa Thanh Tâm

Ni trưởng Thích nữ Như Thảo giáo giới cho giới tử tại giới trường chùa Thanh Tâm

Theo đó, Ni trưởng Thích nữ Như Thảo giáo giới hành nghi và thuyết giảng với chủ đề: “Gương sáng khai nguồn Ni bộ Bắc tông”. Ni trưởng cho biết sự trưởng thành của chư Ni GHPGVN TP.HCM được như ngày nay là nhờ noi gương giới hạnh và công đức của chư vị Ni tiền bối các thời kỳ. Chư Ni tiền bối là những bậc đã khai nguồn ra Ni bộ và đến năm 2009, GHPGVN thành lập nên Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự ngày nay.

Ni trưởng cũng khái quát về hành trạng của những bậc Ni trưởng tiêu biểu, đóng góp trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam. Chư vị đã công đức khai sơn tạo tự Ni, tập hợp Ni chúng, xây dựng các Ni trường, Phật học viện đào tạo Ni tài.

Ni trưởng Thích nữ Như Thảo sách tấn về những công hạnh của chư Ni tiền bối

Ni trưởng Thích nữ Như Thảo sách tấn về những công hạnh của chư Ni tiền bối

Từ Ni bộ Nam Việt (sau đổi tên thành Ni bộ Bắc tông), đến những bậc Ni tiền bối tiêu biểu của Phật giáo miền Nam như: Ni trưởng Diệu Tịnh, Diệu Tấn, Diệu Viên, Ni trưởng Như Hòa, Ni trưởng Như Thanh, Ni trưởng Diệu Ninh, Ni trưởng Trí Hải, Ni trưởng Huỳnh Liên, Huyền Huệ… Chư vị Ni tiền bối đã tập hợp Ni chúng để ổn định nếp sống thiền môn, khai sơn, xây dựng các Ni trường, Phật học viện đào tạo Ni tài ở miền Nam để lại dấu ấn đậm nét trong hành trình phát triển của Ni giới. Đặc biệt, Ni giới miền Nam với các Phật học viện, Ni trường như: Hải Ấn, Kim Sơn, Từ Nghiêm, Dược Sư… đào tạo Ni tài, kế thừa mạng mạch Phật pháp, nối tiếp truyền thống của Tổ - Thầy.

Ni trưởng nêu lại hành trạng, công đức cao vời của Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo - Kiều Đàm Di, người đã thành lập Ni đoàn thời Đức Phật còn tại thế, để Ni đoàn trên thế giới hôm nay tiếp nối theo hạnh nguyện cao cả đó, trong đó có Ni giới Việt Nam.

Ni trưởng Thích nữ Như Thảo sách tấn giới tử noi gương giới đức của các bậc Ni tiền bối

Ni trưởng Thích nữ Như Thảo sách tấn giới tử noi gương giới đức của các bậc Ni tiền bối

Ni trưởng sách tấn các giới tử: “Các giới tử hãy lấy tấm gương của các bậc Ni trưởng, để thực hành theo đạo hạnh cao quý của quý ngài, một đời quên mình vì đạo, tinh chuyên tu học, công phu công quả, nhẫn nhục, khiêm cung…”.

Tại giới đàn chùa Thanh Tâm, Ni trưởng dạy các giới tử Ni cần tinh tấn tu học để đền đáp công ơn của các bậc lãnh đạo tiền bối, ghi nhớ ân đức của chư tôn đức Ban Kiến đàn, nhờ đó chúng ta mới được thọ nhận giới pháp, đắc giới trở thành người đi trên con đường Chánh đạo. Khi đã trở thành vị Tỳ-kheo-ni cần phải giữ gìn giới luật, oai nghi để trang nghiêm tự thân và trang nghiêm Giáo hội.

Trong những ngày nhập chúng, giới tử tinh cần với sự hướng dẫn của Ban Điều hành giới trường

Trong những ngày nhập chúng, giới tử tinh cần với sự hướng dẫn của Ban Điều hành giới trường

· Trước đó, Ni sư Thích nữ Như Nguyệt, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM cũng giáo giới đến giới tử Ni về “Luật nghi căn bản”.

Ni sư Thích nữ Như Nguyệt nói về "Luật nghi căn bản" cho giới tử Ni

Ni sư Thích nữ Như Nguyệt nói về "Luật nghi căn bản" cho giới tử Ni

Theo Ni sư, việc chọn “người làm Phật”, người xuất gia phải hội đủ oai nghi, giới luật, để làm bậc mô phạm cho nhân thiên và để trở thành người xuất gia đúng nghĩa. Giới luật chính là “chiếc khiêng” để kiềm chế và giữ gìn thân, khẩu, ý cho thanh tịnh. Chính vì vậy, các giới tử phải chuẩn bị đầy đủ tư lương và hành trang cho tự thân để được tấn đàn thọ nhận giới pháp.

Ni sư cũng thông tin về kỳ thi khảo hạch, việc quan trọng là tụng luật của giới tử, giới tử phải thuộc lòng 4 bộ Luật Trường hàng, đây chính là thềm thang cho những giới luật cao hơn, nhất là lãnh thọ giới Tỳ-kheo-ni.

Cần nhất đối với giới tử hiện nay là phải tinh tấn sám hối để tam nghiệp thanh tịnh

Cần nhất đối với giới tử hiện nay là phải tinh tấn sám hối để tam nghiệp thanh tịnh

Ni sư cũng nhắc nhở những oai nghi cần thiết khi sinh hoạt trong giới trường, hay sinh hoạt tu học trong các trú xứ khác, từ oai nghi nhỏ như đi, đứng, ngồi, nằm, ăn, uống… của một vị Thức-xoa-ma-na và Tỳ-kheo-ni phải được chú ý. Cần nhất đối với giới tử hiện nay là phải tinh tấn sám hối để tam nghiệp thanh tịnh, soi rọi nội tâm để được thanh tịnh chuẩn bị tấn đàn thọ nhận giới pháp.

“Trước khi đăng đàn thọ giới, các giới tử gội rửa thân tâm và sám hối, để ba nghiệp thanh tịnh. Việc thọ lãnh giới pháp là để tu tập, chứ không phải để thọ dụng lợi dưỡng. Cho nên, thọ giới trước là để trang nghiêm tự thân, sau là để trang nghiêm Phật quốc”, Ni sư nhắn nhủ đến giới tử.

Giới tử trang nghiêm nghe giáo giới

Giới tử trang nghiêm nghe giáo giới

Chương trình giáo giới, dạy hành nghi tại giới trường chùa Thanh Tâm

Ni sư Thích nữ Như Ngọc - Ni sư Huệ Dâng: "Thanh quy giới trường, oai nghi và thời khóa tại giới đàn"; Ni trưởng Thích nữ Mỹ Thuận: "Tầm quan trọng của việc hành trì giới luật"; Ni trưởng Thích nữ Từ Nhẫn - Ni sư Thích nữ Như Nguyệt: "Bổn phận của người xuất gia và Luật nghi căn bản"; Ni trưởng Thích nữ Như Huệ "Khuyến tấn giới tử"; Ni trưởng Thích nữ Như Thủy: "Nghi lễ hành trì y, bát"; Ni sư Thích nữ Như Nguyệt (Huê Lâm) - Ni sư Thích nữ Lệ Thuận: "Về hành trạng của Trưởng lão Hòa thượng Thích Bửu Huệ"; Ni trưởng Thích nữ Như Phương - Ni trưởng Thích nữ Như Thảo: "Gương sáng khai nguồn Ni bộ Bắc tông"; Ni trưởng Thích nữ Hạnh Ngọc: "Nhơn giới sanh định, nhơn định phát huệ".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày