Pakistan: Phật học được đưa vào chương trình giáo dục quốc gia

Tổng thống Pakistan Arif Alvi phát biểu trong một hội nghị về Phật giáo diễn ra vào tháng 3-2022
Tổng thống Pakistan Arif Alvi phát biểu trong một hội nghị về Phật giáo diễn ra vào tháng 3-2022
0:00 / 0:00
0:00
GN - Bộ Giáo dục Liên bang Pakistan vừa qua đã cho biết, cùng với đạo Zoroast (Hỏa giáo), Phật giáo sẽ được thêm vào chương trình giảng dạy trong lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo của quốc gia này.

Đây là kế hoạch nằm trong dự án Single National Curriculum (SNC). Năm tôn giáo thiểu số khác là Baha’i, Cơ Đốc giáo, Ấn Độ giáo, Kalash và đạo Sikh cũng sẽ được đưa vào sau đó. Ngoài ra, Bộ Giáo dục cũng thông báo rằng họ đang tìm kiếm các chuyên gia hàng đầu về những tôn giáo này để cùng nhau thiết lập nên một chương trình giảng dạy phù hợp.

SNC là chương trình giáo dục duy nhất của quốc gia tại Pakistan, được thành lập như một hệ thống giáo dục nhằm cung cấp cơ hội giáo dục bình đẳng cho tất cả mọi người mà không phân biệt bất kỳ giai cấp hay nền tảng tôn giáo nào.

Dự thảo chương trình giảng dạy về Phật giáo đã được chấp nhận và thông qua vào ngày 4-3 vừa qua, trong khi những tôn giáo khác vẫn đang được tiến hành. Động thái này đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Pakistan, Bộ Giáo dục thực hiện hàng loạt các khuyến nghị về nghiên cứu tôn giáo như vậy, đặc biệt là đối với Phật giáo, một tôn giáo đã từng rất hưng thịnh, nhưng hiện nay lại có nguy cơ biến mất khỏi quốc gia này.

Peter Jacob, Giám đốc Trung tâm Công bằng xã hội (Centre for Social Justice), cho biết việc đưa tôn giáo vào chương trình giảng dạy duy nhất của quốc gia là một thành tựu lớn. “Sự dung hòa các tư tưởng tôn giáo vào chương trình học tập đã tạo ra một luồng gió mới… Đây thực sự là một bước tiến quan trọng.”, ông chia sẻ.

Giáo sư Anjum James Paul, thành viên của Ủy ban Đánh giá Đạo đức thuộc SNC, cho biết thêm: “Sách của chúng tôi phải tuân theo Hiến pháp của Pakistan và không được giảng dạy bất kỳ tôn giáo nào khác với tôn giáo của học sinh hay sinh viên. Vì vậy, giờ đây, việc xóa bỏ sự phân biệt và thành kiến tôn giáo có lẽ là phương pháp hiệu quả và ít tốn kém nhất để nâng cao chất lượng giáo dục. Việc giảng dạy về sự bình đẳng và đa dạng tôn giáo có thể sẽ giúp hòa bình trở lại ở Pakistan”.

Đối với những người theo đạo Phật ở Pakistan, động thái này diễn ra vào một thời điểm rất quan trọng. Bởi vì có rất ít người theo Phật giáo cũng như thiếu nơi thờ tự và các vị tu sĩ dẫn dắt các tín đồ nên nhiều người đã lo ngại rằng Phật giáo có thể biến mất khỏi đất nước này. Trong hoàn cảnh đó, vào năm 2019, chính phủ đã ủy quyền cho tông phái Tào Khê của Hàn Quốc để thành lập một ngôi chùa trên một nền đất cổ của Phật giáo tại Pakistan.

Trong một hội nghị vừa qua, Tiến sĩ Arif Alvi, Tổng thống Pakistan, nhấn mạnh rằng Phật giáo ở các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản được du nhập từ miền Bắc của Pakistan, điều đó cho thấy rằng nơi đây đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá tôn giáo. Trong bài phát biểu của mình, ông cho biết: “Đức Phật đã dạy rằng nếu có quá nhiều mong cầu thì không thể bình an. Phật giáo nhấn mạnh đến việc kiềm chế những dục vọng của bản thân để cân bằng những cảm xúc căn bản khác của con người”.

Phật giáo đã từng đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hình lịch sử và văn hóa ở khu vực Pakistan ngày nay, đặc biệt phát triển mạnh mẽ trong các vương quốc nằm dọc Con đường tơ lụa và Trung Á. Sau các cuộc chinh phạt của hoàng đế Ashoka (268 - 232 trước Tây lịch), nền văn hóa Phật giáo Hy Lạp đã phát triển hưng thịnh dưới thời của vương quốc Gandhara, ngày nay là khu vực thuộc Tây Bắc Pakistan và phía Đông của Afghanistan. Thời kỳ Phật giáo hưng thịnh này đã kéo dài hơn 12 thế kỷ, từ khoảng năm 800 trước Tây lịch cho đến năm 500 sau Tây lịch.

Ngày nay, theo điều tra dân số năm 2017, người Hồi giáo chiếm 96,2% dân số Pakistan, người theo đạo Hindu 1,6%, người theo đạo Thiên Chúa chiếm 1,59%, người Ahmadis 0,22% và các dân tộc thiểu số khác 0,07%.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày