Do thời duyên, hoàn cảnh xã hội của con người trong thời hiện đại, sinh hoạt của chư Tăng Ni cũng bị tác động ít nhiều.
Trong sự thay đổi ấy, có những điều khả dĩ chấp nhận, cảm thông; nhưng cũng có hiện tượng rất khó xem là bình thường đối với người xuất gia.
Tu hành đúng nghĩa là thường xuyên, quanh năm suốt tháng chứ không cứ đợi đến mùa An cư mới… tu! Tuy nhiên, thực tế do các mối tương quan trong đời sống xã hội, trách nhiệm với Giáo hội, chư Tăng Ni ít nhiều bị xao lãng thời khóa thiền môn.
Do vậy, An cư kiết hạ vốn đã ý nghĩa lại càng ý nghĩa thiết thực hơn đối với Tăng Ni trong bối cảnh hiện tại, khi mà người tu hành không chỉ có mục đích tu học, mà nhiều vị còn phải có trách nhiệm được Giáo hội giao phó, phân công.
An cư kiết hạ, xét trên mọi phương diện, là cơ hội quý báu để mỗi Tăng Ni khép mình vào quy củ thiền môn, thực hành các thời khóa chung, cá nhân để tăng trưởng định lực, phát triển trí tuệ.
Chính điều đó làm cho người xuất gia có chất liệu tỉnh thức trong suy nghĩ, lời nói và hành động; là tấm lọc hạn chế các tạp chất tham, sân, si; để các việc làm có tinh thần “Phật sự” như ý nghĩa của từ này.
Do vậy, nếu không phải là công việc đặc thù, trách nhiệm được Tăng sai, thì mọi việc đi lại mang tính cá nhân, ngay cả việc thăm viếng thân nhân, đều là không phù hợp.
Với người có nhận thức tối thiểu, việc đi lại với các nhân duyên cá nhân, không do Tăng sai hoặc tổ chức phân công, thì đều là phi pháp, trái với nếp sống của người tu. Nếu có tàm quý, việc chẳng-đặng-đừng, thì cũng nên tế nhị, biết lỗi, không nên khoe khoang hình ảnh ‘check-in’ các điểm du lịch thường tình.
Ấy vậy mà, dù không nhiều, nhưng hiện tượng khoe khoang ấy vẫn có trên mạng xã hội, của một vài vị trong hình tướng xuất gia, khiến dư luận thắc mắc: “Sao an cư kiết hạ mà thầy lại đi du lịch nhiều thế?”.
Thắc mắc ấy không phải là không có lý. Đang trong mùa An cư kiết hạ, khoe ảnh ‘check-in’ (có mặt) tại các điểm du lịch trong cũng như ngoài nước, với người xuất gia, điều ấy có gì vui?!