Tết của tôi: Tết và kỷ niệm

Tết của tôi: Tết và kỷ niệm
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mỗi khi xuân về, lòng tôi thường bâng khuâng nhớ những kỷ niệm xưa. Tất cả đã là quá vãng, nhưng lòng tôi cứ ngỡ vừa mới đâu đây.

Năm ấy nhà tôi giã từ đất Sài Gòn - Gia Định lên lập nghiệp ở vùng kinh tế mới này. Cái xã Tân Thạnh tôi ở có con đường đất đỏ chạy dọc từ lô 1 đến lô 23, giờ là đường Lê Duẩn của thị trấn Tân Châu. Hai bên là những dãy lô nhà tranh vách đất, bước vài bước là đến bìa rừng.

Dân lên đây lập nghiệp xưa chủ yếu là dân quận Bình Thạnh, được chu cấp vài tháng bo bo… rồi sau đó tất cả đều phải tự túc. Mạnh ai nấy tìm kế sống. Cuộc sống ngàn lần vất vả, tìm đủ kế sinh nhai, làm đủ thứ nghề mà nhà ai cũng đói deo đói dắt. Một lon gạo độn đến mấy ký khoai mì bào sợi hoặc tách hột lựu. Lúc đó ăn để mà duy trì mạng sống, có gì ăn nấy nếu không muốn ra nghĩa địa mà nằm.

Ông ngoại tôi đã ngoài 70 tuổi nhưng phải tìm cách về lại Sài Gòn làm cho một nhà xác để kiếm ít tiền nuôi con, nuôi cháu. Ít lâu sau ông ngoại tôi bệnh nặng về lại nơi này. Mỗi ngày chỉ húp nước canh khoai mì nấu với con ruốc mặn. Mẹ và tôi lúc ấy đi bán bánh mì ở chợ lô 10, giờ là khu vực Trung tâm chính trị huyện, còn các cậu và ba tôi thì đi làm cây làm củi trong rừng.

Buổi sáng ấy bán xong tôi và mẹ đi về, đem cho ngoại ổ bánh mì ngọt. Mẹ gọi: “Ba ơi dậy ăn bánh”. Ông ngoại tôi vẫn không trả lời. Mẹ tôi lắc vai ông, thì ra ông đã chết cứng tự khi nào…Mẹ tôi khóc thảm thiết…Tôi nhớ như in, ngoại tôi mặc chiếc áo sơ mi tay ngắn màu xanh dương cũ bạc, quay mặt vào vách đất mà vĩnh viễn ra đi.

Nhà tôi cùng hàng xóm làm đám tang cho ông ngoại. Cái hòm là 6 tấm ván sần sùi ghép lại sơn màu đỏ bầm. Những tấm vải sô buộc vội lên đầu con cháu… Đó là ngày 27 tháng Chạp năm 1978. Nghĩa địa lô 2 còn thưa thớt những ngôi mộ mới, tro giấy tiền vàng bạc quyện với khói nhang bay vào cõi buồn lung ảo… Ngày mở cửa mả cho ông đúng vào mùng Một tết, nhưng không có con gà đi quanh mộ, gà không kêu không biết linh hồn ông có thức giấc, hay ông vẫn còn ngủ quên đến tận giờ?

Ông ngoại ra đi, nhà bỗng trống huơ trống hoác. Ngoài sân vài cây mai rừng hoa lả tả cánh rơi bay theo gió. Tết không bánh không quà, không có cơm ăn, chỉ có khoai mì luộc chấm muối ớt. Tết không có tiếng cười mà chỉ có những gương mặt gầy xám hốc hác, những hố mắt quầng thâm… Đó là cái tết u buồn nhất của gia đình tôi mà tôi vẫn ghi tạc trong lòng.

Tôi lớn lên giữa chuỗi ngày khốn khó. Mẹ tôi đi làm lúa rẫy vất vả sớm tối cháy lưng cháy tóc, cháy cả tuổi xuân mà vẫn mất mùa liên tiếp… Ba tôi đi làm thợ hình cho một tiệm ở gần chợ Đồng Pal. Chủ tiệm hình là trưởng phòng lương thực. Mỗi ngày ba tôi cũng có được một phần cơm, nhưng phần cơm đó ba tôi không ăn hoặc chỉ ăn vài muỗng còn chủ yếu là ăn khoai mì giở theo, cơm là để dành mang về cho tôi. Ngày nào không có cơm trắng là tôi khóc… Giờ nghĩ lại thấy thương ba mẹ quá chừng…

Hàng xóm bỏ đi gần hết vì không thể chịu nổi cuộc sống ở nơi này. Bạn bè tôi bỏ học gần hết, đứa đi làm thuê, đứa lượm bọc ni lông, đứa đi chăn trâu, đứa đi ở đợ kiếm cái ăn... Khổ dữ lắm! Nhưng ba mẹ tôi quyết không cho tôi nghỉ học. Tôi đi học buổi sáng còn buổi chiều đi mót khoai mì về xắt lát phơi khô bán cho hợp tác xã để kiếm ít đồng mua mấy cái ngòi viết chấm, bình mực, xấp giấy thủ công… Thế đã là hạnh phúc lắm rồi.

Ba mẹ tôi dành dụm cả năm trời, gần tết mới mua được miếng vải về may áo mới cho tôi mặc tết. Ba tôi nói thiếu ăn cũng được ráng có cái áo mới cho con nó mừng. Mẹ tôi đã ngồi cắt và may tay cho tôi. Bánh tết là khoai mì mài trộn với đường chảy, bỏ ít gừng đem nướng hoặc hấp. Đó là món bánh ngon nhất đối với tôi ngày ấy, mà hơn 30 năm rồi, tôi chưa có dịp “tái ngộ” với nó.

Bọn trẻ chúng tôi tụ tập lại chơi pháo chuột, đi ra chợ Đồng Pal mua mão giấy có lông gà nhuộm xanh đỏ về chơi trò cải lương, sắm đủ vai trong các tuồng hát xưa… Đứa làm Phạm Công, đứa làm Cúc Hoa, đứa làm Sầm Hưng… chặt đầu này mọc lên đầu khác… Vui ơi là vui…

Ba ngày tết, chúng tôi được ba mẹ cho đi chơi thỏa thích, không bị la rầy, làm sai gì cũng không bị ăn đòn… vì đầu năm mới mà. Nhưng những ngày Tết rồi cũng qua mau, mọi việc lại trở về nề nếp cũ. Nhà nhà lại tiếp tục vất vả mưu sinh.

*

Hơn 40 năm trôi qua, mảnh đất này giờ thay da đổi thịt, cái xã Tân Thạnh xưa kia giờ là thị trấn sầm uất, hiện đại. Chợ búa đường xá thông thoáng đẹp đẽ, đời sống phát triển mọi mặt. Xuân về nhà ai cũng trang hoàng lộng lẫy, đủ đầy bánh trái… Con nít không còn biết mơ phong pháo chuột hay chiếc áo may tay nữa, vì đã đầy đủ lắm rồi…

Chuyện xưa đành là quá vãng nhưng nó luôn sống trong tôi. Những kỷ niệm ấy giúp tôi thêm yêu mảnh đất và con người của quê hương, càng biết thông cảm cho những mảnh đời nghèo khó, biết phấn đấu vươn lên để biết để làm và để cùng nhau chung sống.

Một mùa xuân mới đang về, ngồi nhớ lại cảnh cũ người xưa lòng vui buồn lẫn lộn. Cõi người ta như một giấc mộng khôn cùng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày