GNO - Ni trưởng Thích nữ Như Ngọc, bậc giáo phẩm Ni cao niên nhất hiện nay, vừa viên tịch tại chùa Phước Huệ (Đồng Tháp), đại thọ 106 tuổi. Ni trưởng là một trong những độc giả gắn bó với Báo Giác Ngộ từ ngày ra số đầu tiên (1976).
Bài viết này ghi nhận nhận lúc Sư bà 103 tuổi.
Điều thật bất ngờ không chỉ với người viết, mà có thể với nhiều người, đó là vị Ni trưởng đã ngoài trăm tuổi vẫn giữ thói quen đọc báo Giác Ngộ, an lạc và giản dị giữa tình thương kính của chư Ni trẻ ở tổ đình Phước Huệ (TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp)…
Trăm nghe không bằng mắt thấy, hay tin về một vị Ni trưởng đã 103 tuổi, là độc giả trung thành của báo Giác Ngộ, tôi đã tranh thủ những ngày cuối năm lên đường tìm về ngôi tổ đình Phước Huệ ở Đồng Tháp.
Mỗi ngày của NT.Thích nữ Như Ngọc đều bắt đầu bằng việc đọc báo Giác Ngộ - Ảnh: Nhã An |
Bước vào khu nhà trù, cảnh tượng thật hoan hỷ, đó là hình ảnh một vị Ni thuần hậu trong bộ áo vạt hò màu khói lam đặc trưng của chư Ni, đọc báo Giác Ngộ cho các vị Ni trẻ khác nghe, thỉnh thoảng nghe tiếng cười thật an lạc.
Đó là Ni trưởng Thích nữ Như Ngọc, sinh năm 1917 tại Đồng Tháp, nguyên Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Tháp, hiện là giáo phẩm Chứng minh Phân ban Ni giới Trung ương, viện chủ tổ đình Phước Huệ.
Dù đã 103 tuổi, nhưng mọi việc Ni trưởng đều tự làm. Thị giả thân cận hơn 30 năm nay của Ni trưởng, Sư cô Như Nghiêm cho biết, từ trước đến giờ, Ni trưởng vẫn giữ nếp tự túc các sinh hoạt hàng ngày, ngay cả khi đã cao niên.
“Ni trưởng lúc nào cũng thương chúng, ân cần nhân hậu, luôn dạy đệ tử phải biết trì giữ giới luật, chấp hành theo thanh quy của chùa. Đặc biệt oai nghi Ni trưởng rất kỹ, kể cả khi ngủ, Ni trưởng lúc nào cũng dạy, phải giữ gìn của thường trụ Tam bảo”, Sư cô Như Nghiêm kể.
Ni trưởng là người tinh tấn, tuân thủ các sinh hoạt đối với người xuất gia, thái độ thì nhẫn nại, đầy từ tâm và tự nghiêm khắc với bản thân, dù lớn tuổi nhưng vẫn cùng đại chúng trong các kỳ bố-tát, thính giới, không bao giờ trễ nãi.
Chính Ni trưởng vẫn duy trì nếp đọc kinh sách, và vẫn đọc báo Giác Ngộ mỗi tuần, việc tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm và duy trì thường xuyên, thành nếp trong đời sống thường nhật.
Các sư cô lắng nghe Ni trưởng Thích nữ Như Ngọc đọc báo Giác Ngộ |
“Mỗi khi nghe giới, Ni trưởng luôn thân tướng trang nghiêm, đó cũng là bài học thân giáo cho tất cả hàng hậu học chúng tôi”, Sư cô thị giả nói.
Từ đầu thập niên 1940, ý thức việc học và tu của Ni giới, Ni trưởng đã rất quan tâm tới việc đào tạo Ni chúng. Do đó, dù hoàn cảnh có thay đổi và khó khăn cỡ nào, ở ngôi tổ đình mà Ni trưởng trực tiếp trách nhiệm vẫn duy trì các lớp gia giáo dành cho người xuất gia, mãi cho đến khi trường cơ bản Phật học của tỉnh nhà được thành lập vào năm 1989.
Đức nhiếp chúng của Ni trưởng thể hiện qua con số Ni chúng tại đây. Trong thời chiến tranh khốc liệt, chùa vẫn luôn có hơn 40 Ni tu học. Hiện tại vẫn nếp thiền môn trong tinh thần lục hòa cộng trú, Ni chúng tiếp nối cũng trên con số đó, có 45 vị cùng tu.
Vận dụng kinh tế tự túc, tổ đình Phước Huệ cũng được biết tới là nơi sản xuất nước tương và chao nức tiếng trong vùng, được nhiều người ăn chay đón nhận, rỉ tai nhau.
Ngoài việc tự túc đời sống thanh giản của thiền môn, đây còn là nguồn để chùa chung sức cho các Phật sự thuở gầy dựng Ni bộ Bắc tông cuối thập niên 1950 cho đến thời gian sau đó cũng như để chia sẻ đến bà con khó khăn trong vùng.
Được ngồi bên cạnh vị Ni trưởng 103 tuổi trong liêu phòng yên tịnh, được quan sát một bậc Ni trưởng ngoài trăm tuổi dường như luôn sống trong chánh niệm, rõ biết từng hành vi, mọi động tác thật nhẹ nhàng, đầy thiền vị, là bài pháp không cần đến ngôn ngữ diễn giảng, sống động hơn bất cứ lời hay ý đẹp nào về nếp sống đạo mà tôi hữu duyên được biết.
Trong cuộc nói chuyện trực tiếp không cậy lời ấy, tôi ngồi yên tận hưởng niềm an lạc từ bi nơi Ni trưởng…
Chùa Phước Huệ - Ảnh: Nhã An/BGN |
Rời tổ đình Phước Huệ, trong tôi vẫn mang theo niềm xúc cảm đong đầy, vẫn văng vẳng giọng bậc Ni trưởng tha thiết đọc bài thơ “Ơn thầy”, một bài học về lòng biết ơn của một người mà đầu xuân này đã bước vào tuổi 104:
“Mẹ cha công đức sinh thành
Vô trường thầy dạy học hành mới hay
Muốn khôn thì phải có thầy
Không thầy dạy dỗ đố mày làm nên
Mười năm luyện tập sách đèn
Công danh gặp bước chớ quên ơn thầy
Trọng thầy mới được làm thầy
Những phường bội bạc sau này ra chi
Thờ thầy sương khói Nhạc Phi
Làm nên danh tướng quản chi lẽ thường
Ngày rằm mùng một nén hương
Muôn năm chuyện cũ làm gương soi đời”.