Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Một lần gặp gỡ Giáo sư Cao Huy Thuần khi còn sinh tiền ở chùa Linh Thái (do cố Hòa thượng Thích Trung Hậu sáng lập). Anh, một trí thức, bậc đàn anh đáng kính cả trong đạo và ngoài đời, đã nói với tôi, “N.C. này, em nên viết về Phật pháp với tuổi trẻ, là cái mình còn thiếu (ý anh nói báo chí Phật giáo) vì chúng ta cần và người trẻ cũng cần hiểu đạo và huân tập tinh thần Phật Pháp để áp dụng vào đời sống”.

Anh chỉ nói ngắn gọn thế thôi. Sau đó tôi có viết mấy bài nhưng tựu trung cũng chỉ viết về tình trạng bạo lực học đường hay đây đó nhắc đến sức khỏe tâm thần của tuổi trẻ hôm nay. Hôm nay thử nhìn lại chúng ta đang ở đâu trong bức tranh toàn cảnh của việc giáo dục Phật pháp cho tuổi trẻ. Có người nói không cần dạy giáo lý nhà Phật khi các em có Hội Phụ huynh, thầy cô, Đoàn, Đội… Nhưng hãy nhớ rằng nếu biết Phật pháp thì chúng ta có thể tránh được những vấn nạn hôm nay.

Bạo lực học đường

Theo báo chí thì “Bạo lực học đường diễn ra gần đây với tính chất, mức độ ngày càng đáng lo ngại, có dấu hiệu gia tăng cả về số lượng cũng như mức độ nguy hiểm cả trong và ngoài nhà trường. Không chỉ là vấn đề ‘động chân, động tay’, mà còn bạo lực cả về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm của nhau”. (báo Nhân Dân, ngày 5-4-2024).

Những học sinh bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, dù là bằng ngôn ngữ thường cảm thấy tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp. Các em không dám ra ngoài hoặc đến trường, không thể tập trung học tập. Những em chứng kiến hành vi bạo lực cũng bị ảnh hưởng tâm lý, cảm thấy sợ hãi và nếu thấy những người gây ra bạo lực không bị xử lý nghiêm thì những em đó cũng có thể hùa theo số đông, nhiều khả năng trở thành người có hành vi bạo lực trong tương lai.

Sức khỏe tâm thần

Còn một vấn đề hết sức đáng quan ngại là sức khỏe tâm thần của tuổi trẻ. Hàng năm, theo báo Tuổi trẻ ngày 26-4-2023, có tới 40 nghìn người tự tử, còn theo báo Người Lao Động thì cũng hàng năm khoảng 5.000 người tìm đến cái chết do bệnh lý trầm cảm. Đặc biệt, theo số liệu của một nghiên cứu, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Tình trạng bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo khi số lượng trẻ ở độ tuổi này bị trầm cảm đang ngày một tăng. Giai đoạn trẻ dậy thì là lúc tâm sinh lý trẻ có sự biến chuyển nhanh chóng. Theo các chuyên gia, đây cũng là thời điểm trẻ dễ bị trầm cảm, lo lắng, tự ti. Theo y khoa, trầm cảm là thuật ngữ dùng để chỉ bệnh lý về tâm thần, cụ thể hơn là tình trạng rối loạn cảm xúc. Khi bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên hay bất cứ độ tuổi nào tiến triển nặng hơn sẽ dẫn đến những suy nghĩ phạm lỗi và cảm thấy bản thân luôn không xứng đáng, mất tự tin,... và cuối cùng có thể là tự sát (!).

Nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm ở tuổi thiếu niên thường do (1) Trẻ bị bắt nạt. Khảo sát cho thấy có đến hơn 20% trẻ em đi học và bị bắt nạt, độ tuổi phổ biến nhất là từ 12 - 18 tuổi. Việc bắt nạt trẻ thiếu niên dẫn đến trầm cảm có thể bằng lời nói hoặc hành động. (2) Mạng xã hội (social media). Tiếp xúc với mạng xã hội nhiều mà chưa biết chọn lọc thông tin dễ khiến trẻ đối mặt với việc bạo lực, bắt nạt qua mạng hoặc bị chê bai, chọc ghẹo, phê phán (cyber bullying). (3) Bị lạm dụng dưới nhiều hình thức. Việc lạm dụng hiện nay rất đa dạng, không còn là lạm dụng thân thể mà còn là tình cảm, tình dục, thể chất. Hậu quả là trẻ thường xuyên cảm thấy tâm trạng buồn bã, bực bội không rõ lý do, đầu óc trống rỗng, dễ nổi giận.

Làm sao đưa Phật pháp đến gần tuổi trẻ?

Đã có những nỗ lực của các chùa, thiền viện khi mở những khóa tu một ngày và nhiều ngày nhưng trừ một số trẻ được cha mẹ đưa đi còn thì chủ yếu đối tượng tham dự là người lớn. Gần đây xuất hiện một số trung tâm “chữa lành” do những KOL (Key opinion leader) hay những người nổi tiếng trong những lĩnh vực tâm lý, đặc biệt những người nổi tiếng trong giới showbiz cũng đứng ra tổ chức, có khi kết hợp với chùa hoặc không. Ở đó, người ta chú trọng vận động theo phương pháp yoga và thở, sau đó tập thiền… Chế độ ăn uống được kiểm soát kỹ theo hướng chay tịnh, diet… Nhưng cũng có những băn khoăn nhất định vì bản thân người hướng dẫn cũng chưa phải là người đã hiểu rõ về thiền (?) hoặc đạt một mức độ tu tập nào đó.

Ở các chùa, ngoài một số người trẻ tham dự các lớp tu tập, còn có Gia đình Phật tử. Thầy trụ trì và các anh chị trong Ban điều hành cũng hỗ trợ cho các huynh trưởng hết mức nhưng cũng chỉ quy tụ khoảng 50 em, một con số rất khiêm tốn.

Nhiều người trẻ Hàn Quốc biết đến Phật giáo qua mạng xã hội - Ảnh: Shutterstock
Nhiều người trẻ Hàn Quốc biết đến Phật giáo qua mạng xã hội - Ảnh: Shutterstock

Cách làm của Hàn Quốc

Gần đây, qua truyền thông, người viết được nghe một bài nói về việc thanh thiếu niên Hàn Quốc đến với đạo Phật thông qua mạng xã hội. Nên nhớ rằng tín ngưỡng ở Hàn Quốc giảm rất nhiều trong những năm qua. Năm 2021 chỉ có khoảng 22% thanh thiếu niên nhận rằng mình có tôn giáo, trong khi năm 2004 là 45% (theo Gallup, Washington D.C). Nhưng điều này có thể thay đổi vì mạng xã hội đã thổi luồng gió mới vào mối quan tâm đạo Phật đối với những người trẻ.

Nhà soạn nhạc Youn Sung Ho là một trong những tác nhân của việc gia tăng sự quan tâm này. Youn cho biết anh đã nhận được sự ủng hộ từ các thế hệ trẻ đối với tư cách tu sĩ Phật giáo của mình. Anh tự đặt một nhân vật là NewJeansNim vào năm ngoái khi đang biểu diễn tại một buổi lễ mừng ngày Phật đản. Anh cho biết video về buổi biểu diễn đã nhận được hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội. “Đó là lúc tôi nghĩ, ‘Ồ, mình cần tạo một nhân vật thật nhanh chóng’”. Anh cẩn thận xây dựng tính cách của nhân vật, trong khi tìm kiếm sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo Phật giáo ở Hàn Quốc. Tính cách sáng tạo âm nhạc của Youn đã thu hút được nhiều thanh niên Hàn Quốc. Và nhân vật này đã làm tăng sự quan tâm của giới trẻ Hàn Quốc đối với Phật giáo.

Đại đức Beomjeong cũng thu hút nhiều người theo dõi trẻ trên mạng xã hội. Thầy còn được gọi là Kkotsnim, có nghĩa là “nhà sư hoa” (flower monk) trong tiếng Hàn (nghĩa là người có thể tỏa hương). Thầy hoạt động tích cực trên Instagram, nơi thầy giao lưu với cả Phật tử và những người không theo đạo. Beomjeong thường chia sẻ ảnh của mình kèm theo mô tả bao gồm giáo lý Phật giáo và suy nghĩ của thầy.

Đại đức Beomjeong nói “Mọi người nghĩ rằng các nhà sư được cho là cao quý, họ được cho là ở trên núi, họ được cho là trong sạch hơn bất kỳ ai khác”. Thầy nói thêm rằng thầy hy vọng sẽ thay đổi quan niệm về các nhà sư và Phật giáo ở Hàn Quốc thông qua mạng xã hội. Thầy nói thêm rằng thế hệ trẻ “muốn và thích những điều mới mẻ, họ rất chào đón và yêu thích điều đó”.

Cách làm tại Hoa Kỳ

Ở Hoa Kỳ, người ta còn theo cách mạnh dạn hơn: đưa thiền vào lớp học với hình thức “dùng giờ nghỉ giải lao cho thiền tập”.

Các trường học trên khắp Hoa Kỳ đã giới thiệu các bài tập yoga, thiền và chánh niệm để giúp học sinh kiểm soát căng thẳng và cảm xúc. Học sinh lớp ba tại tiểu bang Georgia của Hoa Kỳ sắp đến giờ ăn trưa. Nhưng những đứa trẻ của Trường Tiểu học Roberta T. Smith ở thành phố Rex không vội rời đi. Chúng đã sẵn sàng cho một trong những phần yêu thích nhất trong ngày của mình.

Những đứa trẻ nhắm mắt lại và di chuyển ngón tay cái từ trán xuống tim. “Hãy lắng nghe tiếng chuông”, cô giáo Kim Franklin nói. “Nhớ hít thở nhé”.

Trên khắp đất nước, các trường học như Trường Tiểu học Smith đã giới thiệu các buổi học về sức khỏe tâm thần bao gồm các bài tập yoga, thiền và chánh niệm. Học sinh thực hiện các bài tập này ngoài các lớp toán, đọc và khoa học truyền thống.

Năm 2023, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) báo cáo rằng hơn một phần ba học sinh bị ảnh hưởng bởi cảm giác buồn bã và tuyệt vọng kéo dài. Cơ quan này đề xuất các trường học sử dụng các phương pháp chánh niệm để giúp học sinh đối phó với căng thẳng và cảm xúc của mình vì nhiều học sinh Hoa Kỳ phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần sau đại dịch Covid-19.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn. Quỹ Green Light Atlanta giúp các hệ thống trường học tại tiểu bang Georgia chi trả cho một chương trình chánh niệm có tên là Inner Explorer. Đó là chương trình được sử dụng tại Trường Tiểu học Smith, nơi có hơn hai phần ba học sinh là người da đen. Joli Cooper là Giám đốc điều hành của Quỹ GreenLight Atlanta. Cooper cho biết nhóm này coi trọng việc hỗ trợ các cộng đồng da màu trong khu vực. Thông tin từ CDC cho thấy thanh thiếu niên da đen có tỷ lệ tự tử tăng nhanh nhất trong các nhóm chủng tộc. Từ năm 2007 đến năm 2020, tỷ lệ tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên da đen trong độ tuổi từ 10 đến 17 đã tăng 144%. Trên toàn quốc, trẻ em ở các trường học đa số da màu ít được tiếp cận với các chuyên gia sức khỏe tâm thần hơn so với trẻ em ở các trường học chủ yếu phục vụ học sinh da trắng. Chương trình Inner Explorer hướng dẫn học sinh và giáo viên thực hiện các buổi tập thở, thiền và suy ngẫm kéo dài từ 5 đến 10 phút nhiều lần trong ngày. Chương trình này được sử dụng tại hơn 100 hệ thống trường học trên khắp Hoa Kỳ. Giáo viên và quản lý cho biết họ đã nhận thấy sự khác biệt ở học sinh của mình kể từ khi họ đưa chánh niệm vào các hoạt động hàng ngày.

Chúng ta nên làm gì?

Nếu theo Hàn Quốc, Phật giáo Việt Nam sẽ cảm thấy khó nhưng nếu biết vận dụng không gian mạng và những thủ pháp PR với những KOL thì mức độ lan truyền sẽ mạnh mẽ hơn và nhanh hơn.

Còn theo lối Hoa Kỳ, cha mẹ con cái cùng tập trung theo chánh niệm và thiền tập. Chọn một thời khắc nào đó để ngồi thiền và sau đó cha mẹ giảng những điều mình biết về Phật pháp, kể cả khi nói chuyện trước hoặc sau bữa ăn. Cùng nhau đến một ngôi chùa nào gần nhà trong ngày sám hối hay một ngày lễ nào đó để cùng tụng kinh, nghe giảng pháp và thiền hành…

Ngoài ra, chúng ta có thể cải thiện tương tác giữa trẻ em và cha mẹ bao gồm việc thúc đẩy giao tiếp cởi mở, tôn trọng lẫn nhau và các hoạt động chung. Dùng thời gian một cách hiệu quả: Lên lịch các hoạt động gia đình thường xuyên chẳng hạn như các buổi tối chơi trò chơi, đi ra ngoài ăn tối cùng nhau. Điều này giúp tạo cơ hội gắn kết. Khuyến khích giao tiếp cởi mở. Tạo không gian an toàn để trẻ em cảm thấy thoải mái khi bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình. Lắng nghe tích cực và không phán xét để nuôi dưỡng lòng tin. Hạn chế thời gian sử dụng điện thoại, máy tính… Chỉ định các khu vực hoặc thời gian không sử dụng công nghệ; tham gia vào các hoạt động sở thích chung, các hoạt động mà cả cha mẹ và con cái đều quan tâm: có thể là thể thao, một thứ sưu tầm, đọc sách hoặc cùng nhau xem phim. Cha mẹ phải làm mẫu cho hành vi tích cực: Thể hiện sự tôn trọng, kiên nhẫn và hiểu biết trong các tương tác với con cái. Cho trẻ tham gia vào quá trình ra quyết định biểu lộ sự đồng cảm: Cố gắng hiểu quan điểm của nhau. Cùng nhau ăn mừng một thành tích nào đó: Nhận ra và ăn mừng thành tích của nhau, dù nhỏ đến đâu. Điều này củng cố các tương tác tích cực và thể hiện sự hỗ trợ lẫn nhau. Khuyến khích sự độc lập: Hỗ trợ trẻ em phát triển sở thích và kỹ năng của mình. Điều này thúc đẩy sự tự tin và có thể dẫn đến các tương tác phong phú hơn. Cha mẹ giảng pháp qua hành động cụ thể và “thân giáo”.

Quan điểm của Đức Phật về những gì cần giáo dục

Nói theo nhà Phật, giáo dục chính là huân tập lòng từ bi. Từ bi không phải là thụ động yếm thế, nhu nhược mà con người ứng xử tâm lý hay hành động để làm cho mọi người được vui, và chia sẻ nỗi buồn của người khác. Thiếu vắng từ bi, con người sẽ bị chi phối bởi sân hận - nguyên nhân tai hại gây ra khổ đau cho người khác. Chúng ta thấy những kiểu hành xử bạo lực gây đổ vỡ mất hạnh phúc trong trường học giữa bạn bè, giữa phụ huynh với thầy cô hay xa hơn trong xã hội những người thân như vợ chồng anh em, họ hàng cho đến việc lớn như chém giết khủng bố chiến tranh giữa các phe nhóm, giữa các quốc gia v.v… Tất cả đều do sân hận mà ra, nó nằm sẵn ở trong mỗi con người, có dịp là nó bùng nổ. Chúng tôi thấy cần lặp lại quan điểm của mình đã từng nêu rằng: “… Chúng ta đang gặt hái những gì mình gieo trồng trong những năm qua. Một xã hội và một nền giáo dục thiếu vắng lòng từ bi. Học sinh đến trường chỉ biết làm ‘gà nhồi chữ’ đóng tiền, trả công cho thầy cô và xem mọi quan hệ ở mức độ cho-nhận lạnh lùng”.

Như một vị Hòa thượng từng nói:

Có nhọc nhằn khi thăng hoa chấp nhận

Có khổ tâm mới hưởng tận quả lành

Thôi thúc lòng sẽ giục giã bước nhanh

Mong thiện tâm sớm trở thành định hướng.

Vâng, “thiện tâm là định hướng”, dẫu có ra ngoài lối tiếp cận truyền thống cũng không sao vì Phật luôn dạy chúng ta phải biết tư duy phản biện nghĩa là vượt ra ngoài lề thói trước đây (think outside the box), còn phương tiện thiện xảo thì theo lối nào cũng được. Hãy để tuổi trẻ tiếp cận Phật pháp theo hướng ấy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày