Cảm xúc mùa Phật đản: Bàn tay chắp thành liên hoa…

Phật đã về với bà con vùng biên địa - Ảnh: FB Ngocchonly
Phật đã về với bà con vùng biên địa - Ảnh: FB Ngocchonly
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sáng 12-4 ÂL, bắt gặp chùm ảnh từ một người chị Phật tử trên Facebook với chú thích đơn giản mà xúc động: “Quý Thầy tại huyện Lắk vào các buôn làng tổ chức lễ Tắm Phật cho bà con. Đây là hình ảnh Tuần lễ Phật đản tại niệm Phật đường Mê Linh, lễ Tắm Phật tại buôn YaTu”.

Vậy là Phật đã về với bà con vùng biên địa. Ánh sáng của Đức Phật chiếu đến họ là nhờ sự nỗ lực của “bóng áo nâu” dấn thân.

Hoằng pháp lợi sinh là “nhiệm vụ” của người tu, của người con Phật dù trong hình tướng nào. Có thể bằng nhiều cách, phương tiện khác nhau: một bài pháp nhỏ, một việc lành, một sự sẻ chia, hay một buổi ngồi yên, an ủi… Sự kiên nhẫn trên bước đường đến với chúng sinh chính là một hạnh nguyện mà bậc xuất sĩ vẫn phát nguyện, làm mỗi ngày trong chính sự tu-học của mình. Họ hành Bồ-tát đạo bằng đại nguyện của mình, có người đã không ngại khó đến với đồng bào, mang hình ảnh Phật và giáo lý sống thiện, giữ tâm trong sạch, an lành đến họ.

Khi sự tu vững, sự học đủ đáp ứng để họ có thể bình yên khi gặp, tháo gỡ khó khăn khi cần hay vỡ ra khi tham vấn thì họ sẽ đến với đạo, với con đường sáng. “Sứ giả của Phật” chính là những vị Thầy như vậy, những người tiếp nối con đường của Đức Như Lai.

Ta vẫn thường nghe lời nguyện “báo Phật ân đức” mỗi khi làm một Phật sự nào đó. Tinh thần “phụng sự chúng sinh” vẫn luôn hiện hữu trong những người đã nhận ân khai thị của Phật, thấy con đường sáng và đang đi trên đường ấy. Và đó chính là một trong những phẩm vật để cúng dường lên Tam bảo, mỗi ngày chứ không phải đợi đến sinh nhật Phật.

Trở lại với hình ảnh dễ thương mà tôi đã gặp sáng nay. Tự nhiên muốn chia sẻ đến những Phật tử khác để ai cũng có niềm hoan hỷ. Phật pháp nhiệm mầu chính là ở chỗ có thể làm thay đổi tâm thức con người, từ chỗ xấu sang tốt, từ vô minh thành trí tuệ.

Câu chuyện của ngài Vô Não năm xưa vì vô minh mà giết người, gặp Phật khai thị cũng đã thành Thánh tăng. Không có cái vô minh sẽ không thể có bừng ngộ. Không có khổ đau thì sao biết đâu là hạnh phúc. Hay không bùn làm gì có sen. Cái thấy tận cùng của đạo Phật là ở chỗ duyên sinh, ở nơi bất nhị đó. Từ đây xóa đi phân biệt, thấy ai ngộ hay chưa ngộ cũng đều là… lẽ đương nhiên. Mình ngộ rồi thì thấy xấu ác hay hiền thiện đều có lý của nó, đều là bài pháp để trở về an trú, chánh niệm.

Hình ảnh những người Phật tử vùng biên, trong cái thấy phân biệt thì sẽ còn cảm xúc này kia, nhưng khi nhìn vào Phật tánh vằng vặc trong mỗi người thì đồng nhau không khác. Ở đâu có sự quay về nương tựa Tam bảo, ở đó có ánh sáng rọi vào trong tâm. Cơ hội giác ngộ và chuyển hóa sẽ đến với tất cả mọi người hữu duyên với Phật, đã từng gieo hạt Bồ-đề. Còn ai chưa thấy, cũng không sao. Vì đó là… lẽ đương nhiên của họ, chưa đủ duyên thì gặp Phật cũng lướt qua. Đủ duyên, duyên sâu thì ai có cấm mình cũng không bỏ, có khi càng cấm càng có động lực để đi đến. Như cuộc đấu tranh năm 1963 là một ví dụ.

Đạo Phật nhiệm mầu còn ở chỗ, tạo được sức mạnh vô biên từ sự bất bạo động. Cái xấu cái ác thường dùng sức mạnh đối kháng vì nghĩ rằng sẽ đè được tất cả nhưng cái thiện chỉ bằng tình thương, sự hiểu biết. Hai nguồn năng lượng hiểu và thương đủ lớn, đủ sâu thì không còn sợ hãi nữa, dẫu cho thân hoại mạng chung. Đủ hiểu và thương cũng sẽ không phân biệt, không công kích ai nữa, họ đáng thương khi đi qua “con đường” tối ấy hơn là đáng tránh. Nghĩ thế nên thương.

Phật pháp rồi sẽ nhiệm mầu và lan tỏa. Không chỉ đồng bào ở buôn YaTu thôi mà còn nhiều người khác, nơi khác. Như Đức Phật đã hứa khả, “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”.

Kính lễ những ai đã thấy một con đường và nguyện theo. Xin chắp một búp sen tặng người…

Chùm ảnh đồng bào YaTu ở huyện Lắk lễ Phật trong mùa Phật đản Phật lịch 2567 trên FB Ngocchonly:

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày