Kho tàng ẩn giấu của cố họa sĩ Phan Kế An

0:00 / 0:00
0:00
GN - Từ ngày 11-3 đến ngày 16-4-2022, Viện Pháp tại Hà Nội - L’Espace sẽ tổ chức triển lãm “Phan Kế An - Kho tàng ẩn giấu”.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1143 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1143 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Tại đây, lần đầu tiên sẽ giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật loạt tác phẩm chưa từng được công bố của cố họa sĩ Phan Kế An - cây đại thụ của làng hội họa Việt Nam.

Triển lãm giới thiệu chuỗi di sản nghệ thuật của cố nghệ sĩ Phan Kế An, bao gồm các tác phẩm hội họa đa chất liệu, các tác phẩm học tập và nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật Repin (Liên Xô cũ) và những ký họa văn nghệ sĩ, danh nhân nửa cuối thế kỷ XX.

Một tác phẩm vẽ về phụ nữ của danh họa Phan Kế An
Một tác phẩm vẽ về phụ nữ của danh họa Phan Kế An

Cụ thể, có 3 bức tranh sơn mài, 1 bức tranh sơn dầu, 1 bức tranh lụa và một loạt tranh ký họa đặc sắc của nghệ sĩ. Tất cả các tác phẩm này đều được gia đình của họa sĩ bảo quản, lưu giữ cẩn trọng qua nhiều năm tháng tới tận ngày nay. Những bức tranh được ví như “kho tàng ẩn giấu” này sẽ hé lộ nhiều điều bất ngờ về hành trình sáng tác và cuộc sống nghệ thuật những năm 1945-1960.

Bức tranh "Gác chuông" (vẽ chùa Trăm Gian)
Bức tranh "Gác chuông" (vẽ chùa Trăm Gian)

Chia sẻ về sự kiện nghệ thuật này, họa sĩ Vũ Đỗ (The Painter’s Studio) - giám tuyển triển lãm cho biết: “Điểm đặc biệt của triển lãm lần này là những tác phẩm được trưng bày tại đây chưa từng được công bố, ẩn giấu trong những tài liệu được tìm thấy ở tư gia của nghệ sĩ, và là những tác phẩm dang dở, chưa hoàn thiện, nhưng không vì thế mà mất đi giá trị. Bản thân chúng là nhân chứng của lịch sử, chứa đựng câu chuyện, kỷ niệm riêng của người họa sĩ.

Những bức tranh tại triển lãm phản ánh quá trình làm việc, những trăn trở, suy nghĩ, thậm chí là sự thất vọng trong hành trình sáng tác gian khổ của một người nghệ sĩ, đồng thời hé lộ nhiều manh mối, câu chuyện về cuộc đời sáng tác của ông. Đặc biệt, tất cả đều có giá trị về mặt nghệ thuật với sức rung cảm và gây ấn tượng mạnh mẽ, cho thấy sự sáng tạo và thể nghiệm không ngừng của một cây đa, cây đề trong giới hội họa”.

Trong khi đó, bà Phan Mai Thanh Thúy, con gái cố họa sĩ Phan Kế An xúc động bày tỏ: “Từ xưa đến nay, bố tôi hầu như không có triển lãm riêng, trừ hồi đi kháng chiến. Thực tế là vì hầu hết tranh của ông đều được bán hết ngay, có bức chưa ráo mực đã có người mua rồi. Một vài lần triển lãm chung ở 16 Ngô Quyền, bố tôi phải đi mượn lại tranh đã bán để trưng bày. Đó là lý do tôi ao ước thực hiện một buổi triển lãm riêng cho ông, nhưng chưa làm được vì điều kiện chưa cho phép”.

Chính vì vậy, ngay khi Vũ Đỗ đề đạt, tôi rất mừng, bởi tôi tin tưởng rằng, họa sĩ trẻ này là một người có tâm, được đào tạo bài bản và Viện Pháp tại Hà Nội cũng tạo điều kiện rất nhiều và là một đơn vị uy tín. Đây là cơ hội để đưa các tác phẩm của ông đến với công chúng”.

Tranh lụa "Hoa phượng"
Tranh lụa "Hoa phượng"

Song hành với triển lãm là tọa đàm cùng tên được tổ chức tại Hội trường Viện Pháp Hà Nội vào sáng ngày 13-3-2022, với mong muốn giới thiệu cho công chúng một góc nhìn mới về bảo tồn và kế thừa di sản nghệ thuật.

Họa sĩ Phan Kế An (1923-2018) thuộc thế hệ các họa sĩ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, còn được biết đến với bút danh Phan Kích - được đánh giá là một họa sĩ đa tài, một trong những cây đại thụ của nền hội họa Việt Nam thế kỷ 20. Ông từng là sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương - École des Beaux-Arts de l’Indochine, niên khóa 1944-1945 và là một trong những thành viên đầu tiên của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Bức tranh nổi tiếng "Nhớ một chiều Tây Bắc" của họa sĩ Phan Kế An
Bức tranh nổi tiếng "Nhớ một chiều Tây Bắc" của họa sĩ Phan Kế An

Họa sĩ thành công ở thể loại tranh sơn mài, sơn dầu, nổi tiếng nhất là bức Nhớ một chiều Tây Bắc (1950), bức tranh đã gợi cho họa sĩ - nhà thơ Đoàn Việt Bắc sáng tác thơ và nhạc sĩ Vũ Thanh phổ nhạc cho ca khúc “Nhớ một chiều Tây Bắc”. Ông cũng chính là họa sĩ đầu tiên được vẽ ký họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1948 ở chiến khu Việt Bắc với khoảng 20 tác phẩm. Vì những đóng góp của mình cho nền nghệ thuật Việt Nam, Phan Kế An đã được trao Giải thưởng Quốc gia về Văn học và Mỹ thuật (2001).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là khẳng định của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tại buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.
Tìm người thân

Tìm người thân

Cháu Minh Đạo đã đi khỏi nhà và không có liên lạc với gia đình trong hơn 3 ngày qua. Vì những biểu hiện tâm lý có phần chuyển biến không tích cực, nên phải thường xuyên theo dõi trị liệu. Gia đình chúng tôi mong được sự giúp đỡ của chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tại các tự viện...

Thông tin hàng ngày