“Hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có một hội nghị gồm đầy đủ đại biểu các tổ chức, giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước: Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ và Phật giáo Khmer, Tăng Ni và nam nữ cư sĩ, già và trẻ, từ mọi miền trên đất nước Việt Nam đã vân tập về đây, trong hội trường trang nghiêm và rực rỡ với một quyết tâm sắt đá: xây dựng hoàn thành ngôi nhà thống nhất Phật giáo Việt Nam”, Hòa thượng tuyên bố.
Như trong nội dung của hai bài trước đã giới thiệu, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã diễn ra nhiều cuộc vận động thống nhất và kết quả là đã đi đến được thống nhất. Tuy nhiên, ngoại trừ sự thống nhất Phật giáo dưới thời nhà Trần, các cuộc thống nhất còn lại đều gặp một số trở ngại do cơ chế, hoặc do hoàn cảnh đất nước bị chia cắt tạm thời, nên chưa thực sự thống nhất xứng với danh xưng thống nhất toàn quốc, trọn vẹn lãnh thổ của đất nước ta và đầy đủ các thành phần, hệ phái, truyền thống, tổ chức Phật giáo hiện hữu.
Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ, Hà Nội - Ảnh tư liệu GN |
“Sự thống nhất thực sự, trọn vẹn và dân chủ”
165 đại biểu thuộc các đoàn của Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam: Hội Phật giáo Thống nhất VN, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM, Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước Tây Nam Bộ, Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam, Thiên Thai Giáo Quán tông, Hội Phật học Nam Việt, các đại biểu Tăng Ni, cư sĩ tiêu biểu (38 vị giáo phẩm Hòa thượng, 70 vị Thượng tọa, 18 vị Đại đức, 6 vị Ni trưởng, 11 Ni sư, 1 Sư cô, 21 nam, nữ cư sĩ), là những vị tiêu biểu các tông phái, tổ chức mang theo nguyện vọng thống nhất trong một ngôi nhà Giáo hội chung đã cùng vân tập về chùa Quán Sứ, Hà Nội dự Hội nghị từ ngày 4 đến 7-11-1981.
Với vai trò Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng Thích Trí Thủ trong trả lời phỏng vấn Báo Giác Ngộ trước sự kiện này đã bày tỏ ẩn ý thú vị: “Thật là vô lý khi suốt một đời người từ tấm bé đến lúc già nua chỉ mặc có một chiếc áo mà cũng vừa và hợp thời trang hay sao? Đạo Phật là đạo của khế cơ khế lý mà lại đứng yên một chỗ, một hình thái thì thật là kỳ cục và chỉ đưa đến sự hủy diệt mà thôi”. (Báo Giác Ngộ số 131, năm 1981)
Đó cũng chính là điểm gặp gỡ của chư tôn đức giáo phẩm, các vị đứng đầu các Giáo hội, tông phái, hệ phái lúc bấy giờ. Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM cho rằng việc thống nhất Phật giáo là “cơ duyên để củng cố lại tư tưởng gần với Chánh pháp phù hợp với tình cảm của dân tộc…”. Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, Tăng thống Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam xác quyết rằng, Phật giáo không thể đứng ngoài lịch sử, “Việc thống nhất Phật giáo sẽ tạo cho Phật giáo có tiếng nói chung, có tổ chức chung và sự đóng góp cho Phật pháp cùng dân tộc sẽ to lớn hơn, mạnh hơn”, Hòa thượng nhận định.
Sau phiên trù bị ngày 3-11-1981, Hội nghị làm việc chính thức trong 4 ngày liên tục tiếp theo với nhiều nội dung, trong đó đặc biệt tập trung thảo luận các văn kiện quan trọng là Dự thảo Hiến chương và Đại cương Chương trình hoạt động của GHPGVN, nghe tham luận của đại diện 9 tổ chức, hệ phái Phật giáo tham dự; giới thiệu về cơ cấu của Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và Ban Thường trực thuộc cơ cấu Trung ương Giáo hội; suy tôn Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, suy cử Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN...
“Sau ba lần khiêm nhường thoái thác trước toàn thể đại biểu, nhưng với sự cung kính nhất tâm quy ngưỡng của toàn đại hội, với thái độ trang nghiêm, chư tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận và Hòa thượng Thích Trí Thủ cuối cùng cũng đã hoan hỷ nhận gánh trách nhiệm lãnh đạo Giáo hội, ngôi nhà chung và thực sự thống nhất của Phật giáo Việt Nam”. Trong niềm xúc động, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, là thành viên trẻ nhất trong Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam, đại diện cho hệ phái Phật giáo Khất sĩ hồi tưởng giờ phút thiêng liêng chiều 7-11-1981, tại phiên bế mạc, giới thiệu 50 vị giáo phẩm vào Hội đồng Chứng minh, suy tôn Pháp chủ; tuyên đọc danh sách 49 vị vào Hội đồng Trị sự và suy cử Chủ tịch.
Sau khi thành tựu viên mãn, Hội nghị đã ban hành Nghị quyết gồm 7 điểm, công bố Đại cương Chương trình hoạt động gồm 6 điểm, ra Tuyên bố về trách nhiệm bảo vệ hòa bình thế giới, ra Lời kêu gọi gởi đến toàn thể Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, xác nhận vai trò GHPGVN kế thừa lịch sử truyền bá giáo lý Phật-đà hơn hai ngàn năm, là tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước.
Niềm vui về sự ra đời của một tổ chức Giáo hội trong ý nghĩa thống nhất thực sự và trọn vẹn lan tỏa không chỉ trong Tăng Ni, Phật tử mà rộng đến cả các giới bên ngoài xã hội.
Nói về sự kiện “ngàn năm một thuở” này, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm bộc bạch ngay sau đó, “Việc thống nhất Phật giáo là một nguyện vọng ấp ủ lâu nay của mọi giới Tăng Ni, Phật tử cho nên hội nghị thành công làm cho mọi người vô cùng phấn khởi”. Đại diện cho tôn giáo bạn, Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình cũng đã có lời chúc mừng sự thành công của Hội nghị. Nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa Võ An Ninh tin tưởng sự ra đời của GHPGVN sẽ đem đến một sinh khí mới để Phật giáo góp phần xây dựng đất nước, làm vẻ vang cho Phật giáo Việt Nam.
Nhiều vị giáo phẩm tôn túc, cư sĩ là chứng nhân của sự kiện lịch sử trên đã viên tịch, qua đời; một số vị vẫn còn đang tiếp tục các trọng trách của Giáo hội cũng như các công tác khác, như Hòa thượng Thích Thiện Bình, Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Hòa thượng Thích Trí Quảng, Hòa thượng Dương Nhơn, Hòa thượng Danh Nhưỡng, Hòa thượng Thích Giác Toàn, Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Hòa thượng Thích Thiện Duyên, Hòa thượng Thích Trí Tâm, Cư sĩ Tống Hồ Cầm, Cư sĩ Nguyễn Văn Hàm…
Ông Xuân Thủy phát biểu tại Hội nghị - Ảnh Tư liệu GN |
Những lời lưu danh muôn thuở
Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam có ý nghĩa lịch sử hết sức lớn lao, là kết quả của một quá trình vận động nhiều tháng trước đó và đáp ứng nguyện vọng của Tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam từ Bắc chí Nam, một số nước hải ngoại. “Nền thống nhất này dựa trên tinh thần dân chủ, lấy tứ chúng đồng tu làm cơ sở, chứ không dựa trên giáo quyền, phong kiến hay quyền lực cá nhân”. Lời khẳng định của Hòa thượng Thích Trí Thủ trong Diễn văn khai mạc cũng là cơ sở về đường lối hoạt động của GHPGVN trong mấy mươi năm qua, để GHPGVN là tổ chức duy nhất xứng đáng đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Xuân Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước, sau khi chia sẻ những kinh nghiệm và ưu tư về đất nước trong bối cảnh thế giới, ông khẳng định “Phật giáo ở Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước”, và ông chúc mừng sự thành công của hội nghị lịch sử này, đồng thời bày tỏ sau Hội nghị Thống nhất, dưới ngôi nhà chung, Tăng Ni và Phật tử “sẽ góp phần cùng với dân tộc viết thêm những trang sử mới huy hoàng”.
Ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN tại phiên khai mạc, xác quyết chân lý được lịch sử chứng minh: “Kinh nghiệm chỉ ra rằng khi nào tôn giáo gắn bó với dân tộc, đoàn kết với nhân dân thì khi đó tôn giáo mới làm sáng tỏ chân lý đạo giáo của mình”. Hội nghị Thống nhất Phật giáo VN là sự kiện lịch sử sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, độc lập và tự chủ; đây là cơ hội để Phật giáo VN phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc của mình.
Trong buổi tiếp đoàn các đại biểu tham dự Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam tại Phủ Chủ tịch ngày 8-11-1981 sau khi Hội nghị thành tựu viên mãn, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ, MTTQVN và nhân dân chúc mừng, ông chia sẻ rằng món quà cao quý mà ông thường dành tặng đến các quốc khách nước ngoài là tôn tượng Phật nghìn tay nghìn mắt, tiêu biểu cho Phật giáo Việt Nam. “Trong quá khứ, Phật giáo Việt Nam đã gắn chặt với dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Lịch sử đã xác nhận Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo từ bản chất, bản sắc từ trong thực tiễn hoạt động của mình, biểu hiện truyền thống yêu nước, gắn bó chặt chẽ với dân tộc, với Tổ quốc. Trong sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc ngày nay, Phật giáo Việt Nam đã góp phần xứng đáng. Đối với Việt Nam, nói đến tôn giáo là người ta nghĩ ngay đến đạo Phật, đến những việc làm cao quý, đẹp đẽ của đông đảo Tăng Ni, Phật tử. Đạo Phật ở Việt Nam mang màu sắc dân tộc Việt Nam rõ rệt. Có thể nói rằng Phật giáo Việt Nam đã góp phần làm sáng ngời lý tưởng của dân tộc, và trưởng thành cùng dân tộc”.
Lời của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng được đúc kết trong cùng một âm hưởng xác quyết truyền thống của gắn bó của Phật giáo Việt Nam với dân tộc, đó là “hộ quốc an dân”, sự ra đời của GHPGVN là tất yếu lịch sử, kế thừa truyền thống ấy phù hợp với thời đại, như phương châm đã được đưa vào Hiến chương ngay từ ngày thành lập: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.
Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam từ ngày 4 đến 7-11-1981 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội chính là Hội nghị thành lập GHPGVN, đem đến “một nguồn vui vô hạn” và “đánh dấu bước đi mới của Phật giáo Việt Nam…” như lời của Hòa thượng Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự Thích Trí Thủ trong Lá thư xuân Nhâm Tuất - 1982 gửi đến toàn thể Tăng Ni, Phật tử.
Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM:
Lúc bấy giờ, trước Hội nghị Thống nhất Phật giáo Việt Nam (1981), Hòa thượng Thích Trí Thủ là Viện trưởng Viện Hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã bàn bạc với tôi để cơ cấu phái đoàn tham dự Đại hội. Sau đó đã nhất trí thỉnh Hòa thượng Thích Thiện Siêu - thành viên Viện Tăng thống làm Trưởng đoàn, Hòa thượng Thích Từ Nhơn làm Phó đoàn, tôi làm Thư ký đoàn. Thành phần tham dự còn thỉnh thêm Hòa thượng Thích Chánh Trực (Quảng Trị), Hòa thượng Thích Thanh Trí (Huế) cũng như các vị Chánh đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất các tỉnh thành phía Nam tham gia đoàn.
Giai đoạn đó, khó nhất của Hội nghị là đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở phía Nam vì trong tâm của mỗi người đã muốn thống nhất nhưng cái tình thì nặng lòng. Các phái đoàn thuộc 8 tổ chức Phật giáo khác, theo tôi cảm nhận có dễ hơn, do số lượng ít, đã gắn bó với các phong trào cách mạng.
Tuy nhiên, vào hội nghị rồi thì tất cả cùng gặp gỡ nhau một cách dễ dàng, chỉ thay đổi một số chi tiết cho phù hợp với thời đại xã hội chủ nghĩa, phù hợp với quần chúng khi nước nhà đã thống nhất. Hội nghị nhất tâm suy tôn Đức Hòa thượng Thích Đức Nhuận làm Pháp chủ. Ngài là vị cao tăng đã được lòng Tăng Ni phía Bắc. Trong thời điểm lịch sử đó, Hòa thượng Pháp chủ đưa ra mấy yêu cầu quan trọng mà ai cũng cảm động, trong đó có vấn đề: “Đã thành lập Giáo hội thì phải mở trường đào tạo Tăng tài, còn không mở trường thì tôi không làm Pháp chủ”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã đồng ý với những nguyện vọng chính đáng của Phật giáo.
Hội nghị cũng nhất trí suy cử Hòa thượng Thích Trí Thủ làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự. Ngài là một vị danh tăng đã tích cực lặn lội ba miền vận động thống nhất, được nhiều giới kính trọng. Trong khi làm việc ở Viện Hóa đạo, ngài được xem là vị thầy của Tăng Ni miền Nam lúc bấy giờ, nên suy cử Hòa thượng Thích Trí Thủ vào vị trí lãnh đạo Giáo hội là thích hợp. Hai vị Hòa thượng Phó Chủ tịch Thường trực, đại diện miền Bắc là Hòa thượng Phạm Thế Long (Nam Định), đại biểu Quốc hội, có uy tín với Tăng Ni phía Bắc; Hòa thượng Thích Trí Tịnh đại diện miền Nam, là vị thầy của Tăng Ni, cũng được mọi người kính trọng.
Với uy tín và tầm nhìn của chư vị giáo phẩm đứng đầu Giáo hội như vậy đã tạo thuận duyên, sự đồng thuận của Nhà nước, sự ủng hộ của toàn thể Tăng Ni, Phật tử. Và đó chính là nền tảng vững chắc cho tiến trình phát triển của Giáo hội.
Đình Long lược ghi
_____________
* Xem tiếp kỳ sau: Đặc điểm hệ thống tổ chức nền tảng của Giáo hội từ ngày đầu thành lập