Những cảm xúc về sự kiện lịch sử ấy vẫn còn tươi mới, những nhận định và tầm nhìn vẫn nguyên giá trị.
Xin trích giới thiệu một số suy nghĩ của các bậc tiền bối, chư tôn đức tham dự đặt nền móng cho ngôi nhà Giáo hội. Trong bài, Giác Ngộ giữ nguyên giáo phẩm của chư tôn đức, chức vụ của lãnh đạo tại thời điểm tháng 11-1981.
Hòa thượng Thích Trí Thủ (trích Diễn văn khai mạc Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam, chùa Quán Sứ, Hà Nội, ngày 4-11-1981):
“Hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử 2.000 năm Phật giáo Việt Nam, chúng ta có được một hội nghị gồm đủ đại biểu của các tổ chức, giáo hội, hệ phái trong cả nước: Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ, và Phật giáo Khmer, Tăng Ni và nam nữ cư sĩ, già và trẻ, từ mọi miền đất nước Việt Nam đã vân tập về đây, trong một hội trường trang nghiêm và rực rỡ này, với một quyết tâm sắt đá: xây dựng hoàn thành ngôi nhà thống nhất Phật giáo Việt Nam”.
Đại biểu các tổ chức, hệ phái thảo luận về chương trình hội nghị - Ảnh: Tư liệu GN |
Thượng tọa Thích Minh Châu (trích Báo cáo về quá trình thống nhất Phật giáo Việt Nam tại Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam):
“Nay nước nhà đã được thống nhất, thời bước tiến tới tất yếu của chúng ta là phải thống nhất Phật giáo. Đây không những là nguyện vọng tha thiết của đồng bào Phật tử thương nước mến đạo, mà đây cũng là bước tiến tất yếu của bánh xe lịch sử trong cao trào của cộng đồng dân tộc Việt Nam đang xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Có thống nhất Phật giáo mới đoàn kết được toàn thể Tăng Ni, Phật tử cả nước, và mới trở thành một sức mạnh, một sức mạnh để bảo vệ độc lập của Tổ quốc, một sức mạnh để xây dựng và phát huy đạo pháp. Có thống nhất, chúng ta mới tập trung đủ khả năng, đủ nghị lực để loại trừ những mê tín dị đoan, những tư tưởng tiêu cực và yếm thế đã làm vẩn đục và hoen ố tấm gương sáng chói của Chính pháp.
Một hội nghị mở ra trong bối cảnh đất nước đã hoàn toàn độc lập và thống nhất, trong sự mong đợi thiết tha bao đời của giới Phật giáo đồ trong và ngoài nước, với cảm tình và hỗ trợ chân thành của Đảng, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương cho đến địa phương”.
Đại biểu thảo luận về Hiến chương và đề cương Chương trình hoạt động của GHPGVN - Ảnh: Tư liệu GN |
Thượng tọa Thích Trí Quảng (Thư ký Đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Tiểu ban Hiến chương):
"Trước đây nguyên là Tổng vụ trưởng Tổng vụ Thanh niên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở miền Nam (Phật giáo Ấn Quang) nên tôi cũng có hiểu biết là tình hình Phật giáo trong này có nhiều phức tạp, khó khăn trong nội bộ; dù đã một, hai cố gắng thống nhất nhưng cũng không đạt được ý nguyện hoàn toàn, vẫn còn nhiều hệ phái và tổ chức đứng ngoài. Vì thế mà khi ra đi tôi thấy nhiệm vụ của mình rất nặng nề, sợ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, tôi cũng có lo lắng là mình chưa quen biết hết đại biểu các phái đoàn, khi tiếp xúc không biết phải làm sao.
Nhưng dù thấy có khó khăn, vẫn ra đi theo sự đề cử của Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo. Đó là do tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự sáng suốt của Hòa thượng Viện trưởng đã giao trách nhiệm cho tôi. Và do tôi đã đặt hết niềm tin vào hồn thiêng đất nước cũng như vào sự hộ niệm của chư Phật sẽ giúp tôi hoàn thành được nhiệm vụ. Như thế tôi ra đi với trọn vẹn niềm tin đó, chỉ biết rằng mình đi là với hết cả niềm tin của mình đem dâng hiến trọn vẹn cho Đất nước và Đạo pháp.
Quả nhiên khi đến với hội nghị, tiếp xúc với tất cả các đại biểu tôi mới thấy rõ rằng thành phần tham dự có khác nhau nhưng tất cả đều gặp gỡ nhau trong tình thương và Đạo pháp.
Riêng phần tôi được đề cử vào trong Phân ban 1 soạn thảo Hiến chương và thành phần nhân sự của Hội nghị cũng như sau đó được cử làm Trưởng ban Hoằng pháp của Hội đồng Trị sự của Giáo hội là một vinh hạnh lớn. Trong quá trình làm việc ở Hội nghị, tôi đã được Hòa thượng Thích Thiện Hào, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, giúp đỡ ý kiến khích lệ tôi rất nhiều”.
Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận ký vào bản Hiến chương - Ảnh: Tư liệu GN |
Thượng tọa Thích Giác Toàn (Ủy viên Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam):
“Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam, 9 tổ chức, hệ phái đã đồng tâm nguyện thành lập GHPGVN là một sự kiện trọng đại, khiến Tăng Ni, Phật tử hoan hỷ.
Trước ngày hội nghị, không phải không có những tín đồ Phật tử tỏ ý lo ngại, thắc mắc với những tâm tư riêng nhưng kết quả rực rỡ của hội nghị đã xóa đi hết những lo âu của mọi người. Trong hàng ngũ lãnh đạo Giáo hội, người Phật tử đã nhìn thấy nhiều khuôn mặt quen thuộc trước, những bậc giáo phẩm hết lòng vì đạo, vì đời.
Việc thông qua Hiến chương và đại cương Chương trình hoạt động của GHPGVN cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với Giáo hội càng cho thấy khả năng phát triển và đóng góp hiệu quả hơn của Phật giáo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
(Giác Ngộ số đặc biệt, 132 - 133, 1 - 15-11-1981)
Hòa thượng Thích Trí Thủ - Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng - Ảnh: Tư liệu GN |
"Tôi rất hoan nghinh hội nghị mà quý vị đã chuẩn bị công phu từ non hai năm qua, thực hiện bao mong đợi của bao Tăng Ni, Phật tử, một hội nghị đã đánh dấu một giai đoạn lịch sử. Dân tộc Việt Nam ta cho đến nay qua bao sóng gió, vẫn hướng về phía trước, bảo vệ Tổ quốc. Chắc chắn rằng, trong sự nghiệp đó, đóng góp của đạo Phật và Phật tử sẽ càng trở nên quan trọng. Quá khứ đã chứng minh đạo Phật là một tôn giáo gắn liền với Tổ quốc và dân tộc Việt Nam qua quá trình dựng nước và giữ nước lâu dài.
Ở Việt Nam, nói đến tôn giáo là nghĩ tới một ngôi chùa, tới những điều quý báu đẹp đẽ. Chúng ta có thể rất khiêm tốn nhưng vẫn thấy cái gì đó đã làm cho dân tộc trải qua bao sóng gió của nhiều thế kỷ vẫn lớn lên. Sức mạnh của bản thân dân tộc, tài năng và trí tuệ của dân tộc, đã làm nên một bản lĩnh độc đáo mà trong đó có đóng góp của đạo lý nhà Phật và chưa bao giờ trong lịch sử, dân tộc ta vững mạnh như ngày nay”...
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng phát biểu tại buổi tiếp xúc với đại biểu Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam, 8-11-1981